Trang

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Võ Dũng, bạn tôi

Cháu Tô Lan Hương mời viết bài về chú Võ Dũng. Tôi đã cố tổng hợp những gì được nghe Hiếu Dân kể lại cùng câu chuyện chú Sáu tâm sự với cánh Trỗi, cả thông tin từ Trần Phong và viết. Bài được đăng trên phụ san Đang Yêu của Phụ nữ Thủ đô. Mời cùng đọc! (KQ)



Chuyện qua những người thân về người con trai cả của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mất vợ và 3 người con trong chiến tranh. Một trong 3 người con của ông là bạn của chúng tôi – Võ Dũng – người bạn học ở trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Võ Dũng là một trong 30  học sinh và thầy giáo Trường Thiếu sinh quân hy sinh, là một trong những niềm tự hào của học sinh trường Trỗi!
Võ Dũng, Hoàng Sùng, Nguyễn Bình hè 1967, Quế Lâm, TQ.
(Ảnh Nguyễn Bình lưu giữ mới tặng lại anh em năm 2012).
Võ Dũng, bạn tôi thuở ấy
Ngày 5/8/1964, sau Sự kiện Vịnh Bắc bộ, đế quốc Mỹ bắt đầu chiến tranh phá hoại ra miền Bắc XHCN. Tháng 3/1965, chúng mở rộng chiến tranh phá hoại, tăng cường những cuộc không kích ném bom các tỉnh miền Bắc. Bọn trẻ chúng tôi khi đó tuổi mới 12-13 (có cha mẹ là cán bộ trung, cao cấp trong và ngoài quân đội đang chiến đấu, công tác ngoài chiến trường) được tổ chức cho đi sơ tán xa thành phố, tránh bom đạn. Ngày đầu ở gần Phố Thắng, Hiệp Hòa, Hà Bắc (nay là Bắc Giang).



Một chiều tháng 5, có chiếc com-măng-ca chạy từ phía rừng trẩu bên kia đồi lên Trại Hòe, nơi chúng tôi đóng quân. Bước ra xe là một phụ nữ dong dỏng cùng 2 em gái, đi sau cùng là một cậu trạc tuổi chúng tôi. Thầy Ninh Cử Trực ra đón. Khi cô và 2 em gái ra về, thầy Trực dẫn cậu bạn ra giới thiệu: “Đây là bạn Võ Dũng, con một cán bộ Trung ương Cục miền Nam. Bạn ra miền Bắc cùng em gái, ba mẹ ở lại trong đó. Dũng từng là học sinh miền Nam. Từ hôm nay, Dũng là bạn các em”. Dũng chớp chớp đôi mắt,khoanh tay, gật đầu chào cả lớp. (Mãi sau này mới biết, người phụ nữ đưa Dũng lên hôm đó là cô Bảy Huệ, vợ bác Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) cũng đang công tác ở B2).
Bọn trẻ chúng tôi ở trường ngày ấy, ngoài thời gian ôn tập lại chương trình lớp 5 là các giờ học Điều lệnh nội vụ, tập đội ngũ, quân phong quân kỉ… Buổi chiều sau giờ tự tu (tự học), chúng tôi có “tiết mục” tưới rau, chăm vườn lấy rau xanh cải thiện bữa ăn; sau đó đá bóng rồi ra mương thủy lợi sau trường bơi lội. Các thầy còn dạy đào hào, làm công sự; đi lên lớp hay xuống nhà ăn phải đi đều; khi ăn phải dùng đũa 2 đầu... Tất cả chúng tôi hào hứng với những “khái niệm nhà binh” hoàn toàn mới. Ngày đó ở lớp có cả các bạn từ các trường Học sinh miền Nam về học. Cánh học sinh miền Nam từng sống xa cha mẹ nhiều năm, nên trò nghịch ngợm nào của lũ trẻ sống tập thể cũng biết. “Học thầy không tày học bạn”, Võ Dũng luôn cầm chòm các trò nghịch này; hết lấy que diêm cháy làm “muỗi Sài Gòn” dính vào chân bạn, đến lấy kim khâu và mực Tàu xăm hình lên cánh tay hay trốn ngủ trưa ra mương câu cá, mò cua…
Ngày đó, Dũng tuy nghịch ngợm nhưng đã là một cậu bé có tinh thần gan dạ, dũng cảm. Khi không khí chiến tranh lan tới nơi đây, trường chúng tôi học nằm ngay dưới đường bay của giặc Mỹ tới ném bom Nhà máy Phân đạm Hà Bắc. Những lần có máy bay Mỹ, cả bọn bị “lùa” xuống hầm trú ẩn,  nhưng trẻ con nào có sợ gì, đứa nào cũng cố thò cổ lên xem máy bay, trong khi bom đạn cứ nổ ùng oàng phía xa. Riêng Võ Dũng cứ đứng ngay trên miệng hầm, lấy tay che mắt nhìn pháo cao xạ của ta bắn lên. Thấy cả tên lửa rạch trời vút lên, rồi chớp nổ màu da cam, cả bọn hô ầm ỹ: “Hoan hô, cháy rồi, cháy rồi!”.
Chuyện kể qua em gái Võ Hiếu Dân
Dù chơi với nhau, bọn tôi cũng ít hỏi cha mẹ bạn mình là ai, làm gì. Chúng tôi hầu như không biết bạn tôi là con của ông Tướng này, hay Ủy viên Bộ Chính trị kia. Với Võ Dũng cũng thế, chưa bao giờ chúng tôi biết bạn là con của chú Sáu Dân – người sau này trở thành Thủ tướng Võ Văn Kiejt. Phải hàng chục năm sau khi Võ Dũng đã hy sinh, gặp cô em gái Võ Hiếu Dân, tôi mới được nghe Hiếu Dân kể  về gia cảnh: “Má Trần Kim Anh là người phụ nữ  đẹp. Ông bà ngoại buôn bán, khá giàu có ở miền Tây. Chính ông bà đã lo tiền bạc cho ba đi hoạt động. Ba cưới má đến 1951 thì sinh anh Dũng tại Rạch Giá. Họ nội chính là họ Phan, nên anh Dũng có tên khai sinh là Phan Chí Dũng....Sau 1954, ba không tập kết mà ở lại hoạt động bí mật, lúc ở rừng khi về thành phố; còn Dân và anh Dũng lếch thếch theo má, sau lưng là emgái Ánh Hồng (sinh 1958), giạt hết nơi này đến nơi khác. Vì chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp dã man, sau Luật 10/59, cơ quan Trung ương Cục phải tạm lánh sang Phnôm-pênh. Ba đưa 2 anh em theo cùng. Ngày đó chính quyền của Quốc vương Sihanouk rất có cảm tình với Việt Nam, nên đây là “chỗ dựa liền lưng” tin cậy. Tại đây, họ cho phép ta ra tờ báo tiếng Việt có tên“Trung Lập” và mở một rạp chiếu bóng. Anh em Dũng cùng con em một số cán bộ ta sang đây từng được xem phim “Chung một dòng sông”, “Lửa trung tuyến”, “Trở lại Điện Biên”, “Công trình thủy nông Bắc-Hưng-Hải” “Đáng đời thằng cáo”… ở rạp này.
Năm 1960, ba quay lại Nam bộ. Từ Phnôm-pênh, 2 anh em được các chú đưa ra miền BắcXHCN. Có chú gọi là “Má Chín” lo mọi thủ tục giấy tờ cho các cháu con em Trung ương Cục. Hôm đó cả bọn theo Má Chín ra sân bay Pô-chen-tông, bay chuyến bay của Air France qua Hồng Kông. Má Chín dặn không được nô đùa, nghịch ngợm (chắc sợ bị lộ đường dây?). Từ sân bay Hồng Kông, sau khi làm thủ tục nhập cảnh thì lên xe chạy tới bến phà biển, sang Quảng Châu (Trung Quốc). Nghỉ ít ngày thì lên tầu liên vận về Hà Nội. Hai anh em xa ba má khi anh Dũng mới 9 tuổi, còn Dân lên 5… Nhưng trong cái không may lại có những may mắn, 2 anh em được dì Bảy Huệ (vợ cố TBT Nguyễn Văn Linh) đón về nuôi ở 19 Tông Đản;gặp cả anh em Trần Phong, Trần Minh (con chú Hai Sớm) cũng ra năm sau. Dì Bảy chăm sóc 2 anh em chả khác gì má ở nhà.
Vì Dân còn bé nên ở Hà Nội đi học với Hòa, Bình - con dì Bảy. Anh Dũng được gửi vào học trường Học sinh miền Nam số 19, 21 ngay Cầu Rào, Hải Phòng. Đến năm 1963, Bộ Giáo dục có chủ trương cho những học sinh miền Nam có ba mẹ hoặc người thân ở miền Bắc về sống với gia đình, tạo điều kiện được chăm sóc tốt hơn. Anh Dũng được dì Bảy đón về.  Trong đại gia đình, anh Dũng lớn hơn cả, rất thương yêu và nhường nhịn các em. Dân cùng Hòa, Bình và Linh con dì Bảy coi anh là thần tượng. Tối tối trước giờ đi ngủ, anh Dũng hay kể những chuyện trinh thám đầy bí hiểm và hấp dẫn. Vừa kể anh vừa hóa thân thành các hiệp sĩ oai hùng, luôn đấu tranh bảo vệ chính nghĩa”.
Võ Dũng – bạn tôi và em gái Hiếu Dân sau này có thêm em út là Phan Chí Tâm sinh đầu 1966.  Nhưng sau khi sinh em, thì một nỗi đau mất mát vô cùng lớn xảy ra má Kim Anh cùng 2 em Ánh Hồng và Chí Tâm sống ở Sài Gòn. Chú Sáu Dân khi đó là Bí thư Khu ủy T4 (Khu Sài Gòn – Gia Định), sống trên cứ. Cuối năm ấy, Trung ương Cục cử côTư về Sài Gòn đón má Kim Anh và 2 em lên cứ. Đi xe đò không an toàn nên cô Tư  đã điều nghiên và chọn chuyến đi theo đường sông. Từ Sài Gòn có những chuyến tàu sông, chở khách lên mạn Dầu Tiếng, Tây Ninh. Con tầu Thuận Phong thường chở vợ con sĩ quan, binh lính ngụy lên thăm chồng ở đồn Dầu Tiếng được cô Tư chọn. Oái oăm thay, đúng thời gian này lính ngụy tổ chức trận càn lớn. Ngày 17/12/1966, có lệnh thiết quân luật, cấm mọi tàu bè chạy qua khu vực Củ Chi. Ông chủ tàu Thuận Phong đêm trước say rượu, không hay biết tin; sáng ra vẫn cho tàu rời bến. Rời Sài Gòn hơn tiếng đồng hồ thì tàu vào vùng cấm;chả cần cảnh cáo, đoàn trực thăng yểm trợ cứ thế bắn xối xả, con tàu trúng đạn, chìm dần. Toàn bộ hành khách trên tàu không còn ai sống sót. Má Trần Kim Anh, em Ánh Hồng và Chí Tâm đều chết trong chuyến tàu định mệnh này. Khi tin dữ đến với chú Sáu Dân, ông đau đớn vô cùng, liền mấy ngày liền, ông đi dọc bến sông nơi tàu Thuận Phong chìm, để tìm vợ, tìm con, trong đó có đứa con trai mà ông chưa biết mặt. Vậy mà chú Sáu không quên dặn: không được cho thằng Dũng và con Dân biết tin này.
Thời gian má Kim Anh và hai em hy sinh, ở trường Thiếu sinh quân của chúng tôi ngoài Bắc, ngoài việc học tập văn hóa, Dũng và bạn bè còn được học quân sự, làm quen với súng trường CKC và tiểu liên AK. Thỉnh thoảng , Võ Dũng nhận được thư ba nhưng chỉ có vài chữ thông báo: Má và 2 em con vẫn khỏe. Đầu năm 1967, chiến tranh phá hoại ác liệt hơn, nhà trường được sơ tán sang Quế Lâm, Trung Quốc.  Xa má đã 7 năm mà không có một lá thư của má, với sự nhạy cảm của chàng trai 16, Võ Dũng cảm nhận được rằng chắc chắn đã có điều không lành xảy ra. Trong Nam, mũi tên hòn đạn có chừa ai… Dũng gửi thư hỏi thăm ba, không thấy ba trả lời về vụ ấy. Vậy là Dũng bỏ học, nhiều lần lên gặp Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh, nằng nặc xin về nước: “Cháu biết các chú giấu cháu tin má đã hy sinh. Giờ cháu chẳng còn thiết học hành. Các chú phải cho cháu về nước chiến đấu, trả thù cho má”. Biết không thể giấu mãi, nhà trường đành phải cho Dũng biết toàn bộ sự thật và cho Dũng về nước theo nguyện vọng của mình.
Tháng 3/1968, rời Quế Lâm về nước, bạn tôi được vào rèn luyện tại Trường Quân chính Quân khu Tả ngạn, đóng ở Hải Dương. Nào tập hành quân đường dài với ba lô đựng gạch nặng vài chục kí trên vai; nào tập xạ kích AK, CKC, ném lựu đạn, đặt mìn;  nào đào hào, đào tang xê… Với chàng trai vừa qua tuổi thiếu niên, chỉ quen ăn học thì như vậy quá là gian khó, vất vả; nhưng Dũng không ngại khó, lầm lũi rèn luyện, chẳng hề kêu ca. “Nợ nước, thù nhà đã giục tao hành động như vậy. Chỉ có như thế mới có thể đủ bản lĩnh, sức lực vào chiến trường”, sau này Võ Dũng đã tâm sự với Nguyễn Đức Dũng (bạn cùng đi rèn luyện) như vậy.
Ban Thống nhất Trung ương liên tục cử những đoàn cán bộ dân chính vào Nam công tác. Tháng 8/1969, Dũng lên tập trung ở Hòa Bình và được ghép đoàn. Nghe tin Dũng sắp đi, dì Bảy Huệ, cô Tư Duy Liên và em Hiếu Dân đã lên thăm. Ai cũng lo vì Dũng còn quá trẻ, khi vào Nam nơi đang có chiến tranh, gần với cái chết, sẽ sống ra sao; nhất là ngày đi học Dũng nghịch ngợm quá. Nhưng Võ Dũng cười và hứa một câu xanh rờn: “Dì và cô yên tâm đi, con quyết sẽ trả thù cho má và 2 em. Lần này con đi “một - xanh cỏ, hai - đỏ ngực”! Dũng đã sống đúng với lời hứa đó….
(Còn tiếp...). 

4 nhận xét:

  1. Đã đọc đi đọc lại mấy lần nhưng lần nào cũng súc động, cảm phục xen lẫn tự hào! Anh thật súng đáng con ba Kiệt!

    Trả lờiXóa
  2. Đọc bài viết về Võ Dũng của các bạn, TP thực sự xúc động! Những kỉ niệm thời niên thiếu chợt ùa về. Niên học 1963-1964, TP và Võ Dũng cùng học 1 lớp ở trường Nguyễn Trãi, đầu phố Cửa Bắc, khu Ba Đình Hà Nội. Ngày nay, ngôi trường này mang tên trường THPT Phan Đình Phùng. Tại đây, Võ Dũng đã vinh dự được kết nạp vào Đội thiếu niên Tiền phong HCM. Buổi lễ kết nạp thật ấn tượng. Đó là một buổi tối, sân trường được giăng đèn sáng trưng. Đây là buổi kết nạp tập thể. Dự lễ kết nạp có thầy Lương Hiệu trưởng, các thầy cô giáo và rất nhiều Đội viên. Khi được trao khăn quàng đỏ, Võ Dũng xúc động lắm. Bài hát Đội ca vang lên rồi bài hát "Chiếc khăn hồng" tiếp nối. Tiếng vỗ tay vang lên không dứt.
    Tôi còn nhớ, hồi ấy, có phong trào Đội viên nhận bánh cam bán để lấy tiền ủng hộ cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Các chú bộ đội trong bộ quân phục chỉnh tề đi bán sách trong phong trào này. Võ Dũng rất hăng hái,trong khi tôi và các bạn khác rất ngượng ngùng, nhất là các bạn nữ.
    Nhân đây, tôi cũng xin bày tỏ tình cảm với Ngài Norodom Sihanouk quốc vương Campuchia. Chính từ đất nước của Ngài, chúng tôi đã dễ dàng đi ra miền Bắc XHCN.

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn TP vời những lời tâm sự chân thành của người trong cuộc! Này, sao vào blog của câu không được? Còn dùng không?

    Trả lờiXóa
  4. Kiến Quốc! Blog YH! hay bị trục trặc nên mình tạm nghỉ. Khi viết trang blog mới mình sẽ báo cho cậu. Mình vẫn thường xuyên sinh hoạt cùng các bạn ở TRANG THƠ!

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.