Đúng là chiến tranh và chiến trường. Nó không chỉ là bài hát, câu thơ của các văn nghệ sỹ, mà nó vô cùng khốc liệt. Mới chỉ một năm trước, tốt nghiệp ĐHQS, tôi khoẻ đẹp như một hoàng tử. Vậy mà chỉ một năm sau tôi đã như một con mèo hen, yếu đuối, rụt rè...
Tôi lại gặp Vị, cũng nằm bệnh xá. Không những vậy còn gặp cả Chung, cũng lại nằm bệnh xá. Chung là kỹ sư ra đa, vào Trung đoàn cao xạ 591.
Ba đứa chúng tôi dìu nhau ra suối tắm. Nước suối chỉ gần tới đầu gối, chảy chậm. Vậy mà 3 đứa phải nắm chặt tay nhau, dò dẫm bước trên những tảng đá, cứ như là buông tay nhau ra thì bị suối cuốn mất tăm mất tích.
Và, tôi lại gặp Lương! Té ra Lương được cử đi học y tá nhưng học ngay ở bệnh xá sư đoàn. Tôi ngạc nhiên một thì khi gặp tôi, Lương ngạc nhiên mười.
Tôi không hiểu là cô ấy nghĩ gì, song một điều chắc chắn là cô ấy không tưởng tượng được là tôi lại sa sút đến vậy. Mới ngày nào gặp tôi bên bờ suối, tôi là chỉ huy, lại trẻ trung, phong độ. Vậy mà... Liệu cô ấy có thương hại tôi không?
Tôi ít tiếp xúc với con gái, cũng dễ hiểu thôi, vì từ 17 tuổi đến nay đi bộ đội, mà môi trường bộ đội thì rất ít con gái. Thêm nữa lại không bạo dạn, làm việc thì tôi rất sôi nổi, song hay cả nghĩ, sống nội tâm. Cũng vì vậy tôi mà rất sợ con gái... nói nhiều.
Sau khi tròn xoe mắt nhìn tôi một cách kinh ngạc, Lương không nói gì... Nhưng tôi được em quan tâm và chăm sóc đặc biệt. Nếu rỗi là em lại chạy sang lán bệnh nhân của tôi. Em pha nước bột cam cho tôi, và ngồi cuối giường chẳng nói chẳng rằng, phe phẩy cái quạt... Xa nhà, trong cảnh ốm đau, tôi như có một cô em gái chăm sóc mình.
Lúc đó tôi mới 25 tuổi - cái tuổi với bao ước mơ, khát vọng, bao nỗi riêng tư... Song có lẽ tôi đã rất già, rất khô khan. Hay vì tôi đã trở thành một con chiên ngoan đạo, hay một chú tiểu đã xuống tóc đi tu... cần xa lánh trần tục.
Em ngồi cuối giường, phe phẩy cái quạt, vừa quạt vừa đọc một cái gì đó. Mắt tôi vô tình hướng tới khe hở nơi cúc áo ngực, một phần thịt trắng nõn nà, lại trăng trắng của dải coóc-xê... Xấu hổ quá, vội ngoảnh mặt sang hướng khác.
Buổi tối, em lại xuống, hỏi thăm: “Anh đã ăn được chưa, em tìm sữa pha cho anh nhé?...”.
Đúng là sốt rét cuối mùa mưa, lán bệnh chật ních người. Buổi tối, chỉ có ngọn đèn dầu leo lét. Háo, thèm một miếng cam Vinh. Nhớ hôm hành quân vào, chờ ở trạm giao liên Hưng Dũng, tôi, Quý Quyết, Công Sơn (cùng cánh khóa 1 Đại học KTQS) mua liền nửa gánh cam Vinh, giá 3 hào rưỡi/1kg, ăn kỳ hết thì thôi. Giờ thèm quá.
Tôi bị sốt rét rất nặng, song không ở thể rét, chưa bao giờ tôi bị rét run cầm cập cả, mà ở thể nóng, sốt cao, nóng hầm hập, toàn thân đau nhức, rã rời, uể oải.
Em lại xuống, “để em bỏ màn cho anh nhé!”. Em cẩn thận dắt mấy góc màn. Tôi bảo, đang sốt rét, trong người đầy vi trùng rồi, chả phải phòng muỗi đốt nữa đâu. Nhưng em vẫn nhoài qua người tôi để dắt màn góc bên trong. Ối trời ơi, ngực em sát ngay trên mặt tôi! Tôi cảm thấy hai bầu vú to, căng mẩy như hai quả cam đang treo ngay trên mắt mình. Và tôi như ngửi thấy mùi thơm, mùi thơm toát ra từ thân thể của một người con gái, trẻ trung, căng tràn sức sống, phồn thực. Nói “tôi cảm thấy” là vì tôi đã... nhắm tịt mắt lại rồi.
Sau lớp học bị sốt rét, tôi vào đội điều trị binh trạm, chưa khỏi tôi đã về. Lại nằm bệnh xá sư đoàn, cũng lại đã 10 ngày rồi. Đã lại bắt đầu mùa khô, sốt ruột quá, trung đoàn xe của tôi đang gấp rút bước vào mùa vận chuyển mới, tôi lại đòi về...
Hôm ra về, tôi không gặp lại Lương, cô ấy đang thực hành băng bó.
Sau khi học xong lớp y tá, em được điều về trung đoàn công binh. Từ đó đến nay, đã 35 năm rồi, tôi không gặp em. Không rõ gia cảnh em thế nào, bây giờ em ở đâu?
Có tiếng ai đó: “Ôi dào, tưởng gì. Có thế mà đã hơn 30 năm rồi, ông anh băn khoăn làm gì?”. Tôi bảo: “Không đâu, có những khoảng khắc, những con người mà cả đời người, ta không sao quên được”.
Đột nhiên, Hùng nói: “Em cũng có một cô gái, mà cho đến bây giờ em cũng không quên được. Cũng đã mấy chục năm rồi, cũng không rõ cô ấy ở đâu, số phận giờ cô ấy ra sao?”. Cũng lại trầm ngâm, (tại sao khi nhắc lại quá khứ, người ta hay trầm ngâm thế nhỉ? À, dễ hiểu thôi, vì đó là tình cảm, là quá khứ, là nỗi nhớ), Hùng kể:
- Em chạy giao liên cơ giới. Bên Lào ngừng ném bom rồi, không sợ bom nữa, song em vẫn chạy đêm cho mát. Bữa đó, em chở toàn chị em ra Bắc, có cả thương binh nữa, tới đèo Phu-la-nhíc em dừng xe cho chị em xuống nghỉ.
Đi một vòng ra sau xe, nghe thấy tiếng hát nho nhỏ: “Tính tính tang tang tình... con chim Ch’rao xinh hát líu lo ca mừng công anh...”. Em đập vào thùng xe: “Này, không xuống mà đi đái đi à, còn ở đó mà tính tính tính?”.
Anh có biết không, đáp lại là một giọng lạnh tanh, phớt đời: “Có còn chân đâu mà xuống!”. Ngạc nhiên, em leo lên thùng xe. Nằm trên cái võng vắt ngang qua hai thành xe là một cô gái mà hai chân bị cắt cụt ngang đùi. Thoáng nhìn em đã bị xốc!
“Làm sao mà cô bị thế này?”. Một thoáng im lặng: “... Hỏi chi lạ? Mìn”. “Thế cô ở đơn vị nào?”. “Du kích”. “Quê cô ở đâu?”. “Hỏi chi mà hỏi lắm...? Trà Vinh”.
Cô ấy không muốn nói chuyện. Dễ hiểu thôi, một cô gái mà hai chân bị cắt cụt, thì còn lấy đâu ra hào hứng mà nói chuyện nữa. Một nỗi buồn, một nỗi thất vọng tràn ngập cả cuộc đời, nhất là với cuộc đời của một người con gái.
Em để ý cô ấy chỉ chừng 19, 20 thôi. Rất đẹp! Trăng sáng giữa rừng soi tỏ mặt cô ấy, một khuôn mặt trái xoan, trắng, xanh. Và đặc biệt là đôi lông mày, thế nào nhỉ, như hai vệt thẫm nhung huyền mềm mại trên đôi mắt đen bồ câu. Có thể nói chưa bao giờ em cảm xúc trước một cô gái như vậy, một cảm giác đau, sâu thăm thẳm, vừa luyến tiếc, vừa cảm phục. Tiếc quá, hai chân cô ta bị cắt cụt rồi!
Bỗng cô bé hỏi em: “Ra Bắc còn xa không anh, em muốn được sớm ra Bắc quá?”. Không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà em lại trả lời cô ấy bằng cái giọng tưng tửng mà về sau, không bao giờ em tha thứ cho mình: “Xa đấy, tới Quảng Bình là 100 km, tới Hà Nội là 700 km. Liệu mà… nằm!”.
Em hỏi: “Thế có muốn đi... không, tôi bế?”. “Dạ!”. Vậy là em cúi xuống bế cô bé lên. Trời ạ, người gì mà nhẹ vậy? Còn có một mẩu! Cô bé ngoan ngoãn choàng tay qua cổ em, vừa có mấy chị em về, em trao cô bé cho họ.
Em còn chạy nhiều chuyến giao liên nữa. Ngay lúc đó thì em không để ý lắm nhưng về tới đơn vị và cho đến tận bây giờ hình ảnh cô bé đó, đôi mắt đó, đôi lông mày đó, và cả đôi chân cụt vẫn ám ảnh em, không thể nào quên.
Nhìn những giọt cà phê nhỏ tí tách, mà mỗi giọt là một giây trôi qua. Im lặng. Chúng tôi như cùng một suy nghĩ... Hùng nói: “Em nói thật nhé, tiếc mãi là sao mình không hôn cô ấy một cái? Em tin đó là cái hôn thánh thiện nhất đời em!”.
Đúng vậy, tôi nói và có lẽ mọi người cùng nhận thấy như vậy. Biết bao sự hy sinh hồn nhiên và thầm lặng.
Đã hơn 30 năm trôi qua, bây giờ Em ở đâu?
Hà Nội, 28/3/2009
NTS
Phục anh Sơn thật đấy, thế mà không xảy ra chuyện gì!
Trả lờiXóaN.TV
Chả phải em, bác Sơn nhẩy!!!
Trả lờiXóaĐã chuyển lời thăm hỏi và "nịnh" của N.TV đến anh Sơn.
Trả lờiXóaÔng có thể email cho anh Nguyen Thanh Son theo: nguyenson1947@gmail.com