Ông Đoàn Văn Nhâm.
Bị hóc xương gà, anh Chung, ở xóm 8, xã Nhân Thành, (Yên Thành, Nghệ An) gọi điện thoại cho cụ Nhâm nhờ chữa. Cụ bảo ngay "dập máy đi, lo mà làm ăn" rồi cúp máy luôn. Anh Chung bỗng thấy cơm trong bụng dồn lên trào ra cùng chiếc xương.
Về đến huyện Yên Thành hỏi thăm nhà ông Nhâm (Bính) chữa hóc xương, hầu như người dân ai cũng biết. Người thì bảo đó là thầy chữa hóc xương, kẻ thì nói ông có khả năng ngoại cảm... Họ đều ca ngợi ông với một tấm lòng khâm phục, biết ơn và kính trọng.
Cũng chẳng khó khăn gì, chúng tôi đã tìm về nhà ông ở xóm Bắc Sơn xã Nhân Thành, cách tỉnh lộ 538 khoảng 20km về phía Nam. Nhà ông nằm ở giữa xóm, mái ngói đơn sơ, mang dáng dấp của một ngôi nhà cổ đã lâu đời. Ông Nhâm mái tóc bạc phơ, khuôn mặt phúc hậu, chất phác đang ngồi uống chè xanh với một ông lão hàng xóm.
Khi biết ý định của chúng tôi, ông xởi lởi rót nước mời rồi điềm đạm: "Tui năm nay đã 88 tuổi, cũng gần đất xa trời, rồi còn giúp được gì cho mọi người thì giúp".
Ông Đoàn Văn Nhâm xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo. Những năm chống Pháp, ông cũng tham gia đi dân công 2 năm rồi về quê lấy vợ, sinh con. Hiện tại, ông Nhâm có 8 người con đã trưởng thành. Các con của ông người đi công tác xa, người lấy vợ lấy chồng ra ở riêng. Ông sống với người con út và mấy đứa cháu.
Mặc dù đã cao tuổi nhưng trông ông vẫn còn khỏe, da dẻ đỏ đắn, nói năng rất minh mẫn. Chúng tôi hỏi ông biết chữa hóc xương từ khi nào? Ông cho biết: "Khi cha tui gần mất, ông đã truyền nghề cho tui, khoảng ba chục năm rồi. Nghề ni chỉ lúc sắp chết mới truyền lại được!". Về nguồn gốc xuất phát của chữa bệnh hóc, ông chỉ nói vậy.
Chúng tôi tìm hiểu qua các cụ già cao tuổi ở trong làng thì được cụ Đoàn Trung kể rằng: "Trước đây, ông nội ông Nhâm làm nghề lái đò trên sông Hàn. Vào một đêm khuya khoắt, bỗng có tiếng gọi đò. Ông chạy ra thì thấy một người đàn bà bế trên tay một đứa bé xin được qua sông. Ông đã đưa mẹ con người đàn bà đó qua sông mà không lấy tiền. Cảm kích trước cử chỉ ấy, người đàn bà đó đã truyền cho ông về cách chữa hóc xương.
Hiện nay, nghề này truyền đến ông Nhâm là đời thứ ba. Thực hư của câu chuyện đó như thế nào không biết được, chúng tôi chỉ nghe kể lại, nhưng 3 đời nhà ông Nhâm chữa hóc xương giỏi mà không hề lấy của ai một xu là chuyện hoàn toàn có thật".
- Cụ chữa hóc xương bằng cách nào? - Chúng tôi hỏi ông Nhâm.
- Đó là bí quyết gia truyền, tui không tiết lộ được - Ông Nhâm trả lời.
- Chúng tôi nghe nói, cụ không dùng tay tác động vào bệnh nhân, cũng không dùng bất cứ loại thuốc nào mà chỉ dùng lời nói trực tiếp hoặc qua điện thoại mà chữa khỏi hóc xương, có đúng như vậy không?
- Đúng! Có thể anh không tin nhưng đó là sự thật. Tui cũng không lý giải được việc mình làm. Nhưng, có một sức hút hay sức mạnh gì đó tác động vào tui. Những người hóc xương còn thở được đem đến tui là khỏi ngay. Hơn ba chục năm hành nghề, tui chữa khỏi hết, chưa bó tay một trường hợp mô cả.
- Cụ đã chữa cho bao nhiêu người rồi?
- Nhiều lắm, tui không nhớ hết.
Anh Đoàn Đô, người con út của ông Nhâm, tâm sự: "Cha tui chữa khỏi cho hàng trăm người ở trong huyện và các huyện lân cận như Nghi Lộc, Đô Lương, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu. Có những ca hóc nặng sắp chết như ông Văn Sơn ở chợ Bộng, Viên Thành, vừa cáng đến sân, cha tui chỉ nói vài câu là chiếc xương gà trong cổ ông Sơn trào ra. Được cái cha tui chữa bệnh không bao giờ lấy tiền, kể cả những thời cơm không có mà ăn, phải ăn khoai, ăn sắn cha tui cũng từ chối".
Chúng tôi đang nói chuyện thì một người đàn ông trung tuổi dẫn theo một cậu bé xuất hiện trước sân với khuôn mặt hốt hoảng: "Ông ơi, giúp cháu! Cháu nó bị hóc xương lợn!". Chúng tôi thấy ông Nhâm đứng dậy vừa đi vào nhà trong vừa nói: "Để tau vô lấy con dao!".
Chờ một chút không thấy ông, thì ra ông đã lên gường nằm. Người đàn ông sốt ruột nhìn đứa con mặt nhăn nhó vì đau: "Ông ơi, cháu nó đau lắm". "Về đi! Nhớ đi thẳng về nhà" - ông ở trong nói vọng ra.
Hình như người đàn ông đó đã biết được cách chữa của ông nên dẫn con về. Vừa bước ra khỏi sân đứa bé ôm lấy cổ ọe và nó kêu lên: "Cha ơi xương ra rồi!". Anh kia dắt con trở vô cảm ơn rối rít.
Chúng tôi lại hỏi han thì anh cho biết: "Tui là Trần Hòa! Cháu đây là Trần Huệ, con trai tui, hiện nay đang học lớp 5A Trường Tiểu học Nhân Thành. Cháu nó gặm chân giò không may bị hóc. May có ông Nhâm không thì phải đưa đi viện". Chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi chứng kiến cách chữa hóc lạ lùng này.
Đi tìm nhân chứng
Để có chứng cứ làm cơ sở cho bài viết này, chúng tôi đã đi hầu hết các làng xóm ở xã Nhân Thành và một số địa phương khác với mong muốn có một phản ánh chân thực về khả năng chữa hóc xương của ông Đoàn Văn Nhâm.
Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là anh Nguyễn Đình Chung, ở xóm 8, xã Nhân Thành, làm nghề thợ nề.
Anh Chung tâm sự: "Cách đây 2 năm, tui làm ở Vinh, lúc ngồi nhậu với bạn bè chẳng may hóc chiếc xương gà. Tui làm đủ trò không được, chiếc xương cứ chắn ngang họng đau điếng. Tui xuống Bệnh viện Ba Lan, nhưng chờ lâu quá. Khi đó mới sực nhớ tới cụ Nhâm, tui điện hỏi Tổng đài 108 về số điện thoại.
Biết được số tui bấm gọi. Vừa gặp, cụ đã bảo dập máy đi, lo mà làm ăn. Cụ cúp máy luôn. Tui bực mình vừa bỏ máy xuống thì cơm trong bụng dồn lên trào ra không kìm được. Chiếc xương cũng trào ra luôn. Khi đó tui mới phục cụ sát đất.
Thằng bạn tui sống ở Mỹ bị hóc xương, điện thoại về cho cụ cũng khỏi trong vòng vài ba phút. Sau này, tui về đến tạ ơn nhưng đưa tiền cụ không lấy, cụ còn mắng cho, cụ chỉ nhận miếng trầu hay chai rượu thôi!".
Cháu Trần Huệ và anh Trần Xuân Lập, người được cụ Nhâm chữa hóc xương.
Trường hợp cháu Phan Anh Tiến Quý, học lớp 6D, Trường THCS Nhân Thành, vừa mới tháng trước hóc xương cá cũng được ông Nhâm chữa khỏi.
Mẹ cháu là chị Phan Thị Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhân Thành cho biết: "Cháu nó hóc xương cá, cổ sưng tấy đau lắm. Tôi đưa cháu đến cụ Nhâm. Cụ cười, khen cháu đẹp trai, bảo về học cho giỏi, hai mẹ con về đi, nhớ đi thẳng không được dừng lại hay vô nhà ai. Cháu nó vừa bước xuống thềm thì xương đã trôi xuống bụng"...
Anh Trần Xuân Lập, sinh viên năm cuối Học viện Tài chính Hà Nội cho biết: "5 năm về trước tôi bị hóc xương cũng được cụ Nhâm chữa khỏi bằng cách gọi điện thoại. Tôi cũng không thể hiểu tại sao chữa bằng cách ấy mà lại khỏi? Không có cơ sở khoa học gì cả! Nhưng rồi tôi lại nghĩ, khả năng của con người là vô tận".
Ông Phan Thanh, Chủ tịch UBND xã Nhân Thành, khẳng định: "Cách chữa hóc của cụ Nhâm đúng là lạ, nhưng cụ đã chữa khỏi cho rất nhiều người rồi, điều đó là sự thật chứ không phải tin đồn nhảm nhí! Cụ là người nhân từ, đức độ, cả xã này ai cũng biết!".
Còn nhiều, rất nhiều người đã được ông Nhâm chữa khỏi nhưng với khuôn khổ của bài viết này chúng tôi không tiện nêu lên. Chúng tôi xin được ghi lại những gì mắt thấy tai nghe về khả năng chữa hóc xương của lão nông Đoàn Văn Nhâm.
Phương pháp chữa hóc của ông hiện nay mọi người đều cho đó là ngoại cảm. Nhưng để phân tích chính xác thì chỉ có các nhà khoa học vào cuộc mới trả lời được.
Chúng tôi xin cung cấp địa chỉ và số điện thoại của ông Nhâm để độc giả có thể liên hệ: Đoàn Văn Nhâm, xóm Bắc Sơn, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. ĐT: 038.3631.809
Tiến Dũng - Lệ Thúy ( Báo ANTG) 21-01-2008 at 12:14 PM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.