Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Tản văn: Về lại SG vẫn nhớ HN

Trưa thứ năm đến Vaxuco, thăm mấy chú em (lính Học viện xưa) vừa chuyển văn phòng về khu doanh trại của BTL Thủ đô cũ, ngay đường Phạm Ngũ Lão. Các em mời cơm thân mật. Cơm rau dưa mà no nên chiều đến vẫn chưa muốn ăn. Tối muộn mới lang thang bách bộ quanh phố ga.


Dọc phố Phan Bội Châu có cao ốc chung cư Pacific sáng đèn, đối diện với Saigon Hotel ngay ngã tư Lý Thường Kiệt. Trạm khách 23 của Học viện đã chuyển chủ cho Cty BĐSQĐ 59 (nghe nói cũng của con sếp lớn!). Đối diện qua bên kia đường là quán Ngon, khách đông như hội. (Chủ đâu như cũng từ SG ra đầu tư). Quán mở ngay trên khuôn viên nhà riêng của bác sĩ từ thời Pháp Phùng Ngọc Tuệ, nghe nói thuê lại của con cái cụ.
Ngày xưa mỗi lần theo đội Sao đỏ về đá bóng ở HN thì không về nhà mà toàn ở trạm 23 với anh em ("ở đồn Mang Cá thích hơn ở nhà" mà!), tuy nhà gần xẹt. Giờ quanh đây là những hiệu bánh Tây, quán bar, cafeteria...
Rẽ vào phố ẩm thực Nam Ngư nổi tiếng 1 thời với Phở Lâm "gia truyền". Ở đây ăn gà chặt, gà đùi thơm ngon phải biết. Bà Lâm 1 tay thoăn thoắt chặt gà, gia giảm; con cái chỉ chạy quanh phục vụ, bưng bê. Bà mất đã hơn chục năm nay, giờ con gái kế nghiệp nhưng không ngon như ngày bà còn đứng. Vậy mà 6g tối đã thấy đóng cửa dọn hàng. Quán sát bên có cơ bán thay, kiếm khách. Lần vừa rồi cánh miền Trung ra, có lên chơi trên hồ Tây. Khi về, cả bọn kéo tới đây ăn phở. Anh em đã chê phở "phọt phẹt". Đành chịu vì "không phải quán bà Lâm".
Nam Ngư giờ đầy quán ăn, nhà hàng, khách sạn mini. Xe ô tô chỉ cho chạy 1 chiều ra hướng Nam Bộ.
Rẽ xuống phía Sinh Từ (nay là Nguyễn Khuyến), định tạt vào nhà ông bạn Tiến Bắc. Bấm điện thoại thấy "No answer" nên thôi. Chợ Cửa Nam giờ là cao ốc trung tâm thương mại. Bà con tiểu thương bị bật đi đâu, chả rõ.
Lững thững quay lại ga Hàng Cỏ. Ngay ngã 3 với Lý Thường Kiệt trồng nhiều hoa sữa. Hương hoa sữa thoang thoảng trong đêm. Tháng 10 về rồi đấy! Tiết trời cuối thu lành lạnh, phải kéo cao cổ áo khoác ngoài.
Cửa ga thì bao giờ cũng thế, tấp nập kẻ đón người đưa; thậm chí có cả cánh phe vé cũ (cho cán bộ về thanh toán). Quay về cuối Trần Hưng Đạo. Ngay ngã 3 lại mới mọc thêm 1 cao ốc nữa, sát cao ốc của Tập đoàn tài chính Dầu khí. HN giờ cao ốc cứ chen nhau mọc lên, bừa bãi, không theo quy hoạch nào cả (chắc cứ "bắn" thôi?).
Ngay cửa Ngõ Ga vẫn là mấy quán cháo phở ngoài trời. (Ngày xưa bọn Xuân Miên, Tuấn Sơn từng ra ăn đêm, hết vài bát phở cùng đĩa chân gà thì nháy nhau rồi cùng hô "Có công an tới. Chạy!". Bà con tưởng thật cũng te tái chạy. Sau biết bị lừa, chắc chửi lắm?). Khách đi tầu, học sinh ăn tràn cả ra đường, dù vỉa hè còn lát dở dang, gạch đá lổn nhổn. Thôi thì làm bát cháo tim gan qua bữa.
Càng về đêm trời càng lạnh hơn. Thời tiết HN giờ thế đấy, đêm và sáng thì lạnh, còn trưa lại nóng như mùa hè. Thời tiết như thế nhưng thật khó quên!

3 nhận xét:

  1. Thực ra thì ông cũng muốn quên phắt cái xứ sở của:"Cháo chửi, bún quát, phở mắng" này lắm rồi, nhưng còn cái toà nhà to vật vã giữa thủ đô kg di dời đi được, nên đành nhớ thủ đô thôi, phải vậy kg KQ !

    Trả lờiXóa
  2. Nhớ chứ. Ở SG thì nhớ HN, ra đến HN lại nhớ SG, vì đâu cũng có bạn tốt của chúng ta.

    Trả lờiXóa
  3. KQ toàn kể những dĩ vãng mà mình đã trải qua.Những năm 1960 ở tập thể 72 Lý thường Kiệt,học cấp 1 ở trường Tân Trào(phố Quán Sứ).Từ nhà ra Phan Bội Châu rất gần nhớ nhà BS Tuệ rất to,rộng gần đó là hãng nước đá mùa hè hay ra đó nhặt đá lạnh.Con đg PBC gần Hai Bà Trưng có mấy hàng cắt tóc vỉa hè,đối diện có quán phở Cao Lâu hình như của người Hoa mà cứ vài tuần mới được cha mẹ cho ăn vào sáng chủ nhật...
    Chuyến ra Bắc vừa rồi có một sự ngẫu nhiên kỳ lạ.Bốn tên đều là dân "Cò ỉa",cùng sơ tán và học ở Vĩnh Yên...Định viết về kỷ niệm HN thời thơ ấu nhưng chưa thực hiện được.
    Đúng là vào Nam thì nhớ HN với nhiều bạn bè...,ra HN lại nhớ quê hương,vợ,con,bạn bè...Tóm lại chuyến đi vừa rồi là quá mỹ mãn trên cả tuyệt vời.Dự định còn Nam tiến đến Mũi Cà Mau nữa.

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.