Theo lịch đã dự định sẵn ngày 16/8/2008
gia đình chúng tôi có 10 người ( Tôi đã nhờ bà con ở Huế vào ) và vài người dân
địa phương cùng lên núi Sơn Gà với chúng tôi. Rút kinh nghiệm của những lần
trước chúng tôi đi sớm hơn và chuẩn bị chu đáo hơn. Sau khi bày các thứ đồ cúng
xong tôi khấn và xin phép cho động thổ. Chúng tôi đào mãi nhưng không gặp được
hài cốt. Tôi điện hỏi nhà ngoại cảm, cô nói ở khu vực đó và cô cho biết ở vị
trí đào hiện có 5 người, có 3 người mặt quần đùi. Chúng tôi thấy cô nói đúng
quá nhưng đào mãi không thấy gì. Trời đã về chiều, chúng tôi lại xin phép xuống
núi.
Ngày hôm sau, chúng tôi lại tiếp tục
leo núi một ngày nữa, quân số hôm nay thiếu đi 2 người do vậy mà phải thuê thêm
một người dân địa phương nữa. Chúng tôi lại đào theo hướng khác nhưng cũng
không thấy. Tôi gọi điện thoại hỏi nhà ngoại cảm thì cô nói ở ngay vị trí của
người mặt áo cộc tay màu xanh ấy. Cậu bé nầy sáng nay chúng tôi nhờ cậu đi đào
tiếp, đào thêm 2 giờ nữa nhưng không thấy gì. Cô khuyên chúng tôi đã đào 2 ngày
rồi không được thì rút về để tính sau. Thế là chúng tôi xuống núi với tinh thần
mệt mỏi vì sau 2 ngày vất vả nhưng không đạt được mục đích.
Ngày 31/8/2008 Gia đình tôi lại tổ
chức áp vong một lần nữa, lần nầy vong nhập vào cô em dâu tôi, cũng trả lời
những câu như không nhìn thấy và không nhớ. Như vậy tôi cho là vong đó không
phải là vong Ba tôi.
Không thể nói cô ngoại cảm kém được vì
những thông tin mà chúng tôi đưa ra cũng không chính xác. Năm sinh của Ba tôi
là 1920 nhưng do ông khai sinh 1923 lại trùng với năm sinh của ông chú ( khi ông
chú chết mới biết là ba tôi sinh 1920). Trong bằng Tổ quốc ghi công lại ghi ngày
hy sinh là 25/12/1967, trong khi đó Ba tôi còn viết thư gởi ra Bắc ngày
24/4/1968. Khi chưa xác định được là chắc chắn Ba tôi hy sinh ở tỉnh Bình Định thì
chúng tôi cứ nói ông hy sinh tại chiến trường liên khu V. Với địa bàn quá rộng
họ cũng khó mà xác định được. Một điều nữa là khi khai chúng tôi đưa tên Ba là
Nguyễn Bá Hối là chính chứ không phải tên Hoàng Cường. Sau nầy khi gặp một số
người ở Bình Định có biết Ba tôi họ đều gọi ông là Hoàng Cường. Do vậy có thể
là cô ngoại cảm đã bị nhầm với một liệt sỹ nào đó giống gia cảnh như của Ba
tôi. Họp mặt với các em, tôi hứa năm nay đã đi tìm Ba liên tục 4 tháng rồi
nhưng chưa mang lại kết quả mỹ mãn. Anh
sẽ về Cần Thơ rồi sang năm sẽ tiếp tục hành trình tìm kiếm mộ Ba. Nhiều lúc tôi
nghĩ: Má tôi năm nay đã 87 tuổi, chú Nguyên và chú Đông không thể ra khỏi Hà
Nội do phải chạy thận 3 buổi trong một tuần. Nên việc tìm được mộ Ba tôi là một
việc cần thiết và khẩn trương.
Về Cần Thơ được 6 tháng, đầu tháng
3/2009 tôi lại tiếp tục cuộc hành trình, do có đường bay thẳng Cần Thơ – Hà Nội
nên chỉ sau vài tiếng đồng hồ là tôi có mặt ở Hà Nội . Tôi cũng đã đi gặp một
người trong câu lạc bộ “Tiềm Năng con người”, anh ta lại nói Ba tôi hy sinh ở
Quảng Ngãi. Chúng tôi không tin, anh em chúng tôi nghĩ rằng Ba tôi chỉ có thể
hy sinh ở Bình Định mới có lý.
Tôi lại nghe người ta mách ở Thái Bình có người chỉ
tìm mộ hay lắm, thế là tôi đi ngay. Tôi đi Nam Định, các bạn học cùng lớp với
tôi trong những năm học tại trường ĐHBK Hà Nội đón tiếp tôi, sau đó tôi về nhà
vợ chồng bạn tôi nay chỉ có 2 người ở nhà còn 2 đứa con đều tốt nghiệp đại học
và lên Hà Nội công tác. Sáng ra họ đưa xe máy cho tôi đi Thái Bình, đến 18-19
giờ họ chờ tôi về mới cùng ăn cơm. Tôi rất cảm động trước tình cảm của 2 bạn đã
học cùng lớp với tôi sau hơn 40 năm mới gặp lại. Tôi phải đi về như vậy 4 ngày
mới tới lượt mình. Bà ta nói mộ Ba tôi đã được quy tập tại nghĩa trang xã Tây Giang
huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định. Tôi vô cùng mừng rỡ, khi ra về bà đưa tôi một số
lộc để mang về cúng ở nhà trước khi đi rồi mang theo vào trong nghĩa trang cúng
tiếp. Trong đó có một nắm gạo mà tôi phải mang về nhà má tôi ở Hà Nội, để trên
bàn thờ cùng các thứ đồ cúng. Sau khi cúng xong mang nắm gạo trong người khi đi
qua các tỉnh phải rắc vài hột làm sao khi đến nghĩa trang còn khoảng vài chục
hạt, lúc đó rắc hết số gạo còn lại trong nghĩa trang. Có nghĩa là vong người
chết sẽ đi theo ta suốt chặng đường và tới nơi vong yên nghỉ. Sau khi làm thủ
tục cúng xong, tôi ra bến xe Giáp Bát và tìm xe để đi vô Bình Định. Phải tính toán
làm sao khi vào tới nơi là buổi sáng, đồng thời phải kiếm một chiếc xe đò không
phải chất lượng cao ( tức là không có máy lạnh ) để có thể thò tay ra ngoài mà
bỏ vài hạt gạo xuống đường. Tôi đã tìm được xe như ý muốn. Xe chạy từ Hà Nội
lúc 10 giờ sáng tới cầu Bà Ghi ( Bình Định ) khoảng 8 giờ sáng hôm sau. Sau đó
tôi đón xe đi lên huyện Tây Sơn và tới nghĩa trang xã Tây Giang. Các bạn có
biết không với chiều dài của quãng đường hơn 1.000 km mà đi xe chất lượng thấp,
hầu như thức cả đêm để thực hiện việc rắc gạo qua các tỉnh thì các bạn thấy mệt
mỏi như thế nào với một người tuổi đời đã 60 ngồi trên chiếc xe ghế cứng đơ
không điều chỉnh nghiêng ngã gì được. Tôi vào nghĩa trang và tìm mộ theo sơ đò
hướng dẫn nhưng không đúng với sơ đồ của
bà vẽ. Tôi điện cho bà nhưng bà chỉ cho ngôi mộ khác tôi đi tìm như bà nói thì
trúng mộ có tên. Tôi nghĩ không thể tin được bà nầy.
Khi còn ở Hà Nội, Ấn đã gọi điện cho tôi và nói rằng ở
Quảng Nam có người chỉ tìm mộ hay lắm mình không cần khai báo tên liệt sỹ nhưng
bà ta có thể nói được tên người cần tìm và hiện đang nằm ở đâu? Do vậy sau khi
đi Thái Bình về là tôi nói nếu bà ta chỉ không đúng thì tôi sẽ có phương án
tiếp là đi gặp bà ở Quảng Nam.
Tôi lại trở ra Đà Nẵng gặp Ấn, chúng tôi cùng
nhau đi vào Bình Định để xác định cụ thể hồ sơ của Ba tôi. Ngày 7/4/2009 vào
gặp ban chính sách họ cho chúng tôi một số địa chỉ của một số chú và anh đã
từng công tác trong ngành TSQB. Chúng tôi đã đến gặp, đa số khi nhìn ảnh họ
nhận ra Ba tôi là Hoàng Cường nhưng hỏi thời gian Ba tôi hy sinh và hy sinh
trong trường hợp nào thì không ai biết. Ngày hôm sau, ban chính sách cho chúng
tôi xem một quyển vở giống như cuốn tập 100 trang bây giờ đã bị cháy nham nhở,
họ giở cho chúng tôi xem thì thấy đây là một hồ sơ để ghi lại các đồng chí khi
hy sinh sẽ được ghi lại như một lý lịch trích ngang và ghi ngày hy sinh và hy
sinh ở đâu? Trong trang của Ba tôi thì phía trên có ghi tên một người hy sinh
ngày 13/12/1968 dưới tên người đó là 2 chú tên Ngưu đều là tỉnh đội phó, rồi
tới Ba tôi Hoàng Cường dưới Ba tôi là Phạm Tài, Nguyễn Hữu Tờ, Nguyễn Thanh
Bình và Lê Quang Hội những người nầy không ghi ngày hy sinh mà chỉ ghi đi trinh
sát địa hình khu Đông bị phục kích và hy sinh. Phía dưới tên những người khác
thì ghi hy sinh tháng 6/1969. Nếu suy luận thì có thể Ba tôi hy sinh trong
khoảng tháng 1 đến tháng 5/1969.
Rất tỉnh táo và kì công! Thật quá cảm động trước tình cảm của gia đình và của anh Khánh với người cha đã hy sinh!
Trả lờiXóa