Trang

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Cái nhìn từ hải ngoại: Tướng Nguyễn Chí Vịnh Ra Chiêu Độc


BBC tiếng Việt ngày 6/6/2013 đã tường thuật khá đầy đủ vòng Đối Thoại Chiến Lược Quốc Phòng Việt-Trung lần thứ 4 diễn ra tại Bắc Kinh ngày 5/6/2013 giữa Tướng Nguyễn Chí Vịnh (Việt Nam) và Tướng Thích Kiến Quốc (Trung Quốc). Cuộc đối thoại mở ra chỉ năm ngày sau “Đối Thoại Sanghri-La Lần Thứ 12” tại Singapore, nơi mà Ô. Nguyễn Tấn Dũng, dù không nêu đích danh nhưng nói ra ai cũng hiểu Hoa Lục là kẻ “đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền” khiến người ta sợ rằng Việt Nam nói mạnh ở diễn đàn này nhưng lại nói khác đi ở một diễn đàn khác theo kiểu “lăng ba vi bộ” vì áp lực của Trung Quốc. Thế nhưng câu chuyện không phải vậy. BBC tiếng Việt đã đưa tin:

- ”Báo Quân đội Nhân dân cho hay trong vòng đối thoại chiến lược quốc phòng Việt-Trung lần 4 tại Bắc Kinh, trưởng đoàn Việt Nam - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, đã đề xuất quân đội hai nước không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nghiên cứu tiến tới ký thỏa thuận không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trên biển giữa hải quân hai nước". Trước đề nghị quá bất ngờ và độc địa này, Tướng Thích Kiến Quốc tìm kế hoãn binh bằng cách nói nước đôi, “sẽ giao cho các cơ quan chuyên môn hai bên nghiên cứu". Đúng lý ra, khi nghe Tướng Vịnh nói thế, Tướng Thích Kiến Quốc phải ôm chầm lấy Ô. Vịnh rồi nói rằng, “Đồng chí nói đúng quá. Chúng ta vừa là đồng chí vừa là anh em. Chúng ta phải ký ngay thỏa hiệp này để chứng tỏ tấm lòng thành với nhau.” Lảng tránh đề nghị của Tướng Vịnh, Tướng Thích Kiến Quốc đã bộc lộ cho thế giới thấy tham vọng hiếp đáp Việt Nam và thôn tính Biển Đông của Hoa Lục vẫn còn đó.
-Chưa hết, Ô. Nguyễn Chí Vịnh lại ra tung ra một chiêu khác bằng cách đề nghị "củng cố lòng tin chiến lược giữa quân đội hai nước, góp phần vun đắp lòng tin chiến lược Việt Nam-Trung Quốc". Cũng theo BBC tiếng Việt, Trung Quốc dường như không mặn mà lắm với cụm từ “mới” này. Tướng Thích Kiến Quốc, người từng tham chiến ở biên giới Việt-Trung năm 1979 (đúng ra phải nói là xâm lăng), không nhắc tới “lòng tin” mà chỉ nói chung chung về “hợp tác hữu nghị'. Mặn mà sao được khi hôm nay tôi mở miệng hứa hẹn “lòng tin chiến lược” (strategic trust) có nghĩa là hai bên tuyệt đối tin tưởng vào nhau rồi ngày mai tôi đem tàu ngư chính, tàu hải giám và tàu chiến, tàu đổ  bộ tới xâm lấn biển đảo của anh…thì thế giới nghĩ sao? Việc làm đó giống như những lời ngon ngọt của con chó sói nói với Cô Bé Quàng Khăn Đỏ.
            Thế rồi sau cuộc đối thoại, thể theo yêu cầu của giới truyền thông Trung Quốc, Tướng Vịnh đã mở cuộc họp báo “ngay trong lòng địch” bao gồm hệ thống truyền  thông chính của Trung Quốc như Tân Hoa Xã, Hoàn Cầu Thời Báo, Tuần Báo Phương Nam, Đài Phát Thanh Quốc Tế Trung Quốc. Và họ đã đặt những câu hỏi “móc họng”, sát với tình hình chứ không phải những câu hỏi có tính “hữu nghị” như trước:
-Theo VietnamNet, tờ Hòan Cầu Thời Báo hỏi: “Chúng tôi muốn nghe đánh giá của Thượng tướng về chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ”. Về chiến lược tái cân bằng của Hoa Kỳ ở châu Á - Thái Bình Dương. “ Tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời ngắn gọn: “Nếu chiến lược này đem lại hòa bình, ổn định, bình đẳng cho tất cả các quốc gia trong khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế thì chúng ta không có gì phản đối. Ngược lại, chúng ta phản đối nếu chiến lược đó phương hại đến lợi ích các quốc gia và hòa bình trong khu vực”.
-Hoàn Cầu Thời Báo lại đặt tiếp câu hỏi là hiện Việt Nam đang có ý định liên minh với nước ngoài để chống Trung Quốc. Tướng Vịnh trả lời,  “Những ai có tầm nhìn chiến lược cũng như sự tỉnh táo về mặt chính trị đều hiểu rằng một nước nhỏ mà liên minh với một nước này để chống một nước khác là tự hại mình. Trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam quan hệ với rất nhiều nước trên thế giới và thực tế đã chứng minh rằng Việt Nam đã thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, là đối tác tin cậy, là bạn với tất cả các nước; các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam không gây phương hại đối với bất cứ một quốc gia nào
-Rồi phóng viên Tân Hoa Xã hỏi:  “Với việc mua 8 tàu ngầm lớp Kilo (phóng viên này nhầm, thực chất Việt Nam đặt mua 6 tàu ngầm) là loại tàu ngầm tấn công, trong khi Việt Nam nói rằng mình mua sắm vũ khí “chỉ vừa đủ để tự vệ”, phải chăng chính sách quốc phòng của Việt Nam đã thay đổi?” Tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời, “Điều quan trọng là vũ khí nằm trong tay ai! Nó có thể giết người, nhưng cũng có thể để tự bảo vệ mình; thậm chí có những lúc, vũ khí đó là để bảo vệ hòa bình. Vấn đề là người cầm vũ khí đó là ai, đường lối của người đó như thế nào. Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã tuyên bố với thế giới tại Đối Thoại Shangri-La hồi năm ngoái rằng Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo về chỉ để bảo vệ vùng biển của Việt Nam, gồm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của Việt Nam, không có mục đích sử dụng nào khác. Đó là một điều rất đặc biệt của lực lượng tàu ngầm trên thế giới”
-Cuối cùng Tướng Nguyễn Chí Vịnh dùng đòn tâm lý bằng cách đề nghị, “Tôi mong các bạn báo chí Trung Quốc và Việt Nam giúp cho nhân dân hai nước hiểu rõ tình hình. Phía Việt Nam sẵn sàng đón các bạn nhà báo Trung Quốc tới thăm và tìm hiểu về đất nước Việt Nam, nước láng giềng thân thiết của các bạn để tìm hiểu về đất nước chúng tôi, về những mong muốn của nhân dân Việt Nam, góp phần xây dựng và củng cố tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc”. Trong bối cảnh mà tập đoàn quân phiệt hiếu chiến đang có ảnh hưởng lấn át trong chính trị bộ, tờ Hoàn Cầu Thời Báo luôn luôn đầu độc dư luận rằng Việt Nam, Phi Luật Tân khiêu khích và xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc từ đó lên tiếng kêu gọi Hải Quân Nhân Dân Trung Quốc phải cho Việt Nam và Phi Luật Tân nghe tiếng đại bác…thì một cuộc thăm viếng của báo chí Trung Quốc tới Việt Nam , dù không giải được độc nhưng cũng góp phần tranh thủ chính nghĩa.
Kết luận:
Sở dĩ trong những ngày qua Việt Nam nói mạnh, nói rõ những bất ổn tại Biển Đông, chính thức hóa sự hiện diện của Mỹ tại Đông Nam Á, bày tỏ quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như biển đảo… có thể Việt Nam đã dựa vào những nhân tố sau đây:
1) Qua sự hỗ trợ của Nga, vừa mua vừa hợp tác chế tạo (với Nga và Hà Lan), quốc phòng Việt Nam vừa đủ mạnh để gây đau đớn cho Hoa Lục nếu Hoa Lục liều lĩnh dùng vũ lực để tiến chiếm phần còn lại của Trường Sa hay mở một cuộc chiến tranh biên giới mới.
2) Dư luận thế giới hoàn toàn đứng về phía Việt Nam vừa về mặt pháp lý và chủ quyền, vừa về lập trường giải quyết xung đột thông qua luật pháp quốc tế, vừa về lập trường bảo vệ sự an toàn của hải lộ quốc tế…điều đó làm đẹp lòng thế giới.
3) Việt Nam nhận được sự hỗ trợ về chính trị, ngoại giao, đầu tư, quốc phòng thông qua hợp tác chiến lược với Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Đại Lợi, Âu Châu…điều mà không một quốc gia nào trên thế giới - ít ra và vào thời điểm này có được, cũng chỉ vì Việt Nam, do tham vọng cuồng điên của Hoa Lục đã trở thành “trọng điểm chiến lược” của Châu Á. Cả thế giới đều nhận thấy rằng, một Việt Nam mạnh về kinh tế lẫn quốc phòng là giải pháp tối hảo để ngăn chặn tham vọng của Hoa Lục - trước mắt khống chế Biển Đông rồi từ đó bá chủ Á Châu. Không một cường quốc nào nuôi ý tưởng điên rồ là đơn phương tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chiến tranh tổng lực với Hoa Lục cũng có nghĩa là tự sát. Và ai làm chuyện đó bây giờ? Hoa Kỳ chăng? Còn lâu lắm! Trước mắt, tham vọng của Hoa Kỳ chỉ là “tái cân bằng lực lượng” mà thôi.
4) Phải thẳng thắn nói rằng Chiến Lược Xoay Trục hoặc Kỷ Nguyên Á Châu hoặc kế hoạch từng bước can dự vào Biển Đông của Hoa Kỳ đã khiến cho Việt  Nam sau một thời kỳ dọ dẫm đã trở nên “có thể tin cậy được” từ đó “ấm lòng” và đã có những bước đi mạnh dạn. Ai cũng thế. Muốn làm mạnh, nói mạnh trên chính trường quốc tế thì phải có “thế và lực”. Nước nhỏ không có đồng minh hay quốc tế hỗ trợ mà tự ái, nông nổi, hấp tấp thì chết sớm.
5) Dù còn lỏng lẻo nhưng ASEAN vẫn là một diễn đàn có tiếng nói quan trọng trên thế giới. Ngoài Hoa Kỳ- các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga đang đặt trọng tâm và khu vực này. Ai cũng muốn ASEAN mạnh và đoàn kết trong đó Việt Nam giữ vai trò hết sức quan trọng. ASEAN là một hỗ trợ tinh thần rất lớn cho Việt Nam.

Tóm lại trong ba yếu tố “thiên thời, địa lợi và nhân hòa”, Việt Nam:
-Về địa lợi thì hoàn toàn bất lợi và bất hạnh vì Việt Nam ở bên cạnh một anh chàng khổng lồ hung ác. Hơn 4000 năm dân tộc Việt đã phải hứng chịu bao cuộc đô hộ và xâm lăng từ phương Bắc. Các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc và Nguyễn Quang Trung, nói là độc lập tự chủ nhưng lúc nào cũng phải nhịn nhục và triều cống các vua Tàu. Tham vọng bành trướng và hiếp đáp lân bang hình như nằm trong máu thịt các nhà cầm quyền Trung Hoa.
-Về thiên thời thì đã có và có đầy đủ. Do sự trỗi dậy cùng tham vọng khống chế toàn bộ Á Châu của Trung Quốc, Việt Nam bỗng dưng trở thành trọng điểm chiến lược, mà mất nó cả thế giới sẽ lâm nguy. Cứ nhìn vào số lượng thăm viếng của các vị nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng quốc phòng, tàu chiến của các quốc gia trên thế giới tới Việt Nam thì rõ.
-Còn về nhân hòa thì “nhân hòa thế giới” đã có... chính quyền cần phải nói rõ bạn-thù của đất nước và nguy cơ trước mắt giống như Vua Trần Nhân Tông đã làm trong Hội Nghị Diên Hồng. Thế nước đời Trần là “ngả nghiêng” nhưng lòng dân lại là “ tin tưởng và hy sinh” cộng thêm với tài lãnh đạo của Thái Sư Trần Thủ Độ và tài dụng binh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đã thắng được ba cuộc xâm lăng của quân Nguyên-Mông. 
Đào Văn Bình
(California ngày 9/6/2013)

2 nhận xét:

  1. Cũng đến lúc phải thể hiện quyết tâm bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của mình trước bè lũ lãnh đạo Bắc Kinh.

    Trả lờiXóa
  2. Bài này hay thế mà mình không biết.
    nhưng hôm nay thì đã thay đổi cục diện rồi, không dùng tàu chiến đi trấn ải nữa, chỉ dùng đi thăm viếng nhau thôi,lính HQ lại sướng rồi, khỏi đánh nhau, chỉ tha hồ tắm biển.

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.