Trang

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

NÉT RIÊNG CỦA TƯ LỆNH VŨ LẬP (KHÁNH TƯỜNG)


Ông Vũ Lập (phải) nhận nhiệm vụ
sang Lào trực tiếp từ Đại tướng. (TL gia đình).
Mùa hè năm 1970, hai thiếu úy chưa vợ Trần Quí Đạm và tôi-Phạm Đình Trọng, rời  Trường VHQĐ, theo nguyện vọng được vào chiến trường Miền Nam. Nào ngờ anh Đạm phải về Học viện Hậu cần tiếp tục làm thày giáo còn tôi được ra chiến trường,  nhưng không phải chiến trường Miền Nam mà là chiến trường Lào mang mật danh “Chiến trường C”. Thời tiết ở Lào giống như Nam Bộ, có hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Dựa vào sức mạnh phi pháo, mùa mưa địch chiếm ưu thế, đẩy chiến tuyến tận biên giới Việt-Lào. Mùa khô liên quân Lào-Việt trả đũa, đẩy địch tận biên giới Lào-Thái. Trò chơi “đẩy cây” cứ lặp đi lặp lại hàng năm.


Đơn vị tôi đến là Mặt trận 959, địa bàn nó phụ trách là Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng. Tư lệnh 959 là Đại tá Vũ Lập(1), một trong số 34 quân nhân có mặt ngày 22 tháng 12 năm 1944 lịch sử. Còn Chính ủy 959 là Đại tá Huỳnh Đắc Hương, một người nho nhã, điềm đạm mà cực kỳ sâu sắc. Họ đúng là “Bộ đôi hoàn hảo” của cơ chế “Tư lệnh-Chính ủy” của QĐ NDVN. Và dưới hai ông là những cán bộ quân sự, chính trị tài năng-đức độ, đó là Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Lê Linh, các Phó Tư lệnh: Nam Hà, Đoàn Nhật Hùng, Tham mưu trưởng Dũng Mã, Chủ nhiệm Hậu cần, thượng tá Thưởng v.v…
Bài này, người viết muốn nói về viên Tư lệnh Vũ Lập. Hơn nữa chỉ nói một nét riêng về tính cách của ông thôi.


Tư lệnh Vũ Lập người dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng. Ông dáng cao gầy, tính tình điềm đạm, rất dễ gần, giọng nói thủ thỉ và hóm hỉnh, bị đau dạ dày mạn tính. Cùng với bề dầy chiến tích, sự gương mẫu cả về đạo đức và sinh hoạt, sự tận tụy thực hiện chức trách,…thì phong cách úng xử dân chủ của ông góp phần quan trọng khiến ông được mọi người nể phục và mệnh lệnh của ông được chấp hành một cách tự giác. Tôi nhớ có lần Trung đoàn trưởng Trung đoàn 165 của Sư đoàn 312 Nguyễn Chuông-một cán bộ có tài nhưng nổi tiếng …ngang, nói với tôi: “Mình có tính hay cãi cấp trên nhưng kiềng ông Lập, ông Hương!”
Năm 1969, quân ngụy Lào, được Mỹ chi viện tối đa về phi pháo, mở chiến dịch “Cù Kiệt” (Bõ tức), dùng trực thăng đổ quân tận Bản Ban, Sen Chồ, đẩy ta ra tận biên giới Lào-Việt. Mùa mưa năm 1971, quân chính qui Thái Lan sang làm chỗ dựa cho Vàng Pao, lập các cứ điểm liên hoàn ở Trung tâm Cánh dồng Chum. Quân Vàng Pao thả sức chiếm đất giành dân. Quân ta dắt dân chạy loạn, rất cực khổ. Để ứng phó lúc địch hung hăng và bớt khó khăn về bảo đảm hậu cần (cũng là tuân theo qui luật mùa mưa-mùa khô), Mặt trận 959 rút bớt về Con Cuông-Nghĩa Đàn. Lập chỉ huy tiền phương ở Khe đá Hai. Khi đó, Tư lệnh và Chính ủy rất vất vả: Nào nắm tình hình chiến sự, chỉ đạo chống càn, rút kinh nghiệm và huấn luyện, lại còn ra Bộ dự họp và báo cáo tình hình. Chuyện thay nhau lội suối trèo đèo là việc thường xuyên. Rồi mùa mưa chưa hết thì “cha con” đã ba lô lên vai, đội bom đạn địch qua Nậm Cắn-Khang Ba Niên-Đèo Mã Tử-Khe Đá Hai và tới Phu Nhu, sát Trung Tâm Cánh đồng Chum.
Dường như lúc nào Tư lệnh Vũ Lập cũng huy động thời gian vào công việc, kể cả lúc đi đường vất vả. Cấp dưới, nhất là mấy ông cán bộ quân sự, rất ngại đi cùng ông, bởi ông hỏi đủ thứ chuyện, đặc biệt là địa hình địa vật như: núi kia là núi gì, cao bao nhiêu, trên đó là người Lào Xủng hay Lào Thơng v.v…. Trung tá Huỳnh Lê, người Miền Nam, Trưởng phòng Tác chiến Mặt trận, hỏi tôi: “Theo cậu, ông Lập hỏi cho quên cơn đau bao tử hay hỏi để kiểm tra kiến thức?”.
Mỗi lần Mặt trận đánh lớn là có phái viên của Bộ sang. Địa bàn Xiêng Khoảng khí hậu giống Sa Pa hay Đà Lạt, hoa nở quanh năm, đặc biệt là phong lan, vừa nhiều chủng loại vừa rực rỡ. Chiến sĩ thường ngụy trang chốt bằng phong lan. Các cán bộ từ Hà Nội sang hoa mắt bởi phong lan. Một thứ nữa các vị thích là dù, đặc biệt là dù hoa. Lính ta tự trang bị chăn đệm bằng dù. Trước khi về nước, không gì giá trị bằng một vài dò phong lan tai-âu hay đuôi chồn và chéo dù hoa. Quà kỷ niệm, tốt thôi, nhưng phải “Tập trung chuyên môn”. Nhiều vị đi đường ngửa cổ tìm phong lan và dù Mỹ suốt, có khi đêm cũng mơ thấy phong lan và dù, bởi thế cho nên-đâm ra-thành thử lúc họp chẳng góp được ý kiến gì. Đại tá Vũ Lập một lần, nhắc khéo: “Các anh đi đường rừng phải nhìn dưới gốc cây, chớ có nhìn ngọn cây, ngã đấy”. Sự góp ý vừa chân tình vừa tế nhị, quả có tác dụng.
Trong sinh hoạt, Tư lệnh Vũ Lập rất bình dân, ăn uống đơn giản, thích những món chế biến kiểu dân tộc từ thú rừng. Anh thường chọn anh em người dân tộc thiểu số làm người giúp việc sinh hoạt và đối xử rất dân chủ, tôn trọng. Các đồng chí cần vụ của anh luôn giữ nguyên tắc và tận tình chăm sóc vị thủ thưởng đáng kính của mình. Có một lần, vào ngày chủ nhật, ở hang Phu Nhu, anh Vũ Lập dậy rất sớm, đi bách bộ vượt qua yên ngựa. Bên kia là đỉnh Phu Nhu cao hơn 1.400 mét, cây rừng nguyên sinh, rất rậm rạp và nhiều thú, nhiều chim. Ông già người Tầy có lẽ đối cảnh sinh tình, lòng bỗng nhớ quê hương Cao Bằng, nhớ người vợ tần tảo thay mình nuôi dậy con khôn lớn…nên lững thững leo lên núi. Và rồi tiếng suối chảy, tiếng chim rừng hòa điệu đã cuốn hút ông. Một mình ông cứ theo đường mòn đi lên, lên mãi…cho đến lúc gặp một chốt của lính-họ đang quây quần bên đống lửa nướng gà rừng. Họ chẳng biết ông là ai, chi đoán là một cán bộ có cỡ. Ông sà vào làm quen nhưng không cho họ biết mình là ai. Cánh lính trẻ lúc đầu rụt rè nhưng rồi nhanh chóng bị tình cha con-ông cháu chinh phục. Họ xé một chiếc dùi còn dính cả mảng lườn béo ngậy, thơm phức mời ông. Ông cầm lấy, thổi phù phù rồi cười khà khà vẻ khoái chá, không cảm ơn và ăn ngon lành.
Tại hang chỉ huy, 7 giờ không thấy Tư lệnh dậy, cậu cần vụ vào phòng ngủ, không thấy, ra ngoài tìm, cũng không, mới tá hỏa kêu lên. Cả trung đội vệ binh tỏa ra các hướng. Cán bộ cơ quan cũng nháo nhác tìm. Chỉ khổ thân cho chú cần vu người Tầy nọ, mếu máo khóc, vừa leo núi vừa gọi khản cả tiếng. May sao, với kinh nghiệm của người thanh niên dân tộc lấy rừng núi làm nhà, lấy dã thú làm thân nhân, lại ở lâu với Tư lệnh nên có cái đầu suy đoán chính xác và đôi chân đi đúng hướng. Tiếng gọi của cậu ta dần dần lọt vào tai Tư lệnh và anh em chốt. Mấy anh lính lác kinh ngạc khi biết người ngồi trước mặt đang mút ngón tay là Tư lệnh Mặt trận của họ. Còn cậu vệ binh thì khỏi nói, khi tìm được Thủ trưởng của mình thì mừng-giận-thương-yêu bột phát, vừa khóc vừa la. Cánh lính chốt người Kinh trố mắt khi thấy anh chàng “tít tò” (cần vụ-tiếng Lào) la lối thủ trưởng: “Đi đâu xa phải báo cáo người ta chứ” (!)
Nghe ông lính của mình nổ, Tư lệnh Vũ Lập cười khì khì: “Ừ, lần sau tớ báo cáo cẩn thận!”.
Tôi viết những dòng này với bao cảm xúc về một thời quân đội ta “Phụ tử chi binh”. Và cũng như Nhà Trần đánh thắng quân Nguyên, chính bộ đội cụ Hồ khi ấy “tướng sĩ một long” đã tạo nên sức mạnh chiến thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ./.


                                                                                                                          

(1) Trên mạng, mục “Vũ Lập” (Bên dưới có ghi “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia”), tôi tra thấy có chi tiết không chính xác. Mạng ghi: “Từ năm 1970 đến năm 1974 ông (Vũ Lập) làm Tư lệnh các Mặt trận 316 và 31 (Thượng Lào).
Tôi ở Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng từ cuối năm 1970 đến tháng 6-1972, khi quân tình nguyện VN rút về nước, nên biết chắc: Mặt trận 959 thành lập năm nào tôi không rõ vì chưa về. Nhưng cuối năm 1970, khi tôi về 959 thì bộ khung ở đây đã hoàn chỉnh, cán bộ chủ chốt lấy từ Quân khu Tây Bắc. Cuối mùa mưa năm 1972, chiến trường Miền Nam ngày càng ác liệt nhưng ở Lào thì hòa bình là điều không thể đảo ngược, ông Xột Phét La-xỉ đại diện cho Mặt trận Lào yêu nước, đã vào Viêng Chăn. Bộ quyết định rút f 312 về chuẩn bị cho chiến dịch lớn giải phóng Quảng Trị. Lúc đó trên chiến trường Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng còn f316, e 335, e 866 và một số đơn vị kỹ thuật. Vì quân chủ yếu là f316 nên đổi thành Mặt trận 316 (bỏ cấp sư đoàn). Các vị cán bộ chủ chốt của Mặt trận 959 cũng rút dần, thay bằng các vị của f316, như: Tư lệnh Mặt trận là Đại tá Lê Hoàn, Chính ủy là Đại tá Lê Vũ, Phó Chính ủy là anh Hà Quốc Toản; Chủ nhiệm Chính trị là anh Đoàn Độ v.v…Năm 1973, VN còn chiến tranh nhưng ở Lào là hòa bình thật sự, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông vào Thủ đô Viêng Chăn, được nhân dân đón tiếp như một Anh hùng của tất cả các bộ tộc Lào. Bộ quyết định tái lập f316 và rút về nước, chuẩn bị vào Tây Nguyên (sau này làm nhiệm vụ chủ công đánh Buôn Mê Thuột, mở màn cho cuộc Tổng tấn công giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước). f316 rút, Xiêng Khoảng chỉ còn e866, e335 và một số tiểu đoàn trực thuộc, Mặt trận 316 đổi thành Mặt trận 31, Đại tá Hà Vi Tùng sang làm Tư lệnh. Mặt tận 31 chỉ tồn tại trong thời gian ngắn rồi đổi thành Sư đoàn 31. Đại tá Phạm Tê, một sĩ quan pháo binh, sang làm Sư đoàn trưởng, Thượng tá Nguyễn Kim Mậu làm Chính ủy. Năm 1976, f31 về nước, chỉ huy sở ở Con Cuông; lúc đầu thuộc Quân khu 4, sau về Tổng cục Xây dựng kinh tế, vào Tứ giác Long Xuyên làm ruộng. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, f31 về Quân đoàn 3 cho đến nay.

Như vậy khoảng năm 1973, Đại tá Vũ Lập đã rời quân Tình nguyện VN ở Lào và chưa từng là Tư lệnh Mặt trận 316 hay 31, ông chỉ làm Tư lệnh Mặt trận 959 (lúc ấy lính tráng gọi đùa là “Chán Năm Chán”- có lẽ họ muốn chiến đấu ở Mặt trận B2, B3, B5?).

3 nhận xét:

  1. Bài thầy viết hay quá, dung dị, chân chất, đặc lính.
    Còn Wikipedia là của tư nhân, có thể có chỗ chưa chính xác, mặc dù họ update nhiều thông tin quý, thầy ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Thầy nhắc đến nhiều tên phu huynh Trõi trong bài viết: Huỳnh Đắc Hương, Nam Hà, Đoàn Thế Hùng, Dũng Mãv.v…

    Trả lờiXóa
  3. Câu chuyện của Thầy làm sống lại trong tôi những kỷ niệm về Tướng Vũ Lập và gia đình.Hai gia đình ở gần nhau (cách khoảng 20 m)ở trong BTL quân khu Tây Băc ,cha tôi là chính ủy còn ông Lập là Tư lệnh ,ông sống rất giản dị và dễ gần mặc dù khuôn mặt ông mới nhìn có vẻ khăc khổ.

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.