Trang

Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

NGÔ TỬ HẠ (1882 - 1973) TỪ DOANH NHÂN ĐẾN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA I NƯỚC VIỆT NAM DCCH (Nguồn: www.phapluattp) - ST: VD


        Từ một trai cày nghèo quê mùa, tín đồ đạo Công giáo, lên Hà Nội làm thuê từ năm 17 tuổi, trở thành một nhà tư bản ngành in nổi tiếng xứ Đông Dương. Cuối cùng ông đã hiến dâng tất cả của cải và sức lực cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Cụ Hồ lãnh đạo, tự tay kéo chiếc xe bò đi vận động nhân dân cứu đói.
Cụ Ngô Tử Hà.



       Cuộc đời cụ Ngô Tử Hạ, đại biểu cao niên nhất, Chủ tịch Đại hội đồng Quốc hội khóa I, người chủ tọa và đọc bản Tuyên ngôn của Quốc hội tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội “nước Việt Nam mới” là tấm gương của một nhân sĩ, tín đồ yêu nước. Đó cũng là minh chứng sống động cho chính sách đại đoàn kết, không phân biệt lương, giáo của cụ Hồ...



         1-Trở lại làm “vô sản”.
         Một điều rất đáng ưu tư là cuộc đời và sự nghiệp của một hiền sĩ hàng đầu, xứng đáng là bậc khai quốc công thần như cụ Ngô Tử Hạ lại ít được lưu chép kỹ. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết trong một bài ôn cố tri tân rằng: “Cụ Ngô Tử Hạ là một nhà yêu nước, tham gia rất sớm vào phong trào Việt Minh, trước đây thường xuyên có gặp Bác Hồ và quen thân với tôi”. Báo Nam Phong từng xếp cụ Ngô là một trong ba trăm nhà tư sản có tiếng ở xứ Đông Dương (trước năm 1945).
Cụ Ngô Tử Hà (trái) cùng Cụ Hồ.
         Trước cách mạng Tháng Tám, nhà in nổi tiếng Ngô Tử Hạ là mạnh thường quân của các trí thức yêu nước muốn in ấn sách báo. nhà in cụ Ngô cũng ủng hộ Việt Minh hàng tạ chữ chì để in truyền đơn tuyên truyền cho Cách mạng tháng Tám. Cụ Ngô cũng chính là người tư vấn cho Bác Hồ nên lấy ngày 2-9 làm ngày Tuyên ngôn độc lập vì đó là ngày Chủ nhật. Chi tiết thú vị ít người biết đến là việc cụ Ngô đã làm cầu nối giữa Hồ Chủ tịch với cựu hoàng Bảo Đại. Tại gia đình ông Trịnh Văn Đường (cháu ngoại cụ Ngô Tử Hạ) hiện nay còn lưu giữ chiếc bàn ăn cổ là chứng tích của nhiều cuộc gặp giữa cựu hoàng Bảo Đại với cụ Ngô. Nguyên do là trong thời gian mở nhà in tại Huế, cụ đã quen thân, giao hảo với một số quan lại triều đình và kết giao với hoàng đế Bảo Đại. Chính vì thế mà trong việc chuẩn bị cho vua Bảo Đại thoái vị, Hồ Chủ tịch đã chọn Cụ làm nhà thương thuyết, để rồi sau đó vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam chấp nhận thoái vị và nhận làm cố vấn cho Chính phủ nước Việt Nam mới do Cụ Hồ đứng đầu. Những giọt mực cuối cùng ở nhà in Ngô Tử Hạ đã được dùng để in những đồng bạc đầu tiên của Chính phủ cụ Hồ, trước khi nhà in ấy bị quân Pháp đốt cháy ngay trong đêm Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946.
       Muốn biết Cụ Ngô Tử Hạ giàu cỡ nào và đã cống hiến cho chính quyền nhân dân thế nào, chỉ cần đọc lại Bản kê khai nhà đất xin hiến cho Nhà nước được lập vào ngày 29-7-1960: Nhà số 24-48 Lý Quốc Sư và 2/12 Ngõ Huyện (diện tích 2.251 m2), nhà số 60 Nguyễn Du (diện tích 1.095 m2), nhà số 8 Lý Quốc Sư (diện tích 84 m2), nhà số 4 ngõ 339 Thịnh Yên (diện tích 2.210 m2), nhà số 31 Hàng Bông (diện tích 182 m2). Gia đình cụ Ngô chỉ giữ lại 200 m2 ở số nhà 24-48 Lý Quốc Sư và 2/12 Ngõ Huyện để ở và sau này làm nơi thờ tự.

        2-Người đọc Tuyên ngôn Quốc hội.
        Sớm tham gia tổ chức Việt Minh, trở thành cố vấn của Hồ Chủ tịch, cụ Ngô được nhân dân tỉnh Ninh Bình (quê cũ) bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I khi đã 64 tuổi. Ngày 2-3-1946, tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, được các đại biểu suy tôn là Chủ tịch Đại hội đồng, chủ tọa kỳ họp Quốc hội, Cụ trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Quốc hội: “Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam là ở trong tay Quốc hội Việt Nam, chính thể của nước Việt Nam là chính thể dân chủ cộng hòa, có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân. Các dân tộc ở trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền hạn và nhiệm vụ ngang nhau”.
Cụ Hà đọc diễn văn trong cuộc Vận động cứu đói. HN đầu 1946.

       Trước đó, khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngoài nhiệm vụ làm cầu nối giữa Hồ Chủ tịch và cựu hoàng Bảo Đại, cụ Ngô Tử Hạ còn tích cực tham gia vào hai phong trào lớn của chính phủ lâm thời là diệt giặc đói và giặc dốt. Vẫn còn đó rất xúc động trong tâm trí của nhiều người Hà Nội cao niên, hình ảnh cụ Ngô khăn xếp, áo the kéo xe bò dẫn đầu đoàn người qua các đường phố của Hà Nội kêu gọi quyên góp tiền bạc cứu đói; hình ảnh cụ cùng Hồ Chủ tịch làm lễ cầu siêu cho hơn hai triệu người chết đói tại Nhà thờ lớn Hà Nội... Bà Ngô Thị Hoàn, nguyên là cán bộ Viện Kinh tế học, nhớ lại: “Lúc đó tôi mới mười tuổi, trong đội nhi đồng được đi theo chiếc xe của cụ Ngô đánh trống, phất cờ, hô khẩu hiệu để vận động đồng bào cứu đói. Cụ Ngô kéo chiếc xe bò qua phố Tràng Tiền. Nhà nào cũng có người chờ sẵn bên hè phố, người thì bơ gạo, người thì đấu ngô, người thì góp tiền. Đi chưa hết một vòng bờ hồ thì xe gạo đã đầy. Về đến Nhà hát lớn gặp Bác Hồ, cụ Ngô báo với Bác xem chiếc xe chở gạo lẫn lộn đủ các thứ: gạo đỏ, gạo trắng, gạo nếp, ngô... Bác Hồ chỉ vào xe gạo nói rằng: “Đây mới là gạo đại đoàn kết. nước ta có nhiều thứ gạo ngon nhưng bây giờ thì đây là thứ gạo ngon nhất”.

         3- Lưu lạc xứ người.
         Nhà in của cụ Ngô bị giặc Pháp đốt cháy trong đêm Toàn quốc kháng chiến. Tiếng súng kháng Pháp vang lên, Chính phủ và Trung ương chuyển lên Việt Bắc, khi đó cụ Ngô Tử Hạ đã 65 tuổi, đương chức ủy viên Ban Thường trực Quốc hội, do già yếu phải đành lòng chia tay cụ Hồ rồi cùng gia đình tản cư về Ninh Bình.
Pháp nhảy dù vào Ninh Bình, bày mọi mưu mô chước quỷ, dùng bọn phản động đội lốt tôn giáo hòng mua chuộc, bắt ép người đại biểu nhân dân Ngô Tử Hạ. Để bảo toàn khí tiết, được sự giúp đỡ của cụ Hồ, cụ Ngô đã đưa gia đình sang Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) cư trú. Ông Trịnh Văn Đường, cháu ngoại cụ Ngô, kể rằng tuy cụ ở xứ người nhưng lòng luôn ngóng vọng về quê hương, ngày đêm mong ngóng được tái ngộ với cụ Hồ để phụng sự đất nước.
Non nước chẳng phụ lòng người, ấy là vào năm 1954, khi dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Pháp đàm phán tại hội nghị Giơ-ne-vơ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tìm gặp lại người bạn cũ Ngô Tử Hạ của mình. Cũng trong thời gian diễn ra hội nghị, cụ Ngô đã gặp gỡ, bàn bạc chính sự với ông Phạm Văn Đồng. Sau hòa đàm Giơ-ne-vơ, cụ theo phái đoàn của Chính phủ về nước và tiếp tục công việc của mình trong Ban Thường trực Quốc hội khóa I.
        Từ khi trở về nước, cụ Ngô không quản tuổi già vẫn hăng hái tham gia sáng lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, tức Mặt trận Liên Việt. Ngày 10-9-1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập, cụ được bầu làm ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, rồi tham gia Ủy ban Liên lạc những người Công giáo Việt Nam yêu nước, yêu hòa bình. Đến trước khi mất, cụ Ngô vẫn còn giữ chức thứ trưởng Bộ Thương binh-Cựu binh (sau này là Bộ Lao động-Thương bình và Xã hội).
.
          4-
Cuộc đời như giấc chiêm bao. 
          Cụ Ngô Tử Hạ sinh năm 1882, là con người vợ lẽ của một nông dân nghèo khó đi khẩn hoang ở miền đất ven biển Ninh Bình. Ngô Tử Hạ lấy vợ sớm, rồi chẳng may vợ chết, chàng trai họ Ngô mới 17 tuổi đã phải nuôi hai đứa con côi. Quẫn bách quá, Ngô Tử Hạ đành đem con gửi ông chú ruột nuôi hộ, rồi tìm đường ra Hà Nội kiếm kế sinh nhai. Lúc đầu Ngô Tử Hạ nhận làm cho một cơ sở in vỏ bao thẻ hương. Dành dụm từng đồng tiền kiếm được, vài năm sau anh thợ Ngô Tử Hạ mua một chiếc máy in thẻ hương, tự mình làm một cửa hàng in, rồi về quê đón hai con lên Hà Nội. Chẳng bao lâu nhân duyên đến với người đàn ông trẻ góa vợ, Ngô Tử Hạ tục huyền với một góa phụ trẻ có vốn liếng. Ông mở mang nghề in, một nghề ông đã thấy thân quen, yêu thích và dự đoán có nhiều triển vọng khá lên. Tích tiểu thành đại, gần nửa thế kỷ lập nghiệp ở Hà Nội, trước ngày Tổng khởi nghĩa, Ngô Tử Hạ đã trở thành nhà tư bản ngành in và bất động sản hàng đầu xứ Đông Dương. Sau này Cụ đã cống hiến hầu hết gia sản cho cách mạng.





3 nhận xét:

  1. Bài viết hay.
    Riêng tôi được nghe cụ Trần Độ kể lại thế này: Sau 19/8/1945, cụ Trần Độ được giao nhiệm vụ phát hành báo Chiến thắng của QĐ Quốc gia. Chính cụ Ngô Tử Hạ đã cho sử dụng nhà in ở phố Lý Quốc Sư để in loạt bài đầu tiên.

    Trả lờiXóa
  2. Sự hy sinh vì cách mạng của các trí thức, địa chủ, thương nhân thời đó thật to lớn và cao cả. Sự hy sinh trong khi đang thực thi "Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ" lại càng vĩ đại và khó lý giải.

    Trả lờiXóa
  3. Ta thường nói không được ăn cháo đá bát nhưng chính ta lại làm điều đó???

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.