Chiều ngày
23/7/2017, 30 thầy trò khóa 5 trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (1965-70)
lần đầu tiên tới thăm quê ngoại LS Võ Dũng. Trên hai chiếc vỏ lãi, chúng tôi
theo con rạch chừng 2km tới nhà con trai dì thứ ba của Võ Dũng. Mọi người được
gia đình đón tiếp thịnh tình, rồi cùng ra “Trần Môn Chi Mộ” thắp hương cho các
cụ cùng cô Trần Kim Anh, Võ Dũng và 2 em Phan Ánh Hồng, Phan Chí Tâm.
Họ Trần, một dòng họ có tiếng ở Sóc Trăng
Ông Trần Văn
Ngưu, tự Nhất Ngưu – Cố ngoại[1]
của Võ Dũng, người con thứ sáu của ông Trần Quang – vị quan trong thành Vĩnh
Long, dưới quyền của cụ Phan Thanh Giản. Thành Vĩnh Long thất thủ, ông Trần
Quang đưa vợ con về làng Trường Thạnh, Cần Thơ, dặn không theo Pháp rồi ông đi
biệt tích. Để giấu gốc tích, bà Trần Quang dẫn 6 người con đến Kinh Sáng,
vùng đất thuộc thị xã Ngã Năm ngày nay,
sinh sống.
Võ Dũng (Phan Chí Dũng) 1951 - 1972. |
Gia đình chú Sáu Dân (ảnh ghép) |
Cuối thế kỷ
thứ 18 (khoảng năm 1890) ông Trần Văn Ngưu đưa vợ con đến khu vực hoang vu này.
Bấy giờ xung quanh là rừng, lau sậy rậm rạp, kênh rạch chằng chịt… Dân quanh
vùng khuyên nên cắm sào giữa sông, ngủ trên ghe và đốt lửa trên bờ phòng thú dữ
mò về.
Cụ Trần Văn
Ngưu cùng con trai lớn thứ năm Trần Quang Quy khảo sát và quyết định lập nghiệp
ở vùng đất cách chợ nổi Ngã Năm chừng 5km đường sông.
Sau 10 năm
khai khẩn, thấy khu vực này trũng, cá từ khắp nơi đổ về, ông Ngưu tìm cách đắp
đập và khai thác cá. Ông thuê cả một vùng đất rộng để khai thác cá. Ghe rổi
thương lái Sài Gòn xuống tận nơi thu mua.
Cầu cảng
được xây dựng, kênh được mở rộng. Khu vực bến thuyền thắp sáng đèn măng-sông cả
đêm. Người trong vùng gọi ông là ông Bá hộ Ngưu. Ấp mới có tên Đường Mốp (xã
Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng).
Ông Trần Văn
Ngưu có 9 người con, trong đó ông Trần Quang Quy (ông ngoại Võ Dũng) là con
trai lớn. Ông Ngưu mất năm 1928. Ông Quy có 7 người con: dì hai Trần Thị Chơi,
dì ba Trần Thị Giác, cậu tư Trần Tấn Lướt, cậu năm Trần Tấn Khả, cậu sáu Trần
Quang Hiến, má của Võ Dũng là con gái thứ bảy Trần Kim Anh, cô út Trần Kim Em.
Năm 1929,
ông Ngưu mua máy xay xát lúa, đặt tại chợ Ngã Năm. Nhà cửa được xây theo kiến
trúc Pháp cùng một ngôi đình. Cứ dịp tết hay thu hoạch mùa màng, ông cho rước
gánh hát bội về hát cho bà con nghe.
Từ khi đến
đây lập nghiệp, dòng họ Trần được dân làng kính trọng. Nhiều người xin vào làm
mướn rồi định cư đến giờ. Người nghèo được ông cho lúa gạo, cấp đất cất nhà.
Có tư tưởng
tân tiến, tiếp thu văn hóa thị thành, khi con trai, con gái còn nhỏ ông cho
thuê gia sư giỏi về nhà dạy học; khi các con trai đã lớn ông cho đi học trường
Lyséum Bassac Cần Thơ. Ngày đó con gái không được đến trường nên 2 cô út Kim
Anh, Kim Em được đưa ra chợ Ngã Năm học mỗi ngày. Người trong làng ngày nay vẫn
nhắc đến 2 cô con gái xinh đẹp, công dung ngôn hạnh, mỗi khi xuống ghe tam bản
hầu[2]
để đi học thì cửa ghe đóng lại, không ai nhìn thấy.
Ngày Cụ Hồ
kêu gọi toàn dân ủng hộ chính phủ, ông Năm Quy hiến vàng bạc, 3300 công đất
cùng nhiều đồ đồng (thau nồi, lư đồng …)
để đúc súng đạn, chỉ giữ lại 100 công đất nơi có mộ phần cha mẹ. Hưởng ứng lời
kêu gọi Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, ông cho phá nhà lớn và ngôi đình
“tiêu thổ kháng chiến”, máy móc xay xát được tháo về, cho đốt khung bao nhà máy.
Sau này, ông
cho ráp lại máy móc tại rạch Đường Mốp; vừa xay lúa cho dân, vừa xay lúa cho
cách mạng, cung cấp gạo cho Tỉnh ủy Long Châu Hà. Do bị chỉ điểm nên Pháp đã
vào bỏ bom xăng, làm cháy một phần nhà máy. Ông kiên trì sửa chữa cho đến khi
không còn ráp lại được nữa.
Chiến tranh
làm mất hết tài sản, mất cả con nhưng ông bà vẫn nén nỗi đau, dựng lại nhà,
tiếp tục sinh sống. Đến năm 1964, khi bị thả hai trái bom trên vườn nhà, sau
nhiều trận càn và tuổi đã cao, không còn đủ sức chạy bom đạn, ông mới rời quê
về sống với người con trai thứ sáu tại số nhà 158 Nguyễn An Ninh, phường Vĩnh
Bảo, Tp Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Tiếp tục
nuôi giấu cán bộ, khi có điều kiện, ông tiếp tế thuốc men, cá khô, thuốc hút,
phương tiện xe cộ… Thường theo dõi chiến sự qua báo chí, biết ngày càng ác
liệt, có quá nhiều người của cả 2 bên ngã xuống; ông lo cho con cháu còn đang
chiến đấu. Ông mong ước hòa bình, để gia đình được đoàn tụ.
Ông Trần
Quang Quy mất năm 1972, bà mất sau ông một năm. Sự nhớ thương, mong chờ gặp lại
Võ Dũng và Hiếu Dân không bao giờ thực hiện được. Còn Hiếu Dân sau này về vẫn
cứ tiếc: “Ông bà ngoại mất mà không kịp đợi con về”.
Chú Sáu Dân và gia đình bên vợ
Năm 1949,
chú Sáu Dân là Tỉnh ủy viên, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Rạch Giá. Một lần đi
công tác, ghé qua lớp học của Hội Phụ nữ mở tại rạch Đường Mốp, chú sáu gặp cô
Kim Anh. Ngay từ cái nhìn đầu tiên chú đã xao động. Hỏi thăm chú Hai Hữu đi
cùng thì biết, đó là con gái ông Năm Quy - một gia đình giàu có, từng hiến đất
cho cách mạng. Từ đó chú Sáu thường ghé thăm nhà cô Kim Anh. Chuyện tình bắt
đầu.
Khi ngỏ lời
cưới cô thì chị thứ hai và anh thứ tư băn khoăn: không biết gia đình chú Sáu ở
đâu; cha mẹ, anh em thế nào? Rồi chú là cán bộ cách mạng, chưa biết sống chết
ra sao… nên không muốn gả. Riêng ông Năm là người có tư tưởng tiến bộ và có cảm
tình với chú Sáu, mặt khác người chị thứ ba biết cô Kim Anh thương chú Sáu nên
cũng nói vào. Ông Năm đồng ý gả cô Kim Anh cho chú.
Sau ngày
cưới, chú luôn giữ liên lạc với gia đình. Thời gian chống Pháp, chống Mỹ, mỗi
lần đi công tác gần nhà, chú cũng tìm cách ghé qua thăm Ngoại. Chú quan tâm và
nhớ hoàn cảnh từng người trong gia đình.
Những chuyến
về quê thăm mộ phần các cụ, chú Sáu vẫn nhắc lại kỷ niệm cũ: “… Ngày xưa không
có chuyện rủ nhau đi chơi… - rồi chú nhìn Hiếu Dân cười - Ngày tết, đến nhà
Ngoại là ba “xung phong” chụm lửa nấu bánh tét để được nói chuyện với má
bay...”. Nhắc lại chuyện tình của ba má, Hiếu Dân trêu: “Ba đi vận động cách
mạng Ngoại rồi “vận động” luôn cả má con… Con biết rồi, ba cưới má khi mới 17
nghen?”. Lúc đó chú Sáu vui vẻ: “Đâu có, má mày sắp 18 mà!” rồi cười mãn
nguyện.
Sau này nghỉ
hưu, thời gian sống ở nhà con gái Hiếu Dân, chú mới có thời gian dành cho gia
đình bên vợ. Thỉnh thoảng chú cho rước bà chị thứ ba và anh thứ sáu lên chơi.
Trong bữa cơm sum họp, chú thường nhắc lại chuyện ngày cưới: “Anh Sáu lấy những
hạt gạo nhuộm đỏ, dán trên tấm kính chiếu thủy 2 chữ “Tổ Quốc”. Trong lễ tuyên
hôn, cô dâu, chú rể trong bộ bà đen bằng vải san đầm; đứng trước bàn thờ Tổ
quốc, xúc động như thấy có mình ở trong đó”.
Đám cưới cô
chú được tổ chức đơn giản nhưng rất trang trọng, với sự chứng kiến của hai họ
nội, ngoại cùng đông đảo bà con xóm giềng. Ông Nguyễn Thành Nhơn, bí thư Tỉnh
ủy Rạch Giá, đại diện tổ chức và cũng là “đại diện nhà trai”.
Chú Sáu cưới
cô Kim Anh năm 1950. Cưới xong sống ở nhà Ngoại. Sau này, chú cứ nhắc mãi cái
ao sen nhà ngoại đã bị lấp, từng chứng kiến kỉ niệm đẹp của 2 người. Cũng năm ấy,
chú có lệnh ra Bắc. Lúc đó cô Kim Anh đã có mang Võ Dũng.
Cùng chuyến
đi còn có một cán bộ cũng có cô vợ trẻ. Cô Năm Liễu (Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Kiên
Giang), người hoạt động cách mạng trong vùng, chứng kiến cuộc chia tay của 2
cặp vợ chồng, đã kể: “Cả 2 cô vợ đều con nhà giàu, rất trẻ, đẹp. Cô thầm nghĩ,
không biết rồi đây họ có chờ đợi chồng được hay không? Vì đi ra Bắc thì biết
ngày nào trở lại, không biết ai còn, ai mất!
Lúc chuẩn bị
đi, cô vợ kia khóc dữ lắm, làm chồng phải quay xuồng lại tới 2, 3 lần mới dứt
đi được. Còn má con gan lắm, khi xuồng ba con đi xa rồi mới khóc… Thật buồn,
người phụ nữ kia không chờ đợi được, đã đi lấy chồng. Đó cũng là một thực tế
phù phàng! Còn má Kim Anh của con vẫn một mực thủy chung, chờ ba bay trở về”.
Võ Dũng và những năm tháng sống ở bên ngoại
Tiễn chú Sáu
đi Việt Bắc, cô Kim Anh vẫn sống ở nhà ông bà ngoại. Đầu năm 1951, cô sinh Võ
Dũng mẹ tròn con vuông. Theo ý chú Sáu, cô đặt tên con trai đầu lòng là Phan
Chí Dũng. Năm 1952, con trai thứ hai Phan Thanh Nam ra đời tại Việt Bắc. Biết
tin, ông bà ngoại và má Võ Dũng muốn đưa Nam về sống bên ngoại.
Ở miền Nam,
Võ Dũng lớn lên trong sự bảo bọc của ông bà ngoại. Ngoại thương Võ Dũng nhiều
nhất vì là đứa cháu duy nhất còn sống với ông bà, hơn nữa ba Dũng đi làm cách
mạng chưa về… Ngoại cũng thương má của Dũng vì là con gái út, lại phải sống xa
chồng. Cô Kim Anh còn xắn áo xắn quần, đi nhổ mạ cấy lúa, giã gạo phồng cả tay…
để “tự cải tạo thành phần” gia đình.
Khi má Kim
Anh đi thăm ba, dẫn Dũng theo sợ lộ nên đã gửi Dũng ở nhà với Ngoại. Cậu Sáu
Hiến thương cháu, đi đâu cũng cho Dũng đi cùng.
Năm 1954,
khi Dũng được 4 tuổi, chú Sáu trở về. Đó là lần đầu cha con gặp nhau. Thời gian
đó, chú hoạt động ở Bạc Liêu nên cô đi đi về về. Đầu năm 1956, Ngoại đưa cô Kim
Anh ra bệnh viện Cần Thơ sinh Hiếu Dân; rồi năm 1962 sinh em Ánh Hồng.
Năm 1965, cô
về nhà Ngoại, sinh em Chí Tâm ở Rạch Giá. Đầu năm 1966, trên đường lên R thăm
chú Sáu, cô đã mất cùng 2 em trên con tầu Thuận Phong.
Tuổi thơ của
Võ Dũng ở nhà Ngoại có rất nhiều kỷ niệm. Ai cũng nhớ, Dũng rất nghịch, từng
bắt gà lôi của ông ngoại nhổ lông đuôi, gắn vào lưng quần, vừa khom lưng chạy
vừa kêu “lức lức”; hay lấy lưỡi cưa trong nhà máy xay dắt vào lưng giả làm
kiếm. Mỗi lần giục đi tắm thì cứ chạy vòng vòng quanh đống trấu. Tới giờ đi học
thì lần khân, có khi trèo tót lên cây xoài, ngồi vắt vẻo không chịu xuống, má
phải cầm roi mới đi…
Võ Dũng ở
nhà Ngoại đến năm 1959 thì cùng má và Hiếu Dân qua Phnôm-pênh sống với ba. Ở
đó, Dũng được học tiếng Pháp ở trường Lạc Hồng. Dũng rất nghịch, hay ném ống bơ
cát qua nhà bên cạnh, bị thưa cảnh sát. Cảnh sát đến kiểm tra, làm cơ quan ta
sợ địa điểm bị lộ, phải chuyển.
Ra Bắc rồi về Nam
Từ
Phnôm-pênh, Dũng được các chú cho bay sang Hồng-Kông rồi đi phà biển vào Quảng
Châu. Từ đây đi tầu liên vận về Hà Nội. Cô Bảy Huệ (phu nhân ông Nguyễn Văn Linh[3])
đón Dũng về nuôi.
Dũng được
gửi xuống Hải Phòng học Trường Học sinh miền Nam số 19, 21 ở Cầu Rào. Đến năm
1963, Bộ Giáo dục trả số học sinh có ba mẹ hoặc người thân ở ngoài Bắc về với
gia đình, Dũng lại về nhà cô Bảy Huệ. Dũng và Hiếu Dân được cô chăm sóc và coi
cô như má. Các em trong nhà thì gọi Dũng là anh Hai.
Hè năm 1965,
cô đưa Dũng lên Trường Văn hóa quân đội ở Trại Hòe, Hà Bắc, bắt đầu cuộc sống
Thiếu sinh quân. Có lẽ vì từng tiếp xúc với lính Mỹ, ngụy mà những ngày ở
trường, Dũng không hề sợ khi máy bay Mỹ bay qua. Có báo động, Dũng toàn đứng
trên nóc hầm theo dõi trận không chiến. Khi thấy tên lửa SAM hay Mig-21 của ta
bắn cháy máy bay Mỹ, Dũng nhảy lên hò reo.
Do chiến
tranh phá hoại của giặc Mỹ mở rộng, nhà trường di chuyển từ Trại Hòe lên An Mỹ,
Đại Từ, Bắc Thái rồi sang Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc… Xa má đã 7 năm mà
không có thư từ. Sốt ruột, hỏi thăm ba thì ba không trả lời. Hai anh em linh
cảm có điều gì chẳng lành. Dũng bỏ học, nhiều lần xin được về nước chiến đấu.
Cuối cùng, Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh phải đồng ý.
Về nước, các
chú ở Tổng cục Chính trị cho đi học tiếp nhưng Dũng quyết xin về Nam. Thuyết
phục không được, các chú cho Dũng về Trường Quân chính QK Tả Ngạn. Tại đây Dũng
được học các yếu lĩnh cơ bản của người lính trận: lăn lê, bò toài, đào hầm hào,
hành quân, bắn súng, ném lựu đạn, đặt mìn…
Mãn khóa,
các chú có ý định cho Dũng đi theo đường qua Hồng-Kông về Campuchia. Dũng lắc
đầu: “Mọi người có thể đi dọc Trường Sơn vào B2 thì cháu cũng đi được”. Tháng
8/1969, khi tập trung ở Đoàn huấn luyện cán bộ đi B trên Lương Sơn, Hòa Bình,
các chú muốn phát cho Dũng tăng bạt, quần áo, đồ dùng tốt hơn, Dũng cũng không
đồng ý.
Trước ngày
lên đường, cô Bảy Huệ, cô Tư Duy Liên và em Hiếu Dân lên thăm. Các cô rất lo,
thằng cháu nghịch ngợm từ bé sẽ sống thế nào suốt dọc đường vào Nam, nó mà vô
kỉ luật thì không chỉ tổn thất cho mình nó. Hiểu lo lắng đó, Dũng trả lời: “Các
cô và em yên tâm đi, con sẽ không làm cô và em phải hổ thẹn. Con đi lần này,
một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực!”. Hai cô rơm rớm nước mắt thương thằng cháu đã
mất má và 2 em, giờ lại đi vào nơi hòn tên mũi đạn có thể dính bất kì lúc nào.
Cuối năm
1969, lên đường đi B. Anh Long, chị Phương cùng chuyến đi với Dũng kể lại, suốt
dọc đường không ai biết nó là con ông to, lúc nào cũng vui cười, luôn kể
chuyện, tán dóc, luôn sẵn sàng khoác ba-lô, súng đạn giúp người khác, có điếu
thuốc thì cùng hút. Ngày chia tay các anh rẽ xuống B5 miền Trung, Dũng lấy
trong ba-lô ra tút thuốc, chia đôi: “Anh cầm đi mà hút, em có rồi. Hết thì hút thuốc
rê”.
Về đến căn
cứ R trên Tây Ninh, ba, con gặp nhau. Nước mắt rưng rưng, chú Sáu ôm Dũng vào
lòng: “Từ Rạch Giá, má con bế thằng Tâm mới 4 tháng tuổi, dắt theo Ánh Hồng đi
cùng cô Ba giao liên, lên xe đò đi Sài Gòn. Từ Sài Gòn lên con tầu Thuận Phong
vẫn thường chở vợ con sĩ quan ngụy đi thăm chồng trên Tây Ninh.
Không ngờ
khi tầu rời bến thì công lệnh “cấm tầu bè qua lại trên đoạn đường sông qua Củ
Chi” do lính Mỹ mở trận càn trên sông, đã phát, nhưng nhân viên công vụ lại đi
uống cà phê nên lệnh cấm đến trễ. Tàu đã xuất bến.
Sau hơn một giờ đồng hồ, con tầu vào khu vực
cấm. Trực thăng UH-1 vè vè trên đầu. Chủ tầu cho tàu chạy ra giữa sông rồi cho
trải cờ 3 sọc trên nóc. Phi công trên UH-1 điện về bến tầu thì biết công lệnh
đã phát. Cho là “tàu Việt Cộng cải trang” nên từ trên UH-1 đã bắn rốc-két xuống
tàu. Tàu chìm. Nhiều người bị chết và bị thương, nhiều người tìm cách bơi vào
bờ, nhưng chúng tiếp tục quần thảo, bắn rát…
Nghe tin má và 2 em đi trên con tầu này, ba
cùng các chú đã đi dọc bờ sông phía thượng nguồn tìm kiếm mấy ngày trời. Nhà Ngoại
xin cấp giấy phép thuê tầu đi suốt từ hạ lưu sông Sài Gòn lên Củ Chi tìm mà
không thấy. Đau lắm. Sợ con và em Hiếu Dân biết, buồn mà sinh bệnh nên ba dặn
các chú giấu các con.
Giờ, con về đây, ba, con mình có nhau, làm
cho ba vơi đi nỗi buồn vì mất mát lớn quá…”.
Cũng buổi đầu tiên gặp lại ba, Dũng kể chuyện
được gặp Bác: “Cuối năm 1968, Bác Hồ cho đón các cháu học sinh
đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ: Hà Nội - Huế - Sài Gòn” về Dinh Chủ tịch chơi.
Là con em miền Nam, con và em Dân cũng được dự. Các bạn thiếu nhi quây quần bên
Bác. Bác lần lượt chia kẹo và ân cần hỏi thăm học tập ra sao, có ngoan ngoãn
nghe lời cha mẹ, thầy cô.
Đến lượt con, Bác hỏi: "Cháu có ngoan không?". Con
khoanh tay lễ phép: “Dạ, cháu còn nghịch, chưa ngoan ạ!”. Bác xoa đầu con:
“Giỏi! Cháu thật thà như vậy là tốt, nhưng phải cố gắng lên để bằng các bạn
nhé!”. Nói rồi, Bác chia phần kẹo cho con”. Nghe đến đây chú Sáu xúc động
ghì chặt Dũng vào lòng.
Về tới B2 nhưng không muốn sống ở trên chiến
khu nên Dũng nằng nặc đòi đi chiến đấu. Chú Sáu thắt ruột vì còn thương nó mới
từ miền Bác vào nhưng trước sự kiên quyết của Dũng, chú đã gửi con cho các chú
dưới đặc khu Sài Gòn – Gia Định. Thương chú Sáu, các chú xếp Dũng về đơn vị thông
tin. Chỉ một thời gian, Dũng không muốn làm lính thông tin: “Suốt ngày ngồi
trực bên máy, con không chịu được. Phải cho con về quê má, xuống đơn vị…”.
Tháng 6/1971, Dũng được điều về Mặt trận T3
thuộc Khu 9, gần quê ngoại. Tháng 10 năm đó, Dũng giấu ba, nằng nặc xin các chú
xuống Trung đội 2 (Tiểu đoàn 3 trinh sát). Đơn vị đóng ở Hồng Dân, tỉnh Bạc
Liêu, chỉ cách nhà chừng 30km. Về trinh sát, Dũng không cậy mình là “con ông
cháu cha” từ ngoài Bắc vào mà cùng chia lửa với anh em. Cùng đi trinh sát, cùng
lặn lội sông nước điều nghiên. Ai cũng quý.
Chú Sáu Nam[4]
ngày đó là Tư lệnh Khu 9, nghe có con trai đồng đội về làm lính trinh sát; chưa
kịp kéo Dũng lên cơ quan thì nghe tin đau, Dũng đã hy sinh ngày 21/4/1972.
Sớm hôm đó, Dũng đi trinh sát cùng 2 đồng
đội, không ngờ bị lọt vào ổ phục kích. Chúng bất ngờ xả đạn làm 3 chiến sĩ
không kịp trở tay. Cả 3 hy sinh. Biết tin, đơn vị cử người tìm xác, chôn cất
ngay bờ kênh Tây Ký (thuộc xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Rạch Giá).
Nơi yên nghỉ cuối cùng của cô Kim Anh, Võ
Dũng và 2 em
Thầy bạn k5 bên Võ Dũng, cô Kim Anh và 2 em. Sóc Trăng 27/7/2017. |
Ông Trần Quang Hiến nhớ lại: “Tới năm 1980,
dượng Bảy (cô Kim Anh vợ chú là thứ bảy) mới cho bốc hài cốt Võ Dũng. Sau khi
đưa đi hóa thân hoàn vũ, di cốt Dũng được để ngay trong phòng của dượng ở An
Phú, quận 2. Từ đó, Dũng luôn được ở bên cạnh ba”.
Sau ngày con tầu Thuận Phong được cẩu lên
nhưng bên trong chả còn lại gì. Chú cho xây 3 ngôi mộ gió cho cô Kim Anh và 2
em, ngay tại Củ Chi, nơi con tầu Thuận Phong bị bắn chìm. Sau này mới làm mộ
gió cho cô và 2 em ở NTLS TPHCM, không xa Tượng đài Bà má Việt Nam anh hùng.
20 năm sau ngày cô Kim Anh ra đi, có người
gợi ý làm thủ tục truy tặng danh hiệu liệt sỹ cho cô. Chú lắc đầu: “Mất mát của
gia đình tôi cũng như mất mát của hàng triệu gia đình Việt. Đã 20 năm rồi, vết
thương chưa thể lành hẳn nhưng làm việc đó để làm gì? Nếu làm chỉ khoét thêm
nỗi đau bấy lâu!”.
… Năm
1982, được Quốc hội phê chuẩn là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Phó chủ
tịch rồi Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, chú Sáu phải ra Hà Nội. Chú
cho đưa hài cốt Dũng vào nằm bên cạnh mộ gió má và 2 em.
Năm 2005, khi đã nghỉ hưu, chú quyết định đưa
4 má con về quê ngoại ở Sóc Trăng. Vì sao không chuyển cô và các con về Vũng
Liêm, Vĩnh Long mà lại có quyết định đó? Khi tìm hiểu thì chị Hạnh,
cháu chú Sáu, cho hay: “Quê ngoại chính là nơi chôn rau cắt rốn của Dũng. Sinh
ra, lớn lên đến khi ra Bắc, Dũng được sống với Ngoại nên có nhiều tình cảm và
kỉ niệm. Ở ngoài Bắc, Dũng quyết tâm trở về quê hương chiến đấu, trả thù cho
má, 2 em. Và chính trên mảnh đất này Dũng đã hy sinh. Đó chính là lí do để dượng
quyết định đưa Dũng cùng má và 2 em về Sóc Trăng.
Hôm đưa Dũng về quê ngoại, chú Sáu không về
được. Suốt dọc đường từ TPHCM, Hiếu Dân ôm anh mình trên tay cho đến khi hạ anh
xuống lòng đất mẹ. Nhìn Hiếu Dân ai cũng đều xúc động vì Hiếu Dân mất gần hết:
má, anh Hai Dũng cùng 2 em; giờ chỉ còn lại một mình và anh Ba Nam…”.
Bia tưởng niệm cho 4 má con được chuẩn bị từ
trước, do 2 điêu khắc gia Nguyễn Văn Sánh, Vũ Thế Thái thực hiện. Chân dung cô
Kim Anh ở giữa, 2 bên là Ánh Hồng và Chí Tâm, phía dưới là Võ Dũng. Không được
gặp má và 2 em nên khó hình dung, nhưng hình tượng Võ Dũng trên bức phù điêu
rất sống động, có nhiều nét giống Dũng ngày ở trường.
Chú Sáu cùng vợ chồng Hiếu Dân bên mộ cô Kim Anh, Võ Dũng, Ánh Hồng và Chí Tâm. |
Trước nấm mộ của má Kim Anh, Võ Dũng và 2 em,
Võ Thúc Minh – bạn thuở Thiếu sinh quân chống Mỹ – xúc động kể: “Trước ngày
chia tay, Dũng nhờ tôi xăm lên cánh tay 2 chữ “Hoài Mẫu”. Tôi cầm cái kim khâu
đã quấn chỉ, chấm mũi kim vào bát mực Tàu, run run chích từng mũi lên da thịt
bạn. Máu bật ra, đau lắm. Mắt rơm rớm nhưng Dũng cắn răng chịu đựng. Tôi hiểu
Dũng nhớ má, yêu má đến chừng nào…”.
Nhìn bức phù điêu nhận ngay ra thằng bạn đôn
hậu, nghĩa tình; nghịch ngợm, dũng cảm, liều lĩnh nhưng đầy bản lĩnh… Giá mà
còn sống thì Võ Dũng sẽ là một cán bộ đầy năng lực.
Sài Gòn.
Tháng 7/2018
Trần Kiến
Quốc
Trường Văn
hóa quân đội – Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (1965-70) thuộc Tổng cục Chính
trị QĐNDVN, đào tạo 8 khóa với 1200 học sinh, cung cấp cho quân đội gần 900 sĩ
quan và hơn 1000 kĩ sư, bác sĩ, cử nhân… Có 2 thầy giáo và 28 học sinh đã anh
dũng hy sinh trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có liệt sỹ
Võ Dũng.
[1] Trong
Nam bộ gọi cụ là cố.
[2] Một loại
thuyền nhỏ có mui.
[3] Sau này
là Tổng bí thư Đảng CSVN.
[4] Sau này
là Đại tướng Lê Đức Anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.