Năm 2001,ấn phẩm “Sinh ra trong khói lửa” được NXB Trẻ phát hành, dày chỉ 400 trang. Không ai dám nghĩ đó là Tập 1 để những năm sau đó sẽ có thêm 3 tập nữa. Thế mà sau khi sách ra đã khuấy động thầy trò toàn quốc để các “năm chẵn” 2005, 2010, 2015 ra tiếp 3 tập được đánh dấu bằng 2, 3, 4 ngôi sao. Cuốn nào cũng dày trên dưới 1000 trang với nhiều bài và tư liệu quý. Quay đi quay lại đã 20 năm! Sợ thật! Nhiều người có bài góp cho 4 tập sách ấy đã đi xa.
Năm nay, năm 2020, kỉ niệm 55 năm Ngày truyền thống Trường VHQĐ – TSQ Nguyễn Văn Trỗi (15/10/1965 – 15/10/2020), lại đúng vào năm có đại dịch Covid-19. Khi dịch đợt 1 tạm lui, Trưởng BLL Bùi Quang Vinh thông báo: Nếu không có gì thay đổi thì vẫn tổ chức Hội trường toàn quốc; vậy có ra sách được không? Thật ra không dám hứa, vì sách ra được hay không là phải có bài vở của thầy trò, anh chị em đóng góp. “Có bột mới gột nên hồ”!
Vừa nhắn tin lên Facebook của các khóa, lập tức anh chị em ào ạt đăng kí. Thế thì còn gì bằng! Và rồi, suốt từ tháng 4 tới giờ, qua email, qua Zalo, Viber, Facebook, chúng tôi đã nhận được rất nhiều bài vở, tư liệu của anh chị em các khóa. BBT lập tức được hình thành và thực thi nhiệm vụ. Xin điểm qua những gì đã làm được.
Tư liệu của nhà trường
Ngay sau khi Tập 4 phát hành, thầy Ngô Hồng Chiêu đọc và góp ý: Phần tư liệu về Ban giám hiệu còn thiếu bác Phạm Ngọc Điển, ngày đó là Phó chánh Văn phòng TCCT, được biệt phái về trường thời gian ban đầu và thời gian chuyển từ Trung Quốc về. (Thật ra là học sinh nên chúng ta mấy ai biết chuyện về tổ chức như thế!).Và rồi thầy Chiêu bật mí, con gái bác Điển cùng làm việc với thầy ở Trung tâm Thông tin KHQS. Nhớ ngay đến anh Từ Linh từng là giám đốc ở đây. “Xoẹt”, trong vài ngày, anh xin được ảnh của bác Điển.
Nhà trường ta có 2 thầy giáo và 28 học sinh anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, chống quân xâm lược Trung Quốc và giúp bạn Campuchia làm cuộc cách mạng. Những lần trước, còn thiếu di ảnh và thông tin của LS Nguyễn Khắc Bình k7. Cách đây 3 năm, các bạn k7 đã tìm được người thân của Khắc Bình và chúng ta đã có được những gì còn thiếu. (Tuy vậy, BBT vẫn áy náy vì còn thiếu thông tin của 2 thầy B trưởng Nguyễn Đăng Đạo và Nguyễn Văn Phố).
Lần này, danh sách AHLS được thay đổi cách sắp xếp: xếp theo thời gian hy sinh. Trong đó, LS đầu tiên của trường là Nguyễn Lâm Duy (được TCCT công nhận là LS TSQ, hy sinh 30/8/1966 ở rừng An Mỹ, Đại Từ - khi khai thác gỗ xây dựng doanh trại); còn LS đầu tiên hy sinh ngoài mặt trận là Nguyễn Văn Ngọc (hy sinh 10/10/1968 ở Thành Vinh, khi chỉ còn vài tuần nữa là giặc Mỹ phải ném bom hạn chế từ vĩ tuyến 20 đổ ra).
Trong chương này, chúng ta sẽ đọc được nhiều bài viết ở nhiều thể loại: ghi chép, tản văn, cả những bài từng đăng tải trên báocùng những tư liệu quý: đơn xin đi chiến đấu của AHLS Huỳnh Kim Trung; bút tích của LS Võ Dũng, của LS Nguyễn Khắc Bình; hình ảnh anh Trỗi, chị Quyên hay nụ cười ngạo nghễ của Vũ Kiên Cường k5 ở ngay Thành cổ Quảng Trị “Mùa hè đỏ lửa 1972”...
Các thầy, các bạn đã tô thắm thêm truyền thống của mái trường VHQĐ – TSQ Nguyễn Văn Trỗi! Sự hy sinh của các thầy, các bạn đã cho chúng tôi được sống đến ngày hôm nay. Xin được ngàn lần tri ơn!
Ký ức thầy cô
“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống của của dân tộc, điều mà học sinh Trỗi học được từ gia đình và nhà trường. Dù đi đâu về đâu, trò Trỗi không quên ơn thầy cô.
Lần này, BBT đã mời được các thầy của chúng ta (các cụ toàn trên dưới 80 cả rồi, có cụ đã 90) viết bài cho sách. Nào thầy Phạm Khang – CTV khóa 5, thầy Ninh Cử Trực - C trưởng đầu tiên, thầy Ngô Hồng Chiêu, thầy Mai Duy Vọng, thầy Vũ Xuân Thăng, thầy Phan Trung Trinh...
Các thầy đã cao tuổi mà bút còn sắc lắm. Bạn đọc sẽ đọc được nhiều thông tin mà ngày xưa chưa biết. Đặc biệt BBT tìm được bài viết về thầy Doãn Mậu Hòe, trước khi về làm C trưởng k5 từng “gõ đầu” 6 vị tướng của QĐNDVN.
Nhớ lắm... ngày xưa ấy!
Trong chương này thì đủ thứ chuyện trên đời, từ ngày mới lên trường ở Trại Hòe, Trại Cờ, Phố Thắng, Hiệp Hòa, Hà Bắc đến những ngày sống ở An Mỹ, Đại Từ, Bắc Thái – ATK năm xưa rồi những ngày sang tá túc ở nước bạn Trung Hoa và trở về Hưng Hóa (Vĩnh Phú)- Trung Hà (Hà Tây). Tác giả thì từ k2, k3, k4, k5, k7, k8 và “k9” v.v… Đủ cả, lính mới tò te có, học hành có, đi gác đêm có, có cả chuyện đánh nhau...
Đặc biệt, có 2 tác giả lớp bé nhất có bài khá dài và nhiều kỉ niệm: Hà Quang Vũ với “Nhớ lại và Suy nghĩ” (cứ như hồi kí của nguyên soái Giucốp lừng danh trong chiến tranh chống Phát xít Đức) và Nguyễn Mạnh Trí (Trí “tẩu”, nhân vật chính trong phim “Em Phước” của Xưởng Phim truyện Việt Nam, 1970) với “Những mẩu chuyện của lính Út Trỗi”.
Nguyễn Chỉnh Huấn k5 thì ghi lại kỉ niệm với thầy Hiến (dạy Toán và sống với trò có hơn tháng trước khi đi Trung Quốc) nhưng lại ít ai nhớ. Trong chương này, chú em Trương Nghiêm “k9” (em Trương Minh Trang k8, đã mất) có gửi bài viết “Chuyện cái tên của trường các anh” (chả hiểu là Trôi, Trổi hay Trỗi... nữa!).
Hậu Trỗi
Hè 1970, trường ta giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ đào tạo 1200 học sinh trong thời gian 5 năm (1965 – 1970). Các khóa từ 1 đến 5 phần lớn đã nhập ngũ, học sinh các khóa 6, 7, 8 thì được trả về gia đình.
Cho dù không có mái trường cụ thể nhưng lính Trỗi vẫn phát huy bản tính của mình: thông minh, học khá giỏi, nhanh nhẹn, nghịch ngợm pha chút ngang tàng, lại từng được quân đội rèn luyện 5 năm nên đượm tình đồng chí, thắm tình đồng đội.
Những kỉ niệm sau ngày ra trường, về đơn vị, tham gia chiến đấu nhưng vẫn không mất đi “chất Trỗi”. Nào chuyện lính k3 đi rèn luyện thực tế chiến đấu ở đơn vị pháo phòng không của Tạ Quang Vinh k3 hay “Chuyện lính ăn trộm hoa” (Đỗ Tấn Mỹ k5). Rồi cả những câu chuyện đời lính chiến của lính Trỗi k7, k8: “Trận Saravan Nam Lào tháng 2/1973” (Nguyễn Tăng Tiến k8), “Tiểu đội phó của tôi” (Ngô Thái Hòa k6-7)...
Lớp đàn anh Đỗ Thành Hưng k1, Tạ Việt Chiến k3 cũng có những bài về chiến trường ác liệt hay chuyện gặp lại nhau sau ngày 30/4/1975 của Lê Cảnh Nghĩa k3, Đỗ Thành Hưng k1...
Tình Trỗi
Lính Trỗi chỉ cần nhìn nhau là biết! Đó chính là Cái Tình (xin được viết hoa cả 2 từ). Lính Trỗi kính thầy, yêu bạn, thậm chí còn “thương yêu nhau hơn cả anh em ruột”!
Trước tiên phải kể đến những bài viết về người thầy. (Xin mở ngoặc: “thầy” ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm: thầy cô giáo dạy trên lớp, các thầy là cán bộ khung (C trưởng, B trưởng, CTV), đội ngũ y bác sĩ, đội ngũ chị nuôi, lính cảnh vệ, CBCNV nhà trường...). Tổng cộng khoảng 200 “thầy cô”, do khuôn khổ của sách có hạn không cho phép kể hết. Trong chương này có những bài viết về cô Thục, cô Nhâm, thầy Hồng Tuyến, thầy Nguyễn Hữu Tiến... Đến ngày cuối cùng, cảm động khi BBT nhận được bài viết Nguyễn Thị Mẫn k5 “Người thầy dạy 3 thế hệ trong gia đình tôi”.
Bạn bè Trỗi ứng xử với nhau thì quá là tuyệt vời! Nào cứu bạn Nguyễn Nam Tiến k5 thoát chết khi sang thăm Quế Lâm năm 2007 (bạn sống đến nay được 13 năm rồi!); hỗ trợ con gái bạn Hoàng Phước Bình k4 thay thận... Và năm 2020 này, vừa biết tin Phan Trường Sơn k5 mắc trọng bệnh lại sống độc thân mà BLL k5 qua Zalo, Facebook đã vận động anh chị em trong khóa cùng bạn bè trong và ngoài Trỗi chỉ trong 3 ngày góp được 88,8 triệu đồng, giúp bạn.
Trong chương này, có những bài: “Tình Trỗi bên chiếc xe đạp” (Lê Chí Hòa k5), “Nhớ bạn Cúc “lồi”...” (Hồ Bá Đạt k8), “Đồng đội tôi” (Chu Kì Minh k2), “Trên một chuyến bay” (Nguyễn Hoài Phúc k6)...
Chuyện sau nửa thế kỷ
Ngày vào Trỗi, chúng ta là những cô cậu thiếu niên mới 12-13 tuổi, lớn thì 15-17. Nửa thế kỷ sau, bé nhất đã là U70, lớn thì U80. Chừng ấy năm với bao biến động, kẻ mất người còn, kẻ đã nghỉ ngơi, người còn lao động mưu sinh... Lắm chuyện lắm.
Nào “65 tuổi vẫn phải đi làm phu mỏ” (Tạ Quang Vinh k3), “Có một thằng bạn như thế!” (Phan Đức Dũng k5), “Theo gương thầy Nguyễn Đỗ” (Trần Kiến Quốc k5), v.v... Ngay cả những bạn Trỗi đã đi trước (Nguyễn Công Trường k5, Trần Minh k7...) cũng được bạn bè trân trọng nhắc đến.
Câu chuyện “Tự làm việc tốt” thật cảm động! Thường đi chợ Tân Định, thấy cháu gái nghèo từ miền Trung vào tàn tật, phải bò lê lết đi bán vé số. Vậy là có một bạn Trỗi bỏ tiền mua cho cháu chiếc xe ba bánh. Anh chia sẻ: "Chả cần thông qua tổ chức từ thiện nào, anh ạ, tiền mình làm ra, cứ đến tận tay người nghèo là tốt nhất".
Trong lịch sử ngành Quân Y thời chống quân Polpot có 2 trường hợp hy hữu - mổ lấy viên đạn chưa nổ trên thân thể thương binh ngoài chiến trường thì cuộc phẫu lấy viên đạn M79 không nổ nằm trên gò má thương binh ngay tại chiến trường K của BS Trần Mạnh Cường k5 là một. Và rồi, BBT tìm được câu chuyện thực sự cảm động về cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa BS Cường và người thương binh năm xưa, sau đúng 42 năm. Đặc biệt hơn, chuyện được ghi lại bởi Nguyễn Hồng Nga, phu nhân của BS Cường. Không những thế, trong cuốn sách bạn đọc không dưới 2 lần còn gặp lại bài viết của người vợ lính này.
Ngoại giao nhân dân
Chỉ tồn tại 5 năm (tương đương với 60 tháng), trường ta có 1/3 thời gian - 20 tháng - tá túc ở mảnh đất Quế Lâm “sơn thủy hữu tình”. Nhớ 2 câu thơ của Chế Lan Viên:
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn
Quế Lâm đã trở thành “Thành phố tuổi thơ”, Ly Giang đã trở thành “Dòng sông tuổi thơ”. Và, nhân dân Quế Lâm đã đùm bọc, chia sẻ với chúng ta những tháng năm gian khó, đã trở thành những người cha người mẹ, người bạn thân tình. Họ là thầy Hiệu trưởng Lăng Hán Dân, bà BS Châu, anh Cao “Tư lệnh”, anh Lưu Đào, chị Lư Mỹ Niệm, GS Đỗ Kiếm Tuyên, chị em họ Mã, chị em họ Thịnh, v.v... Đó là Trường Trung học số 1, là Trường Dạy nghề, là BV Nhân dân Quế Lâm, là Đại học Hàng không vũ trụ, là Đại học SPQT...
Cho đến giờ, chúng ta vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với các bạn Quế Lâm. Trong 5 năm qua (2015 – 2020) chúng ta đã có đoàn đại biểu tham gia các sự kiện:
- Cuối tháng 12/2015: Sang Nam Ninh, Quế Lâm dự ra mắt cuốn sách “Minh chứng lịch sử về tình hữu nghị Trung Việt”,
- Tháng 10/2016: đón Viện KHXH Quảng Tây và Nhà lưu trữ dân tộc Choang sang ra mắt cuốn sách nói trên tại Việt Nam,
- Tháng 10/2017: gần 80 chục cựu học sinh nhà trường sang thăm lại Quế Lâm, nhân “Kỉ niệm 50 năm ngày đặt chân tới Quế Lâm” (1967 – 2017).
Ngoài các đoàn tham dự các sự kiện, BLL còn giúp tổ chức nhiều đoàn sang thăm Quế Lâm và đón các bạn Trung Quốc qua thăm Việt Nam.
Tình hình quan hệ 2 nước năm qua có nhiều biến động nhưng những người bạn Quế Lâm, Nam Ninh, Phật Sơn... vẫn là những người bạn tốt của Trường Nguyễn Văn Trỗi.
“Văn hóa - Văn nghệ” mang thương hiệu Trỗi!
Phải nói, thầy cô ở Trường Trỗi không chỉ dạy chúng ta văn hóa mà còn dạy cả những môn văn - thể - mỹ.
Sau nửa thế kỷ, các thầy dạy Văn: thầy Chi Phan, thầy Cao Thưởng, thầy Cao Cự An, thầy Hoàng Sảng, thầy Phùng Văn Bảo, thầy Bùi Đức Thuận, thầy Nguyễn Phượng Chử, thầy Hoàng Xuân Tạp, thầy Võ Trí Mật, thầy Ngô Ngọc Hoài, thầy Nguyễn Đỗ, thầy Phạm Đình Trọng có thể tự hào rằng, trò Trỗi có nhiều “nhà văn, nhà thơ không chuyên” nhưng “bài nào cũng rất có hồn”, có không ít bài đã đạt tới vẻ đẹp văn chương!
Cùng với trang thơ gồm 6 bài thơ (trong đó có bài thơ “Tri ân đồng đội” viết về các AHLS Trường Trỗi hy sinh ở Thành cổ Quảng Trị) của thầy Chi Phan là các trang thơ của “các nhà thơ không chuyên”: Đỗ Quang Việt k2, Hoàng Giang k3, Nguyễn Tuấn Linh k3, Phạm Phi Hùng k3, Tạ Việt Chiến k3, Tô Long Hoành k5, Phan Đức Dũng k5, Trần Bắc Hải k5, Nguyễn Khánh Hòa k5, Đỗ Tấn Mỹ k5, Trần Lập Công k6, Trần Việt Châu k6, Hồ Sỹ Bàng k7, Bùi Quyết Thắng k7, Ngô Thái Hòa k7, Nguyễn Thị Thái k8...
Về văn xuôi cũng không thua kém với các truyện ngắn, bút ký, tùy bút, hồi ký… của thầy Chi Phan, thầy Phạm Đình Trọng cùng các học trò: Đỗ Thành Hưng k1, Tạ Việt Chiến k3, Nguyễn Việt Hồng k4, Đỗ Tấn Mỹ k5, Anh Thy, v.v...
Cùng “Hiệu ca Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi” của thầy Hồng Tuyến và ca khúc “Người anh hùng sống mãi” tặng AHLS Huỳnh Kim Trung, trong Tập 5 còn có sáng tác “Hành khúc ngày bình yên” của TS Trần Bắc Hải viết tặng LS Nguyễn Tiến Quân k6 nhân ngày 27/7.
*
Hy vọng rằng Tập 5 “Sinh ra trong khói lửa” sẽ đọng lại trong lòng bạn đọc những cảm xúc về một thời gian khó nhưng rất đẹp của thầy trò dưới mái Trường TSQ mang tên AHLS Nguyễn Văn Trỗi!
Nhớ thầy Phạm Đình Trọng có nói chục năm trước, dù không có mái trường cụ thể nhưng thầy trò Trỗi vẫn có thể ra được sách “Sinh ra trong khói lửa”. Biết đâu đấy, 5 năm nữa – nhân kỉ niệm 60 năm nhà trường, thầy trò ta sẽ lại có Tập 6!
BBT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.