Trang

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

SINH VIÊN QUÂN SỰ CÙNG NHỮNG CHUYẾN TẦU (KQ)



Người xưa nói: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” quả không sai! Vốn có 15 năm liên tục là học trò, từ lớp 1 cho đến hết đại học, tôi cũng gặp những gì đúng như người xưa đã dậy. Ở đây, tôi muốn kể lại những mẩu chuyên về sinh viên quân sự trên những chuyến tầu ngược xuôi Hà Nội những năm 70 của thế kỷ trước.

Thời sơ tán đánh Mỹ và cả sau này, chúng tôi đóng quân quanh thị xã Vĩnh Yên (ngày đó thuộc tỉnh Vĩnh Phú), xa Hà Nội quãng 60km và cách khu nghỉ mát Tam Đảo có 24km. Mỗi lần được phép tranh thủ về Hà Nội là niềm hạnh phúc lớn. Ngày đó mới mới 19-20, chưa đứa nào có vợ con, về Hà Nội chỉ để ngắm phố phường, đi chơi với bạn bè (có thể cả bạn gái) cho đỡ nhớ, thứ đến mới là thăm cha mẹ và gia đình (!).
Trước năm 72, nếu không bắt được xe khách Vĩnh Yên – Hà Nội chạy chuyến cuối vào 4 giờ chiều thứ 7 thì đành ra ga đợi chuyến tầu xuôi. Tầu thời chiến không bao giờ chạy đúng như lịch đã vạch. Có khi ngồi ở nhà đợi hoặc vật vờ ở mấy quán nước của em Ninh hay Hòa – Thọ tới tận đêm tầu mới về. Lên tầu rồi thì ngồi ngủ gà ngủ gật, mỗi toa treo một chiếc đèn bão lắc lư theo nhịp tầu. Tận mờ sáng mới đến ga Hàng Cỏ. Mặc, miễn là về đến nhà.
Sau ngày Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại lần 2 ra miền Bắc, C343 sơ tán vào rừng Tam Đảo. Mỗi lần “được phép lên bờ”, phương tiện để về Hà Nội duy nhất là chiếc xe đạp. Mỗi đứa dù sơ tán ở đâu cũng cố mà mang theo chiếc xe đạp Thống nhất, Vĩnh cửu  hay xịn hơn là Phượng hoàng; không có thì phải mượn chị em nuôi quân chiếc xe tiếp phẩm. Ngày đó, ai có xe “cuốc” (Liên Xô), hay Eska (Tiệp), Diamant (Đức) là loại người được kính nể. Xe ngoại mỗi khi đạp pê-đan thì nghe tiếng líp kêu tanh tách. Từ sớm phóng xe rời cửa rừng ra thị xã, xuôi quốc lộ số 2 về tới Phúc Yên thì rẽ phải ở ngã ba Thanh Tước tới Chèm. Các địa danh như đồi “79 muà xuân” - nơi Bác Hồ đã trồng cây lưu niệm, hay trận địa tên lửa sư 361... trở nên quen thuộc với chúng tôi. Đạp đều đều quãng 9-10 giờ sáng thì tới bến phà Chèm. Đến Chèm thì cảm thấy thủ đô chỉ còn trong gang tấc… Đứa nào cũng xốn xang phóng xe ngược gió dọc theo đê về dốc Yên Phụ.
Sau trận “Điện Biên phủ trên không” cuối 1972, chiến tranh chấm dứt trên miền Bắc, hội nghị Paris lại tiếp tục. Các lớp thu quân về doanh trại cũ ở thị xã. Việc giải quyết “đi tranh thủ “ vào ngày nghỉ thành lệ thường xuyên hơn. Thứ 7, như bất cứ ngày nào trong tuần, chúng tôi vẫn phải học 6 tiết buổi sáng và 3 tiết tự tu chiều. Ai đăng kí đi tranh thủ là suốt buổi sáng cứ thấp thỏm chờ anh Bỉ (C trưởng) đưa danh sách xuống. Chỉ sợ bị trên gạt khỏi danh sách, (mà lí do của người nào cũng chính đáng!). Anh nào có tên trong danh sách được duyệt “đi tranh thủ” đã thông qua Ban Chủ nhiệm khoa thì có thể “vù” sau tiết cuối để bắt kịp chuyến tầu 12 giờ trưa xuôi Hà Nội.
Tầu tuyến Hà Nội – Lao Cai thường là tầu chậm (chạy 20-30km/giờ), ngày nào cũng đông vì tuyến đường quá dài. Riêng chuyến tầu xuôi trưa thứ 7 và chuyến ngược chiều chủ nhật thì “chật như nêm cối”, vì có thêm sinh viên các trường cùng về Hà Nội “thăm u” và nhận tiếp tế. Dọc tuyến đường này, lên đến Việt Trì có trường Đại học Công nghiệp nhẹ, ở Vĩnh Yên có các trường trung cấp Giao thông, Cơ khí và Đại học quân sự, tại Hương Canh có trường Xây dựng, còn Phúc Yên thì ôi thôi … nào là Tài Chính, Kiến trúc, Sư phạm Xuân Hoà, rồi trung cấp Văn thư – bảo mật, trường In…vv. Sinh viên chỉ ngoan trong giờ học, còn trên tầu về Hà Nội thì có thể khẳng định là “không”!
Riêng số sinh viên của cả chục trường nhồi hết lên chuyến tầu chợ chạy vào giữa trưa thứ 7 thì tầu nào mà chứa nổi. Cứ mỗi khi tầu vào ga có sinh viên thì ắt thấy cảnh “phi thân” qua cửa sổ ào ào lên tầu. Nếu trong toa đã chật khách cùng thúng mủng tùng xèng, thì cánh vào sau phải dồn dần ra hành lang đầu toa, rồi chen lấn đứng ở bậc lên xuống, hoặc treo người lơ lửng giữa chỗ nối hai toa, mặc cho nhà tầu có nhắc nhở hay không. Bí quá thì đành tìm chỗ trong toa-let, hai chân dạng  ra, tay bịt mũi, tay ôm cặp (và khi đó ai có “nhu cầu” thì cũng “xì-tốp” luôn. Nhịn!). Chật hơn nữa thì đành dùng phương pháp “người nhện”, tay ôm lấy cửa sổ, hai chân đứng bám vào thanh thép chữ I chịu lực của toa. Mỗi ô cửa số có thể chứa được bốn, năm chú và mỗi toa có đến mười cái cửa sổ mỗi bên, thì có thể nhẩm tính được bao nhiêu chú có chỗ đứng để đi tầu về nhà. Khi đã hết chỗ đứng bên cửa sổ, thì xin mời… lên nóc. Sinh viên thật vô tư trước cái chết cận kề (?). Mỗi khi tầu chạy qua cầu, vì khoảng cách từ thân tầu tới thành cầu quá hẹp (quãng 30-40cm), nếu tầu chạy nhanh, các chú bám thành tầu hay đứng ở các bậc lên xuống không kịp nép mình vào phía trong là bị gạt xuống sông. Cầu Hương Canh, Phúc Yên hay Thạch Lỗi là những nơi “đón” nhiều chú sinh viên về với hà bá. Riêng trường Quân sự có Cao Quý Vũ (con chú Cao Văn Khánh) khi lên trả phép, vì tầu chạy đêm, gió mát, Vũ vừa ngả người ra đón gió thì bị thành cầu Hương Canh bất ngờ gạt xuống sông. Khi vớt xác lên vẫn còn thấy một vết thương hằn lên mặt. Thật là tội nghiệp!                
Có chú trở về trường sau một ngày no say với mẹ, leo nóc tầu, có gió mát trăng thanh, tầu lại xình xịch ru ngủ, đang mơ màng…thì tầu chạy ào qua cầu, theo phản xạ tự nhiên giật mình ngồi dậy, thế là bị khung giằng cầu gạt xuống sông. Sớm hôm sau, bạn bè lại lặn ngụp tìm xác… Những cái chết của kẻ đi trước không là bài học cảnh tỉnh cho những chú đi sau. Sinh viên xa nhà như những con thiêu thân  “pu-pha-si-sâng” (không sợ hy sinh) mỗi khi trao mình cho nhà tầu. Nhà tầu tỏ ra bất lực trước những cái chết của sinh viên. Sau này, mỗi khi qua cầu, cả đoàn tầu phải đi chậm lại, hú còi ầm ĩ báo động, rồi mới từ từ bò qua. Riêng hai đầu cầu Phúc Yên cách 50m phải dựng hẳn một khung sắt treo tòng teng những sợi cao su để đánh động cho cánh ngồi nóc.
Tầu đã đông thì bao giờ cũng kèm theo chật và hôi thối, mùi hôi của những chuyến tầu không kịp dọn vệ sinh, mùi mồ hôi lâu ngày không tắm gội của mấy bà buôn chuyến, mùi mồ hôi của những ai phải chen lấn xô đẩy tìm chỗ trên tầu; chưa kể là, thầy trò trường Quân sự còn áp dụng dăm ba động tác “gắn huân chương củi chỏ” hay “chơi bóng chuyền không sân” trên tầu. Các bà buôn chuyến hay đi tầu với lính còn học tập được nhiều thuật ngữ quân sự. Có chuyến chật quá, anh em cứ thế chen lấn lên tầu, mấy bà không chịu được kêu oai oái: ”Tại sao các chú cứ “tấn công đít” vào mặt tôi?”, hay có bà đang thiu thiu ngủ chợt kêu ầm lên: ”Tại sao ướt hết đít quần tôi thế này?” – hoá ra tầu chật, hết cả chỗ “li lái”, mấy chú lính phải khe khẽ “dí vào tường” để giải quyết…
Mua vé tầu cũng là một đề tài lớn của sinh viên. Bọn con trai suốt 5 năm học, nếu đã đi tầu thì đều không có “khái niệm” mua vé ngay từ ngày mới lên trường do ma cũ đã dạy lại; còn bọn con gái - những chuyến đầu thì “có” (vì sợ), sau mươi chuyến thì “lúc có, lúc không”, đến khi sắp tốt nghiệp thì “không luôn”. Lý do: sinh viên nghèo, hơn nữa nghịch ngợm là bản tính, nên tật này thật khó mà sửa và rất dễ lây(!)  Khi tầu về Hà Nội, đa số bọn con trai đều nhảy tầu trước khi vào ga, bọn con gái thì đành theo tầu xuống ga và nằn nì xin xỏ với lí do “no money”.
Khi đi tầu ngược thì đành mua vé, vì có vé mới được vào sân ga (không hiểu vì sao ngày đó nhà tầu lại không bán vé tiễn đưa, hay vì phát hiện ra mánh mua vé tiễn để đi lậu của sinh viên?), nhưng vé chỉ mua tới ga Yên Viên hay Đông Anh thôi. Tiết kiệm là quốc sách và tầu đã chật thì nhân viên soát vé cũng không thể chen chân lên được để mà kiểm. Riêng một số cao thủ thì có thể nhảy lên tầu ở chắn tầu Nguyễn Khuyến, Cửa Nam. Với anh em bộ đội còn có bài sửa “đát” vé cũ, tranh thủ nhộm nhoạm trả vé mà nhân viên soát vé không để ý là biến! Nhưng dùng vé giả mãi nhà tầu cũng phát hiện ra. Có lần tác giả bài viết đã chuẩn bị sẵn vé giả trước khi ra tầu, đề phòng bị phát hiện, anh ta lột mũ mềm và quân hàm cho vào túi, thản nhiên ra cổng giơ vé lên cho nhân viên kiểm vé. Liếc qua biết là vé đã sửa ngày tháng, nhân viên soát vé hô lên:”Vé giả!”, nhanh như sóc, anh ta ngồi thụp xuống không cho bà ta tóm tóc và vụt ra ngoài. Hú viá!
Chuyện trốn vé mỗi chuyến đi về được bọn tôi thú vị kể cho nhau nghe sau mỗi ngày chủ nhật. Chẳng may lọt đến tai các đồng chí cán bộ đi học. Vì thành tích học tập, rèn luyện, có anh bạn sắp được chi bộ xét kết nạp vào Đảng từ năm thứ 3, nhưng khi thông qua chi bộ, có đồng chí già đã phát biểu: ”Cho dù học giỏi, nhưng anh ta chưa đủ tiêu chuẩn, vì khi đang đi học đã lấy của Nhà nước một chiếc vé tầu, sau này ra công tác nếu quản lý tài sản lớn…” Thế là anh ta phải thử thách thêm hai năm nữa(!)
Sinh viên dân sự có trò gì thì sinh viên quân sự có trò ấy. Năm thứ 5, tôi và Chí Hoà được phong vượt cấp từ binh nhì lên thượng sĩ. Lần đó anh em được cùng về rất đông và rủ nhau tập nhảy tầu. Quả thật bọn lính Hà Nội trước đây cũng đã từng thấy bọn “phủi” nhẩy tầu điện, nhưng tầu điện chạy sao nhanh bằng tầu hoả. Nghe nói Võ Minh đã từng là công an, biết võ, nên tụi tôi nhờ anh lên lớp mấy động tác nhảy tầu cơ bản. Anh nói phải xoay mình quay ngược lại hướng tầu đang chạy, chân tiếp đất ra sao ..vv. Trưa hôm đó, cả bọn về tới ga Đầu Cầu (cạnh chợ Đồng Xuân) thì nhường chỗ ở đầu toa cho Võ Minh. Một tay anh ôm hũ mắm tôm do nhà bạn gái (con ông Dật, Tỉnh đội trưởng Vĩnh Phú) tặng, một tay bám lan can và thả người nhảy xuống đất. Chả hiểu có áp dụng đúng lý thuyết hay không mà tụi tôi thấy ông ta ngã cái uịch, rồi nghe tiếng “bốp” đập xuống sân ga. Tôi nghĩ chắc toi rồi vì đầu đập như thế xuống đất thì thể nào cũng chấn thương sọ não. Tầu cứ thế đổ dốc theo đưòng dẫn về ga, đến Trần Phú bỗng nhiên phanh và dừng lại, thế là chúng tôi hạ cánh an toàn. Về nhà mãi hôm sau mới dám gọi điện cho Minh thì mới biết cái tiếng bộp ấy là do hũ mắm tôm đập xuống đất. Hú hồn! Hú thì hú, chứng nào vẫn tật ấy, sau lần đó anh em tôi vẫn nhẩy tầu đều. Ga Đầu Cầu và các chắn tầu Trần Phú, Điện Biên, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam là bãi đáp. Cả tuần có khi không thấy mặt nhau, nhưng cứ chiều thứ 7 thì thầy, trò lại chạm trán nhau trên tầu.
Tôi nhớ mãi một chiều thứ 7, cận lễ 2-9-1977, tầu xuôi Hà Nội đông khiếp khủng. Cánh chúng tôi cũng cố len được vào trong toa. Phải tới tận Gia Lâm tầu mới bớt chật, một số sinh viên đã xuống ga. Qua cầu Long Biên, tới ga Đầu Cầu các chú bắt đầu nhảy. Tầu không hề giảm tốc (hình như họ cố tình hại anh em). Nhiều chú vừa chạm đất là ngã, ngã hàng loạt như người ta ngả chuối. Khủng khiếp! Khi tầu qua Trần Phú, Điện Biên, rất ít chú dám liều mạng. Tôi thầm nghĩ, có lẽ phải theo tầu vào ga rồi tính sau vậy! Toa tôi ngồi hôm đó là toa do Việt Nam đóng, cửa lên xuống lại nằm ở giữa toa. Anh em đã lần ra đứng ở bậc lên xuống nhưng chưa dám nhẩy vì thấy tầu chạy nhanh khác thường. Cạnh tôi là một chú sinh viên Xây dựng, khi toa lướt qua Nguyễn Thái Học, chú liền bay xuống đất. Là người Hà Nội, chắc không ai quên, dọc Nguyễn Thái Học trước đây có đường tầu điện cắt ngang đường tầu hoả, tại chỗ giao nhau phần nhựa đường đã bị bóc, đường ray xe điện lòi hẳn ra. Vừa chạm chân xuống đất, theo quán tính chú bị kéo theo đến 5-7m, và chân chú vấp ngay vào đường ray xe điện. Lập tức đổ vật người xuống đất, toàn thân lao vào gầm tầu hoả. Có tiếng thét dưới đường :”Chết rồi!”. Tôi rùng mình, chắc bánh tầu đã cán lên chú. Đoàn tầu tiếp tục lao đi không giảm tốc, bậc lên xuống mà tôi đang đứng lướt qua ngay đầu chú. May mắn làm sao, chú không bị hề va chạm sau cú lướt đó. Quay lại thấy chú lồm cồm bò ra, rồi từ từ đứng lên như một cái xác không hồn, ngơ ngơ ngác ngác lững thững đi về phía chắn tầu. Thấy một cảnh sát trật tự đi lại, chú “tự giác” giơ ngay hai tay cho anh ta còng. Về sau nghĩ lại, số hắn chưa chết vì hôm đó đã chọn đúng toa Việt Nam. Nếu là toa Trung Quốc thì “xong” rồi, vì cửa toa bố trí ngay cạnh cụm bánh(!!!)… Và thật may mắn, đúng lúc căng thẳng nhất thì cả đoàn tầu dừng lại, tôi nhẹ nhàng bước xuống tầu miệng huýt sáo vang…
Sau này, khi lên giáo viên, nếu không có vé xe tuyến do nhà trường bán, là tôi lại ra tầu và chịu trận cùng cánh học viên. Tôi vẫn nói với các em: ”Thầy sẽ vẫn nhẩy tầu cho tới khi đeo quân hàm trung tá”. Chỉ sau khi tôi mua lại của ông anh rể chiếc Honda 50, thì mới chấm dứt những ngày bươn chải trên tuyến đường sắt. Anh em tôi tổ chức cùng đi về Hà Nội bằng xe máy, vi vu hơn, tận dụng được nhiều thời gian hơn. Khi lên trường thì rủ nhau đi từ 4-5 giờ sáng thứ 2, lên vẫn kịp chào cờ. Bọn tôi đi thường xuyên đến mức có thể nhớ đến từng ổ gà ở trên đường. Đời lính xa nhà thật vất vả! Sau này, khi sang Đức thực tập, có thời gian tôi lại gắn liền với nhà tầu. Đó là chuyện đi dọn vệ sinh tầu hoả ngày thứ 7, chủ nhật, khi làm việc ở Dresden.
Chuyện thế này, thời gian 1986-88, tôi được cử sang CHDH Đức thực tập lập trình quản lí trong quân đội. Ngày ấy nước Đức chưa thống nhất. Cả đoàn có năm sĩ quan đều là đại uý (Nguyễn Anh Tường, Nguyễn Thắng, Võ Quốc Tấn, Nguyễn Trọng Hoè và tôi). Phòng Tuỳ viên quan sự chỉ định tôi là trưởng đoàn và Tấn là bí thư chi bộ. Từ tháng 10-1986, tụi tôi học tiếng một năm ở Naumburg, một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Halle, cách Leipzig 60km về phiá Tây-Nam. Sau 8 tháng học, thi tốt nghiệp tôi được loại “sehr gut” (number one) và chuyển về Dresden. Đây là năm cuối cùng, anh em bàn nhau tranh thủ kiếm thêm tiền để về nhà. Hội lao động chơi với cánh Sứ thì hay lên Berlin xách rượu Napoleon, xà phòng Fa… (do nhân viên ngoại giao có sổ mua ở cửa hàng giao tế) về bán kiếm chênh lệch. Kiếm việc thật khó! Ở Dresden, anh em cán bộ đi học chỉ kiếm được một việc làm duy nhất là vệ sinh tầu hoả vào ngày nghỉ. Bên đó, những ngày cuối tuần, mọi người lao động đều có nhu cầu nghỉ ngơi (trừ những ai phải trực), cho dù giá trị ngày công hôm đó cao gấp đôi. Thế là “cánh Cộng” đăng kí với nhà ga nhận việc này. Trong quân đội Đức ngày đó, các sĩ quan mỗi tháng chỉ được nghỉ hai ngày thứ 7, hai ngày còn lại phải làm việc hết buổi sáng. Tuy là sĩ quan Việt Nam, chúng tôi cũng phải tuân thủ chế độ này. Vì khá tiếng Đức và là trưởng đoàn, tôi thường ở lại cơ quan trực cho anh em đi làm thêm thứ 7; phiá bạn rất tin tôi, nếu có ai thắc mắc thì tôi có thể khéo léo đối đáp. Được anh em đi trước bầy kinh nghiệm, anh em tôi đã làm thẻ lao động do nhà ga cấp và học nội quy an toàn trong đề-pô. Trong sân đề-pô có thể chứa hàng chục đoàn tầu. Khi tầu vào đề-pô phải chạy qua một cửa phun nước và có hệ thống chổi  quay tự động, rửa sạch vỏ tầu; còn làm vệ sinh bên trong các toa phải dùng tới sức người.
Sáng sớm thứ 7, khi phố xá còn vắng ngắt, anh em đã xách tuí đựng bộ quần áo thể thao lên xe điện ra đề-pô. 7 giờ có mặt, mỗi người được một xuất ăn sáng miễn phí. 7 giờ 30, thay quần áo rồi vội cầm chổi, tuí ni-lông, rẻ lau và xô nước lên tầu. Chuyến tầu nào vào đề-pô là phải được làm vệ sinh ngay để chuẩn bị lên đường. Có 20 tên mỗi ca, được phân công hai tên một toa, làm hết toa này sẽ sang toa khác, hết tầu này sang tầu khác. Việc đầu tiên lên toa là đi dọn hết rác, tàn thuốc trong những thùng rác nhỏ gắn ở cửa sổ, cho vào bịch ni-lông. Dân Đức hay ăn vặt, nên rác rất nhiều và dọn toa dành cho người không hút thuốc thì còn đỡ, chứ lên toa hút thuốc thì sau đó quần aó, đầu tóc khét lẹt mùi thuốc lá. Rác thu gom đầy bịch thì mang xuống đất để gọn một đống sau mang đi đổ tập trung. Dọn xong rác thì đi dọn toa-let. Khổ nhất là sau những ngày có các trận của giải Bundesliga, các fans mang cờ quạt lên tầu đi theo câu lạc bộ hò hét ủng hộ. Khi về, cho dù thắng hay thua họ cũng uống bia, uống rượu; thắng - uống để ăn mừng, thua - uống để giải sầu. Mà đã uống là phải quá liều, uống xong là nôn oẹ khắp trong toa-let, mà chạy không kịp tới toa-let thì “giôn” ra ngay sàn. Giầy dép của anh em chúng tôi cứ lép nhép như muốn dính chặt vào sàn tầu. Riêng những ngày này thì tranh thủ “thu hoạch” được ít vỏ chai mang về đem bán, kiếm thêm tiền rau dưa. Vì vậy, vừa lên toa nào là nhanh tay lật  nắp thùng rác kiếm vỏ chai, chậm thì ngừời khác “xơi” mất. Sau khi quét dọn sạch rác là phải xách nước xà phòng có pha thuốc sát trùng lau sàn tầu và cọ bàn ghế cho hết mùi hôi. Bạn có thể hình dung, anh em tôi lau sàn tầu hoả tương tự như lính thuỷ lau boong tầu. Cư lau hết ô này lại chuyển qua ô bên cạnh.
Làm đến 12 giờ, anh em mới nghỉ tay ăn trưa. Bữa trưa của nhà tầu cũng thật đơn giản: đĩa súp khoai tây, mấy cái bánh mì con và Bockwurt chấm mù-tạt. Đồ uống là nước ngọt có ga đóng chai. Bọn tôi nghỉ ngơi nói chuyện với nhau được một tiếng đồng hồ. Đôi khi đi làm gặp cả bọn sinh viên già Bắc Triều Tiên cũng “xuống đường tầu”. Giờ nghỉ, các cậu lại giở sâm Cao-ly ra gạ bán. 13 giờ lại cầy tiếp các toa còn lại. Đến 17 giờ 30 phải làm xong các toa đã khoán. Mệt rã rời. Người hôi như cú vội leo lên xe điện về nhà, tắm rửa, ăn uống rồi lăn ra ngủ. Sáng chủ nhật lại dậy từ 5 giờ để chuẩn bị lên đường. Công việc lặp lại như hôm trước.
Mỗi ngày làm việc được 36 Mark, nếu làm đủ 8 ngày mỗi tháng thì cũng có thu nhập 288 Mark, và một năm cũng có hơn 3000 Mark, thừa sức mua được 2 cái Mokick đóng thùng về nhà. Chuyện tầu hoả theo đuổi tôi đến tận khi sang Đức là như vậy.
Kể từ khi về nước, không bao giờ phải di chuyển bằng tầu hoả nữa, vì đã có xe máy, rồi ôtô; song không bao giờ quên được những kỉ niệm với nhà tầu!
                                                                                    TpHCM, 8-2001


7 nhận xét:

  1. Tôi có ông bạn ngày ấy cũng hay đi tầu V Yên Hà Nội. Đ.M. kể: Tầu đông. chật cứng.Đúng hôm ấy, chen lấn thế nào lại đứng gân một cô em là nhân viên của HVKT QS.tầu chạy một lúc thì cọ sát được, cô em quay lại ,nhận ra người quen bèn thẽ thọt: Em thì không sao ,nhưng chỉ sợ chị ấy ở nhà lại trách anh!
    May quá,có ai ở nhà đâu mà trách ! Tuổi trẻ liều mà vui

    Trả lờiXóa
  2. Cảm xúc lẫn lộn khi đọc bài này của chú KQ. Chú kể chuyện hay quá ! Mọi thứ sống động như một bộ phim về một thời những sinh viên vô tư và liều lĩnh trên tuyến tàu hỏa HN-LC. Hình ảnh những chuyến tàu chật như nêm, các cửa sổ tàu chật kín người ngồi (chắc chân thò ra ngoài ?!) nghe sao bồi hồi quá ! Thương và nhớ cả một thời gian cuộc sống oằn mình như những con tàu xuôi - ngược, phải không chú KQ ? Hình như, cháu thích nghe chuyện ngày xưa mất rồi...!

    Trả lờiXóa
  3. Kỷ niệm bao giờ cũng đẹp vì có nó mà ta lớn lên. Các chú quý cháu vì trẻ mà biết chia sẻ, Viên Thạch ạ!

    Trả lờiXóa
  4. Bạn Viên Thạch thích nghe chuyện lính nhỉ? Tớ ngày xưa mà không vào quân đội thì chắc có lẽ tớ không để ý đến bộ đội đâu. Hihi...

    Trả lờiXóa
  5. @ Thủy Nguyễn : Mình thích là lính từ một ngày đầu năm mới của năm học lớp 8. Cảm giác khó tả khi tiễn thầy giáo dạy môn Nga Văn của chúng mình tại nơi bàn giao quân năm ấy. Thầy đi bộ đội, tiễn thầy là đồng nghiệp và những học sinh như bọn mình... Lúc ấy, mình chỉ biết rằng bộ đội là những người mình vô cùng ngưỡng mộ và yêu quý, đẹp như những gì mình viết trong các bài Văn. Và một giao hẹn với bố năm 17 tuổi "nếu thi đại học chẳng may con không đỗ năm đầu, bố cho con vào bộ đội !", bố đã nói "đồng ý!". Tiếc cho mình, đến giờ ước mơ đó đã không thành sự thật !

    Trả lờiXóa
  6. Hi, hay nhỉ. Còn mình thì là do thiếu hiểu biết thôi. Thế nên nhận giấy báo nhập ngũ vẫn còn ngô nghê chẳng hiểu nhập ngũ là để làm gì?

    Đến khi lên Lục Quân, thực hiện chế độ này, kia mới thực sự biết rằng mình đã là một cô bộ đội thực thụ, buồn cười lắm.

    Lúc mới vào, mình đã đi hết bỡ ngỡ này đến bỡ ngỡ khác, cái gì cũng rất mới mẻ nên lúc rảnh là mình viết thư gửi về gia đình, bạn bè kể lể. Cứ trung bình 1 tuần mình phải viết tầm 3 đến 4 cái lá thư. Nghĩ lại cũng vui, Có lẽ nơi vất vả nhất lại để lại nhiều kỉ niệm nhất. Nhớ mãi cái vụ trồng Su su vì mình đào bở hơi tai mà ko xong 1 m khối đất, ngốc thật, ngày đấy lính mới - họ nói điều gì cũng vâng lời, hihi...

    Trả lờiXóa
  7. Toa đen tối thui lách mãi mới chui được vào trong ngồi tựa vào các bao sắn khô của mấy mẹ buôn chuyến, Hai tay bó gối ôm mũ cối gục mặt ngủ như chết. Tự dưng thấy bao gì nằng nặng mềm mềm đè lên đầu, kệ cứ xưa. Rồi không chịu nổi sức nặng cộng mùi hôi đành vùng dậy mắt nhắm mắt mở chửi.
    -Mù à!
    -Dạ xin bác!(Giong một mẹ sồn sồn) -Tối quá em tưởng bao sắn nên ngồi nhầm.
    Kỷ niệm với thằng bạn giờ đã xa những ngày ĐHKTQS.

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.