Trang

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

THƠ THIỀN (Huỳnh Văn Úc)


- Bạch Hòa thượng, bạn con đọc cho con nghe một bài thơ và nói rằng đó là một bài thơ thiền. Con xin đọc lại để Hòa thượng nghe và vui lòng chỉ giáo cho con tại sao đó lại là một bài thơ thiền:
Chăn con trâu đất
Một mình chăn một con trâu đất,
Xỏ mũi lôi theo chẳng chịu rời.
Vừa tới Tào Khê buông thả quách,
Mênh mông nước cuộn quả cầu trôi.
- Bài thơ con đọc là bản dịch của Huệ Chi. Bản gốc có tên là Thủ nê ngưu cũng có bốn câu như thế này:
Nhất thân độc thủ nhất nê ngưu,
Đẳng tỵ khiên lai vị khẳng hưu.
Tương đáo Tào Khê đô phóng hạ,
Mang mang thủy cấp đả viên cầu.


Bài thơ tuy ngắn nhưng là một bài thơ hay trong tuyển tập thơ thiền của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) tục danh là Trần Tung, là con đầu của Thiện Thái Vương Trần Liễu, khí lượng uyên thâm, phong thần nhàn nhã, theo học đạo với Thiền sư Tiêu Dao. Ngài tu theo Đạo Phật nhưng không xuất gia và trở thành một nhà Thiền học có bản lĩnh, được Thượng hoàng Trần Thánh Tông kính trọng, tôn làm sư huynh, còn vua Trần Nhân Tông thì tôn ngài làm thầy. Huệ Chi đặt tựa bài thơ là Chăn con trâu đất kể ra không được đạt cho lắm vì chữ nê là bùn chứ không phải là đất.
- Bạch Hòa thượng, bài thơ nói về việc chăn trâu, sao lại nói đó là bài thơ thiền?
- Người tu hành phải biết chế ngự cái tâm của mình, không buông thả để đắm chìm vào ngũ dục.  Ngũ dục là sắc-nữ sắc là đối tượng tham dục của con mắt; thanh-là âm thanh êm ái, là đối tượng tham dục của tai; hương- là mùi hương thơm, đối tượng tham dục của mũi; vị- là mùi vị thơm ngon, đối tượng tham dục của lưỡi; xúc-là sự đụng chạm của da thịt, đối tượng tham dục của thân. Người tu thiền chế ngự cái tâm của mình cũng giống như mục đồng chăn trâu. Chăn không kỹ thì trâu lồng lên phá phách ruộng lúa. Người tu thiền không chế ngự được tâm thì vọng tưởng nổi lên, ngũ dục trỗi dậy như con trâu lồng.
- Bạch Hòa thượng, ngài giảng thế thì đệ tử con hiểu được hai câu đầu rồi. Còn hai câu cuối, tại sao lại: “Vừa tới Tào Khê buông thả quách” ?
- Muốn thả con trâu thì ta phải chăn cho nó thuần thục. Chừng nào chúng ta đạt được nhất hạnh tam muội, nhất tướng tam muội thì có thể thả cho con trâu tự do. Nhất hạnh tam muội là trong bốn cái sự đi đứng ngồi nằm để tiếp duyên xúc cảnh, tâm vẫn an nhiên tự tại. Nhất tướng tam muội là đối với tất cả các tướng dù xấu dù đẹp, dù lớn dù nhỏ chúng ta đều không dính mắc, tâm không dấy động.
- Đệ tử con hiểu rồi. Còn một điều cuối cùng con muốn hỏi ngài. Bạn con đến uống cà phê ở quán Cà Phê Cộng về khoe với con rằng ở đó có một câu thơ thiền: “Ngồi im-Toàn thắng ắt về ta”. Câu thơ ấy nó thiền ở chỗ nào?
Hòa thượng dừng một lát rồi mới thủng thẳng trả lời:
- Con hãy suy nghĩ cho kỹ hai cái từ “Ngồi im”. Ngồi im để tịnh tâm, chế ngự được vọng tưởng, đã nhất hạnh tam muội và nhất tướng tam muội rồi thì toàn thắng ắt về ta.

*Tài liệu tham khảo: Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục-Hòa thượng Thích Thanh Từ-Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh.


1 nhận xét:

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.