Đôi khi chỉ cần một cái bắt tay, một cái ôm nhau thật chặt cũng đủ để lại trong nhau nỗi nhớ suốt đời. Tâm để lại trong tôi một nỗi nhớ ngậm ngùi như thế.
Năm 2004, tôi ra Hà Nội dự lễ kỷ niệm 50 năm Trường H.S.M.N. trên đất Bắc. Một học sinh cũ, lúc ấy là Phó giám đốc Cảng Hải Phòng đón tôi xuống Hải Phòng, cho tôi có dịp thăm lại đất Cảng, thăm lại những ngôi trường nội trú H.S.M.N. mà tôi đã học thời cấp 1, cấp 2.
Trưa hôm đầu tiên ấy, em đưa tôi ra tận Đồ Sơn (cách Hải phòng 30 cây số) để dùng cơm. Tôi nghĩ đơn giản là em muốn tạo điều kiện cho tôi thăm lại Đồ Sơn nơi biển đẹp, có những hàng dương mát rượi, có bãi tắm trong xanh, là điểm du lịch nổi tiếng của cả nước và Đồ Sơn còn là điểm nhớ của tất cả chúng tôi, những người đã từng học ở Hải Phòng. Bởi chúng tôi ngày ấy vẫn thường về đây cắm trại những ngày lễ tết và tắm biển trong những ngày hè. Tôi không biết em còn có dụng ý khác, em đã không nói, muốn tạo cho tôi một bất ngờ.
Xe đến Đồ Sơn, em đưa tôi du lịch một vòng thị xã. Đồ Sơn hôm nay thật khác lạ xưa. Có nhiều hơn những góc biển đẹp, những bãi tắm rộng. Và những hàng dương non tơ xưa đã thành cổ thụ bên những hàng dương nhỏ vừa mới trồng.
Cuối cùng rồi xe cũng dừng lại một quán cơm xem ra rất bình dân, nằm nép dưới một rặng phi lao xa nơi phồn hoa đô hội. Sau khi chúng tôi ngồi vào bàn, Chính (cậu học trò của tôi) mời chủ quán Tâm ra, giới thiệu:
- Đây là cô giáo của em từ Cà Mau ra, cô giáo mà em vẫn nhắc mỗi khi anh nhớ về Đất Mũi.
Tâm không nói được gì, bước đến ôm tôi thật chặt. Tôi chưa hết ngỡ ngàng, em mời tôi ngồi xuống ghế và nói trong rưng rưng:
- Cô ơi! Em đã từng vào Cà Mau cùng đoàn tàu Không số. Em đã từng sống ở đó chữa trị vết thương. Em đã được ăn ốc len xào dừa, ba khía luộc, ba khía muối của Đất Mũi. Và em cũng đã từng hò hẹn với một cô gái ở… Cà Mau. Chiến tranh đã mang đi của em nhiều thứ. Nhưng tình cảm của em với các mẹ, các chị, với mối tình đầu, với Cà Mau thì... mãi mãi…
Tâm nghẹn lời. Hôm đó em giao tiệm cơm cho người nhà, còn em ngồi vào bàn với tôi, bên cạnh tôi như không muốn rời xa. Kiểu như em muốn tìm lại những tình cảm nồng ấm mà tôi đã mang ra từ Đất Mũi, tìm lại "những ngày xưa thân ái" của em.
Thì ra em và Chính thân nhau từ lâu. Chính cám cảnh anh lính Cụ Hồ từng dọc ngang trên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển, giờ sống lặng thầm với quán cơm nghèo, với vết thương hễ trái gió trở trời là bị hành hạ. Chính thường đưa khách gần, khách xa về ủng hộ quán của Tâm…
Tâm trở lại Đồ Sơn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đồ Sơn là quê Tâm và cũng là điểm đầu, nơi xuất phát của những đoàn tàu Không số. Em cưới vợ người cùng quê (“cho tiện”, em nói thế!) và quán cơm của em cũng khá đông nhưng dường như toàn dân lao động, công chức; chứ ít thấy bóng dáng khách sang hoặc những khách du lịch.
Điều ai cũng biết qua những lần trò chuyện với các chiến sĩ của đoàn tàu Không số, qua các phương tiện thông tin đại chúng, là: Đoàn tàu Không số cùng Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển ra đời vào ngày 23 tháng 10 năm 1961.
Cho mãi đến ngày 19 tháng 10 năm 1962 mới có được một chuyến tàu cặp vào điểm cuối - Cà Mau. Chuyến tàu ấy do chiến sĩ Lê Văn Một làm thuyền trưởng và thuyền phó là chiến sĩ Bông văn Dĩa - người Cà Mau, một chiến sĩ anh dũng của cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai hồi tiền kháng chiến chống Pháp. Chuyến tàu ấy cập mũi đất thành công, đã mang về cho miền Nam 30 tấn vũ khí (súng ống, đạn dược, thuốc men...).
Mừng chuyến tàu Không số cặp được vào nơi xa nhất, Bác Hồ đã gửi điện ngay biểu dương và nhắc nhở các chiến sĩ: “Hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa vũ khí cho đồng bào miền Nam giết giặc”.
Từ 1961 đến 1975, những chuyến tàu Không số đã chuyển về cho miền Nam 150 ngàn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men. Hàng chục ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia chi viện cho chiến trường.
Trước khi lên đường họ vui vẻ dự lễ truy điệu chính mình, thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Họ đã anh dũng nhấn kíp mìn làm nổ tung những con tàu và bản thân để giữ trọn bí mật cho con đường huyền thoại mang tên Bác.
Còn có điều không phải ai cũng biết, đó là: Có bao nhiêu chiến sĩ mãi mãi nằm sâu dưới lòng biển cả; có bao nhiêu chiến sĩ mang trên mình những vết thương đau, sống lặng lẽ như Tâm. Mãi mãi họ chấp nhận hy sinh cho đất nước này mà không bao giờ đòi hỏi sự báo đền.
Bảy năm trời trôi qua, kể từ ngày tôi gặp Tâm, em vẫn sống lặng thầm nơi ấy với vết thương hễ trái gió trở trời là hành hạ. Còn tôi thì cứ luôn nhớ về em, nhớ về lần gặp gỡ đầy xúc động ấy, nhớ về những tình cảm nồng nàn mà người chiến sĩ của đoàn tàu Không số đã giành cho Cà Mau. Nhất là mỗi độ Tháng Mười về.
Đàm Thị Ngọc Thơ
1 nhận xét:
Cô Thơ gặp Tâm như gặp lại được người yêu dấu trước kia, tình cảnh thật cảm động. Bài viết của người trong cuộc thật sâu sắc, Cô đã kg nhắc tới mối tình của cô với người ấy, biết đâu cũng trên mảnh đất Hải Phòng này, lời tâm sự này chỉ là tiếp nối của sự "Dại khờ" khi xưa với người anh hùng ấy.
Cám ơn cô đã có một tấm lòng sâu sắc nhất với người lính, chúc Cô hạnh phúc cùng những hoài niệm về đoàn tầu không số vinh quang.
Đăng nhận xét