Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Bức ảnh làm thay đổi cả 1 số phận con người (ST)


Bush Attends WHNPA Dinner


 
Trước mặt Tổng thống George W. Bush, Cô Nhanny Heil trao tặng giải thưởng cho ông Chick Herrity. AFP PHOTO Andrew COUNCILL

CHICK HARRITY, NHIẾP  ẢNH GIA , PHÓNG VIÊN  CỦA ASSOCIATION PRESS, NĂM 1973 ĐÃ CHỤP ĐƯỢC  BỨC ẢNH MỘT EM BÉ NẰM TRONG MỘT CHIẾC HỘP GIẤY CARTON TRÊN PHỐ SAIGON ,TẤM ẢNH NẦY ĐÃ LÀM THAY ĐỔI CẢ CUỘC ĐỜI EM BÉ .

 
 


 
.
 
 
"Baby in the Box",
tấm hình thay đổi cả một đời người
"Baby in the Box" - Photo by Chick Harrity
Phương Anh, phóng viên đài RFA
 
Kính chào quí vị và các bạn. Như thường lệ, vào mỗi sáng thứ ba, Phương Anh lại tái ngộ với quí vị và các bạn trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần. Kỳ này, mời quí vị nghe chuyện rất lý thú và thật cảm động về một tấm hình mà đã làm thay đổi cả một kiếp người… Đó là tấm hình “Baby in the box” mà Phương Anh xin tạm dịch là “ Em bé trong chiếc hộp giấy”
Nhiếp ảnh gia Chick Harrity
Thưa quí vị và các bạn, vào ngày 21 tháng 5 vừa qua, tại Khách sạn Ritz – Carlton ở Washington D.C, một buổi lễ do White House News Photographer’s Association, xin tạm dịch là Hiệp Hội Phóng Viên Ảnh Tòa Bạch Ốc, tổ chức, nhằm vinh danh và trao tặng giải thưởng “Thành Tựu Một Đời” cho nhiếp ảnh gia nổi tiếng Chick Harrity, người được đánh giá là có công và ảnh hưởng lớn lao đối với báo chí tại Hoa Kỳ cũng như trên toàn thế giới.
Trong buổi lễ vô cùng trọng đại này, có một người đã thay mặt toàn bộ giới báo chí và Hiệp Hội Phóng Viên Nhiếp Ảnh tòa Bạch Ốc, và trước sự chứng kiến của tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush, cùng với gần 1000 quan khách tham dự, đã vinh dự trao tặng giải thưởng cao quí này cho nhiếp ảnh gia Chick Harrity, là thiếu nữ gốc Việt, có tên Nhanny Heil và tên Việt Nam của cô là Trần Thị Hết.
Người thiếu nữ này chính là em bé gái trong bức hình “Baby In The Box: Em Bé Trong Chiếc Hộp Giấy” mà ông đã chụp vào năm 1973, khi làm việc tại Việt Nam.
Tấm ảnh trắng đen nổi bật hình ảnh một em bé gái nhỏ nhoi, mặc phong phanh chỉ độc nhất chiếc áo trên người, nằm trong cái hộp giấy bằng các tông, tay em thò ra bên ngoài như đang nắm lấy tay anh trai của mình, cũng nằm co quắp bên cạnh chiếc hộp ấy, và cái bát ăn xin thì để bên cạnh.
Cả hai nằm trên nền gạch của đường phố Sàigòn lúc bấy giờ… 32 năm sau, từ miền Bắc California, người nhiếp ảnh viên vẫn còn nhớ rất rõ mọi chuyện. Chúng ta hãy nghe ông thuật lại:
Hình ảnh thương tâm
"Khi tôi làm việc cho Association Press, và được giao nhiệm vụ chụp hình trao trả tù binh, khi tốp người lính Mỹ cuối cùng được trao trả, năm đó là 1973, hình như tháng hai thì phải. Tôi còn nhớ ngày tôi chụp tấm hình đó là ngày tôi được lệnh đến Dinh Độc Lập để chụp buổi họp báo của tổng thống Thiệu vào buổi sáng. Người tài xế chở tôi tới Dinh Độc Lập, khi xong việc, tôi trở về thì đường phố kẹt xe quá, tôi quyết định đi bộ về văn phòng của AP nằm ngay đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi trong một tòa nhà lớn cùng với NBC…gần đó là nhà hàng, các cửa tiệm…Vì văn phòng của tôi nằm cuối cùng của tòa nhà nên tôi đi vòng phiá sau cho tiện…
Và trước khi tới cái góc nhà, đối diện với tòa nhà, là khách sạn Continental, có rất nhiều trẻ con xin ăn, có quá nhiều trẻ em mồ côi…
Tôi bắt gặp một hình ảnh vô cùng thương tâm trên đường: một em bé gái nhỏ bé đang ngủ, nằm bên trong chiếc hộp giấy bằng carton, bên cạnh chiếc hộp là đứa bé trai, lớn hơn một tí, nắm lấy tay của em gái mình thò ra, nằm co quắp, và chiếc tô dùng để ăn xin bên cạnh... Ánh sáng hoàng hôn hắt xuống thật tuyệt vời ..
Tôi vô cùng xúc động và lấy ngay chiếc máy ảnh Leica của mình với ống kính 50 li, chụp chừng 6 hay 8 tấm gì đó, rồi vào văn phòng ngay vì tôi rất vội phải đi công tác ở Đà Nẵng. Tôi giao cho họ và nói đây là phim chụp họp báo và đây là cuốn phim chụp trẻ em xin ăn đường phố… 10 ngày sau, khi tôi từ Đà Nẵng trở về, một tấm biển có gắn hàng chữ đùa nghịch “No More Orphan Pictures” [được để ở bàn tôi], bởi vì tấm hình đó khi AP phổ biến thì trở thành “tin nóng hổi”- Breaking News Story cho các báo chí và các đài phát thanh ở Mỹ, đặc biệt là ở New York…"
 
Phong trào nhận con nuôi ở Việt Nam
Thưa quí vị và các bạn, khi được hỏi tại sao tấm hình đó lại làm cho mọi người ở Hoa Kỳ hết sức chú ý đến các em mồ côi ở Việt Nam, nhiếp ảnh gia Chick Harrity kể tiếp:
"Chuyện là như thế này, khi tấm hình đó được gửi về New York, mọi người đều rất thích, bởi vì nó không giống những hình ảnh khác và nó được đăng trên tất cả các báo chí ở Hoa Kỳ và rất nhiều người đã liên lạc tới AP của chúng tôi để hỏi xem có cách nào nhận hai em bé đó làm con nuôi…
Các báo chí thì viết thư cho AP chúng tôi ở Sài gòn đề giúp xin địa chỉ của em bé đó. Họ cho biết rằng, có rất nhiều, rất nhiều gia đình muốn giúp đỡ và nhận hai em bé đó làm con nuôi. Chính vì thế mà tôi phải làm sao tìm lại được hai em bé đó…
Lúc bấy giờ, có vài người Việt Nam làm việc trong phòng tối, tôi đưa cho họ bức hình và thuật lại mọi chuyện. Chỉ hai ngày sau, họ đã dễ dàng tìm ra gia đình của em bé này vì có nhiều người ăn xin ở gần chúng tôi làm việc lắm.
Khi gặp mẹ của em bé, bà cho biết chồng bà là một người lính đang đi chiến đấu. Bà có 5 đứa con trai và em bé trong chiếc hộp giấy là con gái út. Vì hoàn cảnh vô cùng nghèo khổ, lương chồng không đủ nuôi 7 miệng ăn, nên các con bà phải đi ăn xin trên đường phố. Tên của em là Trần thị Hết…
Tôi đã thuật lại mọi chuyện và cho bà biết rằng có những gia đình ở bên Mỹ rất muốn nhận hai em bé trong bức hình làm con nuôi. Nhưng bà từ chối ngay lập tức, bà nói rằng cho dù hoàn cảnh khó khăn đến thế nào đi chăng nữa, bà phải giữ cho bằng được tất cả các con bà dưới một mái nhà. Và bà đã làm như thế..."
 
Cô bé năm xưa
Thưa quí vị và các bạn, thế rồi người nhiếp ảnh gia Chick Harrity có cơ hội gặp lại em bé trong chiếc hộp giấy hay không? Chúng ta hãy nghe ông kể tiếp:
"Khi tôi rời Việt Nam, tôi không bao giờ ngờ rằng sau này em lại được một gia đình người Mỹ nuôi…Mười năm sau, tôi không còn làm việc cho Association Press nữa và trở thành phóng viên cho tòa Bạch Ồc thì một hôm, người bạn của tôi trong AP cùng làm việc ở Sài gòn, gọi điện thoại báo rằng cô bé trong chiếc hộp giấy mà tôi chụp hình năm xưa sẽ có mặt tại tòa Bạch Ồc để gặp tổng thống Reagan và mọi người sẽ sắp xếp cho tôi để gặp lại cô bé đó.
Đó là buổi đầu tiên tôi gặp lại cô bé ấy và biết được rằng cô được gia đình bà Evelyn Heil nhận làm con nuôi từ năm 1974, khi em đến Houston chữa bệnh tim do một tổ chức từ thiện đem em sang từ Việt Nam…
Khi tôi gặp em lúc bấy giờ, trông em thật là bé nhỏ so với độ tuổi 12… Tôi trao cho em bức hình tôi chụp năm xưa nhưng em làm moị người và tôi rất ngạc nhiên vì em từ chối nhận và rất là giận dữ…Tôi không hiểu vì sao như thế… rồi thời gian trôi qua, trong lòng tôi cứ tự hỏi về điều này…
Mãi cho đến ngày hôm nay, sau 32 năm, kể từ ngày tôi chụp hình ấy, tôi mới thực sự giải tỏa được, thì ra hồi ấy, trong trí óc ngây thơ của em, em sợ rằng nếu có ai nhìn thấy bức hình ấy, thì họ sẽ bắt em trả về Việt Nam…Hôm nay, người thiếu nữ trao giải cho tôi đã hoàn toàn khác…"
 
Giải thưởng "Thành Tựu Một Đời"
A Surprise From Long Ago And Far Away. Cuộc hội ngộ bất ngờ giữa nhiếp ảnh gia Chick Harrity và Nhanny Heil Trần Thị Hết "Em bé trong chiếc hộp giấy" tại Tòa Bạch Ốc với sự chứng kiến của Tổng thống George W. Bush và gần cả ngàn quan khách khác.
Thưa quí vị và các bạn, Chick Harrity – người nhiếp ảnh gia nổi tiếng, đã có gần 50 năm trong nghề, với 16 năm làm trong Associations Press, 10 năm làm Trưởng Phòng Nhiếp Ẳnh của U.S. News và World Report và 33 năm chụp hình cho tòa Bạch Ốc. Ông đã chụp rất nhiều hình qua nhiều đời tổng thống như John Kenney, Lyndon Johnson, Richard Nixon, Gerald Ford, Ronald Reagan, George Bush, Jimmy Carter, và Bill Clinton, những tấm hình của ông đều mang nhiều ý nghĩa và đi vào lịch sử.
Khi được trao giải cao quí "Thành Tựu Một Đời”, ông đã trả lời Hội Phóng Viên Ảnh tòa Bạch Ốc rằng tất cả những tấm hình ông ghi lại trong 50 năm qua, mặc dù có giá trị đến đâu chăng nữa, đều không làm ông vui nhất và thích nhất là tấm hình “Baby In The Box” – Em bé trong chiếc hộp giấy. Vì thế, trong buổi lễ trao giải này ban tổ chức đã dành cho ông một sự bất ngờ… Ông kể lại giây phút ấy:
"Khi tôi đứng ở trên sân khấu cùng với tổng thống George W. Bush, tôi nghe vị chủ tịch của Hội Phóng Viên Nhiếp Ảnh tòa Bạch Ốc nói với tổng thống Bush rằng. “Đừng di chuyển, hãy đứng yên!” Thông thường thì ai mà nói như thế với vị tổng thống kiểu đó…
Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra đây..và bỗng nhiên tôi nghe tiếng của người điều khiển chương trình xướng danh tên tôi cùng với bức hình, và người đại diện trao giải là Nhanny Heil, cô bé trong bức hình năm xưa..
Tôi vô cùng bàng hoàng và xúc động…nước mắt dàn dụa trên mặt tôi... Cuộc hội ngộ diễn ra vô cùng bất ngờ…Tất cả mọi người có mặt hôm đó đều rơi lệ, ngay cả tổng thống Bush cũng vậy…
Sự kiện Trần thị Hết Nhanny trao giải cho tôi làm cho tôi càng tin tưởng rằng: đây là bằng chứng mà bức hình của tôi đã làm thay đổi một cuộc đời và hy vọng rằng sẽ có những trường hợp khác tương tự như thế… "
Thưa quí vị và các bạn, chắc hẳn quí vị và các bạn sẽ còn một vài điều thắc mắc rằng tại sao cô bé Trần Thị Hết lại được sang Mỹ năm 1974 để chữa bệnh tim rồi được gia đình một người Mỹ nhận làm con nuôi?
Thế còn cha mẹ ruột cùng các anh trai của em ra sao? Và cuộc sống của cô Trần Thị Hết Nhanny hiện nay như thế nào? Mời quí vị và các bạn nghe tiếp vào kỳ sau.
Phương Anh thân ái chào tạm biệt và hẹn tái ngộ trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần vào sáng thứ ba tuần tới.
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Thưa quý vị và các bạn, trong kỳ trước, chúng ta đã nghe nhiếp ảnh gia nổi tiếng Chick Harrity kể lại trong hoàn cảnh nào ông đã chụp bức ảnh em bé nằm ăn xin trong chiếc hộp bằng cạc tông bên cạnh người anh trai bé nhỏ của mình.
Cô Nhanny Heil và người mẹ nuôi, bà Evelyn Heil.
Và sau khi tấm hình được phổ biến ở Hoa Kỳ, đã dấy lên phong trào nhận trẻ em mồ côi Việt Nam làm con nuôi.
Mặc dù bà mẹ của em từ chối sự hảo tâm của rất nhiều gia đình người Mỹ muốn nhận em làm con nuôi. Thế nhưng, như một số phận đã dành sẵn, năm 1983, tức 10 năm sau, em bé trong chiếc hộp giấy có mặt tại Tòa Bạch Ốc để gặp Tổng thống Ronald Reagan và hội ngộ lần đầu tiên với người đã chụp hình mình khi mới lên hai.
Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ này đã làm cho cô bé Trần thị Hết, nay là Nhanny Heil vô cùng tức giận và hãi sợ vì nhiếp ảnh gia Chick Harrity đã đưa tặng em bức hình Baby In The Box.
Theo lời bà mẹ nuôi cô kể lại, lúc bấy giờ, trong trí óc ngây thơ của cô bé 12 tuổi, cô chỉ sợ rằng, nếu có ai biết được cô là em bé trong bức hình, thì cô sẽ bị trả về Việt Nam. Vì thế, cô rất ghét bức hình ấy.
 
Người mẹ nuôi, bà Evelyn Heil
Được hỏi vì sao bà lại trở thành mẹ nuôi của cô, từ thành phố Springfield, bang Ohio, bà Evelyn Heil, một nhà giáo, nay đã về hưu kể lại:
"Khi tôi nhìn thấy bức hình của em trên tờ báo [ở Houston, Texas], bên cạnh là bức hình "Baby in the Box", đôi mắt em mở lớn đầy vẻ sợ hãi như đang nhìn thẳng vào tôi như có một sự thôi thúc kỳ lạ. Lúc bấy giờ, em được bác sĩ Denton Cooley chữa bệnh tim, đem em từ Saigòn sang. Năm đó là năm 1974.
Theo lời cơ quan từ thiện đưa em sang Mỹ thì mẹ em đưa em vào viện mồ côi Holt, vì em bị bệnh tim và bà quá nghèo không có tiền chữa bệnh cho em. Cũng theo lời hội từ thiện cho biết thì họ cố gắng tìm mẹ và anh trai của em nhưng nghe nói bà đã đi Đà Nẵng. Sau đó họ cũng được tin là bà mẹ của em đã qua đời vì bị bệnh lao phổi, và không còn ai biết gia đình cũng như anh trai của em ra sao nữa. Nhưng ở Sài gòn lúc bấy giờ cũng không có đủ phương tiện chữa trị nên họ đã đưa em sang Mỹ. Khi tôi nhìn thấy khuôn mặt của em và bức hình Baby In The Box đăng trên trang báo, tôi lập tức tìm cách đến ngay bệnh viện để được ôm em vào lòng vì trông em tội nghiệp lắm, nét mặt đầy vẻ sợ hãi."
Thưa quý vị và các bạn, việc nhận em làm con nuôi không đơn giản chút nào vì lúc bấy giờ, danh sách xin nhận em làm con nuôi lên đến hai ngàn gia đình. Thật là khó để lọt vào danh sách được tuyển chọn, tức là khoảng 5 gia đình ưu tiên, rồi cuối cùng mới được chọn.
 
Nghĩa cử cao đẹp
Thế nhưng, giống như một phép lạ đã xảy ra, bà đã vượt qua hai ngàn gia đình khác để đứng đầu danh sách xin nhận em làm con nuôi, bà kể lại:
"Tôi rất là kiên trì và họ biết là tôi biết nhiều về dinh dưỡng. Rồi hôm ấy, họ đến nhà tôi rồi đi cùng với tôi để đón các con tôi đi học về. Trước khi tới trường của các con tôi thì họ cho tôi biết là tôi sẽ được chọn. Tôi đã khóc vì sung sướng và không thể lái xe tiếp tục được, phải dừng lại bên đường để dằn cơn xúc động. Tôi không thể tin nổi, một điều kỳ diệu đã xảy ra.
Và cũng nên nhớ lại rằng, thất bại của Mỹ trong việc bảo vệ Sàigòn đã khiến em trở thành một em bé mồ côi tị nạn. Điều này giúp cho việc xin em làm con nuôi dễ dàng hơn. Và ngày 10 tháng 10 năm 1974, em chính thức trở thành con nuôi của tôi. Gia đình tôi đưa em về nhà, tôi đã có 4 đứa con trai và em trở thành công chúa trong gia đình của chúng tôi."
Thưa quý vị và các bạn, khi được hỏi về tình trạng sức khỏe của em lúc bấy giờ như thế nào, bà cho biết:
"Em thật là nhỏ bé và suy dinh dưỡng trầm trọng. Em gần như không sống nổi, sức khỏe của em thật là tồi tệ, em không tự mình ngồi và đứng được. Chỉ cân nặng có 12 pounds mà lúc đó em đã 3 tuổi rồi. Con trai lớn của tôi chọn tên em là Nhanny. Từ đó, tên em là Nhanny Heil. Sau khi tôi nuôi em được chừng 6 hay 10 tuần gì đó thì em bắt đầu tự mình đứng và ngồi được. Tôi đã tốn rất nhiều công sức để chăm sóc và chữa bệnh cho em.
Em bị bệnh về tai, nên đã ảnh hưởng nhiều đến việc nghe và nói. Đồng thời, em còn thêm rất nhiều bệnh tật khác nữa. Trong nhiều năm, Nhanny bị chậm phát triển so với các trẻ em khác. Nhưng cuối cùng, thì mọi việc cũng đâu vào đó. Nhanny được tất cả mọi người yêu mến."
 
Không đầu hàng số phận
Thưa quý vị, được biết, sau nghĩa cử thật cao đẹp của bà Evelyn Heil nhận em bé Trần Thị Hết làm con nuôi, một làn sóng xin nhận nuôi các em mồ côi Việt Nam dâng cao tại Hoa Kỳ, nhất là vào thời điểm trước biến cố tháng 4 năm 1975.
Trong khi đó, ngoài thời gian đi dạy học, phải vất vả nuôi 4 người con trai của mình, bà dành hết thời gian cho Nhanny. Vì sức khỏe và bệnh tật, Nhanny không thể nào đến trường bình thường như các trẻ em khác.
Nhất quyết không chịu đầu hàng số phận, bà lập ra Warren Center of Learning, xin tạm dịch Trung Tâm Học Tập Warren, để Nhanny có cơ hội được học hành tại đây. Năm 1983, để có thêm tài chính cho trung tâm, bà nhờ các cơ quan truyền thông hỗ trợ trong việc quyên góp.
 
Gặp Tổng thống Ronald Reagan
Và cũng nhân cơ hội này, bà và Nhanny được Tổng thống Ronald Reagan cùng phu nhân mời đến Tòa Bạch Ốc. Bà cho biết:
"Lúc bấy giờ, có rất nhiều phóng viên báo chí ở khắp nơi trên toàn thế giới về tham dự và muốn đặt câu hỏi với Nhanny, nhưng Nhanny cứ quả quyết đòi gặp Tổng thống trước đã. Nhanny nói với mọi người rằng hãy để cho em gặp Tổng thống đã, rồi em sẽ trả lời câu hỏi của mọi người khác.
Và tôi còn nhớ rằng khi hai chúng tôi đang đi vào hành lang, thì ngay lúc ấy, Tổng thống Reagan cùng phu nhân xuất hiện. Ông cúi xuống ôm em vào lòng và hỏi tai nào của em không nghe được? Em trả lời.
Tổng thống nói: Vậy thì hãy cứ đi qua phía bên đó để ông cùng nghe vì tai của ông cũng bị như thế! Thật là một vị Tổng thống tuyệt vời ! Sau khi trò chuyện với Tổng thống Reagan xong thì chúng tôi gặp Chick Harrity. Đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp ông ấy."
 
Ngạc nhiên lẫn xúc động
Thời gian trôi qua, sau lần hội ngộ đầu tiên [với Chick Harity vào năm 1983] làm cho Nhanny hãi sợ, tháng 4 năm 2005, bà nhận được điện thoại của Hội Phóng Viên Ảnh Tòa Bạch Ốc mời bà cùng Nhanny đến trao giải cho Chick Harrity.
Vô cùng ngạc nhiên lẫn xúc động, mọi chuyện tưởng chừng như đã đi vào dĩ vãng, nhưng nay lại được khơi dậy với một niềm vinh hạnh. Bà còn được biết rằng, trong suốt gần 50 năm cuộc đời nhiếp ảnh của mình, Chick Harrity bao giờ cũng tâm đắc về bức hình “Baby In The Box”, và luôn tự hỏi cô bé trong ảnh giờ này ra sao.
Với sự giúp tìm kiếm của hãng truyền thông NBC, Hội Phóng Viên Ảnh Tòa Bạch Ốc đã tìm ra được địa chỉ của mẹ con bà và trân trọng mời Nhanny đến tham dự để dành cho Chick Harrity một bất ngờ lớn. Thế là mọi chuyện đã xảy ra đúng như dự định.
 
"Người may mắn nhất"
Thưa quý vị và các bạn, giờ đây, khi Nhanny đã là mẹ của hai con và hiện định cư tại thành phố Springfield, bang Ohio, cô tâm sự:
"Tôi nghĩ tôi là người may mắn nhất. Tôi không biết nói gì hơn. Tôi chỉ nghĩ là tôi rất may mắn đã gặp được mẹ nuôi tôi cho tôi một cuộc đời mới. Tôi biết rằng, tôi còn có cha và các anh trai của mình, và nhiều khi tôi tự hỏi không biết giờ này họ ra sao. Tôi không biết làm cách nào để tìm ra họ. Tôi thiệt không biết làm sao!"
Thưa quý vị và các bạn, câu chuyện về bức hình Baby In The Box có thật nhiều điều kỳ diệu mà chúng ta không thể nào giải thích nổi. 32 năm sau, có ai ngờ em bé ăn xin nghèo khổ trên vỉa hè thành phố, nằm trong chiếc hộp bằng cạc tông, lại thay mặt cho toàn thể giới báo chí phóng viên nhiếp ảnh Hoa Kỳ, trước mặt Tổng thống George W. Bush, để trao tặng giải thưởng cho người đã chụp hình mình năm xưa, làm cho tất cả mọi người phải rơi lệ.
Và hôm nay đây, mặc dù không nói được tiếng Việt, nhưng cô luôn ghi nhớ cô là người Việt Nam, cô vẫn hằng nhớ đến những người thân nhân ruột thịt của mình. Ước mong một ngày nào đó, lại có điều kỳ diệu xảy ra cho cô, phải không thưa quý vị và các bạn?

2 nhận xét:

TQtrung nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Nặc danh nói...

Người NSNA chân thực luôn có cảm xúc và kịp bấm máy chỉ trong khoảnh khắc trước người, cảnh đầy tính nhân văn.
Thậm chí phải nhiều năm sau bức ảnh ấy mới được biết đến. Cảm phục!