Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Ca khúc hay: Tình em (Thủy k42)

Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh dời dợi?

Có gì đâu em ơi
Tình yêu là sự sống
Nên nắng hực trong lòng
Mạch đời căng máu nóng.
Anh, anh đi xa bao núi
Tình em như khe suối
Lưu luyến và nhớ thương
Chảy theo anh khắp rừng.
Anh, anh đi xa thật xa
Tình em như cỏ hoa
Âu yếm và thiết tha
Theo anh dài nương rẫy.
Anh, anh đi xa bao núi
Tình em như khe suối
Anh đi biệt tháng ngày
Tình em như sông dài.
{lặp lại}
Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rợi?
Có gì đâu em ơi
Tình yêu là sự sống
Nên nắng hực trong lòng
Mạch đời căng máu nóng.
Tình yêu, một cách tự nhiên, đó là cảm xúc mãnh liệt muốn ở bên nhau, như lá và cành. Một quan hệ gắn bó thiết sinh, không phải chỉ là những cảm xúc, niềm vui trang hoàng bên ngoài. Thế nhưng cũng không chỉ như lá và cành:
Khi lá lìa cành, lá không còn xanh, còn khi em xa anh, đời – em và anh – vẫn xanh rời rợi.
Lá và cành chỉ có thể bên nhau hay rời nhau một cách đơn giản. Nhưng em và anh, bất chấp mọi khoảng cách địa lý để bên nhau. Tình em luôn bên anh, bất kể anh ở đâu. Càng xa nhau càng mãnh liệt.
Anh đi qua bao núi, tình em như khe suối. Anh đi biệt tháng ngày, tình em như sông dài.
Tình yêu không cứ phải là bên nhau về địa lý. “Tình yêu là sự sống” – tình yêu làm nên sự sống hay sự sống làm nên tình yêu, hay chăng, nơi đâu có sự sống, nơi đó có tình yêu, khi nào còn sự sống, khi đó còn tình yêu? Có lẽ hiểu theo khía cạnh nào cũng đều đúng.
Thế nên dù em có xa anh thì tình yêu vẫn hực trong lòng và đời vẫn căng nhựa sống.
Có khiên cưỡng không để nói về “tình yêu vô điều kiện” trong bài hát này? Dù không “thoát tục” đến thế thì tình yêu ấy đã tồn tại và lớn mạnh mà không cần điều kiện thiết sinh của nó: ở bên cạnh nhau. Em và anh đã chẳng thật sự nhận được gì từ nhau cả, một sự xa cách hầu như không có sự kết nối vật chất – thư từ, điện thoại, email, chat – cũng chẳng có giới hạn về thời gian – bao giờ cho hết chiến tranh, bao giờ cho đến hòa bình, liệu cả hai có còn sống sót đến ngày đó. Tất cả những gì có thể chỉ là nghĩ về nhau và mỗi người tự nuôi dưỡng vun vén tình yêu trong chính lòng mình mà thôi.
Mời các bạn nghe lại, nhìn lại tình yêu của người Việt mình trong chiến tranh vệ quốc để nghĩ về bản chất của tình yêu qua giọng hát quý phái và hào hoa, ấm áp và mạnh mẽ của một cây cổ thụ trong nền thanh nhạc Việt Nam – NSND Quý Dương.

4 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Ở k5 có Huỳnh Tấn Lợi, ngày ở Quế Lâm 1968, đã hát bài này. Khi đó chưa biết yêu là gì, nhưng nghe bạn hát thấy giai điệu đẹp, lả lướt, lai láng... nhất là tác giả dùng 2 từ "dời dợi" hay thế!
DMĐ của chúng ta hát bài này cũng hay.

Bùi Thế Tâm nói...

Mời các bạn nghe cố nghệ sĩ Quý Dương hát bài nay:

http://www.youtube.com/watch?v=s9hm1ZqG1dI

Bài này hồi chiến tranh là bị cấm đấy. Tôi rất thích bài này.

TranKienQuoc nói...

Đúng đấy, vì sợ làm ủy mị chiến sĩ, không còn dũng khí ra trận. Đấy là 1 quan niệm.
Nhưng Võ Đại tướng lại khác. Khi nghe duyệt chương trình biều diễn và Tổ hợp "Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy" (Tô Hải) thấy bị cắt lời 3 "Chiều chiều dừng chân đỉnh nón sườn núi, ngó trông xa xa tận phía chân trời, có người thương yêu ngày đêm ngóng trông...", cán bộ Tuyên huấn cũng lí luận như trên. Cụ bảo: Không có tình yêu đôi lứa, không có tình yêu gia đình thì làm gì có quê hương mà bảo vệ. Và lời 3 được trở về khi biểu diễn năm 1961-62 trong Hội diễn toàn quân.
Nhạc sĩ Tô Hải đã nói: "Đại tướng đã cứu sống tác phẩm".

Nặc danh nói...

Bài hát này NSND Quang Thọ cũng hát rất hay ạ. Gia đình cháu rất thích giọng hát của NSND Quang Thọ.