Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Thư gửi các quan huyện (ST: Thắng Lpz)



Khổ từ tấm bé. Ảnh: CLC
Thưa các quan
Người ta bảo, chủ tịch huyện bây giờ quyền to lắm. Cả nước có gần 700 huyện, thị trấn, quận, tương đương có 700 quan huyện. Chính quyền huyện có cảnh sát, công an, bộ đội riêng. Chế độ tồn hay suy vong là do 700 vị quan. Họ là những viên gạch vững chắc cho quốc gia và cũng có thể là sâu mọt làm lụn bại chế độ. Vì thế mới có thư này.
Chuyện của cha tôi
Tôi muốn kể về cha tôi và ruộng đồng cách đây nửa thế kỷ. Ông sống gần hết thế kỷ 20, từng bôn ba sang Lào kiếm ăn, nhưng rồi thất bại nên quay về với đồng quê Hoa Lư (Ninh Bình).
Lúc 5-6 tuổi hồi cuối 1950, tôi vẫn nhớ cảnh nông dân được chia ruộng, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Người ta xướng tên, cả làng reo hò, hoan hô, chủ được nhận văn tự. Bố mẹ tôi được 5 sào ở đồng sâu gần ngòi Cuôi, 3 sào ở đồng cạn, vài sào mầu, có lẽ tổng cộng hơn mẫu ruộng, thưở đó là to lắm.
Nhà 10 miệng ăn, số ruộng ấy cũng chỉ đủ lần hồi. Cha mẹ tôi, những người chịu thương chịu khó suốt một đời, đã đổ bao mồ hôi và nước mắt, cấy hái và trồng trọt trên mảnh đất yêu quí.
Mỗi lần đi thăm ruộng, cha cho tôi lon ton chạy theo. Những cánh đồng lúa cao nhút đầu người, đang chửa có đòng, hương thơm ngát. Ông bảo tôi, con đi đừng chạm vào lúa, vì lúa đang làm đòng rất dễ gẫy.
Tới chân ruộng, ông đi dọc ngang mấy sào ruộng để ngắm lúa và sờ tay xuống đất, xem nước có đủ, nâng niu như một kho báu.
Thế rồi những ngày mùa, các con được bưng bát cơm trắng thơm lừng, những con cá, cua, mẹ bắt ở ruộng mang về. Tôi đi khắp bốn phương trời nhưng chưa bao giờ thấy cao lương mỹ vị nào ngon hơn bát cơm thời đó.
Còn hạnh phúc nào bằng khi người nông dân chất phác như cha tôi được làm chủ ruộng đồng của mình. Ông bảo, con lớn lên sẽ cùng cha, làm thật nhiều thóc trên những cánh đồng này, và nhà mình sẽ giầu thôi con ạ.
Nhưng rồi hạnh phúc cũng chẳng được tầy gang. Hợp tác xã nông nghiệp đã xóa tan đi giấc mơ làm giầu của cha tôi trên mảnh ruộng.

Mồ hôi và nước mắt từ đây. Ảnh: HM
Nhớ hôm giao ruộng cho hợp tác, cha tôi đứng lặng, không nói lời nào, có lẽ ông khóc mà tôi không biết. Ông lặng lẽ cất mấy cái văn tự ruộng đất vào ống bương, nhét lên mái nhà.
Ông bảo, cái gì cũng là tập thể, cha chung không ai khóc, rồi sẽ nghèo đói thôi. Ruộng đồng không có chủ sẽ không sinh ra lúa gạo.
Không học hành nhưng cha tôi đã có dự cảm đúng về cái cách đối xử với đất bằng duy ý chí.
Hồi về già, mỗi lần có chuyện về xã Trường Yên, từ xóm Tụ An, ông rất thích đi bộ qua mấy mảnh ruộng mà xưa kia cả nhà từng còng lưng cầy cấy. Và ông ước, khi chết, con nhớ chôn cha ở mảnh ruộng nhà mình.
Ruộng vườn với người nông dân là nơi chôn rau cắt rốn, là khổ đau và hạnh phúc, là nơi cuối cùng về thế giới bên kia.
Vài suy tư về vụ Tiên Lãng
Tôi viết thư này từ một nơi cách xa các quan tới nửa vòng trái đất vì suy tư về vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng gần đây.
Một bộ đội giải ngũ, con một đảng viên trung kiên, có bằng đại học, bỗng nhiên vác súng chống lại chính quyền của các ông.
Hàng triệu người tự hỏi, sao đến nông nỗi này. Có phải các quan đã dồn người nông dân hiền lành, chịu thương chịu khó, đến chân tường.
Giấc mơ làm giầu của anh Đoàn Văn Vươn không khác giấc mơ Mỹ của Bill Gates hay Steve Jobs, những người đã và đang thay đổi thế giới.
Với 20 năm bám biển, anh Vươn thay đổi bộ mặt của cả một vùng rộng lớn hàng trăm hecta rừng ngập mặn, giúp bà con vùng này tránh được bão tố, mưa sa.
Nếu anh Vươn ở bên Mỹ, sẽ trở thành triệu phú Mỹ và có khi xa hơn là tỷ phú đô la. Bởi vì đất do anh chinh phục được giao quyền làm chủ và bảo vệ bằng pháp luật quốc gia.
Giá như quan huyện Tiên Lãng hiểu và yêu ruộng đất như cha tôi, sẽ hành xử khác với gia đình nhà anh Vươn.
Có thể đoán, vào những ngày này, hai quan Liêm và Hiền ở Tiên Lãng đang hối hận về những gì đã gây ra cho gia đình anh Đoàn Văn Vươn trong vụ cưỡng chế động trời.
Tôi tưởng tượng thế này. Vào một ngày đẹp trời, nghe lời một số quân sư quạt mo, hai quan Liêm-Hiền lượn xe hơi quanh khu đầm, và nghĩ “Trời, nơi đây trước kia là vùng khỉ ho cò gáy nhưng bây giờ là đất vàng, và nó phải thuộc về ta. Quyền sinh sát trong tay, ta mà đánh tiếng, đố đứa nào dám trái lời.”
Chuyện cưỡng chế chỉ là bước tiếp theo. Nhưng hai anh em nhà họ Lê lại không ngờ sự phản ứng mạnh của hai em nhà họ Đoàn, đưa sự việc ra ngoài tầm kiểm soát.
Để rồi,  hôm nay anh em Liêm Hiền đang ngồi trên đống lửa, mong thoát tù tội đã là may lắm. Sự nghiệp của họ tan nát như ngôi nhà hai tầng của nhà anh Vươn bị máy xúc san phẳng. Anh em nhà họ Đoàn cũng trong song sắt vì sai lầm của các quan.
Ai thắng, ai bại
Sau tuyên bố của Thủ tướng về vụ Tiên Lãng, người ta tự hỏi, ai là người thắng trong vụ này. Theo tôi, không ai thắng cả.
Hai họ Lê và Đoàn ở xã Vinh Quang đều thất bại và mất mát không thể cân đong đo đếm. Mất chức, mất tiền của, có thể bị án phạt nặng.
Luật đất đai thất bại trong thực tế vì lạc hậu, lại được phụ họa bởi những qui định chồng chéo, những cán bộ huyện không hiểu luật ngồi lên luật.
Công an và bộ đội, lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia, cũng thất bại vì đã can thiệp nhầm vào những sự việc hoàn toàn mang tính dân sự.
Lãnh đạo Hải Phòng và cấp cao hơn cũng thất bại, vì để sự việc Tiên Lãng bùng phát, chứng tỏ sự bất bình trong xã hội đã lên tột đỉnh mà không ai thèm để ý. Thất bại vì họ không nghe được tiếng dân cho đến khi súng nổ vào tai.

Anh Vươn có thể thành Steve Jobs
Báo chí và truyền thông tưởng rằng, đưa vụ Tiên Lãng ra ánh sáng là chiến thắng lớn? Hoàn toàn không. Trong nhiều năm qua, quyền lực thứ tư đã mất hết vì không biết đưa tin về những bất công xã hội, báo động về sự suy đồi của nhiều cấp lãnh đạo và để rồi không ai “nghe thấy”.
Luật pháp đã thất bại vì không bảo vệ được lẽ phải, không bảo vệ người lương thiện, mà bị chính quyền can thiệp trắng trợn.
Nền giáo dục và hệ thống chính trị cũng chẳng hơn vì đã tạo ra công bộc thành kẻ cướp giữa ban ngày.
Nhân dân mất lòng tin vào chính quyền, thì đó là thất bại tầm quốc gia.
Kể ra còn nhiều thất bại khác.
Tất cả bắt đầu từ vài chục hecta đầm ven biển và lòng tham vô đáy của vài quan như các ông. Chuyện đó xảy ra khắp nơi. Nếu không tin, xin gọi điện hỏi chị Ba Sương và hàng vạn dân oan khác, để kiểm chứng.
Win-Win cùng chiến thắng
Để chuyển bại thành thắng, tôi muốn viết thêm về thời hội nhập. Sau cuộc chiến tranh Việt Nam, người Mỹ thua, ôm đầu tháo chạy. Người Việt tổn thất vô cùng to lớn, từ 3 đến 5 triệu người đã chết, lòng người ly tán.
Phương Tây bỗng nhận ra, tại sao không tìm cách nào đó để giải quyết xung đột Đông Dương để cả hai bên cùng có lợi.
Bài học Việt Nam nảy sinh chiến lược Win-Win, hay còn gọi là hai bên cùng có lợi, hoặc cả ba và hơn thế nữa.
Bây giờ người Mỹ dùng ngoại giao mềm, đi đâu cũng tìm cách Win-Win để thuyết phục đối tác. Anh có lợi, tôi có lợi và chúng ta cùng chiến thắng.
Thời hội nhập, các công ty đa quốc gia, muốn thành công trên thương trường, phải lấy nguyên tắc này làm kim chỉ nam cho chiến lược phát triển. Để thành đạt họ cần tới năm chữ “Win” cho năm đối tượng: nhân viên công ty, khách hàng, cổ đông, đối tác, và cộng đồng xã hội.
Điều này đúng cho chính quyền cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia và tầm quốc tế.
Nếu hai quan Hiền Liêm mà hiểu nguyên tắc sơ đẳng Win-Win thì có lẽ đã không có vụ nổ súng vào “người thi hành công vụ” của người dân nghèo lương thiện Đoàn Văn Vươn. Họ muốn cướp không của người khác nên mới bị bắn vào mặt.
Giá như họ, với quyền lực trong tay, bàn với anh Vươn, anh Quý, làm thế nào biến khu đầm hàng trăm hecta thành nơi cung cấp hải sản cho cả nước, kể cả xuất khẩu.
Chủ đất được lợi, người cho thuê được lợi, ban lãnh đạo từ xã đến thành phố và cao hơn là quốc gia cùng lợi, dân quanh vùng được lợi, người ăn hải sản được lợi, dịch vụ gia tăng, và hiệu ứng xã hội tốt đẹp khó mà đong đếm. Win-Win từ nhiều phía.
Kẻ chinh phục biển Đoàn Văn Vươn rất có thể thành tỷ phú như Steve Jobs, người khởi nghiệp trong chiếc gara bỏ không.
Thế đó, hai bên cùng có lợi, hay kết thúc bằng cả hai vào tù. Xin các quan hãy nghĩ cho kỹ trước khi ký bất kỳ một lệnh cưỡng chế nào tới đây.
Win-win chính là cách giúp nông dân lương thiện như cha tôi hay anh Vươn có một giấc mơ ấm no hạnh phúc và giúp cho cái ghế của các vị vững như bàn thạch.
Chúc các ngài quan lộ hanh thông.
Hiệu Minh. 11-02-2012

14 nhận xét:

Nặc danh nói...

Nhìn cháu bé vừa gánh lúa, vừa khóc mà thương.

TranKienQuoc nói...

Dường nhu chuyện này được dự báo từ lâu rồi, "xuất hiện tầng lớp cường hào mới" - tôi nghe cụ cựu chủ tịch Quốc hội nói từ những năm 90. Cái cơ bản là họ không chịu nghe dân. Quan thời nay xa dân quá.

Nặc danh nói...

"Họ" là ai? Ai làm "họ" xa dân? Trách nhiệm trước hết thuộc về BCT. Cái Đảng mà miềng phấn đấu hết miềng để được kết nạp hổng phải như thế này. Nó khác cơ, nó thực sự vì dân, vì nước cơ. Còn bây giờ, toàn bọn cơ hội, vào Đảng để mưu cầu lợi ích cá nhân, để dễ bề thăng quan tiến chức, để vơ vét được nhiều hơn. Các loại "ghế" đều có giá cả đấy. Và đã "đầu tư" rùi thì phải thu hồi vốn và phải có lãi mới đầu tư chứ. Than ôi, thương các cụ nhà ta (phụ huynh Trỗi). Các cụ đã đổ xương máu mồ hôi để bây giờ "họ" làm cho đảng bị biến thành thế này, làm cho dân khổ thế đấy. Các cụ tha lỗi, con cháu các cụ cũng còn hèn quá (đến nỗi không dám xưng danh), chưa làm được việc gì nên hồn. Đau!!!

Nặc danh nói...

Quả thật mỗi lần nghe báo chí nói "có bao nhiêu thanh niên ưu tú đã xin gia (không phải "ra") nhập Đ" mà mình buồn. Hồi xưa mình tự nguyện xin vào để làm việc tốt nhất. Còn ngày nay vào để làm gì, để thăng quan tiến chức ư? (Quả thật không có cái đó không "tqtc" được!). Thế đấy!
KQ

phúc chiến vt nói...

vụ việc tiên lãng chưa có hồi kết nhưng đả để trong dân những nghỉ suy khác chiều.lớp cường hào mới rộ lên khắp các miền quê từ những năm 90.đã bộc lộ sự yếu kém nhân cách từ cơ sở.các quan thành thị thì luôn quan liêu ưa xu nịnh.làm giàu cho cá nhân và họ hàng.không đêm xỉa đến tiếng nói của dân.với tôi-để kết luận vụ việc này.thành phố:ngu như trung thoại băng hoại như hữu ca"nhìn bộ mặt phì nộn của các vị mà buồn nôn.

Nặc danh nói...

Dù kết kiểu gì thì vụ TL cũng để lại một dấu ấn không phai mờ trong lịch sử VN hiện đại. Đoàn Văn Vươn sẽ được nhắc tới như một người đi đầu trong cuộc đấu tranh chống lớp cường hào mới. Anh ta có công chứ không có tội. Anh ta ko chống người thi hành "công vụ" mà là tự vệ chống lại bọn cướp ngày. Nếu ko có vụ phạm pháp của anh ta thì đã không có làn sóng lên án mạnh mẽ lũ quan tham cả nước nói chung và HP, TL nói riêng. Loại cướp ngày này đã xuất hiện và lũng đoạn xã hội từ rất lâu rồi, và chúng càng ngày càng táo tợn. Nếu cứ xử lý như kiểu hiện nay trong vụ TL, nghĩa là "giơ cao, đánh khẽ" (giao cho TP HP tự xử lý, CA Hải phòng vừa tham gia cưỡng chế vừa điều tra việc cưỡng chế, tạm đình chỉ công tác 15 ngày để "kiểm điểm nghiêm túc"...và một số trò khác)thì bọn cường hào mới sẽ tiếp tục lộng hành. BCT và TW có mối quan hệ thế nào với bọn nó mà lại hành xử như vậy? Lạy vong linh Bác Hồ. Bác sống khôn thác thiêng

Nặc danh nói...

xin Bác phù hộ độ trì cho dân, cho nước qua được kiếp nạn này.

Nặc danh nói...

Thực ra, anh Vươn không hoàn toàn thất bại. Anh bị giam cầm nhưng cái anh được là sự ủng hộ về tinh thần của cả xã hội đối với gia đình anh. Hẳn những gia đình đang chuẩn bị nhận thông báo cưỡng chế ở cống Rộc, Tiên lãng nói riêng và cả nước nói chung rất biết ơn anh và le lói chút niềm tin là vẫn có thể đấu tranh cho lẽ phải được. Nó giống như bà con quê hương anh hùng Núp tin rằng có thể đánh được Tây vì nó cũng có thể bị chảy máu khi trúng tên. Nếu bà con đồng lòng, đoàn kết đấu tranh đúng cách thì không có lý gì cái "Đảng và Nhà nước của dân, do dân, vì dân" lại không ủng hộ việc tiêu diệt lũ cường hào mới- lũ cướp ngày ấy. Thứ hai là dù sao cũng dọa được lũ quan tham một cú đáng kể. Lũ chúng dù sao cũng phải kín đáo hơn trong việc cướp của dân. Một thắng lợi nữa là vụ việc có tiếng vang quốc tế, và đó cũng là một áp lực đáng kể để xã hội VN chuyển động theo xu thế dân chủ hóa. Đó là những cái được đáng kể. Anh Vươn đáng được tôn vinh như một anh hùng.

Nặc danh nói...

Ở Q9 TpHCM từ 2009 cũng bị "cưỡng chế" như thế, chính quyền cho phá dỡ nhiều tài sản, nhà cửa, vườn ruộng của bà con để "quy hoạch" lại (trong đó quan chức "có màu"). Những người bị nạn đã lập trang mạng lấy tên anh Vươn: 'doanvanvuon.wordpress.com', gửi đơn từ tới cấp trên và công luận. Tại đây đăng tải những hình ảnh cụ thể về việc phá dỡ.

Nặc danh nói...
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Nặc danh nói...
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Nặc danh nói...
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Nặc danh nói...
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Nặc danh nói...
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.