Anh Phúc Chiến lại khác. Là con Liệt
sỹ, ba của anh là cán bộ cấp tỉnh của khu V, hy sinh giai đoạn chống Pháp, anh
cũng được vào trường học sinh miền Nam học ở Hải Phòng. Không gặp phải
chuyện bức hiếp nhưng anh Chiến cũng được học võ khá sớm, Thầy của anh tên là
Tám Phải, một võ sư chuyên đấu đài từ thời Pháp, ông thụ giáo và truyền dậy môn
phái Bình Định.
Cũng cần nêu lại lối đánh thời Tây mà bây giờ mọi người không
còn thấy. Thời đó, trong bối cảnh xã hội thuộc địa, các đảng phái trong xã hội
được thành lập kín khá nhiều mà hầu hết là lấy mục tiêu yêu nước chống lại
ngoại bang, tuy con đường và phương châm hành động thì có khác nhau. Song song
với tinh thần dân tộc, luôn là tinh thần thượng võ bất khuất. Để giải quyết hai
việc: Cho các đấu sỹ người Việt được “phát huy” tài năng võ học dưới danh hiệu
Tự Do thi đấu mà bản chất là để triệt tiêu lẫn nhau và qua đó nắm vững được sự
hoạt động hăng hái của các võ sinh trong các hội, đảng. Khi đấu đài, từng cặp
võ sỹ được sắp đấu có thể do đã biết nhau trước hoặc đã có thù hận cần giải
quyết, hoặc cần thử tài với người đã thành danh và rồi cũng có thể không biết
nhau…tất cả đều phải ký vào một tờ giấy cam kết trước khi đấu, hoàn toàn tự
chịu trách nhiệm khi bị trọng thương hay bị chết để đối thủ miễn trách! Còn
chính quyền Pháp cũng hay cử những tay Lê – Dương hay Com – măng – đô của quân
đội tham gia, đây là lính đánh nhau giết người chuyên nghiệp của quân đội viễn
chinh được đào tạo và tôi luyện bằng máu, kỹ thuật giết người điêu luyện, sức
khỏe tuyệt vời, đó là những con mãnh thú khát máu mang hình người! Có rất nhiều
câu chuyện kể về võ sỹ đánh đài, của người Việt với người Việt và người Việt
với lính Tây. Mức độ nhẹ thì bị đánh văng khỏi đài hay gục trên đài mà xin
thua, nặng hơn thì bị gãy chân, gãy tay, trật xương sống, mù mắt, mất khả năng
thi đấu mà chịu thua, còn khắc nghiệt nhất thì là sự trả giá bằng sinh mạng.
Thật lạ, tôi không hiểu các võ sỹ đăng đài này sau khi giết chết đối thủ, hay
triệt hạ biến đối thủ thành phế nhân để mình trở thành người chiến thắng sẽ có
cảm xúc thế nào? Vinh quang, hãnh tiến, ngạo nghễ, tự hào chăng? Họ có nghĩ đến
đối phương bị đau đớn, thành tật hay các chi phái gia đình phải nhận lại một
thi thể của cuộc đấu võ không? Rồi mục đích đạt được là gì ngoài danh hiệu và
một số tiền? Đó có phải là sự chân chính của võ học không? Còn bọn Tây chết là
hy sinh vì nhiệm vụ, thắng thì là sự ngạo nghễ và là biểu hiện của sức mạnh cho
quân đội Mẫu quốc. Ông Tám Phải đã vượt qua những thử thách như vậy trong cuộc
đời.
Sau năm 1954, Ông ra Bắc và sống ở
Hải Phòng. Ông nhận anh Phúc Chiến là con nuôi và dậy võ.
Thầy Võ dậy anh Phan Nam có biết và
quan hệ với Ông Tám Phải, tôi cũng có nghe nói là có lúc hai ông đã tổ chức cho
học trò của mình dượt với nhau, chứ không phải là đánh phân cao thấp, để làm
quen với các phải khác trước mặt hai sư phụ. Rồi hai anh lại cùng vào học
trường Nguyễn Văn Trỗi – một trường thiếu sinh quân dành cho con em cán bộ đi B
(tức là đi chiến trường miền Nam)
hay con các Liệt sỹ hoặc cán bộ có công với cách mạng đã hy sinh và con cán bộ
trung cao cấp. Các anh cùng học một khóa với anh Quốc nhà tôi và đều ở bên “Bồ
Ta”. Thêm đôi chút, lúc đó trong trường ở tuổi thiếu niên và bắt đầu bước sang
tuổi thanh niên, trong trường cũng chia làm hai phe là “Bồ Ta” và “Bồ Tây” còn
ở giữa là dung hòa, cũng có những xích mích cá nhân dẫn đến chuyện đánh lộn,
nhưng khi ra khỏi trường nếu một học sinh Trỗi mà bị tấn công thì bất kể Bồ Ta
hay Bồ Tây các anh đều lao đến bảo vệ học sinh trường mình!
Trở lại các buổi học trên Vĩnh Yên,
anh Phúc Chiến yêu cầu tôi phải đứng tấn rất ngặt nghèo: đùi vuông, lưng thẳng,
đứng càng lâu càng tốt. Trời mùa hè, khi tập luyện thế có buổi phải “tụt” quần
đùi ra đến 4-5 lần để vắt khô nước mồ hôi rồi tập tiếp. Anh luyện cho tôi rất
kỹ Đinh tấn và các cách biến thế trên quan điểm phòng thủ chắc, thế vững vàng:
lấy thủ làm công, có thời cơ là ra đòn quyết định, lực thật mạnh.
2 nhận xét:
Chơi với 2 tay giỏi võ, còn mình thì chả biết mô tê gì. Nhưng cũng có công dẫn để mấy chú em theo thầy.
Hồi ở Hưng Hóa, ông Nam dẫn tôi và Lê Bình, Chí Hòa ra bãi xe lội nước tập võ (ở đấy chả vắng vẻ). Bố mày dạy các thế; nào xàng xê, nào đinh tấn, chảo mã...
Hỏi: Nếu nó to con hơn thì sao?
Đáp: Thì giả vờ chạy, rồi cúi xuống, bốc nắm cát, ném thẳng vào mắt đối phương.
(Khi giảng đến đây thấy Trần Phong (Bồ Tây) đứng từ xa theo dõi nên thôi ngay. (Bí mật môn phái?).
Hay nhất là em mình lên mà ông Nam lại gửi gắm ra sống ở nhà Bình 'cắt tóc' con bà Bệt. (Vì chưa vợ con nên không đăng kí phòng ở chiêu đã sở (mà lính QS gọi là chiêu đã khổ) được. Nơi đó chỉ dành cho các cặp vợ chồng nhà binh khi có vợ lên thăm).
Đăng nhận xét