Anh Nam lại nhập cuộc với tính quyết
liệt hơn, tung ra một chuỗi đòn liên tiếp vừa chém, vừa đạp, vừa giật gót, vừa
hét. Anh Chiến di hình liên tục, tay bao lấy toàn bộ phía trước nên chưa có đòn
nào của anh Nam
lọt qua, mà anh Chiến cũng chưa phản lại trúng đòn nào. Tôi dõi theo chăm chú
từng lối đánh, từng đòn tiêu hay đả của mỗi anh, nó rất gần gũi với những điều
các anh đã dạy tôi và tôi đã luyện theo, rất căn bản.
Đến lượt anh Chiến phản công, hai tay
quyền cùng xuất thẳng vào ngực anh Nam còn một chân cắm thẳng vào bàng
quang, đó là thế “Phi Nhất Phát Thần Đồng”. Anh Nam kịp lùi lại tránh và tung ra
một cước vào quyền của anh Chiến.
Vẫn chưa ai dính đòn, còn vẻ mặt của
mỗi người đã không còn sự kiềm chế cần thiết dành cho người bạn, thay vào đó là
sự quyết tâm thể hiện sự hơn hẳn của học thuật! Hai anh lại lao vào, cỏ và đất
vung bay ra phía ngoài do các bước chân nhanh mạnh hơn. Không hiểu vì lí do gì,
tôi đứng vụt dậy, nhẩy ngay vào khoảng trống giữa hai anh, thái độ nghiêm túc
vẻ mặt buồn buồn tôi nói “các anh đừng đánh nữa” rồi không chờ các anh trả lời
tôi kéo cả hai anh ra bàn nước. Rót ba chén nước trong thái độ còn rất hậm hực
của hai sư phụ tôi nói “em không thích các anh đánh nữa, em học các anh, em
hiểu từng lối đánh rồi, cả hai lối đánh đều rất hay, em sẽ luyện thật tốt để
các anh vui” và tôi đưa từng chén nước cho mỗi anh. Thái độ hai anh dịu xuống
khi nghe những lời này. Các anh đã biết nhau lâu rồi nhưng chắc rằng đây là lần
đầu tiên có ý định vào với nhau quyết liệt như vậy, mà vào với nhau để làm gì
nếu không phải vì tôi?
Kết thúc đợt học võ ở kì nghỉ hè, tôi trở về Hà Nội với
túi du lịch sơ sài đựng đồ dùng cá nhân, tôi còn có một hành trang rất quan
trọng cho tuổi thanh niên đó là võ học, tuy kiến thức không nhiều, nhưng giá
trị tinh thần và sự dũng cảm tự tin thì rất lớn, đó là “vốn liếng” để tôi ứng
xử ở các giai đoạn sau này.
-----o0o-----
Những lần sau, khi mỗi anh về Hà Nội
tôi đều cố gắng nài nỉ các anh dạy và tự mình phải thu xếp thời gian với lòng
đam mê sẵn có. Một lần, anh Chiến từ Hải Phòng lên Hà Nội vào 8h30 tối để 11h00
đêm bắt tầu hỏa lên Vĩnh Yên. Thế là tôi có hơn hai tiếng đồng hồ để học. Hôm
đó anh dạy tôi bài “Thảo Ngọc Trản”, tôi học thuộc nhanh quá, anh dạy thêm bài “Lão
Mai” tôi cũng học xong luôn. Đánh lại hai bài để anh xem, anh thấy hài lòng,
anh dạy tôi tiếp bài “Roi Tứ Môn”, đây là bài côn của Bình Định, tôi cũng
“ngốn” gọn gàng. Đánh lại ba bài liên tục, anh Chiến bảo “Chưa ai học nhanh như
Trung”. Rồi để xem sức học của tôi đã hết chưa, anh dậy tôi thêm bài “Roi Ngũ
Môn”. Tôi “nuốt” nốt bài côn ngon lành, rồi đánh trả bốn bài cho sư phụ xem.
Anh Chiến rất kinh ngạc về sức học của tôi vì chẳng thấy ai học nhanh như “ăn
cướp” thế này. Thời gian anh Phúc Chiến dạy tôi trên thực tế không nhiều nhưng
những kiến thức anh truyền cho rất căn bản và có giá trị lớn, đó là vốn để tôi
nhân ra sau này trên chặng đường thanh niên phóng khoáng mã hiệp.
Anh Phan Nam thì dành cho tôi nhiều thời
gian hơn, có lẽ vì lúc đó anh còn độc thân và yêu gái Hà Nội! Khi dạy, anh hay
nắn chỉnh cho tôi gọn gàng, nhanh nhẹn, anh rất hài lòng về thái độ học võ của
tôi và đánh giá cao về năng lực của tôi, độ lỳ lợm và dũng khí của cậu học trò.
Viết xong bài này, tôi thấy cuộc sống
vẫn còn đầy tràn những kí ức hay thức tại tươi đẹp, chỉ cần ta có ý thức giữ
gìn nó. Tôi không muốn nói lời CẢM ƠN
với hai anh Chiến- Nam , vì lời nói đó quá chật chội và
nông cạn khi đặt trong không gian của những điều các anh đã dành cho tôi.
Xuân Quý Tỵ
Thanh Trần.
Thanh Trần.
4 nhận xét:
Có người học trò như thế này, chắc chú PN và PC tự hào lắm ?
Bài viết tôi tin chắc sẽ làm sống lại những kỷ niệm của tất cả những ai đã là BT.
Mặc dù lúc đó chúng tôi còn trẻ, không hiểu thể thao là gì, nhưng có một điều hầu hết tất cả chúng tôi có một tinh thần thượng võ, chúng tôi tỷ thí chứ chúng tôi không đánh lộn nhau (nếu có trường hợp nào đó mà tôi không biết và không được chứng kiến, thì đó là chuyện trẻ con, bây giờ tất cả đều đã sống 20000 ngày phải suy nghĩ lại và độ lượng, tôi là "bồ ta", và chính tôi là người bên cạnh LD tối hôm đó sau khi mọi chuyện xẩy ra, tất cả là vì nhận thức của hiệu trưởng Quỳnh khi đó, nếu nhận thức được vấn đề!).
Nếu mọi người biết rằng võ phái Shaolin (Thiếu Lâm Tự) của tầu là của những nhà sư (những người để làm những việc nhân đạo!!!!) thì sẽ hiểu điều tôi nói là phải xác định đây là một môn thể thao như thế nào.
Hy vọng một ngày nào đó lại có dịp tỷ thí với các bạn già (giống như Putin mang hành trang cuộc đời Judo).
CB
Đam mê võ thuật theo tinh thần thượng võ đúng là tính cách Trỗi. Còn có chuyện ngày ấy xảy ra thì đúng là chuyện trẻ con. Thế mà đã gần nửa thế kỉ rồi đấy!
Khi đọc "Học Võ ở Vĩnh Yên" của tác giả Thanh Trần, điều đầu tiên gây ấn tượng là lối kể chuyện và dẫn dắt câu chuyện. Lối viết chậm rãi nhưng không gây cảm giác "dài dòng",lối hành văn giản dị nhưng súc tích,từ ngữ được tác giả sử dụng đúng với thời kỳ của mảng "kí ức" được viết ra. Đôi khi mạch kể chuyện chợt dừng với một câu kết luận, một dấu "!" và cả "?" khiến người đọc cũng phải dừng mạch đọc mà "thoáng vu vơ" trong giây lát. Điều đặc biệt gây ấn tượng với người đọc trẻ, người đọc là thế hệ sau này là "cốt cách" là "nội dung" của câu chuyện kể, xin mạn phép tác giả Thanh Trần tóm tắt câu chuyện bằng 5 chữ: Trong sáng - Trung Thực - Giản dị - Nhân ái - Hào sảng.
Đăng nhận xét