Tôi
bị “say” ô tô
Từ
nhỏ tôi đã hay bị say. Lúc mẹ cho vào 1 cái thúng và gánh chạy giặc, tôi say lừ
đừ và ói ra mật xanh, mật vàng. Lúc khác mẹ địu trên lưng đi lại, tôi cũng say
và ói ngay trên lưng mẹ…
Tôi
còn nhớ năm 1954, khi trại trẻ Trần Đăng Ninh cho các cháu từ chiến khu Việt
Bắc về Hà Nội, chúng tôi được đưa lên những chiếc xe tải to lớn. Chăn màn, quần
áo lót xuống sàn để ngồi và nằm cho êm. Lũ trẻ chúng tôi háo hức vô cùng. Khi
xe lăn bánh, cả lũ reo hò cười nói râm ran. Mỗi khi xe sóc chúng tôi lại rú lên
khoái trá. Tôi cũng như các bạn, vừa thấy lạ, vừa thấy thích. Khi tới Thành phố
Thái Nguyên, chúng tôi được nghỉ và ăn kem. Đây là cái kem đầu tiên trong đời.
Sau đó, xe đi tiếp về Hà Nội. Không hiểu sao, sau vài chục cây số, tôi đã phải
nằm bẹp, hơn một tiếng sau, tôi bắt đầu ói… Đêm đó, khi về đến Hà Nội, tôi được
các cô bế vào nhà trong trạng thái mê man.
Hồi
năm 1958, anh em chúng tôi về Nam Định ở với Bố. Lâu lâu, ông cho tôi đi Hà Nội
chơi. Lần đi nào cũng chỉ vui vẻ được vài chục phút, còn sau đó là say xe khốn
khổ. Cứ như vậy, tôi chẳng hiểu sao và phải chịu đựng thôi.
Những năm tôi học
lớp 7, lớp 8, mỗi kỳ nghỉ hè, bố tôi gửi tôi vào xưởng sửa chữa của Quân Khu
Hữu Ngạn để “rèn luyện”. Thú thật mấy ngày đầu tôi thấy chán lắm. Đầu tiên các
chú công nhân kêu tôi vào tổ sửa ô tô. Công việc là: khuân vác, lấy dụng cụ…
nói chung là “điếu đóm”. Phải hàng tuần các chú ấy mới giao việc, mà toàn việc
thay dầu máy, ngâm các chi tiết vào xăng rồi cạo rửa cho sạch… Mùi xăng, mùi dầu
cặn làm tôi muốn ói. Nhưng dần dần tôi thấy thích và để ý tìm hiểu. Có lẽ nhờ
vậy mà tôi bắt đầu khoái ô tô. Cuối cùng tôi cũng được giao việc rất “kỹ
thuật”: đó là phục hồi và rà khít supap. Tôi chăm chỉ và tỉ mẩn làm say sưa.
Chất lượng công việc cũng không đến nỗi nào. Khoái nhất là khi sửa xong 1 chiếc
xe, các chú lại cho tôi cùng đi thử. Những lúc ấy khoái vô cùng và không hiểu
sao tôi không say.
Cho
đến tháng 6/1965, tôi đi khám NVQS, rồi vào vòng tuyển phi công. Khám xong ở
thị xã Hà Đông, họ đưa chúng tôi lên xe tải và ra BV 108 để khám tiếp. Trên
chuyến xe đi có hơn chục cây số tôi lại say khổ say sở. Vậy là xong cái nghiệp
phi công.
Mấy
năm đi học, đi sơ tán nên cũng ít có dịp đi ô tô. Cho đến khi đi B, tôi phải đi
ô tô vào chiến trường. Chiếc xe tôi đi là loại GAZ 69, có lắp điện đài VTĐ và
chở thêm 4 người nữa. Tôi phụ trách xe nên ngồi cạnh lái xe, khá thoải mái.
Đường Trường Sơn gian khó và ác liệt nên tôi cũng quên cả say xe. Tôi bắt đầu
có cảm giác thích lái xe. Tôi chú ý anh lái xe lái như thế nào, sang số ra sao.
Những lúc anh nhờ tôi đề nổ máy rồi vù ga để anh chỉnh sửa gì đó làm tôi sướng
run. Cứ như vậy tôi quan sát, học lóm và phụ việc cho anh lái xe. Sau khi đoàn
chúng tôi bị máy bay đánh cháy 3 xe, chúng tôi phải đi bộ và tôi không gặp lại
anh Thành lái xe nữa. Không hiểu sao, từ hồi đó, tôi rất hay mơ thấy mình lái ô
tô, mà toàn lái xe GAZ 69. Khi tỉnh dậy tôi cứ có cảm giác là mình biết lái ô
tô rồi. Tôi nhận ra nếu đi ô tô mà mình tham gia vào việc lái thì sẽ không bị
say. Vậy để khỏi say ô tô có lẽ tự mình lái xe là hay nhất.
Sau
này, khi đi máy bay, tôi lại bị say. Lần đi sang Liên Xô, tôi say đến cả tuần
lễ mới hết. Lần đi trực thăng Mi 8 sang Lào công tác, tôi cũng say phải nằm lăn
lóc trên sàn. Đến lúc máy bay hỏng máy, quay tít rồi rơi xuống ruộng lúa, tôi còn
mừng thầm vì không phải bay nữa… Rồi những lần đi AN 26, tôi toàn nằm lăn lóc
bên chó mèo, gà vịt vì say quá. Vậy là say ô tô, say máy bay, say tàu hỏa tôi đã
nếm qua hết. Chỉ còn tàu thủy là chưa thôi.
Tôi
cũng có tìm hiểu thì biết là: tôi có bộ phận tiền đình trên não quá nhạy cảm
nên đi tàu xe dễ bị say.
Hiện
nay, tôi rất ít bị say tàu xe. Mỗi khi đi xe, nhìn những người bị say tôi vô
cùng ái ngại và cảm thông với họ. Tôi chú ý nghe và ghi nhận những kinh nghiệm
chống say xe rồi phổ biến lại. Từ việc ngồi cạnh tài xế hoặc ngồi những hàng
ghế trên, cho đến mở cửa xe cho thoáng gió; đến việc tránh ăn uống quá nhiều
trước khi đi xe. Khi ngồi nên tựa đầu cho chắc chắn vào lưng ghế… Ngoài ra
những bài như: sức dầu gió, hít ống chống nghẹt mũi, nhai kẹo cao su, uống các
loại thuốc chống say tàu xe, ngửi bánh mì… cũng rất tác dụng với nhiều người.
Tôi đã chứng kiến một cô khi đi không mua được bánh mì để ngửi nên đã say mê
mệt, lúc về có chiếc bánh mì trong tay cô ta thường xuyên đưa lên mũi ngửi và tỉnh
như sáo, gần đến nhà cô ta ăn hết chiếc bánh đó một cách ngon lành.
2 nhận xét:
Kinh nghiệm thực tế: Cứ lấy 1 miếng salonpass dán bịt rốn lại là chống được mọi thứ say, trừ say rượu.
HMK6
Đọc xong bài này biết thêm muốn chống say xe thì:1-biết lái xe.2-ngửi bánh mỳ.3-dán salonpass vào rốn.Hay!
Nhưng để phổ biến cho người khác biết chứ mình ko say với tất cả trừ say R và say G.
Đăng nhận xét