Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

TQ du ký 6: Quế Lâm, ngày 19 và 20/9


Sáng 19/9, em Khiết đưa đoàn đi thăm Tu Tượng Sơn (Xiang bi san, Núi Voi). Phải mua vé nhưng trường lại chiêu đãi. Từ sớm công viên Núi Voi đã đông du khách. Đang dịp nghỉ Trung thu mà.  Theo đường bờ sông ra điểm đối diện với con voi đang thò voi uống nước. Mấy bác lần đầu quay lại QL xúc động, chụp lia lịa. Công viên này kéo dài cả cây số. Tàu chạy xình xịch trên sông, thấy cả thuyền cá với chú chim cốc bám đầu thuyền....
Sau đó về Vương Thành, không xa đầu cầu Giải Phóng. Tĩnh Gia Vương Phủ được xây dựng từ 1372, có bề dầy đã hơn 600 năm, qua 11 đời vương và 14 vị vương, từ Chu Nguyên Chương. Ông tự phong vương rồi phong tiếp cho anh trai Chu Van Long lên làm  vương. Phải đến đời vương thứ 3 mới được Bắc Kinh công nhận. Tĩnh Gia Vương được Bắc Kinh giao cai quản Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến. Với lí do QL có sông, có núi, hợp phong thủy. Là vương nên cuối đường Vương Đạo chỉ được làm phù điêu bằng đá thể hiện mây vần vũ, chứ không được đưa hình ảnh rồng (chỉ dành cho vua).
Ở đời con thứ 13, có nhân vật khá đặc biệt là họa sĩ Thạch Thao được phong thánh – họa thánh. Ông có những bức họa trên đá nổi tiếng.
Trong vườn Vương Thành có những cây đặc biệt hàng trăm tuổi như cây Phu Thê. Đó là cây hòe trong cây si. Thường thì cây hòe sẽ bị cây si bao ngoài giết chết. Nhưng vì ở đây phong thủy tốt, tu khi' mà chung sống hàng trăm năm nay bên nhau, luôn xanh tốt. Hay có cây hoa quế già nhất QL đã hàng trăm tuổi, tán rộng dang chục mét.
Cuối thành là núi Độc Tú Phong. Trên vách đá có chữ THỌ do 1 viên quan nịnh Từ Hy Thái hậu cho khắc với ý "Chúc Thái hậu Trường thọ tỷ nam sơn" (thọ như núi đất nam). Cạnh đó có tháp đá đượcc gọi là Tháp Trung Sơn có tiết diện ngang hình tam giác, thể hiện thuyết Tam Dân của ông. Sau này Vương Thành được chọn làm nơi thi cử nhân, chọn người làm quan.
Sau khi thăm quan Vương Thành, đoàn sang thăm Bảo tàng Bát Lộ Quân. So với năm 2010 thì bảo tàng được bổ sung nhiều tư liệu và đưa công trình mới vào hoạt động. Cuối 1938, Bác Hồ trong vai thiếu tá Hồ Quang sống tại đây, làm việc tại văn phòng Cửu Vọng. Chu Ân Lai đã qua đây 3 lần. Thực ra đây là quán rượu, là nơi dùng để Bát Lộ Quân liên lạc với các đầu mối cơ sở.
Thầy Đỗ Kiếm Tuyến và lão binh Kháng Mỹ viện Việt Ta Hung Uy đón đoàn tại đây cùng 3 giáo viên của ĐHSPQT. Đoàn dọc Ly Giang về phía bắc TP rồi cắt qua Nam Châu Đại cầu tới nhà vườn của GS Đỗ. Nhà vườn có hồ cá khá rộng. Anh em được ăn “Cá câu ở ao, gà nuôi trong vườn” của GS, rồi cùng hát vang những bài hát cách mạng. Mọi người cảm phục giọng hát của cô Giao Lưu cùng khả năng nhớ những bài hát Việt Nam của lão binh Tạ.
Chiều, Cao đến đón đoàn về nhà hàng bên kia sông Ly dự tiệc mừng thượng thọ 94 cho thân phụ. Cụ còn minh mẫn, tỉnh táo, có thể tự đi vào nhà hàng. Tiệc gia đình, chỉ 2 bàn nhưng đặc biệt hôm nay có 6 khách thân thiết là bạn của Cao Cẩm Quỳ con trưởng từ Việt Nam sang. Anh em chuẩn bị bức tranh thêu Chùa Một Cột đứng vững đã nghìn năm với ý chúc cụ Vạn tho vô cương. Tiệc đầy bàn, rượu Cognac, Bạch tửu và những bài ca đẹp mừng thọ cụ. Anh chị em nhà Cao vui lắm.
Chiều nay anh em được trải nghiệm đi lại trong TP bằng xe bus 2 tầng. Xe sạch sẽ, đúng giờ, dân chúng đi xe văn minh, kỉ luật. GS Đỗ cẩn thận đưa đón đoàn đi về. Thật cảm động.
Sáng 20/9 - Cao cùng GS Đỗ và Lưu Đào đến ĐHSPQT đón đoàn đi thăm Y Trung cũ (hiện là trường Dậy nghề du lich do Lưu Đào là bí thư). Anh em đi bộ trên sân vận động dưới chân Núi Ốc - xưa hay đá bóng, thăm khu đất xưa là nhà Hiệu bộ, rồi xuyên theo con đường dẫn xuống nhà ăn.
Sau đó quay về Y Trung mới. Đang là ngày nghỉ lễ, nhưng Lưu Đào từng là Hiệu trưởng và bí thư ở đây mà anh em được lên thăm Nhà truyền thống, nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý (cả của trườngTrỗi). Cây thông của ta trồng năm 2007 đã cao 7-8m, xanh tốt. Ai cũng bảo đất QL là Đất Phật, nhiều người thăng quan tiến chức tài dầy.
Buổi trưa, đoàn ta mời thầy trò Y Trung cũ ra nhà hàng ở công viên Xuyên Sơn chiêu đãi. Lưu Đào giúp liên lạc. Có chị em họ Mã (Mã Quân, Mã Vy), chị em ho Thịnh, thầy Chung hiệu phó (xưa biết lái xe nên hay cho bọn Trỗi con ra QL). Thực đơn do ta đặt nhà hàng, chỉ cá, đậu, rau nên rất ngon miệng sau những bữa tiệc quá nhiều thịt. Cuối tiệc là hò hát. Lưu Đào xứng đáng là giọng ca vàng với những bài hát Việt Nam, Cao tư lệnh với "Đây là Đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từh HN – thủ đô nước VNDCCH...". Bàn tiệc bên cạnh nghe bên này hát hay quá đã vỗ tay nhiệt liệt.
Chiều qua nhà thăm chị Niệm, anh Tạ và ăn bữa mì vằn thắn than thiên. Đúng 6.30 chia tay để đi tuor "2 sông 4 hồ". Ra vẫy taxi mãi không được. Ai cũng cảm phục Mã Quân như 1 chỉ huy, đứng giữa đường vẫy xe, khi tài xế không cho ngồi hàng sau 4 người thì phi xe ôm đuổi theo cho kịp giờ xuống tàu. Khi tàu chạy rồi, Mã Quân và cháu Yến phiên dịch lại lang thang ở phố, chờ đến 9g đoàn lên bờ.
Tour du lịch 2 sông 4 hồ tuyệt vời. Hai bác Dương Thanh, Kỳ Minh thán phục về khả năng quy hoạch, tổ chức, thiết kế kiến trúc và tạo ra sản phẩm du lich kiếm gần 200 tệ/ người mà chả ai kêu đắt. Quanh bờ sông, bờ hồ là hệ thống chiếu sáng sặc sỡ màu sắc, có cả những sân khấu ven bờ biểu diễn cho du khách. Thấy cả những con thuyền cùng những chú cốc bắt cá đêm. Mỗi đêm có đến cả trăm con tàu, mỗi tàu chở 52 khách thì mới thấy "mùa thu lại về".
Mã Quân và Yến đưa đoàn về tận nhà rồi mới đi. Hẹn sáng sau cùng đi Dương Sóc.