Thứ Hai, 25 tháng 10, 2021

Nhớ thầy Hồng Tuyến

Thầy đi đã 5 năm! Xin đăng lại bài viết này như 1 nén tâm nhang thắp tưởng nhớ thầy.


SINH RA TRONG KHÓI LỬA

Đầu năm học thứ 2 (1966-1967), thầy Hồng Tuyến - cây solist của Đoàn văn công TCCT được điều về trường ta ở An Mỹ, Đại Từ. (Thế mới biết, các cụ rất quan tâm đến việc đào tạo toàn diện cho học sinh Trường Trỗi).
Thầy từng kể cho tôi: Lần đó, Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh cho gọi thầy lên, giao nhiệm vụ: phải sáng tác 1 bài về nhà trường với nhịp điệu hành khúc nhưng thể hiện sự tươi trẻ cho lứa tuổi học sinh 14-15 khoác áo lính.
Về nhà, chỉ có mỗi cây đàn ghi-ta, thầy bập bùng thử từng nốt. Đêm muộn, các thầy khác đã tắt đèn đi ngủ, thầy vẫn không dừng được cảm xúc đang thăng hoa. Chỉ dám bấm nốt và gảy khe khẽ, hát thầm giai điệu của bài hát.
Sáng sau, khi đã hòm hòm, thầy mang bản thảo lên gặp Chính ủy và dùng đàn đệm, hát cho ông nghe.
"Sinh ra trong khói lửa, trường ta đã lớn lên, trường đẹp chói ngời tên Anh Nguyễn Văn Trỗi. Tim ta đang thắm đỏ máu Anh và đời Anh, trí sắt thép bừng lên trên bao tuổi xanh.
Vinh quang thay Trường Nguyễn Văn Trỗi, ngời chói tương lai muôn vì sao sáng, dưới quân kỳ tươi màu chiến thắng, từng bước ta đi lớn mạnh không ngừng. Lực lượng ta như sóng trào dâng, cuộc đời ta hiến dâng cho Tổ quốc. Tiến lên đoàn thiếu sinh chiến đấu đến cùng!
Khó khăn ta quyết vượt. Lời Anh ghi nhớ từng giây, thù giặc Mỹ hờn căm nâng bước ta đi. Gian lao dù máu đổ, có bao giờ chịu lui, quyết tiến bước đàn em nêu trang sử mới.
Vinh quang thay Trường Nguyễn Văn Trỗi, ngời chói tương lai muôn vì sao sáng, dưới quân kỳ tươi màu chiến thắng, từng bước ta đi lớn mạnh không ngừng. Lực lượng ta như sóng trào dâng, cuộc dời ta hiến dâng cho Tổ quốc. Tiến lên đoàn thiếu sinh ta quyết chiến thắng!".
... Hàng chục năm sau, lần nào họp mặt, anh em ta cũng ca vang bài này. Tự hào là đàn em của Anh Trỗi!
Lâu ngày không gặp nhau, có thằng vỗ ngực tự xưng là lính Trỗi thì bị hất hàm hỏi ngay: "Biết hát Sinh ra trong khói lửa không?". Nếu biết và hát đúng giai điệu thì mới được công nhận là Trỗi con!
... Và 35 năm sau, 2001, khi anh em phía Nam cùng thầy Phạm Đình Trọng liều lĩnh sưu tập tư liệu, biên soạn cuốn sách đầu tiên của nhà trường, ai cũng lo lắng đặt tên gì cho cuốn sách? Anh em bàn luận, rồi hình như "nhà văn" Trần Chí Thọ chợt vỗ trán đánh đét: "Tại sao không phải là "Sinh ra trong khói lửa" nhỉ?".
Và thế là cho đến kỉ niệm 50 năm thành lập trường (15/10/1965 - 15/10/2015) chúng ta đã có đến 4 tập "Sinh ra trong khói lửa".
Xin ghi lại kỉ niệm như 1 nén tâm nhang từ nơi xa thắp tiễn thầy Hồng Tuyến - tác giả của Trường ca Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi, cũng vừa tròn nửa thế kỷ - về nơi an nghỉ cuối cùng!

Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2021

NHỮNG NGƯỜI TRẺ MÃI CÙNG SÔNG NÚI

Còn chục ngày nữa là đến ngày Thương binh - Liệt sỹ. Sáng nay, Khánh Hòa đã gửi cho tôi bài thơ viết về những thằng bạn Trỗi đã ra đi khi tuổi mới mười tám đôi mươi. Trân trọng giới thiệu cùng các thầy cô và các bạn!

Sau này Khánh Hòa tâm sự: "Đêm nay mình ngủ rất chập chờn, trong giấc ngủ nửa mê nửa tỉnh ấy, mình thấy Ngọc nói với mình "tớ giữ Thành Vinh thôi, Lam Giang dài rộng quá..."; một lúc sau lại thấy Hạo, Nguyễn Lâm, Võ Dũng và nhiều người không rõ mặt, họ cứ im lặng nhìn mình. Chợt giật mình tỉnh giấc, mình suy nghĩ mãi tại sao các bạn lại tìm mình, hay mình có sơ suất gì chăng?
Giật mình: thôi chết rồi, hôm nay là 19/7 - ngày hứa với lớp đăng thơ hoài vọng về các bạn. Mình mở máy ra, thiếu nhiều quá, còn mấy bạn LS k5 nữa, rồi còn bao nhiêu bạn các khóa của trường...
Nhưng khuôn khổ 1 bài thơ không thể nêu tên các bạn hết được, vậy là sửa tiếp thành bản cuối cùng đưa vào thêm một tứ thơ gồm 4 câu. Đọc thấy êm, không kể thêm tên, nhưng lại có tất cả; Chắc các bạn ưng rồi.
Viết về LS có tâm linh, khó thật!”.

NHỮNG NGƯỜI TRẺ MÃI CÙNG SÔNG NÚI

Bạn tôi hy sinh khi còn quá trẻ
Mười tám, đôi mươi dang dở sách đèn
Mong một ngày đất nước thanh bình
Thầm ước hẹn giảng đường đại học
Chưa có người yêu, bịn rịn ngày chia biệt
mình mẹ đưa con đến đơn vị giao quân
“Chào mẹ, con đi”... còi tàu giục lên đường
Vẫy chào con, mắt mẹ cười, nuốt lệ
Những đứa con mang hình hài của mẹ
Mãi đi vào lửa đạn chiến trường.
*
* *
Bạn tôi ra đi mang khát vọng thanh xuân
Vồng ngực trai căng đầy mạch sống
Rạng rỡ, tinh khôi mặt học trò ngời sáng
Với trái tim tình nguyện giục xông lên
Tôi thấy Kiên Cường, ghì chặt súng xung phong
Trịnh Thúc Doanh máu hòa vào Thạch Hãn
Huỳnh Kim Trung vươn mình che chở đạn
“… nhắm thẳng quân thù”… Văn Ngọc giữ Thành Vinh
Những người hiên ngang đi vào cuộc trường chinh
Những anh hùng xả thân vì non nước
Trùng điệp bạn tôi với tiểu liên trước ngực
Áo sờn vai, hát vang khúc quân hành
Khoảnh khắc bạn tôi ngã giữa chiến trường
Là khắc khoải thời gian ngừng lại
Sông núi còn, các anh đi mãi
Tổ quốc quyết sinh cho quyết tử trường tồn .
*
* *
Xin cho tôi, dâng một nén hương lòng
Vọng về bạn, những liệt oanh bình dị
Của thế hệ vàng những người rất trẻ
Nao nức lên đường cho đất mẹ mai sau
trong bình yên một sáng nắng tươi màu
muôn ngọn gió lành qua rộng dài năm tháng
Là bạn tôi về, báo bạch niềm kiêu hãnh
Của những người con làm trọn kiếp con người .
Tháng 7 năm 2021
Nguyễn Khánh Hòa, lính k5 Trỗi






Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

Nhớ thầy Nguyễn Thân Bổng!

 Mời đọc!

Tin buồn: Thầy Nguyễn Thân Bổng đã quy Tiên!

 Thầy Bổng đã mất chiều qua, thọ 83 tuổi!

Thầy trò Trường VHQĐ - TSQ Nguyễn Văn Trỗi (1965 - 70) xin chia buồn cùng cô Ngần và gia đình!+


Thứ Năm, 15 tháng 4, 2021

“HÒA BÌNH HAY CHIẾN TRANH”(1) - Một bức tranh chân thực về Miền Nam Việt Nam từ sau Hội nghị Genève đến “phong trào Đồng khởi” (Phạm Đình Trọng)

 

           

Một buổi sớm sau Tết Tân Sửu (2021) tôi nhận được gói bưu phẩm của em Nguyễn Thu Hồng, học sinh khóa 7 Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Đó là 3 cuốn sách về phụ thân Thu Hồng –  Thượng tướng Trần Văn Trà:

1/ Cuốn sách ảnh Những khoảnh khắc lịch sử (nxb QĐND).

2/ Cuốn Thơ và những dòng Tưởng nhớ Thượng tướng TRẦN VĂN TRÀ của nhiều tác giả (nxb QĐND)

3/ Tập hồi kí HÒA BÌNH hay CHIẾN TRANH (nxb Tổng hợp Tp HCM)

Trong bài viết này, tôi xin nói về cuốn hồi kí của đồng chí Thượng tướng.

 

            ***

“HÒA BÌNH hay CHIẾN TRANH” – đây quả là một câu hỏi lớn mang tính thời đại, có ý nghĩa sinh tử cho dân tộc Việt Nam sau hiệp nghị Genève 1954. Và nó vẫn còn là điều phân vân cho đến tận hôm nay của không ít nhà nghiên cứu cả trong nước và thế giới. Bằng ngòi bút chân thực, lập trường rõ ràng, hết sức tôn trọng sự thật khách quan như người viết sử, tác giả đã lần lượt theo thứ tự thời gian, nói về cuộc đụng đầu giữa Việt Nam – một nước đất không rộng người không đông, kinh tế kém phát triển, với đế quốc Mỹ - một quốc gia tư bản hùng mạnh nhất thế giới, từ sau Hiệp nghị Genève ( 1954 ) đến ngày Đồng khởi ( 1960 ). Để có một bức tranh toàn cảnh, trung thực, tác giả đã huy động triệt để nhưng có chọn lọc vốn sống nơi đầu sóng ngọn gió của chính bản thân, những suy nghĩ sâu sắc và tầm cỡ cùng nguồn tài liệu từ nhiều phía (trong đó có tài liệu của đối phương đã được Nhà nước Việt Nam công khai hóa và được kiểm chứng). Sau những nhận xét khái quát mỗi chặng đường, mỗi sự kiện là một loạt bằng chứng sinh động, đa chiều, giầu sức thuyết phục.

Sách gồm phần mở đầu và 5 chương, tổng cộng là 185 trang in.

Chương I, II và III, theo tôi là các chương khó viết nhất và cũng là những chương mang lại sự hứng thú bởi tác giả đã giải đáp khá rành rẽ và thành công các câu hỏi hắc búa sau:

-         Vì sao năm 1954 ta lại kí Hiệp đinh Genève trong lúc chiến trường đang thắng như chẻ tre?

-         Ta có thực tâm muốn thi hành Hiệp đinh Genève không và vì sao?

-         Trong lúc nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Genève, có đúng là ta vẫn  chuẩn bị cho cuộc chiến mới (không thể tránh) bằng nhiều cách, kể cả cài lại một số cán bộ tầm chiến lược và một số đơn vị vũ trang trong vùng sâu, vùng xa? Với vấn đề này, tác giả nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và sòng phẳng, thẳng thắn chỉ ra nhược điểm “chậm trong chỉ đạo” gây nên những tổn thất nhất định và sự bức xúc trong cán bộ, nhân dân.

 

*

*                      *

Mở đầu là phần nói về bối cảnh lịch sử với tiêu đề: “Vì có lửa nên có khói”.

Nên hiểu câu này thế nào?

Dung lượng phần mở đầu không lớn – vẻn vẹn có 20 trang (từ trang 19 đến trang 40), nhưng rất quan trọng bởi nó chỉ rõ việc Mỹ thay Pháp, áp đặt sự thống trị lên đầu lên cổ nhân dân Việt Nam chính là gốc rễ, là nguyên nhân của mọi tại họa sau này. Những bằng chứng tác giả viện dẫn trong lời mở đầu hầu hết là tài liệu mật cấp chiến lược của đối phương. Những tài liệu ấy thể hiện nhất quán âm mưu của đế quốc Mỹ với Việt Nam từ trước 1954 cho đến ngày Mỹ cút, ngụy nhào.

Từ đó, theo tôi, nên hiểu tiêu đề “Vì có lửa nên có khói” theo hai cách (mà chung qui cũng là một):

·        Vì Mỹ mang “lửa” đến Việt Nam nên “khói” chiến tranh ngày càng bốc cao, mang lại bao tang tóc đau thương trên mảnh đất này!

·        Vì Mỹ gây chiến tranh phi nghĩa nên dân tộc Việt Nam phải làm cuộc chiến tranh chính nghĩa giải phóng dân tộc!

Làm sáng tỏ những điều vừa đề cập là cực kì quan trọng bởi nó bác bỏ những giả định hão huyền “giá mà”, “nếu như’, v.v…Nó cũng có tính thời sự nóng hổi ngay “thì hiện tại”. Cũng như vị Nữ tướng Việt Nam Nguyễn Thị Định đã khảng định trong “Không còn đường nào khác”(2), Thượng tướng Trần Văn Trà góp thêm tiếng nói chính trực, đầy sức thuyết phục về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Sau phần mở đầu ngắn gọn là các chương đầy máu và nước mắt thời kì đầu của cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước. Tác giả đã rất công phu khi trả lời các vấn đề chủ yếu sau đây:

-         Tình hinh rối ren ở miền Nam sau Hiệp định Genève và hành trình chinh phạt các giáo phái, tiến tới độc tôn quyền lực của Ngô Đình Diệm.

-         Ta thực tâm muốn thi hành hiệp định Genève 1954 còn Mỹ-Diệm thì không.

-         Trong chừng mưc có thể, ta đã chuẩn bị cho tình huống xấu là Mỹ - Diệm xé bỏ Hiệp định Genève.

Thượng tướng Trần Văn Trà là một trong những cán bộ cao cấp có vai trò quan trọng trong việc tham gia xây dựng đường lối thống nhất đất nước sau năm 1954 và cũng là một trong số cán bộ chủ chốt trực tiếp thực hiện chủ trương đường lối chống Mỹ cứu nước của Đảng. Ông được Trung ương chọn làm Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam (B2) cho đến khi giải phóng Sài Gòn. Đứng trên tầm vĩ mô, ông có cái nhìn bao quát toàn cục; đứng ở tầm thừa hành trực tiếp, ông nắm chắc thực tiễn sống động và phong phú của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Miền Nam! Dù là đứng ở trung tâm sự biến động khắc nghiệt của chiến tranh, tác gỉa không lấy ý muốn chủ quan thay khách quan, ít dùng độc thoại thay tường trình ngoại cảnh. Ông cố gắng dẫn ra ý kiến của các chiến hữu đã một thời cùng mình nếm mật nằm gai, của những người lính, người dân bình thường, và đặc biệt chú trọng trích dẫn lời thú nhận của kẻ chiến bại.

Lâu nay ta hay nghe: Có một giai đoạn ở miền Nam diễn ra “chiến tranh một phía” – nghĩa là Mỹ Diệm mặc sức đàn áp cách mạng, chiếc máy chém cứ theo “luật 10/ 59” mà thi hành, Vi-xi(3) bị trói chân tay-chịu chết một cách tức tưởi. Đọc kỹ “HÒA BÌNH hay CHIẾN TRANH”, ta thấy sự thật quả không đơn giản, một chiều.

Hồi kí lịch sử phải tôn trọng sự thật – đó là một nguyên tắc – tuyệt đối không được chủ quan, võ đoán. Để tránh chủ quan, áp đặt, trong “HÒA BÌNH hay CHIẾN TRANH”, với những thực tế bằng xương bằng thịt, tác giả có đề cập tới tình huống đáng buồn “chiến tranh một phía” nhưng đồng thời nói rõ ràng rằng: Trung ương  có sự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Tác giả thừa nhận phong trào “Đồng khởi” có chậm nhưng ta đã chuẩn bị lực lượng, nhất là vùng sâu, vùng căn cứ kháng chiến. Sau Genève, không ít nước trên thế giới luôn xét nét xem ta có tôn trọng Hiệp định đình chiến không. Chỉ cần bất cẩn một chút là dễ bị qui kết là vi phạm điều đã thỏa thuận. Là người trực tiếp chỉ huy chiến trường trọng điểm suốt những năm ác liệt nhất, Thượng tướng Trần Văn Trà hiểu rất rõ ta và địch. Thậm chí ông biết khá kĩ những điều lẩn sâu trong hiện thực mà những kẻ cơ hội có thể lợi dụng. Vì thế trong Chương II (Hai năm đấu tranh thực hiện hòa bình và dân chủ) và Chương III (Cây muốn lặng, gió chẳng đừng), ta thấy ngòi bút tác giả rất thận trọng, kĩ càng khi dẫn chứng và phân tích dẫn chứng. Ông muốn đi tới tận cùng của sự thật lịch sử, làm rõ bản chất của sự việc.

 

*** 

Đọc “HÒA BÌNH hay CHIẾN TRANH” , cùng với sự hưng phấn do những dòng văn giản dị mà chân thực mang lại, trong tôi còn một sự xúc động khác bởi những đoản khúc trữ tình ngoài lề. Ấy là những lời tâm huyết dặn dò thế hệ tương lai từ sự thật lịch sử; ấy là những nhận xét sắc sảo, những lời nhắc nhở chân thành rút tỉa từ thực tiễn cuộc sống muôn mầu mà tác giả từng nếm trải. Những “ tự tình  khúc-trần tình văn” như thế thường ngắn gọn, không dễ viết ra (vì coi chừng bị suy diễn, qui chụp là ám chỉ, là mắng xéo … ), mà nội hàm thật lớn và giá trị giáo dục nhân cách rất sâu.

*

*                      *

Cách đây chừng 20 năm, tôi đã đoc Tập cuối bộ Hồi ký của Thượng tướng Trần Văn Trà mang tựa đề “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm”, lần này được đọc Tập I “HÒA BÌNH hay CHIẾN TRANH”.  2 tác phẩm của Thượng tướng vẫn cùng một nếp của “thế hệ vàng”, nặng về cái chung-chúng ta, “cách mạng”, ít có cái “tôi” riêng tư, đặc trưng. Tôi cảm nhận rằng đời riêng của ông Trần Văn Trà luôn gắn bó, hòa quyện với hoàn cảnh chung của toàn dân tộc, có rất nhiều chuyện lạ và hay, không chỉ tăng phần hấp dẫn mà còn có giá trị giáo dục tính “chân-thiện-mỹ”. Xin độc giả suy ngẫm ý tứ từ hai câu thơ của ông: “Trăng xưa hạc cũ “, dòng sông lặng/ Mây nước yên bình, thiên mã thăng”. Và ta chợt giật mình bởi những câu thơ sau đây của Thượng tướng phu nhân:

Xuân thu êm ả dòng sông lặng

Vút tận trời mây thiên mã bay,

Chẳng hay còn có tâm nhìn lại

 Một mảnh tình riêng ngập đắng cay!(4).

Và:

Năm mươi ngày thoát ải gian truân

Ai thắp cho ai một thẻ trầm!(5).

 Trong thư gửi tôi, Thu Hồng hứa khi nào in các tập còn lại sẽ tặng thày giáo cũ. Hi vọng sớm có trong tay các tập II, III và IV của vị Tướng trận mạc. /.

                                                            Tp HCM, Ngày 5-4-2021

                                                                        P. Đ. T

                                                                                                                                                           

(1) Hồi kí của Thượng tướng Trần Văn Trà, nxb Tổng hợp Tp HCM.

(2) nxb Phụ nữ, năm 1968.

(3) VC: Việt cộng.

(4): “Khóc anh 42 ngày mất”. Trang 56, sách “Thương nhớ Thượng tướng Trần Văn Trà”, nxb QĐND

(5) “Khóc anh 50 ngày mất”. Trang 57, sách đã dẫn.

 

 

 

 

 

20210406_174153.jpg
20210406_174108.jpg
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


20210406_174614.jpg

 

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

TRỒNG CÂY Ở VŨNG CHÙA, QUẢNG BÌNH

Nhân kỉ niệm 110 năm Ngày sinh Võ Đại tướng (25/8/1911 - 25/8/2021), vào ngày 23/1/2021, thầy trò Trường VHQĐ - TSQ Nguyễn Văn Trỗi (1965 - 1970) cùng bạn bè và gia đình trồng 103 cây săng lẻ, xoài, báng, bàng vuông tại Vũng Chùa, nơi Đại tướng an nghỉ.

Đây là việc làm tri ân ý nghĩa với Đại tướng và thế hệ cha mẹ của chúng ta.