Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Chân dung của bà Thủ tướng Dân chủ, Tự do và Bình đẳng (Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức) (ST: Đạt)


Trước lễ Giáng sinh, Thủ tướng Đức, bà Merkel đột ngột đáp máy bay tới thăm chợ Noel của đội quân Đức đồn trú ở Masar-I-Scharif, Afghanistan. Không may lúc đó một lính Đức, 21 tuổi, bị thiệt mạng vì tai nạn, bà đành phải bỏ dở, để dự lễ tang và đọc điếu văn, với tư cách thay mặt nhà nước trước một người con của dân tộc Đức đã ngã xuống ngay trước ngày vui nhất trong năm của dân tộc.
Trong chuyến hành trình trên, tại chặng dừng máy bay trước đó, bà Merkel tới thăm một đơn vị đóng quân ở Kundus. Bức ảnh chụp hoạt động của bà được thông tấn xã Đức DPA đăng tải không phải ảnh nghi thức đón tiếp hoành tráng long trọng, rợp trời biểu ngữ, cờ quạt tung bay, hay cảnh tuyên dương công trạng, úy lạo binh sĩ, mà thực ra muốn cũng không có, bởi bà Merkel tới đây để thực hiện công việc thị sát tình hình, chứ không phải khách mời của một đại lễ.


 
Thay vào đó, là bức ảnh trên, với dòng chú thích xác thực: Thủ tướng bê khay thức ăn tại trại lính Đức đồn trú ở Kundus. Lúc đó trại đang giờ ăn, binh lính ngồi kín chỗ. Họ phấn khởi trông về phía bà, người cười, người nói, người ngồi đưa máy ảnh chụp chơi. Bà Merkel tay bê khay tìm chỗ ngồi, miệng cười nói đáp lại vui vẻ.
Không một binh sĩ nào đứng dậy đỡ khay giùm, hay nhường chỗ cho Thủ tướng. Bởi với họ nhà ăn tập thể là nơi ăn uống cá nhân, Thủ tướng cũng có tay, chân, như bất kỳ ai, phải tự phục vụ lấy nhu cầu cá nhân mình, khác với vua chúa đóng vai trò thiên tử, không còn là người trần, nhất cử nhất động đều có người hầu kẻ hạ, cơm bưng nước rót. Nếu nói đến một xã hội dân chủ, nơi cá nhân ai cũng bình đẳng ngang nhau, thì bức ảnh trên có ý nghĩa chân thực hơn bất kỳ lý luận, hình ảnh, khẩu hiệu tuyên truyền cao siêu nào!
Nhiều người Việt ở Đức ấn tượng mãi chuyến thăm đột ngột nhà hàng ăn nhanh Soup & Nem của người Việt trong chuyến du hành bằng tàu hỏa xuyên Đức của Thủ tướng Merkel tháng 9-2009, khi bà dừng chân qua Leipzig thăm nhà bảo tàng mang tên Zeitgeschichtlichen Forum trưng bày kỷ vật phong trào biểu tình mùa thu 1989 tại Leipzig, nhân dịp 20 năm bức tường Berlin sụp đổ.
Sau 23 phút thăm triển lãm, bà Merkel cùng đoàn tháp tùng rời bảo tàng, cuốc bộ trở lại nhà ga Leipzig để tiếp tục cuộc hành trình. Đây là con phố nối nhà ga chính với trung tâm thành phố nhộn nhịp người qua lại, cao điểm lưu lượng tới dăm chục người/1 phút. Giữa con phố dài chỉ chừng 500 mét này, nổi bật nhà hàng ăn nhanh của người Việt, với biển hiệu Soup & Nem.
Đoàn cuốc bộ của bà Merkel hòa trong dòng người ngược xuôi trên phố, như bất kỳ khách bộ hành nào khác, không phân biệt, ai cũng mải miết đi theo công việc của mình; tới nhà hàng Soup & Nem, bà bị cảnh trí ấn tượng của nhà hàng thu hút ngoái nhìn sang. Một nhân viên phục vụ đứng trước quầy tiếp khách đối diện thẳng ra cửa trông thấy, ngạc nhiên, phản xạ tự động, giơ cao tay vẫy, miệng lớn tiếng hallo liên hồi, như bất chợt phát hiện được bạn thân xa cách lâu ngày ngang qua.
Bà Merkel sửng người, dừng lại, rồi rẽ băng luôn vào nhà hàng, chìa tay bắt rất chặt, lắc lắc, tươi cười chào hỏi. Thực khách Đức đang ngồi ăn cứ nhìn tủm tỉm cười cảm kích nhân viên nhà hàng người Việt thật thân thiện, và quá hiếu khách, hoàn toàn không hề phân biệt người khách đó là thủ tướng. Bởi với họ, ai vào nhà hàng cũng chỉ là thực khách, và Thủ tướng đi công tác, gặp công dân bắt tay, cũng chỉ là một công việc như bất kỳ công việc nào giao cho bất kỳ ai đảm nhiệm.
Thủ tướng Merkel thăm nhà hàng Soup & Nem trở thành một sự kiện đặc biệt trong cộng đồng người Việt ở Đức. Không ít người đề xuất sáng kiến, nhà hàng nên treo bức ảnh Thủ tướng bắt tay, để khuếch trương thanh thế, thu hút thực khách. Lời khuyên của chuyên gia Đức khi tư vấn, làm bao người đề xuất bất ngờ: “Nhà hàng sẽ bị coi thường, bởi người ta biết ngay động cơ vụ lợi kiếm tiền bằng chính trị, người Đức rất kỵ. Chính trị là chính trị, kinh tế là kinh tế, xử dụng chính trị chỉ làm mất đi chứ không tạo nên thương hiệu …”.

4 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Lãnh đạo đất nuớc ta đuợc như bà thì dân còn được nhờ. Khổ thế!!!

Thắng k5 nói...

Nếu nhân dân sung sướng quá, chẳng ai còn biết khổ là gì, thì cũng bằng 0, do vậy phải để dân khổ đã sau này biết có sướng không tính sau.

Nặc danh nói...

Đã 23 năm sống trên đất Đức,trải qua vài đời thủ tướng thuộc các đảng phái khác nhau ( hết CDU rồi SPD...)thì câu chuyện trên đây của bà Merkel chỉ là chuyện hàng ngày...ở huyện của tất cả các thủ tướng Đức. Dân chủ là như vậy.Qx.

Nặc danh nói...

Không phải lí thuyết mà ở ta thiếu dân chủ thực sự. Người châu Á vẫn chuộng hình tức lắm.