Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

MỘT THẰNG BẠN (Duy Đảo)


 Ngày chia tay khi trường giải tán, hai đứa bịn rịn nắm tay nhau. Lâm dặn tôi: “Sau này nếu có dịp bạn đến quê mình chơi. Nếu đi  HN – HP tới thị xã HD bạn rẽ tay phải hỏi đường đi thị trấn Ninh Giang. Rồi từ đó hỏi tiếp bến đò Chanh qua sông Luộc.  Bên kia là đất Vĩnh Bảo  Hải Phòng. Qua đò chừng vài cây số là làng Hà Phương quê mình…”.



Tôi chơi với Lâm từ bé, trước cả khi học vỡ lòng. Nhà Lâm ở đầu dãy sát nhà tôi, còn đầu phía bên kia là nhà bác Luận, (khi ấy bác Luận là Chính uỷ thành đội HP, anh Giao là con trưởng của bác (anh chơi thân với anh tôi vì gần tuổi nhau và cũng là dân Quế Lâm, anh hy sinh ở miền Trung khi tháo bom năm 1967 ); còn tôi học với Hợp - em gái anh. Dãy nhà hai tầng nơi gia đình chúng tôi ở xây từ hồi Pháp nằm ngay phía sau ga xe lửa Hải Phòng. 
Bố Lâm phụ trách quân lực của quân khu. Lâm có một người chú ruột giáo viên toán cấp 3, chuyên môn rất giỏi nhưng vướng phải vợ con gái tư sản nên cứ đì đẹt mãi, cả đời chỉ là anh giáo đứng lớp. Nhà Lâm lúc đó chỉ có 4 người. bố, anh trai, chị gái và Lâm. Mẹ Lâm ở quê, bà chưa bao giờ đi xa khỏi luỹ tre của cái làng Hà Phương, chưa bao giờ qua bến đò Chanh  bên dòng sông Luộc … những cái tên nghe đẹp như tiểu thuyết nơi bà sinh ra lớn lên có lẽ thế mà đời bà buồn nhiều. 
Anh Dân, anh trai Lâm cùng học Quế lâm với anh tôi nhưng ít tuổi hơn. Có thời gian anh học Bách khoa, sau đó chuyển tiếp ĐHKTQS. Quãng năm 1962 bố Lâm chuyển về Cục Quân lực BQP. Thế là Lâm xa HP - cùng chị chuyển theo bố lên HN. Từ đó tôi xa Lâm. 
Sau này tôi mới biết năm 1964 trên chuyến tàu không số Đồ Sơn - Cà Mau có hai người đồng đội “hàng xóm” cũ của nhau - đó là bố Lâm và bố tôi. Nghe bố kể lại chuyến vượt biển  ấy vô cùng nguy hiểm. Tàu từ Đồ Sơn phải vòng lên bán đảo Lôi Châu - Trung Quốc, sau đó ra vùng biển quốc tế rồi trực chỉ hướng Cà Mau. Anh em trên bờ chờ mãi mới đón được. 
Bố Lâm hy sinh sau khi vào chiến trường một vài năm. Khi bố đi nam hai chị em Lâm về quê sống với mẹ, hình như sau này Lâm còn có thêm một người em gái nữa. Năm 1966, tôi lên trường Trỗi thì bất ngờ gặp lại Lâm. Hai thằng rất vui sau nhiều năm xa cách. Rồi một buổi chiều nhớ nhà, hai thằng chui xuống giao thông hào ngoặc tay kết nghĩa anh em. 
Lâm rất liều, lỳ đòn và không ngán ngại đối thủ nào cho nên Quốc Bình một “hảo hán” của khoá rất nể. Mãi sau này khi chả còn ai nhớ đến Lâm trong đám bạn Trỗi ngày xưa, lang bạt ở đất SG duy nhất chỉ có Quốc Bình vẫn nhắc tới Lâm mỗi lần gặp nhau. Giờ  Quốc Bình đã trở thành người thiên cổ, không biết còn ai để nhắc tới Lâm? 
Đêm qua tự nhiên miên man khó ngủ bỗng dưng nhớ Lâm. Già rồi, quá khứ cứ như ngày hôm qua, hôm kia vậy, thỉnh thoảng lại bất chợt ùa về trong cơn mơ.
Chả biết sau bao nhiêu năm bể dâu giờ Lâm ra sao?

5 nhận xét:

Nặc danh nói...

ôi chao!cảm ơn thằng em .đã từ lâu tôi cảm nhận ĐẢO là thằng sống nội tâm không cầu kỳ trong ứng xử nhưng rất tế nhị trong tình người.em đả phác thảo về một miền quê-mà anh em chúng mình vốn có.khác chăng là nơi đó một người mẹ lúc nào cũng vò vỏ chờ mong.có phải như thời anh em mình:băng qua đồng đó đò bến táo.có một nụ cười và những chuyến đò đưa. em đã đưa tôi về với ngày hôm qua.đưa tôi về với bao kỹ niệm.nói ra thì chợt vỡ òa.là những lời tự sự mà nghe đâu đây lòng chợt nhói đau.rất cảm ơn thằng em đã đưa tôi về một khoảng trời nhung nhớ.
phúc chiến

Nặc danh nói...

Bà Thắng quê Vĩnh Bảo mà? Chả thế mà ôngg Chiến xúc động khi Đảo "có tứ" nhắc về hình ảnh quê hương.

tranbachai nói...

Vĩnh Bảo. Dòng sông Luộc, bến đò Chanh... Quê cha mình ở đó. Cảm ơn DĐ.

TranKienQuoc nói...

Họ tên Lâm đầy đủ là gì? Có ai liên lạc với Lâm bấy nay?

Nặc danh nói...

Theo DS là Tống Gia Lâm, Hải Phòng.
BTK6