Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

Hậu trường Trỗi: LÀM BÁO QUÂN TÌNH NGUYỆN Ở LÀO (Phạm Đình Trọng)

                                                     
Mùa hè năm 1970, kết thúc sự tồn tại trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi, trường về lại Lạng Sơn, chiêu sinh cán bộ quân đội học bổ túc văn hóa hoặc học ngoại ngữ. Số lượng ít hơn xưa, khá nhiều giáo viên chuyển khỏi quân đội hoặc chuyển đơn vị. Tôi và thầy Trần Quí Đạm thuộc diện ở lại. Lúc ấy cả hai chúng tôi còn trẻ, lại chưa vợ con nên rất hăng hái ra chiến trường. Chúng tôi gặp thẳng vị Hiệu trưởng kiêm Chính ủy mới về tên là Tâm, đề đạt nguyện vọng. Để tăng sức thuyết phục, tôi xin đổi cho anh Võ Trí Mật, bởi anh Mật có vợ con từ Nghệ Tĩnh mới chuyển lên Lạng Sơn. Thượng tá Tâm đồng ý. Nhưng thực tế cả hai rời trường này lại vào trường kia trong quân đội: Anh Đạm về Học viện Hậu cần còn tôi về trường Xuân Thành thuộc Mặt trận 959, đóng ở Bá Thước, Thanh Hóa, chuyên dạy văn hóa cho bộ đội Lào. Từ đây, tôi đã tìm được cách sang chiến trường Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng.
(Còn nữa)
                                                 *
                                        *                 *
        Cũng như các chiến trường khác, sau Mậu Thân (1968), chiến trường Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng của Lào trở nên rất khó khăn, phức tạp. Địch mở chiến dịch “Cù kiệt” (gỡ danh dự) chiếm đất chiếm dân. Nhiều tiểu đoàn Thái Lan sang giúp tướng Mẹo Vàng Pao. Một cụm cứ điểm được lập lên ở khu trung tâm cao nguyên Bản Áng. Chỉ huy sở quân Thái Lan đóng ở Phu Tôn, những tiểu đoàn thiện chiến rải ra các cao điểm xung quanh như Phu Tha Nêng, Phu Pha Xay, Phu Seo v.v. Các GM gồm toàn người Mẹo của Vàng Pao làm quân cơ động vòng ngoài. Máy bay trực thăng bốc quân Mẹo đổ trên các chỏm núi, ra tới tận Bản Ban, Sen Chồ giáp biên giới Việt Nam. Cố vấn Mỹ, Vàng Pao và tổng chỉ huy lực lượng Thái Lan đóng ở Long Chẹng. Vàng Pao cắm một chốt chiến lược Buôm Lộng ngay sau lưng vùng giải phóng của ta, rất lợi hại, do bố vợ hắn là I-a-chờ-hô chỉ huy.
Mùa mưa 1969-1970, Trung đoàn 866 quân tình nguyện phải phân tán, cùng với hai tiểu đoàn Pa-thét và tiểu đoàn Trung lập của Đại tá Đươn giữ dân. Những ngày ác liệt nhất, để giữ lực lượng, bạn phải lên Viêng Xay. Người dân Xiêng Khoảng chí cốt với cách mạng, đội mưa gió, chịu đói khát, bồng con bế cái theo bộ đội chạy vòng vèo trong rừng; gắt gao quá thì tránh sang Tương Dương-Nghĩa Đàn. Cấp trên lệnh cho Sư đoàn 316 Quân khu Tây Bắc sang tham chiến.
Để chủ động và kịp thời ứng phó với địch, Tổng hành dinh quyết định thành lập Bộ tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở chiến trường Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng, mang mật danh Đoàn 959. Đại tá Vũ Lập, Phó Tư lệnh Quân khu 2, sang làm Tư lệnh. Đại tá Huỳnh Đắc Hương là Chính ủy. Đại tá Nam Hà và Đại tá Đoàn Nhật Hùng làm Phó Tư lệnh. Đại tá Lê Linh là Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị. Tham mưu trưởng: Đại tá Dũng Mã. Chủ nhiệm Hậu cần: Đại tá Thưởng. Cán bộ chủ yếu điều từ Quân khu Tây Bắc qua.
Đoàn 959 được phép ra một tờ báo tương đương với báo Quân khu, khổ 30x40, có măng-sét là “CHIẾN SĨ MIỀN TÂY”. Thượng úy Hoàng Tống, Tổng biên tập tờ Chiến sĩ Tây Bắc sang làm Tổng biên tập tờ báo Quân tình nguyện. Phóng viên viết có Trung úy Đỗ Trọng Thụy và tôi – Thiếu úy Phạm Đình Trọng. Phóng viên ảnh có Trung úy Thành. Một xưởng in ti-pô do Chuẩn úy Hoàng Tiến làm “Giám đốc”, có 5 công nhân và một họa sĩ trình bày. (Sau này Hoàng Tiến theo nghề báo, trở thành Tổng biên tập báo Hà Bắc).
Đoàn 959 đặt hậu phương ở chân một dẫy núi đá huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An. Chỉ huy sở cơ bản ở Phu Nhu, khi chiến dịch phát triển sẽ  tiến ra Khe Đá Hai, phát triển nữa thì lập Sở chỉ huy tiền phương bám theo đội hình chiến đấu về hướng Xảm Thông – Long Chẹng. Thuận lợi nhất trên chiến trường này là rừng bạt ngàn, phần lớn là thông ba lá, và núi đá vôi rất nhiều hang động. Có lẽ địch biết đầu não ta ở Phu Nhu nên B52, T28 và AD6 gĩa Phu Nhu như giã giò; nhưng ở trong hang, chúng tôi chỉ cần tránh nhũ đá thôi.
Mùa mưa Xiêng Khoảng rất dữ dội, 4-5 tháng ầm ầm thác đổ. Trên đầu là địch, dưới chân là giòng suối hung dữ, cộng thêm rắn độc và vắt. Không tiếp tế được, đói vàng mắt vàng da! Phần lớn lực lượng, kể cả dân, rút qua bên này biên giới. Bộ Tư lệnh ra Con Cuông, triệu tập cán bộ các đơn vị tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho kế hoạch mới. 866 và mấy đơn vị độc lập biến thành dân quân du kích, chủ yếu bảo vệ dân.
Bộ phận báo, khổ nhất là cánh nhà in Hoàng Tiến. Lượng chữ chì chỉ đủ cho 4 trang báo, lại còn máy móc vật tư. Hơn nữa, phải tính toán khả năng địch tìm được tới sở chỉ huy Phu Nhu, thu gom bằng chứng mang về Viêng Chăn triển lãm để chứng minh với thế giới rằng: “Có Quân đội nhân dân Việt Nam ở Lào”. 50-60 kg cho mỗi người trèo đèo lội suối từ hang Phu Nhu ra Khang Ba Niên hoặc tới tận Mường Xén, biên giới Nghệ An. May mà các em Tĩnh, Phú, Dần, Hưng, Dụng, Tiếp…lúc ấy đang ở lứa tuổi “bẻ gẫy sừng trâu” nên không ngán ngại núi cao vực thẳm; về hậu cứ, nghỉ một vài buổi là bắt tay vào việc. Khoảng tháng 9 tháng 10, mùa mưa chưa dứt, “cha con” đã lại phải cõng máy cõng chì… trở lại chiến trường chuẩn bị cho chiến dịch mới.
Mùa khô năm 1971- 1972, Tổng hành dinh quyết định Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng sẽ đánh lớn với tên gọi “Chiến dịch Z”. Lực lượng tăng cường là Sư đoàn chủ lực 312, Trung đoàn 335 Tây Bắc, Trung đoàn pháo mặt đất 42 (lần đầu tiên pháo 130 ly xuất hiện ở chiến trường này), trung đoàn pháo cao xạ (có pháo 57 và 100 ly), một trung đoàn tăng-thiết giáp (cũng lần đầu xuất hiện), 2 tiểu đoàn đặc công 27 và 41, một tiểu đoàn thông tin, một tiểu đoàn công binh cùng nhiều phương tiện kĩ thuật. Đại tá Nguyễn Hữu An được điều sang làm Phó Tư lệnh. Đặc biệt, lúc chiến dịch sắp mở màn, Bộ cử Thiếu tướng Tổng tham mưu phó Lê Trọng Tấn sang trục tiếp chỉ huy.
Tướng Lê Trọng Tấn lúc đó có biệt danh là “Tướng Chiến thắng”, “Giu-cốp Việt Nam” vì ông chỉ huy nhiều chiến dịch lớn giành thắng lợi vang dội, gần đấy nhất là chiến dịch “Đường 9-Nam Lào”. Ông đi đâu là đánh lớn ở đó nên trở thành mục tiêu “săn sóc” của các loại tình báo trên thế giới. Tôi nghe anh Bá Đồi, Trưởng phòng Bảo vệ Đoàn 959 nói, ông Tấn phải giả ốm, lên Bệnh viện Quân y 10, từ đó bí mật vòng qua Hòa Bình, đi dọc Trường Sơn rồi mới tới Phu Nhu.
“Đây là trận đánh cấp quân đoàn, tác chiến hợp đồng binh chủng (chỉ thiếu máy bay). Là trận đánh thí điểm cho các chiến trường khác ở Đông Dương” – Trưởng phòng Tuyên huấn Mạnh Lân quán triệt anh em trước khi vào chiến dịch. Báo Chiến sĩ miền TâyNhà in Hoàng Tiến rất hào hứng triển khai công việc. Hang của nhà in rộn rã tiếng hát của cô y sĩ hoa khôi Phương Tiến. Đêm đêm họ còn đốt lửa trong hang hẹp, múa lăm vông và hát lăm-tơi.
“Ta đánh trận này cho ba đời sau quân Thái Lan còn sợ” – Tướng Lê Trọng Tấn nói thế. Và sự việc diễn ra đúng như vậy.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đọc bài của thầy thấy 1 loạt tên các bộ QS quen biết:
- Đại tá Vũ Lập, Phó Tư lệnh Quân khu 2, sang làm Tư lệnh - Ông già anh Vũ Minh Trực.
- Đại tá Huỳnh Đắc Hương là Chính ủy - ông giá bác Huỳnh Lương Nghĩa k2.
- Đại tá Nam Hà - bố vợ Vũ Toàn Thắng k4.
- Đại tá Đoàn Nhật Hùng làm Phó Tư lệnh - bố Cao "lùn".
- Đại tá Lê Linh là Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị.
- Tham mưu trưởng: Đại tá Dũng Mã...