Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Ba thằng bạn cùng làng (8) - Duy Đảo

Quãng năm 1967-68 chả biết quy hoạch “nhầm” hay đo đạc thế chó nào mà Bộ Quốc phòng lại phê duyệt cho đường ống dẫn dầu quân sự dã chiến chạy qua làng tôi. Lúc đầu bà con trong làng hãi lắm, chỉ sợ máy bay trinh sát Mỹ nó “soi” thấy. Cái kẹp tóc trên đầu các mẹ máy bay nó còn chụp hình, to như đòn gánh huống hồ đường ống dẫn dầu lừng lững như bắp đùi bà chửa mà đoạn qua làng dài cả chục cây số chứ có ít đâu. Nó mà bỏ bom thì tan hết làng chứ chả chơi.


Nhưng mãi sau này chả thấy bom đạm gì, hoá ra toàn tin vịt cả. Thỉnh thoảng ống dầu bị vỡ, bà con trong làng đổ xô nhau đi vớt. Có nhà đổ cả bể 2-3 khối nước mưa tích trữ ăn uống quanh năm để chứa dầu. Khi có tin ống dầu vỡ bà con trong làng chạy như chạy giặc. Người cầm chậu, người cầm nồi… thôi thì cứ cái gì vớt, chứa được dầu là vơ vội lao đi.

Vinh kể có một lần sau khi ngâm nước tới ngang lưng để vớt dầu. Vớt xong cánh đàn bà con gái lên bờ gánh dầu về nhà. Vừa bước lên bờ cứ thế quần chị em tuột xuống tận háng, mông trắng phau. Đồng loạt chả ai bảo ai như duyệt binh, chị em ngồi thụp xuống, bỏ cả dầu lấy tay che, thế là công cốc, dầu vớt được đổ hết. Có bà, có cô còn bị “dầu ăn” dị ứng, sưng hết cả bộ phận phụ khoa, phải lên tận bệnh viện huyện điều trị tốn khối tiền.

Sau này sau khi tìm nguyên nhân, Vinh giải thích: “Dầu là dung môi, nó giống như là… món xáo chó, khi ta hầm xương phải cho đu đủ xanh vào cho chóng nhừ, cho nên cao su gặp dầu cũng giống thế, sẽ bị mủn ra, mà cạp quần chị em ta luồn toàn thun cao su từ xăm xe đạp cũ cắt ra nên sau thời gian ngâm dầu cao su bị phân huỷ, thành thử chun quần không còn tác dụng nữa nên quần các mẹ bị tuột là vì thế. “Đúng là con nhà có học có khác”. Bà con nghe Vinh giải thích thế mới chịu.

Năm 71 Vinh nhập ngũ. Vì có văn hoá nên Vinh được chọn đi học lái xe. Tình cờ trong bộ phận tuyển quân có ông sỹ quan ở binh chủng “đặc biệt”, thấy Vinh trắng trẻo đẹp trai cao ráo lại có văn hoá nên ông điều đình với bộ phận lái xe để xin. Thế là Vinh trở thành người lính.

Sau huấn luyệnVinh và một số chiến sỹ được chọn lọc nhận nhiệm vụ “đặc biệt”: thay mặt cho hàng ngàn, hàng vạn người lính ra trận được ở lại miền Bắc, ngay thủ đô, trực tiếp bảo vệ đảng, bảo vệ cơ quan đầu não TW.

Cả đời binh nghiệp mấy chục năm không mấy khi Vinh phải xa thủ đô yêu dấu. Sau 3 tháng huấn luyện, khởi đầu làm lien lạc kiêm công vụ cho cán bộ tiều đoàn. Vinh thật thà chịu khó lại có văn hoá, chữ đẹp, viết lách được, không nghiện ngập thuốc xái, trà cháo thì chả biết. (Toàn những “thứ” mà chỉ cần nghe lướt qua, thủ trưởng dù khó tính cách mấy cũng phải xiêu long). Cho nên mấy năm sau nhập ngũ Vinh bị các thủ trưởng giữ rịt, không cho đi đâu.

Rồi các thủ trưởng cho Vinh ôn văn hoá thi đại học, Vinh chọn đại học Pháp lý. Bốn năm đèn sách từ anh hạ sỹ quan Vinh tốt nghiệp chuyển ngạch và được điều động về bộ tư lệnh làm chuyên môn. Ngày ấy tốt nghiệp đại học luật còn hiếm, nhất là trong quân đội nên Vinh như “mỳ chính cánh”. Từ trợ lý dần dần theo năm tháng Vinh lên chức cao dần, bây giờ quân hàm đại tá. Lương tháng hơn chục triệu, được cấp đất xây nhà giữa thủ đô. Gia đình Vinh hạnh phúc, vợ bác sỹ, con cái ngoan ngoãn, xinh xắn, học giỏi. Nhìn gia cảnh bạn chúng tôi thèm dỏ rãi.

Thỉnh thoảng gặp nhau trong ngôi nhà mấy tầng to đẹp của Vinh, quen cung cách bỗ bã “làng Lằn”, có lần tôi buột miệng: “Tiền ông đào đâu ra mà sẵn thế?”.  Vẫn thật thà chả giấu tôi, Vinh chậm rãi: “Ngày xưa thời còn hàn vi thì vợ chồng tớ nấu rượu, nuôi lợn, tích cóp mỗi năm mỗi tí. Sau này lương lậu khá hơn, hai vợ chống tằn tiện mỗi năm cũng dư chút chút. Khi phố xá văn minh, bà con chửi quá đành phải bỏ nuôi lợn (dù đã bao năm kinh nghiệm!). Phân lợn ông biết rồi đấy, nó thối quá bà con khối phố chịu không nổi. Thế là phèo! Nguồn thu chính bị mất nhưng bù lại, thời gian đó tớ được “cử” đi làm kinh tế ở vùng biển phía nam.

Nói là đi làm kinh tế chứ thực chất là đi giám sát các tàu đánh cá của Thái. Theo thoả thuận với ta, tàu cá Thái được đánh bắt trong lãnh hải của ta ở một số toạ độ nhất định, nhà nước thu tiền. Để kiểm soát ta cử sỹ quan chuyên trách đi cùng với tàu bạn để kiểm tra việc thực hiện quy định. Chỉ cần xuê xoa một tí là có tiền bồi dưỡng. Cho nên mỗi chuyến như thế khi về, ngoài quà cho vợ mấy cặp xilíp Thái, cái quần bò cho con… anh em đơn vị ký tôm,  ký mực khô; quà cho thủ trưởng thì… hì… hì… Cậu biết rồi đấy...”. Vinh nói, hai mắt tít lại cười.

Đêm đầu tiên sau mấy tháng xa nhà, dù đã có quà cho vợ mà nàng vẫn ấm ức chổng mông về phía mình. Tức mình tớ mới vén màn chui ra tìm cái ca táp kéo phẹc-mơ-tuya ngăn đựng giấy tờ lôi cái phong bì day dày mà chủ tàu Thái nó biếu trước khi chia tay, rồi chui vào màn dúi cho vợ. Nàng bật dậy như robôt ôm chầm lấy tớ  “Thế mà cứ giấu. Đồ chết tiệt, thôi cởi nốt ra, nhanh lên đang thèm muốn chết đây!”. Căn phòng bỗng chốc tối om.

Mỗi năm đều đều ra bắc vào nam, xuống đơn vị kiểm tra. Nhất là khi có vụ việc vi phạm pháp luật dưới đơn vị, mà chuyện đó không nhỏ thì to, đơn vị nào mà chả có. Anh em họ quý, mỗi lần xuống giải quyết như thế cũng có đồng ra đồng vào. Tích tiểu thành đại, bao nhiêu năm bóp mồm bóp miệng hà tiện cho nên ông hỏi tại sao “sẵn tiền” thì tình thực là vậy, chả giấu gì ông.

Ngắm kỹ Vinh dù đã gần 60 nhưng trông thằng bạn vẫn phong độ, da trắng hồng, tính tình vẫn như xưa chất phác, hồn hậu, chu đáo. Tôi nói với Vinh: “Tiếc là ông thầy Khúc ở chùa làng không còn, nhưng dù đã mất ông cũng nên sắm cái lễ về quê thắp nhang tạ ơn ông ấy”.

….

Có phải là số phận không? Tôi cứ đắn đo tự hỏi rồi lại tự giả nhời. Nhiều khi không muốn tin nhưng như cuộc đời của ba thằng bạn cùng làng mà tôi vừa kể cho các bạn nghe kia thì là cái quái gì nhỉ? Chẳng lẽ không phải là số phận!

Đúng như lời ông thầy Khúc ở chùa làng “Cuộc đời mỗi người sướng khổ đều do trời đất sắp đặt cả, chả ai thoát và chọn lựa được số phận”.

1 nhận xét:

dathb136 nói...

Hay và chân thực về lịch sử thời kì mới giải phóng.