Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

"Phía sau khuôn hình", phóng sự về 1 người thầy

Sáng thứ bảy, 8/10/2011, lúc 10g, trong chương trình Văn nghệ của VTV3 sẽ phát phóng sự "Phía sau khuôn hình" giới thiệu NSUT, nhà văn, nhà báo, đại tá Nguyễn Chi Phan - thầy giáo của trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi chúng ta.
Trân trọng kính mời thầy cô và anh chị em trường Trỗi cùng đón xem!
Có bạn bè làm việc ở THVN, chúng tôi xin được kịch bản lời bình của phóng sự này. Xin trân trọng giới thiệu!


PHÍA SAU KHUÔN HÌNH
Dẫn:  Thưa quý vị và các đồng chí!
Có một người - cả cuộc đời gắn mình với những chuyến đi, trăn trở với từng số phận, với những câu chuyện buồn, vui về người lính. Ông đi nhiều, hiểu nhiều, trải nghiệm nhiều để viết, sáng tạo nên những cái đẹp cho cuộc sống. Bằng ngòi bút, bằng những thước phim, những hình ảnh phía sau khuôn hình của mình, ông đã dâng hiến cho cho cuộc đời và cái nghề báo khắc nghiệt, nhiều tác phẩm có giá trị bằng trái tim khắc khoải, tràn đầy nhiệt huyết. Ông là  Đại tá, Nhà văn, nhà báo, NSƯT Chi Phan.


1. Generic - Đại tá xuống phố, bước chân không mỏi và lặng lẽ, bình yên giữa đời thường: 1 phút 08 giây
          Hàng ngày, trên con phố rất đỗi thân thuộc này ở Thủ đô Hà nội – phố Lý Nam Đế hay còn gọi là phố nhà binh – cái tên như nhà văn Chu Lai từng ví trong tiểu thuyết “Phố” của mình,  người ta vẫn bắt gặp một vị Đại tá với dáng vẻ hao gầy nhẹ nhàng đi trên phố.

          Ông đã đi qua hơn nửa cuộc đời và gần nửa thế kỷ tận tâm, tận lực với nghề báo, nhất là thời gian làm báo hình ở Truyền hình Quân đội. Với ông, ngôi nhà số 2 Lý Nam Đế, nơi đặt Trụ sở của Trung tâm Phát thanh – Truyền hình QĐ, cái tên gọi này từ lâu đã thành một phần đẹp nhất trong cuộc đời mình.  

          Tất cả những cống hiến và khắc khoải đó đã được ông gửi gắm trong tập truyện ký“ Phía sau khuôn hình” - ở đó, ông và các đồng đội, đồng nghiệp đã sống và làm việc hết mình, đã chứng kiến vui, buồn, sướng, khổ, đã trải qua nhiều bước thăng trầm, đằng sau những khuôn hình biết nói ấy…

                      Tên phim nổi: PHÍA SAU KHUÔN HÌNH

2. HS trường Bưởi – Đại học Sư phạm- đi chiến đấu- về dạy học ở trường văn hóa Quân đội: 1 phút 30 giây

          Có thể cái duyên, cái nghiệp viết đã vận vào ông ngay từ khi ông còn là học sinh cấp 2, cấp 3 trường Bưởi – trường Chu Văn An, ngôi trường danh tiếng của Hà nội. Ông đã từng viết những trang báo đầu đời đăng trên báo “ Thời Mới”. “Ai bảo vướng vào duyên bút mực…”, biết là cái nghề này cực lắm, nhưng Chi Phan đã dám dấn thân vào cái nghiệp đầy trắc ẩn này! Để rồi khi trở thành sinh viên khoa văn Trường Đại học Sư phạm Hà nội, ông đã ấp ủ ước mơ làm báo.  Ông có may mắn được học các thầy, các cô đầy tài năng, trí tuệ và tâm huyết như: Lê Trí Viễn, Bùi Văn Nguyên, Huỳnh Lý, Nguyễn Đình Chú, Đặng Thị Thanh Lê, Thành Thế Thái Bình…và  các bạn học mà tên tuổi của họ rất nổi tiếng trong văn đàn sau này như: Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng…
          Sự kiện 5/8/1964, giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, anh sinh viên Nguyễn Đình Phan (Tên thật của nhà văn nhà báo Chi Phan) vừa tốt nghiệp khoa Văn đã sẵn sàng gia nhập quân đội. Đình Phan cùng các tân binh của trường hành quân lên Tây Bắc luyện tập quân sự, chuẩn bị đi chiến đấu.

          Từ chiến trường trở về, chiến sỹ  Nguyễn Đình Phan được điều về dạy trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Vừa dạy, vừa học, vừa viết văn, viết báo. Và bút danh Chi Phan bắt đầu xuất hiện trên báo chí thời đó – cái thời đạn bom khói lửa ác liệt trên cả 2 miền nam Bắc chống đế quốc Mỹ.

3. Công tác tại Phát thanh quân đội- đàm đạo với Tướng Cư – p/v Tướng Cư: 45 giây

          Năm 1970, thầy giáo Chi Phan chuyển về làm phóng viên của Phòng Phát Thanh Quân đội. Ở đây ông có dịp đi nhiều, trải nghiệm nhiều. Từ biên giới phía Bắc, tới tuyến lửa Vĩnh Linh, viết nhiều bài động viên, tuyên truyền quân và dân chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Là phóng viên quân sự của Đài tiếng nói Việt nam, ông đã đi, viết và khi về, trực tiếp nói trước máy. Nhiều phóng sự, ghi nhanh hưởng ứng chiến thắng của quân và dân miền Nam, miến Bắc chiến đấu chống đế quốc Mỹ. Sau này ông cũng đã có những chuyến đi làm tin, phóng sự, ghi nhanh …ở các tuyến biên giới trên cả nước, được thính giả nghe đài, đồng nghiệp và cấp trên đánh giá cao.
          - Phỏng vấn: Trung tướng Phạm Hồng Cư, Nguyên Phó Chủ nhiệm TCCT

4. Bén duyên với truyền hình – ngôi nhà 84 Lý Thường Kiệt lịch sử - nhiều phim đoạt giải cao: 45 giây
          Ngày 20/9/1975, Truyền hình Quân đội nhân dân được thành lập, và từ năm 1979, ông được chuyển sang công tác tại đây.,

          Đây là ngôi nhà số 84 Lý Thường Kiệt - Hà nội, ngôi nhà này là nơi ông và các đồng nghiệp ở Truyền hình Quân đội đã sống và làm việc với nhiều  kỷ niệm. Ở đây, ông đã cùng BBT Truyền hình QĐ xây dựng nhiều chuyên mục, khung chương trình, format chương trình… trong đó có nhiều chương trình đến hôm nay vẫn còn phát sóng; đã sản xuất hàng ngàn tin, bài, và các chương trình văn nghệ... phản ánh chân thực, sinh động đời sống huấn luyện cũng như sinh hoạt chính trị, văn hóa tinh thần của bộ đội.

          Đặc biệt, nhiều phim tài liệu do ông viết kịch bản và làm đạo diễn đã đoạt giải cao trong các kỳ liên hoan truyền hình toàn quốc như: Nghị lực nơi anh, Đi tìm đồng đội, Trường sa trong ta, Hát từ Trường sa…

                                      ( Trích 2 đoạn ngắn trong 2 phim về Trường Sa)

          Đằng sau những giải thưởng, những tấm huân chương, huy chương lấp lánh mà ông-Trưởng ban biên tập cùng các đồng nghiệp đạt được là cả một quãng thời gian dài, dốc tâm, dốc sức, bám nắm cơ sở, bám sát đời sống chiến sỹ với cái tâm sáng với nghề và với trách nhiệm cao nhất, hết mình với đồng chí, đồng đội
          - p/v Đại tá, nhà văn Nguyễn Tiến Hải, Nguyên Trưởng phòng văn nghệ Nhà Xuất bản QĐND

          - Ông Nguyễn Quang Phóng, Giám đốc Trung tâm sản xuất Phim phóng sự - tài liệu, Đài THVN

5. Thăm Trung tâm PTTHQĐ hôm nay: 40 giây
          Về mái nhà xưa, về với đồng nghiệp kế cận và lớp phóng viên trẻ của Trung tâm PT- THQĐ, ông lại nhớ về một cái thời xa của tuổi trẻ, với tay máy, tay bút tung hoành dọc ngang đất nước cũng như những chuyến đi tác nghiệp ở nước ngoài.Dẫu rằng cái cơ ngơi hôm nay đã khá khang trang, bề thế hơn trước; đội ngũ phóng viên, biên tập viên đã đông đúc hơn xưa nhưng trong ông vẫn ánh lên những mong mỏi, gửi gắm đối với đội ngũ trẻ hôm nay trong việc rèn nghề, giữ nghiệp.

          - Đại tá, nhà văn, NSƯT Chi Phan…. tâm sự
          - GS-TS Đinh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương,         Nguyên Đại tá, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, TCCT

6. Từ nhà báo – thành nhà văn qua những trải nghiệm chân thực, sinh động của cuộc sống: 1 phút
          Xét đến cùng, văn chương là thân phận con người”.  Ai đã viết những câu văn đầy ám ảnh vậy?  Lại một lần nữa, Chi Phan dấn thân vào nghiệp viết - viết văn. Sống và làm việc trong môi trường Quân đội nên ông viết rất nhiều về những mất mát hy sinh trong chiến tranh và nông thôn. Ông đã viết văn dọc dài theo bước chân làm báo. Những trang văn của ông thấm đậm nghĩa tình đồng đội, những gì ông chứng kiến ở chiến trường, những tấm gương anh dũng chiến đấu, sự hy sinh hay sự nhọc nhằn, buồn vui của người lính thời bình; về hậu phương người chiến sỹ…đã dội vào tim ông, thôi thúc ông viết. Và có lẽ, đó chính là không gian nghệ thuật phản ánh trong gần 30 tác phẩm văn học của ông

        Với những đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực làm báo, sáng tạo văn chương, ông đã được Nhà nước phong tặng nghệ sỹ ưu tú và được kết nạp vào Hội nhà văn Việt nam.
- P/vấn: Đại tá, Nhà văn Ngô Vĩnh Bình, TBT Tạp chí Văn nghệ quân đội
- Nhà văn Đào Thắng, Ủy viên BCH Hội nhà văn Việt Nam
- Đại tá, nhà văn Nguyễn Tiến Hải, Nguyên Trưởng phòng văn nghệ, Nhà Xuất bản QĐND

7. Các bài báo viết về ông, các tác phẩm của ông. Và những hình ảnh ở Báo CCB: 1 phút
          Dẫu song hành với nhiều nhiệm vụ cùng một lúc của một phóng viên, biên tập viên và đảm nhiệm công tác quản lý, ấy vậy mà ông vẫn dành cho văn chương một góc không hề nhỏ trong cuộc đời mình. Chính vì vậy, đồng nghiệp đánh giá cao sức viết của ông, sức sáng tạo của ông. Có thể do ông đã đi nhiều nên những trang văn của ông ngồn ngộn chất liệu cuộc sống. Những bút ký, truyện ngắn cho đến những tiểu thuyết ông viết là những gì ông  đã trải nghiệm với một tính cách khác biệt, một không gian nghệ thuật rất riêng.

          Dường như ông muốn dâng hiến cho nghề, cho đời nhiều hơn nữa, nên giờ đây, tuy đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn năng nổ, hăng say trên cương vị mới, đó là đảm nhiệm công việc của một Phó TBT ở Báo CCB Việt nam. Ông cùng tập thể Báo từng bước xây dựng tính chiến đấu cao của Báo CCB trong nhiều lĩnh vực của xã hội, của đất nước.
8. Giảng viên kiêm chức và chấm tác phẩm bào chí quốc gia: 30 giây

          Với ông, lao động là lẽ sống. Vì vậy, nhiều năm qua ông còn đảm nhiệm thêm công việc của một giảng viên kiêm chức của Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ - Hội nhà bào Việt nam. Bao kinh nghiệm, trải nghiệm, vốn sống và tri thức của ông với nghề báo, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền hình đã được ông miệt mài trong những bài giảng cho các bạn trẻ ở các tỉnh mới bước vào nghề báo. Bên cạnh đó, ông còn là giám khảo chuyên thẩm định các tác phầm truyền hình chất lượng cao của Hội nhà báo Việt nam và của Truyền hình Việt nam

9. Nam Định – Thái Bình, mảnh đất sinh thành và nuôi dưỡng tâm hồn ông: 40 giây

          Ông sinh ngày 20/8/1945 ở Thành phố Nam Định. Trong ông còn mãi âm thanh của tiếng máy dệt, phố Đông Kinh Nghĩa Thục yên ả,  mái chùa Vọng Cung vút cong, Chợ Rồng tấp nập, bến Đò Quan ăm ắp tình người…Tuy sinh ra ở Nam Định nhưng quê ông lại ở đất lúa Vũ Thư - Thái Bình. Thôn Năng Tĩnh, xã Vũ Hội quê ông là một địa phương anh hùng, giàu truyền thống cách mạng, quê hương của đồng chí Trần Cung, 1 trong 7 Đảng viên Cộng sản đầu tiên.  Chính nơi đây là nơi ông đã cùng gia đình chạy tản cư về trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông đã chứng kiến nhiều trận chiến đấu ác liệt của quân và dân ta với bè lũ cướp nước. Phải chăng tất cả những gì là dữ dội của tuổi thơ đã sớm hình thành trong ông một bản lĩnh và tính cách trong hoạt động văn chương sau này?

10. Gia đình hạnh phúc, tràn đầy tiếng cười ở Hà nội – những bước chân không mỏi – vẫn mải miết kiếm tìm, cống hiến: 40 giây
          Lên Hà nội học từ thủa nhỏ. Sống và học tập ở Hà nội cả một quãng dài. Có lẽ ông chỉ xa Hà nội trong những tháng ngày ra trận. Hà nội trong ông linh thiêng và hào hoa lắm. Đất kinh kỳ ngàn năm văn vật đã cho ông cả sự nghiệp và một gia đình hạnh phúc. Ông luôn đúng mực, trên dưới trong gia đình. Chính điều đó đã tạo nên không khí ấm cúng, đầy ắp tiếng cười khi bên những người thân. Chắc hẳn đây là nguồn động viên lớn để Đại tá, nhà báo, nhà văn, NSƯT Chi Phan yên tâm công tác.

          Dường như bước chân ông không mỏi trên đường đời, trong nhân gian và trong tận cùng của sự kiếm tìm, cống hiến!
          (Kết phim: Phục hiện những hình ảnh ấn tượng nhất, ý nghĩa nhất trong sự nghiệp và cuộc sống hàng ngày của nhà báo, nhà văn, NSƯT Chi Phan trên nền nhạc thanh bình, sâu lắng…)

Chỉ đạo thực hiện: Nguyễn Hoài Nam
Chỉ đạo sản xuất: Đặng Quốc Giang
Kịch bản, biên tập và lời bình: Phùng Việt Anh
Quay phim: Nguyễn Đức Minh - Phan Anh Việt - Trần Văn Doanh
Dựng phim: Nguyễn Văn Luật
Đọc lời bình:

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Thay cua chung ta gioi that!