Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Chuyện phiếm chủ nhật nhân Ngày Nhà giáo (Quang Việt)

Cô em dâu vợ tôi là giáo viên tiểu học. Tính tình vui vẻ, thích tếu táo tiếu lâm,  thích đùa nghịch, trêu chọc mọi người, “trẻ không tha, già không thương”. Trường cô toàn giáo viên nữ và đều thích tán dóc với nhau các chuyện hài trong cuộc sống. Gia đình tôi thường có những buổi “sinh hoạt” cười vỡ nhà với những câu chuyện cô mang từ trường về. 


Tỷ như khi dạy kỹ năng sống, cô giáo hướng dẫn học trò động tác xâu kim. Cô nói: "Các em nhìn đây, một tay các em cầm “chim” (kim – cô nói nhịu)…” làm cả lớp (và những người dự giờ hôm đó) được mẻ cười vỡ bụng; hay như có lần bà hiệu trưởng dẫn một đoàn cán bộ sở GD – ĐT TP vào lớp, giới thiệu:” Hôm nay có các “chầy”(thầy) trên sở về thăm trường…”. Cả lớp lại được trận cười……

Có mấy chuyện tiếu lâm (có thật và không có thật),  tôi viết ra để mọi người tham khảo:
1.     Trong lớp có một cậu học trò cá biệt. Trước hôm có đoàn kiểm tra về, cô giáo gọi cậu này ra bảo: "Mai em được nghỉ học, ở nhà nhé!”. Cậu học trò gật đầu: ”Vâng ạ”. Nhưng hôm sau, cậu ta vẫn đến lớp. Cô hơi chột dạ. 
Đến giờ học (có cán bộ thanh tra ngồi dự), mọi việc diễn ra theo đúng kịch bản đã chuẩn bị. Đến lúc cô nêu câu hỏi: “Theo các em, anh hùng là gì?”. Học trò nhao nhao xin phát biểu. “Thưa cô, anh hùng là dũng cảm chiến đấu ạ”, “là luôn xông lên phía trước ạ”, ”là…v.v và v.v…” . 
Cậu học trò cá biệt nọ cũng giơ tay nhưng mỏi cả tay mà cô chẳng gọi. Cán bộ thanh tra cứ nhìn cô giáo, lại nhìn cậu học trò. Cô đành phải gọi vì cậu ta nhất quyết không chịu buông tay khi chưa được nêu chính kiến của mình. Cậu ta đứng lên buông một câu: "Em thưa cô, anh hùng là đéo sợ cái gì cả”. Cả cô giáo, cả cán bộ thanh tra tròn xoe mắt.

2.     Trong giờ học, sau khi cô học trò nhỏ trả lời đúng một câu hỏi khó, cô khen: ”Em giỏi lắm! Em tên là gì để cô cho điểm 10 vào sổ”. (Mới đầu năm học, cô chưa thuộc hết tên học trò). 
Con bé đỏ mặt lúng búng: "Thưa cô… tên em… xấu lắm ạ”. “Xấu thì cũng là một cái tên bố mẹ đặt cho, có gì mà phải xấu hổ. Thế nói nhỏ với cô thôi vậy”. Con bé ấp úng lí nhí: "Thưa cô, tên em là…là…cái mà cô vẫn hay nắm trong tay ấy ạ”. Cô giáo chợt đỏ mặt, hỏi nhỏ: "Chim hả?”. "Không phải ạ, mà là Phấn ạ!”. Rồi nó giải thích thêm: "Em thấy xấu vì bây giờ em biết đánh vần, thấy tên em có dính dáng đến "phờ ân phân" ạ”.

3.     Chuyện này có thật 100%, vì là chuyện của chính cô em tôi.
Gần nhà tôi có hiệu may. Cô em tôi đưa chồng sang may đo bộ com-lê chuẩn bị đón Tết. Cậu chủ tiệm lấy số đo xong, bảo với cô em tôi: "Thân hình chồng chị xấu thế này, may khó đẹp lắm. Ai lại vai cứ lệch siêu, lệch vẹo thế này!”. Cô em tôi  hỏi: "Đâu? Lệch ở chỗ nào?”. Cậu thợ may trả lời: "Đây này, vai bên trái bị lệch thấp hơn vai phải đến mấy phân”. Cô em tôi đốp luôn: "Lệch thế còn đẹp hơn mày. Chồng chị lệch có một vai, còn mày thì lệch cả hai vai cơ”. Cậu thợ may ngớ người vì chưa tiếp xúc với khái niệm “lệch cả hai vai” bao giờ.

Còn một số chuyện, có dịp, em sẽ  lại kể hầu các bác.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Mấy thầy thỉnh thoảng cũng hay nói trại ra "tình thò... ch..." đấy!