Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Người Hoa ở HN (ST: ĐB)


Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải ... Việt Nam cũng có Hà Nội, một thành phố có nhiều vẻ đẹp vì Hà Nội đẹp thật và cũng vì chúng ta yêu mến. Đó là lời giới thiệu của nhà văn Thạch Lam trong cuốn Hà Nội băm sáu phố phường, đồng thời nói lên niềm tự hào, yêu mến của những người Hà Nội về thành phố của mình.


Là một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tôi mong muốn được hiểu hơn về lịch sử của các phố cổ cũng như những người đã và đang sống ở đây.
Theo thời gian và sự hiểu biết, tôi nhận ra rằng để xây dựng được một Hà Nội như ngày nay, bên cạnh công lao của người dân Việt còn phải kể tới một phần đóng góp không nhỏ của những người nước ngoài sống ở đây - trong đó có cả cộng đồng người Hoa. Từ nhiều vùng của Trung Quốc, vì những lý do khác nhau, người Hoa vào Việt Nam và cư trú ở Hà Nội từ rất sớm. Dần dần theo thời gian, người Hoa đã vượt qua mặc cảm của địa vị khách trú để cùng với người Việt xây dựng nên một trung tâm kinh tế, văn hoá - chính trị của Việt Nam . Tại đây, người Hoa đã tạo dựng cho mình một dáng vẻ riêng mang đậm nét văn hoá Trung Hoa , góp phần tạo một vẻ đẹp lung linh nhiều sắc màu cho Hà Nội. Sự có mặt của người Hoa ở Hà Nội: Thời Lê Sơ đã có rất đông người Hoa tập trung ở Thăng Long. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi có ghi: Phường Đường nhân bản áo diệp y và giải thích Đường nhân là phố khách thương Quảng Tây, Quảng Đông, diệp y là thứ áo người Trung Quốc mặc. Đến thời Lê Trung Hưng, phường Đường nhân đổi thành phường Diên Hưng, nay là khu phố Hàng Ngang và Đường nhân là cách gọi người Trung Quốc. Vào thế kỷ 15, Hoa kiều đã có mặt tại Hà Nội ở phố Hàng Ngang khá đông, đến thế kỷ 17, 18, họ ở lan sang phường Hà Khẩu, nay là phố Hàng Buồm. Sang thế kỷ 19, triều Nguyễn dời đô vào Huế, Hà Nội chỉ còn là trấn lỵ, do vậy sự kiểm soát người Hoa được nới lỏng hơn. Họ được tự do cư trú sang cả phố Hàng Bồ, Mã Mây... và tạo nên một phố mới do Hàng Buồm kéo dài ra gọi là phố Phúc Kiến (phố Lãn Ông). Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn có ghi hai mươi mốt phố ở Hà Nội thì có ba phố là có người Hoa. Nguyên văn lời dịch: Phố Hà Khẩu (Hàng Buồm): ở địa phận huyện Thọ Xương, nhà buôn nước ta cùng người Thanh ở lẫn lỗn, bày hàng hoá các thứ như sách vở, hoá vật, dược liệu phương Bắc, có tên nữa là Hàng Buồm. Phố Việt Đông (Hàng Ngang): chỗ ở cũ, chỗ ở mới của người Minh Hương là kho tích trữ hàng hoá. Phố Phúc Kiến: bán đồ đồng. Đến thời Pháp thuộc, người Hoa ở Hà Nội đã trở thành một cộng đồng ổn định, họ chủ yếu phân bố ở những phố chính sau :
Thứ nhất là phố Hàng Buồm. Sự có mặt của người Hoa ở đây khá sớm và phố này bắt đầu trở thành một khu phố Tàu khoảng từ thế kỷ 19. Phố Hàng Buồm vốn thuộc đất phường Hà Khẩu, là một trong ba sáu phường đời Lê. Cư dân ở đây sát bến sông Nhị và trên bờ sông Tô Lịch nên hầu hết sống bằng nghề liên quan đến sông nước. Người phố Hàng Buồm thường mua nguyên liệu cói của thuyền buồm Sơn Nam Hạ, họ có nghề làm và bán những hàng cói đan như bị, giỏ, chiếu buồm (do vậy mà có tên là Hàng Buồm). Người Hoa được phép tới ở tại phường Hà Khẩu vào đời Lê Trung Hưng (tức khoảng thế kỷ 17 trở đi), cụ thể là trong Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ có ghi: Lại như kinh thành khi xưa có phường Giang Khẩu ở tiếp giáp bờ sông Nhị liền với các ngòi chảy vào sông Tô, hàng năm bờ sông bị nước xói mòn vào không thể giữ được. Đời Lê Trung Hưng mới đắp đê suốt dọc bến phường Hà Khẩu để cho Hoa kiều trú ngụ. Các hiệu khách liền làm đơn xin tải đá làm mỏ hàn chắn ở trên thượng lưu, từ bấy giờ mới bớt được nạn nước xói lở. Từ đó Hoa kiều ở phố Hàng Buồm ngày một đông, chủ yếu là người Quảng Đông, họ lại theo nghề buôn, có mối liên hệ với người Hoa ở vùng Hoa Nam và các nơi nên nhanh chóng giàu có. Dần dần, người Việt Nam trong phố phải dọn nhà sang các phố khác, nên Hoa kiều có nhiều điều kiện kinh tế hơn và Hàng Buồm trở thành một phố khách. Tại đây, họ đã xây dựng một Hội quán to rộng tiêu biểu cho sự tập trung và phồn vinh của một cộng động người nước ngoài có vai trò kinh tế lớn.
Thứ hai là phố Hàng Ngang (phố Việt Đông). Vào thời Hậu Lê, phố Hàng Ngang là đất phường Diên Hưng, một trong ba sáu phường của kinh thành Thăng Long. Nhưng vào đầu đời Lê, phường này đã có tên là phường Đồng Nhân vì ở đó có đông người Hoa mà lúc đó được gọi là người nước Đường (Đời Đường thế kỷ 7, 8; người Hoa đi ra nước ngoài nhiều nên các nước gọi họ là người Đường). Đến đầu đời Nguyễn theo sách Đại Nam nhất thống chí , phường Diên Hưng lại được gọi là phố Việt Đông phố Việt Đông, tức là phố của người Quảng Đông - đó là nơi triều đình cho phép người Hoa kiều ở Hà Nội được cư ngụ. Nhân dân thì gọi phố này là phố Hàng Ngang (giải thích cho tên gọi này có người cho rằng vì trước đây có bức tường ngang ở đầu phố, chắn ngang hết mặt đường, do vậy có tên là Hàng Ngang).
Thứ ba là phố Lãn Ông (còn gọi là phố Phúc Kiến). Đây là đất thôn Hậu Đông, Hoa Môn, huyện Thọ Xương. Tên Phúc Kiến chỉ mới có từ giữa thế kỷ 19 khi người Hoa ở vùng Phúc Kiến ồ ạt đến mua đất, làm nhà, xây hội quán .. Đợt di cư này là kết quả chạy loạn Thái Bình Thiên Quốc. Ban đầu họ đến đây buôn bán hàng kim loại, đồ đồng, đồ sắt. Đồng nói đây là đồng thỏi ngày xưa người Tàu buôn từ mỏ Tụ Long ở biên giới về, phần lớn là đồ dùng để thờ (bát hương, lư, đỉnh, cây đèn...). Sau đó người Phúc Kiến lại chuyển sang kinh doanh mặt hàng thuốc Bắc, nhờ đó mà có nhiều nhà giàu có, buôn bán thịnh vượng. Từ đầu thế kỷ 20, người Phúc Kiến có hai loại hình kinh doanh: buôn bán thực phẩm khô và cung ứng thực phẩm cho nhà binh Pháp.
Thứ tư là phố Hàng Bồ. Phố ngày vốn là đất thôn Xuân Hoa và Nhân Nội. Cho tới đầu thế kỷ 20 ngoài người Việt bán giầy dép ở đầu phó, đồ mây tre đan ở giữa phố và cuối phố thì có không ít cửa hàng người Hoa kiều mà đại bộ phận là người Triều Châu. Họ kinh doanh hàng ngũ cốc và cau, đường gọi chung là hàng khô. Họ bán buôn là chính, hàng hoá chỉ bốc ở dưới thuyền lên vài ba ngày là tiêu thụ hết và cứ như vậy quay vòng. Do vậy người Triều Châu đa phần là giàu có. Ngoài những phố chính trên, người Hoa còn có mặt ở những ngõ nhỏ như Sầm Công (ngõ Đào Duy Từ), Quảng Lạc (phố Tạ Hiện), phố Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, đây chủ yếu là những Hoa kiều nghèo khổ.
Hoạt động kinh tế của người Hoa ở phố cổ Hà Nội: Người Hoa sang Việt Nam nói chung và đến Hà Nội nói riêng chủ yếu là những người bần cùng trong xã hôi Trung Quốc, họ không có con đường nào khác là phải ra đi để tìm cho mình một con đường sống. Vì vậy khi đặt chân lên một đất nước mới, họ sẵn sàng làm những công việc nặng nhọc nhất, những công việc mà người bản địa không làm. Giai đoạn khởi nghiệp, nói một cách hình tượng, đó là mô hình nền kinh tế ba dao dao cạo, dao xén, dao thái rau là phương cách kiếm sống của người Hoa. Lúc đầu khi chưa có vốn liếng họ chỉ có thể nhờ vả vào những người đồng hương để vay vốn buôn bán nhỏ kiếm sống, chủ yếu là bán hàng rong: lạc rang, bánh trái, các loại chè giải khát... Dần dần với đức tính cần cù chịu khó, chắt bóp cần kiệm, họ tạo cho mình một khoản vốn nhất định để mở cửa hàng phát triển buôn bán. Các hoạt động kinh tế chủ yếu tập trung trên các lĩnh vực chính dịch vụ ăn uống, buôn bán thuốc bắc, các ngành nghề thương mại và dịch vụ giải trí.
Không có sự phân công rõ ràng trong cộng đồng người Hoa, nhưng nói chung người Phúc Kiến buôn bán thuốc Bắc, thực phẩm khô, bánh kẹo đồ ăn uống; người Quảng Đông bán tạp hoá, mở cao lâu; người Triều Châu chuyên kinh doanh ngũ cốc, đường. Dưới đây là tình hình kinh doanh của người Hoa ở một số phố chính. Dịch vụ ăn uống Ngành nghề này tập trung chủ yếu ở phố Hàng Buồm. Đây là phố mà người Quảng Đông ở nhiều nhất, họ mở các cửa hàng bán thịt quay (lợn, ngỗng, gà quay, lạp xường, thịt sấy...), bán ca la thầu, miến, vây cá, xì dầu đậu phụ do người Hoa tự chế biến hoặc mang từ Trung Quốc sang . Đoạn giữa phố Hàng Buồm, chung quanh mấy ngã tư là nơi tập trung những cửa hiệu cao lâu lớn nhỏ, được mở cửa suốt ngày đêm cho tới khuya của người Hoa. Sự nổi tiếng của các hiệu cao lâu khách đã được nhà văn Thạch Lam trong cuốn Hà Nội băm sáu phố phường nhận xét: Những chốn ăn chơi của Hà Nội là nhất Bắc kỳ, nhất cả Đông Dương nữa, cái đó đã rành rành không ai chối cãi. Nhưng chúng ta phải buồn phiền mà nhận ra rằng những hiệu cao lâu có danh và bền vững đều là của người Tàu. Nổi tiếng là các cửa hiệu: 1. Đông Hưng Viên (số 907): với đặc sản là thịt gà rán và cơm lá sen. Nơi đây chủ yếu để đặt tiệc sang trọng, bát đĩa cũng đều được mang từ Giang Tây sang. 2. Mỹ Kinh (số 78): bán quà sáng là chủ yếu, thường có khoảng 24 món điểm tâm (bánh bao, síu mại, há cảo, tỉm sắm...) và được luân phiên theo mỗi ngày. 3. Tú Lạc Hiên: thường đông khách ăn điểm tâm và cả bữa uống nước chè, ăn bánh vào lúc 2 h chiều. 4. Nhật Tân (số 43): đây là cửa hàng cao lâu có sân khấu tuồng phục vụ cho khách, (do sáng kiến của Tôn Trung Sơn). 5. Phúc Lai: ngoài là cao lâu bên trong là sòng đánh phán thán (một thứ cờ bạc của người Tàu).
Ngoài những cửa hàng ăn lớn kể trên, phố Hàng Buồm còn có các hiệu cao lâu nhỏ làm ít món, đó là những món đặc biệt chỉ có hiệu đó mới có thể chế biến được. Các hiệu như Quảng Sinh Long có món bồ câu quay, Tụ Hưng Lâu với món thịt bò xào cải làn, chim sẻ rán, hoặc các cửa hiệu khác với ngẩu pín, bò sách trần... Có thể nói người Hà Nội đã quá quen thuộc với những hiệu cao lâu Tàu đến mức chỉ cần nói lên Hàng Buồm tức là hiểu đi ăn cao lâu. Nói chung các cửa hàng này thích hợp với mọi tầng lớp vì nó không quá sang trọng cũng không quá bình dân vì vậy khi muốn thết người bạn xa hay đãi khách quý, người Hà Nội thường đưa nhau đến một trong những hiệu cao lâu này. Hiện nay ở Hàng Buồm, tiếc rằng, không còn một cửa hiệu nào do người Hoa mở nữa, ở giữa phố chỉ còn vài cửa hàng bán thịt quay mặc dù đề biển chữ Hoa nhưng đều do người Việt kinh doanh. Họ trước đây vốn là chủ nhà mà người Hoa thuê nhưng sau khi người Hoa bỏ đi, người Việt đã lấy tên cũ để mở cửa hàng. Tuy nhiên, do không nắm được các kỹ thuật chế biến cũng như không có đầy đủ các nguyên liệu nên chất lượng các món ăn đã thay đổi nhiều. Vì vậy, những người Hà Nội nếu mong muốn được một lần lên lại phố Hàng Buồm để thưởng thức các món ăn xưa sẽ không tránh khỏi tâm trạng nuối tiếc.
Ngoài những món ăn đặc sản, còn phải kể đến các món quà rong, chủ yếu là do những người Hoa kiều nghèo khổ bán. Đó là các loại bánh trái như bánh bèo, bánh cắt, bánh Tô Châu; kẹo sìu (Triều Châu) hoặc các loại chè giải khát: tào phớ, bát bảo lường xà, ngũ hổ tướng, chè lục tào xá, chí mà phù... Đây đều là những món quà thân quen với người Hà Nội. Buôn bán thuốc Bắc Ngành nghề này chủ yếu là do người Phúc Kiến đảm nhận và tập trung chủ yếu ở các phố Lãn Ông (phố Phúc Kiến), phố Thuốc Bắc. Cửa hàng bán thuốc Bắc được xuất hiện từ sớm, khoảng vào những năm đầu của thế kỷ 20. Quang cảnh được tác giả Nguyễn Văn Uẩn trong cuốn sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20 miêu tả lại như sau: Các cửa hàng bán thuốc cũng giống như cửa hàng các phố khác: ban ngày những tấm cửa lùa hạ ngay xuống kề trên mễ và bậu cửa, trên bày những thúng đựng các vị thuốc sống, những thứ quý thì đựng trong túi vải cất trong ngăn tủ gỗ kê sát tường, dưới nền nhà là dao cầu, thuyền tán dùng cho việc bào chế thuốc. Nghề buôn thuốc Bắc phải nhập từ Trung Quốc và người Hoa giữ độc quyền, vậy người Việt Nam chỉ có thể buôn lại của họ mà thôi. Hơn nữa các cửa hàng bán thuốc nói chung đều có sự liên hệ họ hàng, hội phường với nhau, thống nhất về giá cả và có thể lấy lẫn hàng của nhau để bán đủ theo đơn cho khách mỗi khi trong nhà thiếu một số vị thuốc. Điều đó nói lên một phần đặc tính của người Hoa là dựa vào cộng đồng để phát triển kinh doanh. Các cửa hiệu ở đây vừa bán thuốc sống cùng với thuốc đã bào chế lại thêm cả ông lang xem mạch kê đơn bốc thuốc ngay tại chỗ cho khách. Một số người Việt Nam ở phố này cũng theo họ kinh doanh thuốc Bắc nhưng không thể cạnh tranh được.
Trước năm 1945, phố Phúc Kiến có nhiều nhà giàu có, buôn bán thịnh vượng. Họ giàu vì nghề buôn thuốc Bắc vì trong thời Pháp thuộc, việc dùng thuốc tây chỉ phổ biến ở tầng lớp trí thức thành thị còn đa số nhân dân nội ngoại thành vẫn quen dùng thuốc Đông y vì uống thuốc Bắc và thuốc Nam không tốn kém. Một số các cửa hiệu thuốc nổi tiếng của người Hoa là Trung Hưng Đường, Hạnh Xuân Đường, Quảng Hoà Đường, Bảo Sinh Đường, Quảng Tế Đường, Nhân Hoà Đường, Đông ích Đường, Anh Hoà Đường...
Đến năm 1954 và sau cải tạo công thương năm 1958, nghề bán thuốc Bắc chỉ còn vài cửa hiệu công tư hợp doanh còn các nhà khác đều đóng cửa, tư nhân không được buôn bán riêng mà phải vào tổ hợp tác, thày lang cũng không được kê đơn kiếm tiền. Nhưng hiện nay nghề buôn thuốc Bắc đã được hồi phục và phát triển lại ở một phần phố Thuốc Bắc và chủ yếu ở phố Lãn Ông. Cả phố Lãn Ông có khoảng 40 nhà mở cửa hàng thuốc sống hoặc đã qua bào chế nhưng chỉ có gần mười nhà là có thày lang kê đơn bắt mạch. Các cửa hiệu này hiện này là của người Việt mở, nguồn hàng cũng do người Việt nắm giữ, đó là dân làng Ninh Hiệp (Gia Lâm). Họ vận chuyển hàng từ các tỉnh Trung Quốc sang. Tuy vậy, vẫn có thể nhận thấy dấu ấn nghề nghiệp mà người Hoa để lại nơi đây còn khá sâu đậm.
Vào thời Pháp thuộc, trên lĩnh vực thương mại, người Hoa luôn đi tiên phong và đã từng nắm giữ những cơ sở lớn. Có thể kể đến nhà máy rượu đầu tiên ở Hà Nội (nay là nhà máy rượu phố Nguyễn Công Trứ) là do một người Hoa kiều tên là Trần Trúc Sơ lập ra, sau bán lại cho các công ty độc quyền của Pháp (Foutaine), nhà máy diêm nhãn hiệu Quả đao (nay là nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo) cũng do hai chủ người Hoa là Tống Chất Thanh và Lương Vĩnh Thái lập ra. Nhà máy gạch hoa đầu tiên ở Hà Nội ở Yên Phụ cũng thuộc về người Hoa. Ngoài ra họ còn nắm phần lớn các xưởng in lớn, như: Cay Minh Sang (49 Bờ Hồ), Tai Pong (45 Hàng Bồ)... nghề chụp ảnh thì có: Mỹ Chương (64 Hàng Bông), Duy Chương (85 Hàng Bồ). Về tơ lụa có: Phan Đức Thành (12 Hàng Ngang), Phan Thái Thành (4 Hàng Ngang), Quảng An Hoà (22 Hàng Ngang), Phan Cự Thành (58 Hàng Ngang), Thái Quảng Thành (10 Hàng Đào). Về kinh doanh sợi bông có: Đông Thái (17 Hàng Ngang), Chí Xương (17 Hàng Ngang), Sinh Hoà Thái (23 Hàng Ngang), Quân Hưng (36 Hàng Ngang), Hựu Xương (17 Hàng Buồm), Khiêm Phong Thái (118 Hàng Buồm) . Lĩnh vực vui chơi giải trí Đối với lĩnh vực này, ngoài một số các rạp chiếu bóng của người Hoa như rạp Cinema Family Hàng Buồm (số 29-31), rạp Quảng Lạc (ở trong ngõ Hàng Buồm nay là phố Tạ Hiện), rạp Sán Nhiên Đài (ngõ Sầm Công) chuyên diễn tuồng cổ và chiếu các phim Hồng Kông, phim kiếm hiệp, phục vụ chủ yếu là cho người Hoa; còn lại phần lớn người Hoa thầu được của chính quyền Pháp quyền nấu thuốc phiện và mở sòng bạc công khai nộp thuế. Các sòng phàn thán được mở suốt ngày đêm, bên cạnh còn tổ chức hát tuồng để thu hút khách đến đánh bạc.
Ngoài ra người Hoa còn mở các sòng đố chữ - một hình thức đánh bạc bằng chữ nghĩa, nhà văn Hoàng Đạo Thuý trong tác phẩm Phố phường Hà Nội xưa đã miêu tả lại và nhận xét như sau: Đố chữ lôi kéo rất đông người, cả một số mũ cao áo dài. Sòng mở ngay ở phố Hàng Buồm, không cần nhà cửa to lớn gì. Đố chữ hay ở chung với phàn thán. Mỗi buổi sáng sòng ra một bài thơ cố nhiên là loại bài thơ hiểu bằng nhiều cách, được người chơi đọc thơ và đuán xem là chữ nào trong số 36 chữ. Đặt tiền, nếu trúng thì thu gấp 36 lần, mọi người bàn tán, nhiều người quả quyết là chữ này chữ nọ. Muốn đánh không phải đến sòng. Đó là chỗ rất ác của cách chơi, gần như mỗi phố có một đại thu tức là người thay mặt sòng mà thu tiền. Chỉ cần đặt tiền và ghi chữ ở chỗ người ấy thôi. Thế là số người chơi lấy ngàn, lấy vạn mà kể. Đến giờ ở cửa sòng đánh một hồi trống rồi mở cái cuốn chữ treo trên cao ra... Đố chữ thành ra việc nghĩ ngợi chính và suốt năm của một số đông người... một người được thì bao nhiêu người thua . Trên đây là sơ lược về các hoạt động kinh tế của người Hoa ở Hà Nội, qua đó có thể thấy họ đã chiếm một vị trí kinh tế rất quan trọng trong nhiều ngành nghề và lĩch vực, tiềm lực chỉ đứng sau tư bản Pháp. Vị trí và vai trò đó đã góp phần làm phong phú thêm các huạt động kinh tế ở Hà Nội, đưa Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế của cả nước và cả Đông Dương . Các quan hệ cộng đồng Cha ông chúng ta thường chiêm nghiệm rằng hoàn cảnh tạo nên tính cách và người Hoa là một trường hợp điển hình chứng minh tính đúng đắn của sự đúc kết đó. Người Hoa đến Việt Nam và Hà Nội đều có có một ý thức sâu sắc về bản thân mình, là thân phận dân ngụ cư hay khách trú. Chính tâm lý đó phần nào tạo nên tính cách của họ trong các mối quan hệ với các cư dân bản địa nói chung và cộng đồng người Hoa nói riêng, thể hiện trên hai phương diện sau :
Tính khép kín của người Hoa
Một đặc điểm không dễ bị phai nhạt, phân biệt cộng đồng Hoa kiều với các cộng đồng dân cư khác, đó là tính cộng đồng và quan hệ thân tộc. Cho dù có đi tới bất kỳ một quốc gia nào, người Hoa luôn có xu hướng quần tụ thành một cộng đồng, một khu vực tách biệt có luật lệ riêng , bên cạnh việc chấp hành luật pháp của nước sở tại. Họ tự tạo cho minh các khu phố với dấu ấn riêng, được gọi là phố khách” hay khu phố Tàu ( China town). Đây thực sự là một hình ảnh thu nhỏ của xã hội người Hoa. Có thể nhận thấy điều đó qua một số dấu ấn của họ ở Hà Nội. Thứ nhất là Hội quán. Đây là nơi người Hoa tập họp và gặp mặt nhau. Về sau này, hoạt động của Hội quán gần như một cơ quan đại diện hành chính của người Hoa. Người Pháp quản lý người Hoa thông qua các bang, hội. Hội quán trở thành nơi giao tiếp giữa chính quyền thuộc địa và người Hoa. Lãnh đạo của hội quán gọi là Quản lý sự vụ.
Ở Hà Nội, người Quảng Đông và Phúc Kiến chiếm đa số nên mỗi bang đều lập ra một hội quán riêng của mình. Bang Quảng Đông có hội quán (22 Hàng Buồm), gọi là Quảng Đông hội quán, bang Phúc Kiến thì có hội quán Phúc Kiến (40 Lãn Ông). Còn người Triều Châu có bang riêng nhưng không có hội quán họ sinh hoạt ở hội quán Quảng Đông. Có thể nói Hội quán là một trung tâm qui tụ các huạt động xã hội của người Hoa, chùa Hoa cũng năm trong Hội quán. Ngoài ra việc bảo trợ các trường học, bệnh viện, nghĩa trang và các tổ chức xã hội , các công việc từ thiện, sinh hoạt công cộng như giúp đỡ nơi bị thiên tai , khó khăn, xây dựng đường xá, đều do Hội quán đảm nhận. Đồng thời Hội quán còn là nơi hội họp bàn bạc các vấn đề chung có liên quan đến cộng đồng người Hoa hoặc quan hệ giữa đồng bào người Hoa với các công việc chung của khu phố, của chính quyền bản địa. Thứ hai là trường học của người Hoa. Lúc đầu trường học có thể được mở ở ngay trong Hội quán nhưng sau đó do yêu cầu ngày càng nhiều, người Hoa đã thành lập các trường riêng cho con em mình. Cụ thể là các trường :
-Trường tiểu học Trung Hoa hay còn gọi là trường Phúc Kiến thuộc Hội quán Phúc Kiến, ở 40 phố Lãn Ông (nay là trường tiểu học Hồng Hà).
-Trường trung học Trung Hoa (được thành lập từ thời Pháp thuộc) vốn thuộc sự quản lý của Hội quán Quảng Đông. Đến năm 1958 thì trường chuyển tới 67 phố Phó Đức Chính và do phía Trung Quốc trực tiếp quản lý, sau này được đổi tên là trường Phạm Hồng Thái (nay được chuyển đến Cống Vị ).
-Trường Sư phạm Hoa kiều (thành lập năm 1959), chủ yếu là đào tạo giáo viên ra dạy cho các trường có con em người Hoa . Lúc đầu nội dung giảng dạy chủ yếu là do các giáo viên tư thục tự biên soạn về sau các trường dựa theo hệ thống giáo dục của Trung Hoa dân quốc.
Từ những năm 50, hệ thống giáo dục Hoa văn ở Hà Nội nằm dưới sự hướng dẫn và điều hành của Uỷ ban kiều vụ Trung Quốc. Ngôn ngữ giảng dạy chính ở các trường Hoa là tiếng Bắc Kinh ( tiếng phổ thông), song các phương ngữ (như tiếng Quảng Đông, tiếng Phúc Kiến, tiếng Triều Châu...) cũng được học. Giáo viên đa số là từ Trung Quốc tới. Các tài liệu, sách giáo khoa cũng nhập từ Trung Quốc sang... Do các trường Hoa chủ yếu là dạy tiếng Trung nên trẻ em người Hoa và Hoa kiều tốt nghiệp không đọc và nói được tiếng Việt. Điều này làm cản trở tới quá trình hội nhập văn hoá-xã hội của người Hoa với cư dân bản địa. Vì vậy từ năm 1972, tất cả các trường chuyên giáo dục Hoa văn dành cho con em người Hoa chuyển sang dạy bằng tiếng Việt là ngôn ngữ chính còn tiếng Hoa trở thành môn học ngoại ngữ.
Thứ ba là bệnh viện. Ban đầu người Hoa chưa có bệnh viện riêng của mình nhưng do tình cảnh có rất nhiều người Hoa nghèo khổ khi ốm đau lại không thể đến bệnh viện của người Pháp. Vì vậy những người trong cộng đồng đã quyên góp tiền để thành lập ra một bệnh viện từ thiện chủ yếu là dành cho những người ốm đau nhưng không có tiền bạc, không có người thân chăm sóc. Đó là bệnh viện mang tên Thọ Khương (nhưng người dân hay gọi là Nhà thương khách) ở 17 phố Hoè Nhai (phố Nhà thương khách). Từ năm 1958, với sự giúp đỡ của sứ quán Trung Quốc, bệnh viện được khôi phục và phát triển; sau đó đổi tên là bệnh viện Hữu nghị. Tuy vậy qui mô còn rất nhỏ, bệnh viện chỉ có khoảng 20 giường bệnh, 3 bác sĩ và một số y tá. Bác sĩ cũng là người Hoa kiều và được đào tạo ở Trung Quốc. Hiện nay bệnh viện được mang tên là bệnh viện Y học dân tộc.
Thứ tư là nghĩa trang. Trong thời Pháp thuộc, người Hoa đã từng có nghĩa trang riêng của mình, họ tự bỏ tiền ra mua đất, cụ thể là nghĩa trang của người Quảng Đông ở khu vực Láng (được gọi là Cựu nghĩa trang), của người Phúc Kiến thì thuộc khu Quần ngựa (được gọi là Nghĩa trang Phúc Kiến, ở phố Đội Cấn ngày nay).
Thứ năm là báo chí. Cộng đồng người Hoa trước đây cũng có những tờ báo riêng của mình, được viết bằng tiếng Hoa, đó là các tờ Thái Bình Dương, Thanh Niên; nội dung chủ yếu là đăng tải các vấn đề có liên quan đến Hoa kiều tại Việt Nam. Sau khi miền Bắc được giải phóng, với sự đồng ý của Đảng Cộng sản Việt Nam, báo chí của người Hoa đều nằm dưới sự quản lý của sứ quán Trung Quốc và được gọi là tờ Tân Việt Hoa (thành lập 1/8/1956, địa chỉ ở 105 Quán Thánh). Đây là một tờ ngôn luận của tổng hội liên hiệp Hoa kiều Việt Nam, mỗi lần ấn loát có tới 30.000 bản với nội dung đăng tải các chính sách của hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Đến năm 1976, Tân Việt Hoa ngừng hoạt động cùng với sự giải tán của Hội liên hiệp hoa kiều miền Bắc.
Người Hoa sang đây cư ngụ luôn luôn giữ đặc tính tập quán của họ, ít hoà lẫn với người bản xứ, phụ nữ Hoa không lấy chồng người Việt, đàn ông Hoa có thể lấy vợ Việt, có con thì con sẽ là người Tàu, vợ là thím khách. Con lớn lên nhiều khi bị đưa về Trung Quốc. Nhiều Hoa kiều, nhất là phụ nữ sinh sống ở Việt Nam lâu năm mà không biết tiếng Việt. Tuy nhiên tính cách khép kín của người Hoa không chỉ thể hiện trong mối quan hệ với người Việt mà còn ngay cả trong cộng đồng người Hoa. Đó là sự phân chia ra nhiều bang (Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu...), cơ sở cho sự phân biệt này có lẽ bắt đầu từ nguồn gốc địa phương, ngôn ngữ, nếp sống sinh hoạt khác nhau ...và dẫn đến sự phân chia nơi cư trú, các lĩnh vực hoạt động kinh doanh, xã hội... của người Hoa tại Hà Nội. Tính mở Đây là điều rất quan trọng đối với giới Hoa thương, trong việc tạo mối quan hệ tốt với chính quyền và các quan chức.
Một phần tính cách đó được tác giả Hoàng Đạo Thuý miêu tả như sau Họ nhìn xa, chiêu đãi hậu hĩnh cả những người mà hình như chả bao giờ liên quan đến họ cả rồi một bữa nào đó mới phiền tí chút thôi...Gặp ông tổng đốc thanh liêm thì ngày tốt họ bày một đám rước, đến biếu một bức hoành phi, chữ rất tốt: Quan thanh, dân lạc, có nghĩa là quan thanh liêm thì dân vui vẻ, không đưa lễ lạt gì cả. Thế là khó mà từ chối được. Với ông quan nói được thì họ thi hành cái thuật cổ truyền là ngón trà thuỷ trong việc buôn bán, bao giờ họ cũng trừ sẵn món ấy là mấy phần trăm, coi là việc tất nhiên. Một khi đã giàu thì họ giao thiệp càng rộng, càng khéo và lại càng giàu nhanh hơn nữa. Lần nào Hoa thương cũng có người giúp Pháp mà vẫn làm ra vẻ làm việc cho quan ta. Nhưng xét cho cùng điều đó cũng bắt nguồn từ hoàn cảnh và ý thức về bản thân của người Hoa. Bởi đối với xã hội bản địa, họ chỉ là một dân tộc thiểu số, vì các lý do mà phải rời bỏ đất nước để đến một miền đất mới, xa lạ. Người Hoa nghĩ hiểu rằng họ không thể trông mong vào sự bảo vệ của chính phủ nước mình cũng như chính phủ sở tại, họ chỉ có thể dựa vào chính bản thân mình để tồn tại và vươn lên tìm một chỗ đứng trong xã hội.
Nhìn chung người Hoa đều tự nguyện hoà đồng với người dân Hà Nội, họ tham gia các công việc chung của xã hội như việc xây dựng đường xá, bệnh viện, quyên góp tiền cho những nơi bị thiên tai... Sau này trong hai cuộc kháng chiến của người dân Việt Nam còn có một lực lượng không nhỏ người Hoa tham gia và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam . Chính thái độ hoà mình của người Hoa và tinh thần không kỳ thị của người Việt đã tạo ra sự đan xen các yếu tố văn hoá Hoa, Việt trong cuộc sống thường ngày. Như trong tín ngưỡng, thần tài vốn là một vị thần của người Hoa nhưng về sau nhiều gia đình người Việt cũng thờ, còn trong sinh hoạt đời thường, có rất nhiều món ăn Tàu như tào phớ, đậu phụ, mỳ vằn thắn, cháo quẩy, chí mà phù... đã trở thành những món ăn phổ biến và quen thuộc với người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng.
Dấu ấn văn hoá Người Hoa đến Việt Nam chủ yếu là muốn được an cư lạc nghiệp, xây dựng một cuộc sống mới trên quê hương mới vì vậy xu hướng hoà nhập đã dần dần trở nên rõ nét. Tuy nhiên những đặc trưng của con người Trung Hoa, nếp sống sinh hoạt Trung Hoa vẫn được họ bảo tồn trong cuộc sống thường ngày cũng như cuộc sống tâm linh. Do vậy có thể coi người Hoa như một phương tiện chuyển tải sống những dấu ấn Trung Hoa. Dấu ấn ấy được thể hiện trong: Sinh hoạt thường ngày Quang cảnh sinh hoạt của người Hoa ở các khu phố Hà Nội là một thế giới riêng, không lẫn được với các phố của người Việt hay người Tây. Những ngôi nhà của họ (ở các phố như Hàng Buồm , Hàng Ngang , Lãn Ông , Thuốc Bắc ...) thường có dạng hình ống, bề ngang thì hẹp, chiều dài sâu . Bố cục của các ngôi nhà nay thường là: gian ngoài là chỗ bán hàng hoặc làm hàng, tiếp đó là một khoảng sân lộ thiên để lấy ánh sáng, gian trong mới là nơi ăn và tiếp theo là khu phụ. Đa số là nhà một tầng, nhà vừa là một xưởng thủ công vừa là cửa hàng và nới sinh huạt gia đình. Bên ngoài nhà có treo các biển tên (nếu nhà mở cửa hàng) dọc cánh tường , chiếc dài, chiếc ngắn, sơn son chữ thếp vàng. Nhiều cửa hàng ngoài hiên còn có treo thêm đèn lồng phết giấy bóng dán chữ. Trong cửa hàng thì tủ kính treo sát tường cao ngất đến sát trần nhà, giữa sàn có một lỗ vuông thông to xuống giữa nhà để chuyển hàng.Quầy hàng cao có bàn tính, sổ sách. Bên cạnh quầy hàng có vài chiếc kỷ dài để tiếp khách. Chiếc bàn tròn để ăn cơm chung được kê giữa nhà cùng với vài chiếc ghế đẩu.
Đối với chuyện ăn uống thì người Hoa tương đối cầu kỳ hơn người Việt, trong một gia đình trung lưu, mỗi bữa ăn thường có khoảng 5 món (gồm một bát canh và 4 món khác). Tuy nhiên cùng là người Hoa nhưng khẩu vị mỗi vùng cũng có sự khác biệt. Người Quảng Đông sành ăn hơn người Phúc Kiến, Triều Châu. Có thể thấy điều đó qua một số món ăn của họ tại Hà Nội. Điển hình là món mỳ vằn thắn. Món ăn này xuất hiện ở Việt Nam từ trước những năm 30, theo bước chân của người Quảng Đông di dân sang Việt Nam . Nguồn gốc của nó là ở dải đất Long Khê, Phúc Kiến, Tô Châu. Bát mỳ vằn thắn còn được gọi là mỳ sủi cảo, nhưng vằn thắn là từ chữ vân thốn (có nghĩa là “nuốt mây ), ý muốn nói là ăn vào nhẹ nhàng như nuốt mây. Còn sủi cảo là bánh có chan nước dùng. Bát mỳ vằn thắn gồm một vốc nhỏ mỳ sợi, vài lát gan lợn chín, năm viên thịt băm ướp thơm được gói bằng một lớp bột mỳ cán mỏng, hai lát trứng luộc, mấy lát sá xíu (thịt nướng), vài cánh nấm hương và miếng bóng thủ trắng muốt, mấy nhánh cải cúc. Sau khi đã bày lên những món kể trên thì mới chan nước dùng. Đó là một bát mỳ vằn thắn điển hình nhưng bí quyết để làm nên một bát mỳ vằn thắn có chất lượng cao lại năm ở khâu nước dùng. Chế nước dùng là cả một nghệ thuật, nước được triết xuất từ xương gà, xương lợn, tôm he, sái sùng và vài vị thuốc Bắc.
Khác với người Quảng Đông, người Triều Châu do xuất xứ là vùng biển nên sở thích của họ là các món ăn được chế biến từ hải sản. Món ăn bình dân nhất là cháo hoa đặc sánh ăn với cá mắm khô đó là thói quen của họ khi kết thúc bữa ăn chiều. Sự khác biệt về ăn uống giữa các vùng địa phương của Trung Quốc đã được thâu tóm thành một câu tục ngữ như sau: Nam ngọt, Bắc mặn, Đông cay, Tây chua. Sang Việt Nam , người Hoa vẫn giữ cho mình những đặc điểm đó, tuy nhiên theo thời gian các món ăn của họ cũng có sự biến đổi ít nhiều. Chẳng hạn như món mỳ-vằn thắn của người Quảng Đông trải qua một nhiều thập kỷ gia giảm , cải tạo và chế biến, mới định hình được món mỳ-vằn thắn như ngày nay với mùi vị nhẹ nhàng, thanh tao, nước dùng trong không ngấy và cũng không còn mùi vị thuốc Bắc nữa.
Về trang phục, người Hoa không khác người Việt là mấy, tuy nhiên vẫn có thể phân biệt họ qua quần áo. Quần áo thường ngày chủ yếu là áo cánh sẫm hoặc áo cố y - một loại áo dài may sẵn theo kiểu Việt Nam (cả nam và nữ đều có thể mặc được), có thể dùng làm áo mặc rét. Quần áo của phụ nữ Hoa thường là áo dài trùm mông và cài cúc ở bên nách phải. Đối với ngày lễ Tết hay những dịp đặc biệt quan trọng, các cô gái Hoa được nhận biết qua bộ xườn xám (còn gọi là áo dài Thượng Hải). Học sinh người Hoa cũng có những qui định về đồng phục không lẫn với học sinh Việt, chủ yếu là học sinh trung học, đối với con gái thường là áo sơ mi trắng và váy đen dài quá đầu gối, còn đối với con trai là bộ kaki vàng gồm quần soóc và áo sơ mi, giày và tất đen. Đời sống văn hoá tinh thần Dấu ấn văn hoá Hoa không chỉ thể hiện trong sinh hoạt hàng ngày mà còn thể hiện đậm nét trong đời sống tinh thần của người Hoa kiều, với các phong tục tập quán vô cùng phong phú và đa dạng. Thứ nhất là tín ngưỡng và tôn giáo.
Các hình thức tín ngưỡng, tôn giáo của người Hoa tập trung phần lớn ở Hội quán. Ở Hà Nội hiện còn hai di tích vốn là hội quán của người Quảng Đông và Phúc Kiến. Trong hai hội quán thì Quảng Đông hội quán được xây dựng sớm nhất, từ những năm đầu thời Gia Long (1803). Khi xây dựng hội quán này, bang Quảng Đông đã gửi thư cùng với bản đồ kiến trúc cho các Lý sự hội ở các nước để xin quyên góp tiền, tiếp theo họ lại về Trung Quốc thuê thợ và mua các nguyên vật liệu mang sang. Vì thế Quảng Đông hội quán được xây dựng với qui mô lớn, tiêu biểu cho kiến trúc Trung Hoa: gạch đỏ ngói màu, tường nóc trang trí hoa lá. Trong hội quán thờ Quan Công và Thiên Hậu. Hội quán Phúc Kiến được xây dựng muộn hơn, vào năm 1926, qui mô không bằng Quảng Đông hội quán nhưng khi xây dựng còn xây thêm hai ngôi nhà gác ở hai bên để cho thuê lấy lợi tức.
Khác với bên Quảng Đông, hội quán Phúc Kiến chỉ thờ Thiên Hậu vì tương truyền bà là người Phúc Kiến. Cả hai hội quán này đều được xây dựng theo kiến trúc Trung Quốc cổ truyền, được gọi là hình chữ quốc hoặc chữ khẩu. Có thể nhận ra do kết cấu của các dãy nhà khép kín vuông góc nhau và tạo ra một khoảng không gian ở giữa sân gọi là sân Thiên tỉnh (giếng trời). Không gian của hội quán bao gồm các phần chủ yếu: 1. Cổng, cửa: Các tấm cửa được kiến tạo khá công phu bằng gỗ quý chắc chắn, chạm trổ, trang trí trên cửa, vòm cửa. 2. Tiền điện: Là gian trước ngay sau khi bước vào cửa, gian tiền điện được bài trí thoáng đãng. 3. Trung điện: Là nơi bày các bộ lư hương cỡ lớn bằng đã, xi măng có cẩn gốm sứ, một số bàn để đặt lễ dâng cúng. 4. Chính điện: Là gian thờ chính, nơi đây đặt bàn thờ, hương án của vị thần được thờ chính. 5. Sân thiên tỉnh: Đây là một khoảng sân trống bên trong không lợp mái gọi là sân thiên tỉnh. 6. Các hành lang và các gian nhà phụ: thường nằm hai bên chính điện, nối giữa các điện thành một lối đi. Các hành lang tạo nên một không gian chuyển tiếp giữa các điện thờ. Những nhân vật mà người Hoa chọn thờ ở hội quán đều mang một ý nghĩa tinh thần rất cao.
Vì người Hoa là những người đi tha hương, đến một miền đất mới, họ phải sống dựa vào nhau, đùm bọc lẫn nhau; cho nên họ tôn thờ Quan Công. Bởi ở ông, người ta thấy rõ nhân cách cao thượng của người quân tử, lòng tự trọng cao cả vì danh dự cá nhân, tính rộng lượng và thương người, tình thương và lòng chung thuỷ đối với người thân, bạn bè, sự chính trực, công minh, tinh thần trách nhiệm và sự hy sinh vì nghĩa lớn. Người Hoa tôn sùng ông, coi ông là Vạn cổ nhất nhân (xưa nay chỉ có một người) hay Vạn cổ tinh huy (Vì sao sáng muôn đời), Nghĩa khí quần hùng (khí tiết của Quan Công tập họp được mọi anh hùng). Vì vậy thờ Quan Công, người Hoa muốn định hướng nhân cách của mình và gia đình theo khí tiết nhân, nghĩa, dũng, tín ... như Quan Công. Và đó sẽ tạo nên sức mạnh liên kết những người Hoa với nhau. Chính vì vậy tín ngưỡng thờ Quan Công là một hiện tượng tâm linh phổ biến trong người Hoa, không phân biệt địa phương nào. Ngoài thờ Quan Công, người Hoa còn rất coi trọng việc thờ Thiên Hậu, đặc biệt là người Phúc Kiến. Bà Thiên Hậu tức Thiên Hậu thánh mẫu, người Quảng Đông gọi bà là A Phò (đức Bà), người Phúc Kiến và Hải Nam gọi là Đại mẫu, người Việt gọi bà là Thiên Hậu. Tương truyền Bà sinh ngày 23/3 (Âm lịch) năm 960 dưới triều đại nhà Tống và mất ngày 19/2 (Âm lịch) năm 987. Bà là người Phúc Kiến, từ nhỏ đã có tài tiên đoán chính xác tương lai của những người thân. Đặc biệt bà có lần cứu sống các anh trai trong một vụ đắm tàu ngoài biển khơi bằng những lời cầu nguyện và phép lạ. Sau khi mất, Bà thường hiển linh rất nhiều lần và ở nhiều nơi trên biển Đông để cứu tàu thuyền và những người đi biển bị nạn trong phong ba bão táp. Về sau các hoàng đế Trung Hoa đã nhiều lần phong tặng Bà các danh hiệu cao quí. Đến 1682, hoàng đế nhà Thanh xưng tặng Bà là Thiên Hậu Thánh Mẫu và Bà trở thành vị thần cứu hộ cho những người đi biển. Vì Vậy những người có gốc tích từ các vùng biển luôn xem Thiên Hậu Thánh Mẫu là vị thánh nhân cứu trợ thiêng liêng nhất. Vào ngày vía của Quan Công (13/1 Âm lịch) và Thiên Hậu (23/3 Âm lịch) có rất đông người Hoa săm sửa lễ vật đem đến cúng lễ. Tuỳ theo tích chất và tập tục của các nhân vật thần linh mà lễ vật dâng cúng cũng khác nhau. Với Quan Công, người ta thường cúng chay, lễ vật là hoa quả hương đèn, với Bà Thiên Hậu là cả một con heo quay. Một phần lễ vật dâng cúng xong sẽ được để lại cho nhà chùa và chia cho những người ăn xin , ăn mày để làm phúc, còn lại sẽ được mang về nhà như phần lộc mà thần linh ban tặng cho gia đình, gia chủ.
Cùng với việc thờ Quan Công và Thiên Hậu ở các hội quán, người Hoa còn đi cúng lễ riêng ở các đền chùa như đền Tây Sương, đền Bạch Mã ở Hàng Buồm vì trong đó có thờ thêm Mã Viện, đền Ngọc Sơn (bên trong có thờ Quan Công), đền Sầm Công (thờ Sầm Nghi Đống). Tại gia đình, ngoài tín ngưỡng thờ tổ tiên, người Hoa còn thờ một số vị thần, chủ yếu là thần thổ công, thần tài, phật Di lặc... Họ thờ cúng thổ công là để xin sự yên lành trong gia đình, tránh ốm đau, hoả hoạn, cây trồng xanh tươi nhiều hoa quả, vật nuôi chóng lớn, trẻ em mạnh khoẻ ... Thờ thần tài, người Hoa cầu xin được làm ăn phát đạt, buôn bán thuận lợi, thu nhiều lợi nhuận, có nhiều khách hàng. Thờ phật Di lặc, họ cầu mong một niềm vui, sự phấn khởi không bao giờ chấm dứt trong cuộc đời... Có thể nói hệ thống tín ngưỡng thần linh mang tính ước vọng đã tạo cho người Hoa một niềm tin, một sức sống và một hy vọng về tương lai nơi quê hương mới.
Thứ hai là ngày lễ, Tết. Đối với người Hoa, trong một năm có rất nhiều ngày lễ lớn có ý nghĩa quan trọng , đó là những ngày sau : Ngày Tết: Cũng như người Việt , người Hoa coi ngày Tết cuối năm có một ý nghĩa rất quan trọng, đó là sự kết thúc một năm cũ đã qua và đón chào một năm mới đang đi tới .
Lễ Tết của người Hoa bắt đầu từ ngày cuối năm của tháng chạp năm cũ và kéo dài cho đến rằm tháng giêng mà họ gọi đó là Tết Nguyên Tiêu. Lễ Tết Nguyên Tiêu là đặc trưng lễ Tết của người Hoa, mọi hoạt động tập trung nhất của tín ngưỡng và văn hoá truyền thống đều được biểu hiện trong dịp lễ này.
Lễ Sóc Vọng: Là một loại lễ nghi có tính định kỳ về thời gian (đầu tháng và giữa tháng) vào ngày mồng một và ngày rằm của tháng. Ngày mồng một là ngày khởi đầu của một khoảng thời gian và thường là ngày khởi đầu của một công việc quan trọng hoặc có tác động đến tâm lý cá nhân. Ngày rằm là ngày trăng tròn và sáng nhất trong tháng, người Hoa tin tưởng vào ngày ấy công việc của bản thân được soi sáng, lời ước vọng dễ đạt tới sự thông hiểu của các đấng thiêng liêng. Chính vì vậy ngày rằm số người đến chùa dâng hương nhiều hơn ngày mồng một.
Lễ Hàn thực: người Hoa thường tổ chức vào ngày 3/3 Âm lịch, để báo hiệu sự kết thúc thời tiết giá lạnh của mùa đông.
Trong tháng 3 âm lịch còn có lễ Thanh Minh nhằm qui tụ các thành viên trong gia đình chăm sóc mồ mả của tổ tiên, cha mẹ một lần trong năm.
Lễ rằm tháng bảy (Âm lịch): Đây cũng là một dịp lễ nghi lớn mang tính cộng đồng dành cho sự tưởng nhớ và chăm sóc tinh thần cho những người đã khuất không có người thân cúng viếng, những người nghèo và hoạn nạn chết không mồ mả để lại, những người có tội lội nghiêm trọng khi còn sống...
Lễ Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch). Trong dịp lễ này , người Hoa thường có tục lễ đem lễ vật biếu tặng ông bà cha mẹ còn đang sống, con rể thăm viếng và biếu tặng quà cho cha mẹ vợ, học trò đến thăm và biếu quà cho thày... Giữa buổi trưa đúng ngọ vào ngày 5/5, người Hoa có tục đi hái lá thuốc để chữa bệnh hoặc chế biến dược liệu lấy vận may suốt năm cho nghề đông dược.
Thứ ba là tục lệ. Ngoài tục cúng vía các thánh nhân, người Hoa còn có rất nhiều tục lệ khác nhau.
Tục lệ phóng sinh: xuất phát từ nguồn gốc Phật giáo, người Hoa thường mang đến chùa những con chim sẻ, cá chép, rùa để thả chúng lên trời hoặc xuống hồ ao, bể nước; gọi là phóng sinh. Những con vật nói trên được vốn bị đem bán để ăn thịt, giờ đây lại được sống trong môi trường cũ nhờ có những người mua về và đem thả. Người thực hiện tục lệ phóng sinh ước vọng một sự may mắn và bù lại những lỗi lầm trong cuộc sống bằng hành động từ thiện.
Tục lệ bố thí: thường được thực hiện thường xuyên ở các chùa vào những dịp cúng viếng. Sau khi cúng viếng xong, người đi cúng thường bố thí tiền bạc, lễ vật cúng cho những người nghèo khó tập trung hai bên cổng chùa. Thực hiện bố thí, người Hoa ước vọng thần linh chứng giám, để giúp họ nhiều may mắn vì họ đã làm việc thiện.
Tục lệ phước sương: là tục lệ đóng góp vào công ích để tu bổ chùa miếu, trợ giúp ngưòi nghèo, lập trường học, bệnh viện, nghĩa trang... Trong các chùa Hoa có các thùng gọi là Phước Sương; mỗi khi lên chùa, bà con người Hoa thường ít nhiều góp tiền cho chùa bằng cách bỏ tiền vào các thùng Phước Sương.
Tục vay tiền làm ăn: Người Hoa tin ở sự hiển linh của các vị thần thánh là ở việc vay tiền của các thánh thần để làm ăn buôn bán. Việc vay tiền này có tính chất tượng trưng, thể hiện qua các lời cầu khẩn hoặc nhận một lễ vật ước lệ như quả quít, một con giống bằng bột nơi bàn thờ.
Tục Cầu tự: Những người phụ nữ Hoa hiếm muộn hoặc chưa có con trai, khó khăn trong đường con cái, tin rằng có thể đến chùa để cầu xin sự trợ giúp ban phát của các vị thần cho mình con cái. Thường việc cầu xin diễn ra ở bàn thờ mẹ Thai Sinh hoặc Ngũ hành nương nương, với một lễ vật gồm bánh trái, hương hoa, đèn nến.
Tục tắm gội các pho tượng: Hàng năm đến ngày vía Bà Thiên Hậu, các phụ nữ người Hoa thường tổ chức lễ tắm gội cho Bà Thiên Hậu. Tục xin xăm, bói toán: Người Hoa đến chùa ngoài việc cầu khấn các vị thần thánh còn để xin xăm, bói toán, đoán định tương lai của bản thân và công việc làm ăn hoặc tình hình gia đình...
Có thể thấy đời sống tín ngưỡng và những hoạt động tinh thần thể hiện qua tín ngưỡng, những ngày lễ Tết, những phong tục... có một ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với cộng đồng ngưòi Hoa. Qua đây ta cũng thấy tín ngưỡng, phong tục của người Hoa rất gần gũi, thân quen với tín ngưỡng phong tục của người Việt. Đó chính là điều kiện tạo nên sự hoà nhập của người Hoa vào cộng đồng Việt đồng thời tạo nên một nền văn hoá tinh thần mang bản sắc Hoa-Việt. Từ thuở xa xưa, đất nước Việt Nam đã trở thành đất lành để cho những con chim xa lạ đến đậu.
Câu nói này hoàn toàn đúng sự thật đối với những người Trung Quốc, khi những người này vì lẽ gì đó phải rời bỏ đất nước mình sang sinh sống ở Việt Nam . Và một trong những địa danh mà người Hoa chọn làm nơi sinh cơ lập nghiệp, đó là Thăng Long - Hà Nội. Người Hoa ở Hà Nội có chiều dài lịch sử và số lượng có thể chưa lớn bằng các nơi như Phố Hiến, Hội An hay ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng dấu ấn mà họ để lại đây vẫn còn khá rõ. Mặc dù qua các biến động lịch sử, qua sự thích ứng với đời sống xã hội, những dấu ấn Hoa đã mờ nhạt dần song ta vẫn thấy nó còn lưu lại trong không gian văn hoá của những phố cổ Hà Nội và trong cả tâm trí của người Hà Nội xưa. Đó là những nhận thức về một cộng động đặc biệt, khá khép kín, mang tính chất kiều dân nhưng lại gắn bó sâu sắc với những bước thăng trầm của lịch sử Hà Nội. Hiện nay người Hoa ở Hà Nội không còn nhiều và nếu còn cũng đã hoàn toàn hoà nhập với cộng đồng người Việt, vì vậy việc giữ gìn và bảo vệ những dấu ấn văn hoá Hoa, thiết nghĩ càng trở nên quan trọng hơn. Điều đó không chỉ giúp cho những thế hệ người Hoa sau này hiểu về lịch sử của cha ông họ mà còn giúp người Việt hiểu thêm về người Hoa - một bộ phận trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam .



Trinh Nguyen Vu

1 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Nhớ ngày xưa cứ thấy ông Trệt đầu đội nón Tàu, đẩy xe bán phá xang hay quảy gánh bán chế mà phò, bát bảo... dọc đường Trần Phú.
MỘt bài viết tỉ mỉ, sâu sắc, công phu về cộng đồng người Hoa ở HN.