Hôm rồi ra đá bóng ở sân QK7, thấy cậu đầu hoi hói quen quen thì hỏi bác Lễ: "Thằng Cường "hói" từ Ba Lan về, phải không anh?". "Ừ, nó cùng đá ở góc sân này". Vậy là bao kỉ niệm cách đây 20 năm được tái hiện... "Nó là con ông Đức "bánh cuốn" ở Vac-sa-va. Ngày em bên đấy, nó còn là sinh viên, hình như dưới vùng mỏ...".
... Cuối 1990, sau khi "chuyển ngành" ra Hội Tin học, tôi bay sang Nga rồi Ba Lan "đi kiếm sống". Nhắc về thời đó, nhớ chú Hữu Việt có câu: "Trí thức VN giàu về tri thức nhưng nghèo về tiền bạc, "bụng đói đầu gối phải bò", vậy là có những chuyến "vượt biên hợp pháp" sang châu Âu tự do - nơi từng du học những năm 1970, 80 - kiếm sống".
Những bịch áo gió, xịp "bông hồng", áo thêu nhũ đầu con hổ, hộp cao sao vàng... được đánh từ HN bằng đường không sang sân bay Ô-kiêng-che, chỉ làm thủ tục nhập khẩu (với giá vài ba cent 1 sản phẩm - dám lừa cả hải quan Tây!) rồi chở về, giao cho các tốp thực tập sinh, nghiên cứu sinh đi khắp các chợ của đất nước (mà quốc kỳ có hình 2 con đại bàng đen) bán. (Nghĩ lại mới thấy, khi đó Ba Lan vừa chuyển qua cơ chế thị trường, dân vẫn quen sống bao cấp nên hàng Việt tuy hơi xấu về chất lượng (thậm chí áo gió 3 lớp sau này đóng cả bèo khô bên trong) nhưng giá cả hợp lí (hạt dẻ) vẫn hấp dẫn mấy bà, mấy cô già (mà trong xã hội nào thì người nghèo vẫn là đa số!).
Chú em Thạch, ngày đó là nghiên cứu sinh ở Bách khoa Vac-sa-va, đã giúp rất nhiều. Chú có chiếc xe con Lada 2107 (hồi ấy là xịn lắm!), lại thạo tiếng (còn gọi là "tiếng dài") nên giúp nhận hàng, vận chuyển, lại có cả kho bãi (thuê Tây). Vậy là ở giữa làm "khâu phân phối". Ấy là chuyện làm. Còn ăn thì thế nào?
Bên đó mỗi lần ra rẹt (restaurant) ăn nhậu là rất đắt. Có mấy nhà hàng VN (ở trung tâm có nhà hàng Đông Nam của vợ chồng Chu, ở Bronnevxliego có Rồng Vàng...) nhưng giá cả chát ra phết. Phải kiếm quán vừa ngon, vừa rẻ (còn bổ thì quá bổ rồi, thịt Tây mà!). Nghe đồn ở trung tâm, trên tầng 10 của cao ốc (chỉ xa ga trung tâm 1 bến xe điện) có hàng bánh cuốn VN, vậy là anh em mò tới.
Vào cửa, vào thang máy rồi bấm nút lên tầng 10. Bên đó 1 tầng chỉ có đúng 4 căn hộ. Nhà nào biết nhà nấy. Vừa bấm chuông, thấy lấp ló ánh sáng ở lỗ nhìn bảo vệ (à, bác này sợ bị chấn?) rồi cửa mở. Nghe oang oang ngay cái giọng HN: "Mời các chú vào!", ông chủ vừa nói vừa lau tay vào tạp dề. Thạch giới thiệu: "Đây là bác Đức chuyên bánh cuốn. Còn đây là ông anh mới ở VN vừa sang làm ăn". Ông ta hùa theo: "Cứ gọi là Đức "bánh cuốn" cho tiện. Tôi người HN chính hiệu đấy nhé!". "Vâng, chào ông anh, em cũng Hà Lội!". Cả 2 cùng cười. Quen nhau từ đó.
Căn hộ này chỉ chừng 50m2, với 2 phòng (ngủ và sinh hoạt chung kiêm bếp). Mọi thứ bố trí gọn gàng. Giữa nhà là cái bàn đủ cho 4 người ăn. Có cửa sổ nhìn xuống lộ lớn chạy ra ga trung tâm.
- Chỉ vợ chồng tớ ở đây, còn thằng con đang học dưới tỉnh. - anh Đức xởi lởi - Nào, bánh cuốn nhân thịt lợn nhé! (Sau này mới biết ông ta làm cả nhân thịt gà). Mỗi người chén mấy cái?
Rồi chủ quán nhanh tay múc nước gạo từ chậu lên tráng bánh, bà chủ thì xào thịt băm, trải nhân lên bánh, cho thêm tí hành phi. Bánh cuốn nóng, mỏng tang, thơm nức mùi hành, thịt được bày lên bàn. "Nước chấm pha từ nước mắm Phú Quốc đây. À, làm tí cà cuống cho thơm chứ?", nói rồi ông chủ lấy công-tờ-hút nhỏ cho 1 giọt. Phải nói xa quê mà chén được bữa bánh cuốn nóng như thế này thì quá là sướng.
Vừa ăn, vừa nghe ông anh kể chuyện: "Nhà tớ ở không xa dốc Bà Triệu. Vì thằng con học bên này nên cả 2 vợ chồng tìm kế bay sang kiếm sống và lấy tiền cho nó ăn học. Không có tiền thì mình làm dịch vụ. Dễ nhất là mở nhà hàng ăn nhưng lớn thì phải có địa điểm, có nhiều tiền để thuê mặt bằng, lại phải thuế khóa nữa; mà tiếng tăm thì không biết. Thôi thì "đi theo lối nhỏ", vợ chồng tôi cứ âm thầm mở nho nhỏ thế này cũng kiếm được.
Cối xay bột thì mang từ nhà sang. Chú hỏi mang thế nào ư? Cũng khó phết vì cối nào cối ấy nặng hơn chục kí, mà hàng bagage chỉ được gửi có 25 kí. Vậy là tớ chi tiền cho bọn hàng không, thế là nó dán cho cái tem "hàng xách tay". Mẹ, xách tay cái gì, "ôm tay" mới đúng. Nặng chịch. Lên tầu bay thì để dưới chân, chỉ vất lúc lên, xuống tầu. Ai nhìn thấy cũng ngạc nhiên. Bọn Tây cứ tưởng mình mang bom, nhưng có tem an ninh dán hẳn hòi, khi soi qua máy phát hiện kim loại thì chả thấy kêu ca gì. Nhờ có nó mới xay được bột mịn, mới làm được bánh. Còn bếp, nồi tráng bánh thì đơn giản. Vải màn thiếu gì...".
Nghe bố kề mà cười chảy nước mắt. Chén xong còn có ấm trà Thái đậm đà, thơm ngon. Góc nhà có cây đàn, tôi xin được đệm hát mấy bài về HN. Nghĩ bụng làm thế bố mày sẽ giảm cho vài giá. Hát xong, bố mày vỗ tay, khen; "Hay quá, hay quá! Ông hát làm tôi nhớ HN. Lần sau lại đến hát nhé!".
Một bữa no nê, ngon lành, đứng lên Thạch móc ví trả đến cả trăm đô. Lão Đức nháy mắt, cười: "Ăn bánh cuốn ta ở bên Tây mà! Đã tính cả giọt tinh dầu cà cuống Thái rồi đấy".
Vừa ra cửa lại thấy 1 nhóm 4-5 lính Cộng bước ra khỏi cầu thang, vào quán.
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- NHỚ DUY ĐẢO
- MỘT ĐỜI NHỚ NHAU (Trần Phong k5)
- Thăm tư gia của Nhất Trung
- Lần đầu công bố: Những phút cuối cùng của Lưu Thế Dũng (Tư liệu gia đình)
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
- SINH VIÊN QUÂN SỰ CÙNG NHỮNG CHUYẾN TẦU (KQ)
- Câu đối của dân Đè Nẽng (Hoài Lưu k5)
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
Kỉ niệm hay của anh em từng sống ở BL.
Đăng nhận xét