Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Gặp những người của công chúng (Kháng Chiến)

Anh Giang (trái) cùng tác giả.
Sáng thứ bẩy 21-4 -2012, Hoàng Vĩnh Giang - ông bạn vàng từ thủa thò lò mũi, cùng học lớp 1 tại Trường thiếu nhi Việt Nam tại Quế Lâm (sau đó cùng học, cùng tốt nghiệp lớp 10 tại  trường Phổ thông III B, niên học 1964-1965) - gọi điện, báo đang ở Sài Gòn, vừa xong công việc, muốn rủ ăn bữa trưa cùng nhau tán phét.
Giang còn nhắn thêm có hai ông bạn già, nguyên học sinh Hà Nội cùng dự. Đó là Phương "đầu to" và Tiến sỹ khoa học Vũ Công Lập. Cả hai tay này đều đồng niên với tôi và Giang (sinh 1946), là dân chơi bóng rổ tại sân Pasteur từ những năm 60, song học trên một lớp. Phương là dân quay phim ,  từng tham gia chiến đấu tại Chiến trường Quảng Trị. Tôi biết  Phương vào 1973, khi phù rể cho Phạm Đức Hùng. Phương là anh cô dâu. Hội bạn bè học sinh gọi hắn là Phương "đầu to", nay tóc bạc trắng. Giang nói đùa, thấy dạo này đầu Phương cũng không to lắm...



Bốn cựu học sinh HN.
Với Vũ Công Lập tôi được diện kiến vào 1979, khi tham gia đội bóng rổ của Tổng cục Kỹ thuật có trận đấu với Đại học Quân y  trong giải bóng rổ của Đại hội thể thao toàn quân. Hôi đó Lập đã đeo lon thượng úy, phó tiến sỹ kiêm đội trưởng. Lập chơi nhanh, ném rổ khá tốt. Gặp nhau khi nghe tôi nhắc lại kỷ niệm về trận đấu đó, Lập còn nhớ Mạnh Thanh, Trí Giô  (dân Bantroi), anh Nguyệt (thủ môn Thể Công, trợ lý thể thao Tổng cục). Sau này Lập bảo vệ Tiến sỹ bậc 2 tại Đức. Lập là anh ruột của Hoạch - bạn Trần Việt Trung em trai  út của  tôi. Vòng vo, tôi và Lập cũng là người thân quen. Như vậy cả bốn chúng tôi có cái chung - đều là cựu học sinh Thủ Đô, đều có thời nghịch ngợm, quen biết nhau nên khi gặp lại nhau rất thân tình.
Trong bữa ăn cơm Việt, do Phương chủ chi, cả bốn người bạn già say sưa nói chuyện ngày xưa, thủa những năm 60 của đời học sinh Hà Nội. Cả bốn đều say mê bóng rổ, luôn có mặt tại sân Long Biên, Pasteur. Cả bốn đền nhớ về các  kỷ niệm vui về lớp vận động viên bóng rổ nghiệp dư như Đòan Mạnh Giao, Hoàng Tùng Nhân, Hồ Đắc Thuyên (con giáo sư Hồ Đắc Di), Tôn Thất Bách, Nguyễn Văn Huy (con trai giáo sư Nguyễn Văn Huyên) . Cả bốn đều khẳng định Tôn Thất Bách là một tay rất thích đánh nhau sau các trận bóng. Tiếc cho một tài năng của nền Y học Việt Nam.
Vũ Công Lập nay là một nhà báo-  nhà bình luận thể thao có tên tuổi trên Truyền thông cả nước. Máu nghề nghiệp nổi lên cao khi được trực diện với  Hoàng Vĩnh Giang, nhà chiến lược thể thao quốc gia-anh hùng lao động, Phó chủ tịch,Tổng thư ký Olimpic Việt Nam.Tôi xin ghi lại những gì hai người trao đổi về thể thao Việt Nam.
Giang cho biết mười năm lại đây Việt Nam đã vươn lên thành một quốc gia có nền thể thao trong tốp 3 dẫn đầu của Đông Nam Á. Cho dù bóng đá không thành công nhưng kết quả tại Seagames 2011 tại Indonesia một lần nữa khẳng định vị trí của nến thể thao đĩnh cao Việt Nam trong khu vực.
Giang cho biết, so với nền thể thao của hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, cách đây 20 năm ta  (chính bản thân Giang) sang nhờ họ giúp cho  trong việc đào tạo, huấn luyện  nhiều môn; thì nay, phía Bạn cho rằng trình độ của  thể thao trong nhiều môn  Việt Nam đã vượt qua họ. Nay Việt Nam phải tìm các thầy giỏi hơn để phát triển các môn thể thao đỉnh cao.
Là một nười am hiểu thể thao Việt Nam, Hoàng Vĩnh Giang đã có dự đoán rất chính xác số lượng huy chương vàng Việt Nam đạt được trong 4 Seagames vừa qua. Theo Giang Olimpic 2016 tại Brazin, chúng ta sẽ có huy chương vàng. Hãy cùng chờ xem.
Về Olimpic 2012 tại Luân Đôn, theo Giang, nếu có 10 vận động viên Việt Nam được tham gia thi đấu thì đã là  thành công.
Tháng 7 này, Hoang Vĩnh Giang là một trong hai công dân Việt Nam  vinh dự được Ban tổ chức Olimpic Luân Đôn mời sang dự khán, mọi chi phí được đài thọ (mà chắc là rất sang trọng!).
Trong thời gian là "quan" (Giám đốc Sở Thể dục thể thao Hà Nội), Ban tổ chức Trung ương có hỏi ý kiến Giang về việc sẽ giao nhiệm vụ Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao. Sau khi suy tính, Giang thấy nếu lên làm việc ở Tổng cục thì những kế hoạch do Giang tâm huyết bỏ công, bỏ sức xây dựng nhằm phát triển các môn thể thao đỉnh cao của Hà Nội, của Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Giang đã xin ở lại Sở. Như vậy sẽ góp được nhiều công sức hơn cho thể thao Việt Nam.
Giang đã về hưu. Hiện nay còn là Phó chủ tịch Hội Việt-Trung hữu nghị toàn quốc.
Thời nay, làm quan mà không ham thăng tiến kể cũng hiếm! Tôi nói với cả Lập, Phương, Giang rằng: bạn bè cùng lớp tự hào vì trong lớp có Hoàng Vĩnh Giang và Nguyễn Văn Chính (tức Vinathong Theuket Souphanouvong, nguyên Bộ trưởng Chánh văn phòng Chủ tịch nước CHDCND Lào).
Giang cười ngon lành: "Có gì đâu, tao làm việc theo đam mê của mình, và may mắn có chút thành công". 

3 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Cứ "âm thầm đảng viên" (mà hình như anh Giang không đảng) như bác này đóng goóp khối cho dân ta.

ngô long nói...

hậu duệ của cố bộ trưởng bộ văn hóa việt nam dân chủ cộng hòa hoàng minh giám.

Nặc danh nói...

Anh Giang là Đảng viên. Có một bài anh Giang trả lời trên báo Hà nội mới vì sao VN nên đăng cai ASIAD 2019 có nói đến chuyện này