Nghe nhân viên phòng kinh doanh báo cáo: Đêm mai, tầu M.V. Blue Fortune, treo cờ Hy Lạp, nhổ neo sang Singapore; giám đốc Nguyễn Thịnh thoáng buồn. Vậy là họ đã từ chối sử dụng dịch vụ của Cty “K.T.A Việt Nam”. Chả lẽ mất một khách hàng? Suy nghĩ một lát, anh lấy trong tủ ra chai rượu Camus rồi quay sang Dung, nhân viên khai thác của Cty, nói: “Chiều nay đi tiếp khách với tôi. Nhớ mua một bó hồng thật đẹp ở chợ Bến Thành!”. Anh không quên xách theo chiếc đàn ác-coóc-đê-ông.
Làm xong thủ tục, hai thầy trò xuống ca-nô. Vì là loại tầu trọng tải lớn, không thể cập cầu cảng nên M.V. Blue Fortune phải neo giữa sông Sài Gòn. Khi ca-nô cập chân cầu thang, anh bước sang nhưng vẫn để lại chiếc đàn gió. Thuyền trưởng biết tin có khách đã ra đón. Ong ta dáng cao lớn, tuổi gần 60, có bộ tóc bạch kim, gương mặt từng trải. Anh được mời vào phòng khách. Sau những câu giới thiệu xã giao, Nguyễn Thịnh nói:
- Biết đêm mai tầu ông rời Việt Nam, tôi ra thăm và chào ông. - Xin cảm ơn sự quý trọng của ông! – Viên tuyền trưởng nở nụ cười.
- Mong ông hiểu không phải vì lần này tầu ông vào Sài Gòn, Cty chúng tôi không được phục vụ nên tôi mới ra đây. Xin ông ghi nhận chuyến viếng thăm đơn thuần chỉ là tình cảm của những người bạn Việt Nam làm công việc dịch vụ hàng hải với bạn bè đồng nghiệp quốc tế.
- O.K! Tôi rất thích cách nói chuyện của ông. Tôi từng là lính và khi nhìn trang phục cùng tính cách của ông, tôi có cảm giác trước đây ông từng qua quân ngũ?
- Vâng, tôi là cựu chiến binh, từng qua nhiều trận mạc. Chiến tranh qua đi, tôi phục viên. Nay đang làm cái nghề mà ông đã biết.
- Vậy hồi chiến tranh ông là lính gì?
- Ông có câu hỏi khá hay! Ngày ấy tôi là lính của đoàn Văn công Công an vũ trang nhân dân. Chúng tôi là những người lính dùng lời ca, tiếng hát tới mặt trận, ra tận chiến hào, động viên tinh thần chiến sĩ. Tôi đã cùng anh chị em lang thang khắp các nẻo đường biên giới miền tây Tổ quốc, hay đến các hải đảo xa xôi.
- Chuyện của ông thật là thú vị!
Biết những nhà hàng hải chuyên nghiệp quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển, anh chọn một câu hỏi đánh vào tâm lí viên thuyền trưởng:
- Vậy ông xa nhà đã lâu chưa?
- Sáu tháng rồi. Cứ loanh quanh mấy nước châu Á. Chuyến này rời Việt Nam tôi qua Singapore rồi về Hy Lạp. Vợ con đang mong… Lâu quá rồi!
Rồi viên thuyền trưởng dở cho xem tập al-bum gia đình và kỷ niệm về những hành trình khắp thế giới. Nhìn thấy góc phòng có dựng chiếc or-gan, giám đốc Thịnh hỏi thăm:
- Ông chơi or-gan?
- Không, con gái tôi đang học. Thấy ở chợ Bến Thành có bán đàn, tôi mua về làm quà cho cháu.
- Vậy tôi có thể chơi thử một bản nhạc?
- Ô la la! Ông biết…?
- Yes Sir! – Anh khẽ đặt năm ngón tay thử một hợp âm. - Hy Lạp là quê hương ông. Tôi rất yêu quý đất nước được loài người coi là trung tâm di sản văn hoá thế giới. Xin cho phép tôi được chơi bản dân ca Hy Lạp “Không có ngày chủ nhật”.
- Ông biết cả bài đó ư? Bài của những chàng thuỷ thủ…
Rồi những ngón tay của Nguyễn Thịnh lướt trên những phím đàn. “Nhổ neo, buồm căng, tầu ta ra khơi. Con tầu đi, con tầu đi, sóng nhịp vô bờ. Nhổ neo, buồm căng, tầu ta ra khơi...…Tầu ta ra khơi...…”. Rồi cả chủ và khách cùng hoà giọng theo ngôn ngữ của chính mình. Thuyền trưởng mời thêm viên sĩ quan máy trưởng rồi chính tay ông mở tủ rượu, chọn ra chai ngon nhất chiêu đãi các bạn đồng nghiệp Việt Nam. Lắc nhẹ li rượu Cordon Blue, thuyền trưởng khoe:
- Con trai lớn của tôi đang học ac-coóc-đê-ông.
Vừa nghe đến mấy từ “ac-coóc…”, Nguyễn Thịnh như bị điện giật! Anh xúc động nói:
- Tôi còn dành cho ông một sự ngạc nhiên nữa. Xin ông cho người xuống ca-nô lấy chiếc đàn gió lên.
- Ong có đàn và… biết chơi cả ac-coóc? My God! Chúa ơi, hôm nay đúng là một ngày hạnh phúc của tôi.Nguyễn Thịnh rút trong ví ra hai tấm ảnh đen trắng, mép đã quăn và thấm những giọt mồ hôi: “Đây là kỷ niệm tại mặt trận Quảng Trị năm 1972. Bộ đội chúng tôi vừa chiếm được chốt Bích La Đông. Tay tiểu đoàn trưởng ngụy mặc bộ đồ rằn ri, trên ngực áo có thêu mấy chữ “thuỷ quân lục chiến chỉ tiến không lui”, đã đầu hàng chúng tôi. Ong xem, chiến trường còn ngổn ngang bom đạn, cờ ba que còn chưa bị hạ, vậy mà chúng tôi đã có mặt. Tôi đang đệm cho ca sĩ Minh Trâm hát bài “Chào anh giải phóng quân, Chào mùa xuân đại thắng!”.
Ngất ngây trong men rượu và men tình, tay đệm bass, tay lướt trên các phím, anh bắt đầu bằng bản nhạc lừng danh thế giới “La Paloma”. “Khi tôi rời quê hương Ha-ba-na làng quê xinh đẹp. Trên cao ánh vàng soi bao áng mây êm trôi lững lờ...…”. Từng lênh đênh trên biển Ca-ri-bê vào Nam Mỹ, viên thuyền trưởng hình dung ra bờ biển Cu-ba với những bãi cát trắng và những rặng dừa, rặng cọ xinh tươi. Ong hứng chí mời Dung, cô gái xinh đẹp, ra nhảy điệu tango. “Em ơi, lòng anh bao nhung nhớ, hẹn ước, mong chờ ...…”. Khi bản nhạc vừa kết thúc, một tràng vỗ tay hưởng ứng. Thủy thủ trên tầu nghe tiếng đàn du dương đã kéo lên kín cả gian phòng.
- Bao nhiêu năm sống với biển nhưng chưa bao giờ và chưa ở một hải cảng nào mà tôi có buổi chiều đẹp như chiều nay!– Thuyền trưởng cầm li rượu ra chúc Nguyễn Thịnh. - Thật tuyệt vời!
Rồi đến các bản nhạc “Đa-nuýp nổi sóng”, “Chiều Matxcơva”, v.v... Cả không gian tràn ngập các giai điệu. Viên thuyền trưởng vẻ mặt mãn nguyện, tự hào với cánh lính về người bạn mới. Nhưng ông đâu có biết Nguyễn Thịnh là người Hà Nội gốc, từng được học đàn với thầy giáo Pô-pốp, người Nga, những năm đầu của thập kỷ 1970. Tiếng đàn của anh từng được thầy khen là “con đĩ”! Tưởng chừng cuộc đời sẽ mãi gắn với “nghiệp đàn”, vậy mà sau khi cởi áo lính, anh làm công việc của một doanh nhân, một nhà quản lí ở tận miền Nam xa xôi.
Riêng với Dung, đã mấy ngày nay bám tầu nhưng không cách nào tiếp cận được viên thuyền trưởng. Vậy mà chỉ thông qua những giai điệu đẹp, ông ta đã phóng bút kí một hợp đồng mua nước ngọt, thực phẩm tươi sống, trị giá hơn chục ngàn đô, ngay trước khi tầu rời bến.
… Đầu xuân nay, trong dịp gặp gỡ đồng đội cũ, Nguyễn Thịnh cầm vại bia đầy bọt, nhìn về cõi hư vô, tâm sự: “Lần đó, viên tuyền trưởng ngỏ lời mời tôi sang Hy Lạp sống và dạy đàn cho con ông ta. Lương cũng hậu hĩ. Vậy mà tôi đã trả lời: “Chắc là không được vì tôi yêu Tổ quốc tôi”. Từ sau ngày đó, mỗi lần cập cảng, ông ta lại đến thăm. Cũng lần đó, tôi nghiệm ra rằng: Mỗi một dân tộc có một ngôn ngữ riêng nhưng nếu biết sử dụng âm nhạc, cái ngôn ngữ chung nhất của loài người, thì dù có bất đồng đến mấy, nhất định người với người sẽ đến được với nhau…”. Riêng tôi thầm nghĩ: Anh là một doanh nhân biết làm văn hoá!
Sài Gòn, tháng giêng 2006
10 nhận xét:
Nhiều khi những tài lẻ lại giúp cho công việc chính rất nhiều.Ví dụ như hát,làm thơ,vẽ và đàn như anh Thịnh trên.
Anh Thịnh hay vui với cánh Ba Son. Tiếng đàn lả lướt của anh từng được gọi là "con đĩ" luôn đọng lại trong tâm trí mỗi người.
Chú KQ oi, bài này hay quá !
KQ -Người đăng bài viết này cũng là một giang hồ,xuất chúng! KQ ngoài tấm lòng,tính cảm với anh em, bạn hữu còn là một người có nhiều tài lẻ,nhiều năng khiếu vượt trội.Xin hãy một dịp nghe tiêng Ghita, hãy xem hắn đá bóng, hãy đọc những bài viết,ngắm những bức tranh mà khi cao hứng anh ta ký họa, cùng uống rượu tán phét, thi thố một vài ngoại ngữ, vứt cho hắn cái TV mà hình ảnh nhòe nhoẹt, âm thanh méo mó rối sau đó nhận lại...nói chung, KQ dùng tài lẻ của mình cho bạn bè,quây quần bên anh em và hắn tung tăng trẻ lại trong môi trường bạn hữu.
Nói tóm lại là TÂM và TÀI.( TĐ)
Bác Ngân bơm em quá. Vì: em có toàn bạn tốt thôi, đó là các bác và anh chị em.
Cháu được xem bác KQ đá bóng rồi ạ. Trận giao lưu hòa 2-2 mà bác KQ đá vào 1 quả.
Cháu cũng được đọc một số bài viết thể loại văn xuôi đạt giải thưởng cao của bác như tác phẩm: Tiếp quản kĩ thuật năm 1975, thày Thiện dạy xác suất... rất hay và đẹp.
KQ có nhiều tài, nhưng trên hết là một cái tâm sáng, một tấm lòng luôn luôn vì mọi người. Vì vậy, hắn rất nhiều bạn. Tôi nhận ra điều đó hơi muộn, mãi đến cái lần cùng hắn đi Thái nguyên dự cuộc họp mặt các thế hệ TSQ năm 2010. Hắn lo chỗ ăn, chỗ nghỉ cho hết thảy mọi người xong rồi mới đến mình. Sự tồn tại và phát triển của "Báo liếp" với nội dung ngày càng phong phú và đội ngũ CTV ngày càng đông đảo cũng minh chứng cái tâm và cái tầm của hắn. Thật hạnh phúc khi trên đời có được những người bạn như thế.
Tài lẻ chỉ là công cụ. Trước tiên nhận thấy ở anh Thịnh một trí tuệ, một nhân cách, một tấm lòng. Đối diện với một con người như thế, ông thuyền trưởng kia không "đổ" mới lạ.
Cám ơn KQ về bài viết và về tờ báo liếp. Đọc nó, mình học được nhiều lắm.
Bài viết thật hay. Đọc xong lại nhớ tiếng đàn của Trịnh Hồng Hà đệm cho DMĐ hát "Hà nội - niềm tin hy vọng"(Phan NHân}, "Trong mỗi trái tim ta có Bác Hồ"(Trịnh Nguyên Huân} ở các kỳ hội diến toàn quân thập kỷ 70 thế kỷ trước.
Năm 2009 chứ bác QV? Ta còn lên thăm nhà anh Chu Thành trên Võ Nhai và thắp hương cho cụ Tấn và bà Đường Thị Ãn.
Đăng nhận xét