CHUYỆN NGƯỜI THIẾU
SINH QUÂN VÀ NHỮNG LẦN GẶP BÁC
Tháng 3 năm nay, chúng tôi về thăm
ông Vũ Thuần, cựu thiếu sinh quân Việt Bắc, nguyên phó vụ trưởng Vụ Á châu (Bộ
Ngoại giao), đang sinh sống tại thành phố Vũng Tàu. Đã ngoài 70, tóc bạc trắng,
do di chứng của một lần tai biến mà tay trái hơi bị liệt nhưng ông vẫn không
quên kỉ niệm những lần gặp Bác.
Vũ Thuần, cậu bé đứng sát bên trái Bác. |
Năm
1947, khi mới 14 tuổi, Vũ Thuần đã được gia đình cho đi theo bộ đội làm công
tác tuyên truyền văn hoá. Là học sinh lại nhanh nhẹn nên anh được gửi đi học
Thiếu sinh quân ở Việt Bắc. Năm 1948, trường đóng quân ngay trong khu rừng già
huyện Định Hoá, Thái Nguyên. Đang quen sống ở nhà, gần cha gần mẹ, được chiều
chuộng, nhưng khi được sống trong “môi trường lính”, tất cả nhanh chóng hoà nhập
vào quân phong, quân kỷ. Lớp học có nhiều lứa, đứa thì mới 14-15, có anh đã
17-18, nhưng ai cũng hăng hái học tập, rèn luyện. Học sinh được trang bị đồng
phục mầu cứt ngựa, đầu đội mũ ca-lô. Sáng sớm, vừa nghe tiếng còi báo thức là vụt
dậy chạy ra sân tập thể dục; đến giờ học văn hóa thì tay cắp sách vở, xếp hàng đi
đều lên lớp. Lớp học được dựng bằng tranh tre, nứa lá, nấp ngay dưới tán cây rừng.
Có một lần, Bác
Hồ tới thăm nhưng không báo trước. Đang trong giờ học, vừa trông thấy Người, thầy
trò bỏ lớp chạy ra, hô vang: “Bác Hồ! Bác Hồ muôn năm!”. Toàn trường vây kín
quanh Bác. Bác bảo tất cả trật tự ngồi xuống, rồi ân cần nói chuyện. Khi Bác hỏi:
“Các cháu ăn có no không?”, toàn trường đồng thanh :”Có ạ.” Bác lại hỏi: “Các
cháu có nhớ bố mẹ không?”, “Có a.” Bác còn hỏi các thầy về tình hình học tập,
rèn luyện của học sinh. Cuối cùng Bác căn dặn: “Cuộc kháng chiến đánh đuổi thực
dân Pháp còn nhiều khó khăn, gian khổ. Trong tương lai, các cháu sẽ là chủ nhân
đất nước nên phải không ngừng học tập, rèn luyện để sau này kế tục sự nghiệp
cách mạng của cha ông, giành lại độc lập, tự do cho non sông gấm vóc”. Sau đó,
Người nói đồng chí nhiếp ảnh chụp vài pô làm kỉ niệm. Cũng là dịp hiếm có để có
thể đứng gần Bác, các bạn chen nhau, ai cũng muốn len đến thật gần. Vũ Thuần vì
nhỏ người nên bị các bạn lớn đẩy ra tít tận xa, nhìn các bạn được đứng bên Bác
mà thèm, tự dưng nước mắt trào ra. Đang buồn thì thấy Bác vẫy tay: “Cháu bé kia
lại đây với Bác!”. Thật quá bất ngờ, Vũ Thuần đã được đứng sát ngay Bác. Cánh
thiếu sinh quân ríu rít bên Người như bầy chim non mới ra ràng vây quanh mẹ.
Ong Vũ Thuần nhớ
lại: “Phải gần nửa thế kỷ sau, trong một dịp vào thăm Bảo tàng Cách mạng, lần đầu
tiên tôi được nhìn thấy tấm ảnh chụp ngày đó. Tôi lặng đi một lúc, xúc động và
ngỡ ngàng, không ngờ mình lại có vinh hạnh lớn như thế! Trong ảnh thấy Bác thật
bình dị, hiền lành và thật gần gũi; còn các bạn thiếu sinh quân vẻ mặt rạng rỡ,
vui tươi. Những bạn đứng sau thì cố dướn người thật cao, để có mặt mình trong ống
kính. Có bạn còn lấy tay bá lên vai mà Bác vẫn bình thản, bao dung. Mãi về sau
này, tôi đã tự hỏi: có vị lãnh tụ nào gần gũi thiếu nhi hơn Bác?! Tôi cố hình
dung lại từng khuôn mặt và tính cách của từng bạn. Bạn đội mũ ca-lô sẫm màu đứng
sau lưng Bác chính là Mộng Lân, sau này trở thành nhạc sĩ nổi tiếng công tác tại
Đài phát thanh Tiếng nói VN, anh có nhiều bài hát hay cho thiếu nhi. Mộng Lân đã
mất năm 2000 tại Hà Nội. Còn bạn cổ quàng khăn đỏ, miệng cười tươi, đứng bên phải
Bác, tên là Liễn. Anh đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Các bạn khác có lẽ do ảnh hưởng của lần ốm mà tôi không nhớ hết tên…”. Tấm ảnh
trở thành vật quý nhất trong cuộc đời hơn 50 năm theo cách mạng của ông và bạn
bè cùng trang lứa.
Năm
1951, khi Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên kí quyết định thành lập Khu học
xá VN tại Trung Quốc thì lứa thiếu sinh quân của Vũ Thuần được đưa sang học Sư
phạm, sau đó một số được chọn vào học lớp Hoa ngữ. Đầu năm 1953, ông cùng một số
sinh viên được chọn đi phiên dịch cho đoàn cán bộ quân đội (do đồng chí Trần Văn
Giang và Nguyễn Quang Bích phụ trách) sang học tập tại trường Pháo cao xạ Thẩm
Dương, sau đó nhận khí tài tại Tân Dương (Quảng Tây). Đoàn 367 cao xạ phòng
không đầu tiên được thành lập, trở về nước tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ;
còn ông cùng 7 đồng chí được phân về làm giáo viên trường Thiếu nhi VN ở Lư Sơn
(tỉnh Giang Tây), sau chuyển về Giáp Sơn (Quế Lâm, Quảng Tây). Đến tháng
7-1954, ông về nước phiên dịch cho cố vấn TQ tại Phủ Thủ tướng đóng ở Tuyên
Quang, tới tháng 10 năm đó thì về tiếp quản Hà Nội.
Sau ngày giải
phóng Thủ đô, Đại sứ quán Trung Quốc (sứ quán đầu tiên của các nước XHCN đóng ở
Chiến khu Việt Bắc) chuyển từ Đại Từ về Hà Nội. Vũ Thuần đã được Đại sứ La Quý
Ba đề nghị đích danh với Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho về làm phiên dịch. Năm
1955, ông được Sứ quán điều xuống công tác tại Uỷ ban Viện cứu Hoa kiều bị nạn ở
Hải Phòng, tới 1956 thì quay trở về Bộ Ngoại giao.
Nhớ lời dặn của
Bác, ông tích cực học thêm ngoại ngữ và đến năm 1963 được cử sang công tác tại
Sứ quán VN tại Bắc Kinh, khi đó Thiếu tướng Trần Tử Bình là Đại sứ. Ong đã được
cùng Đại sứ đón Bác cả chục lần trong những chuyến thăm chính thức và không
chính thức. Một lần sang Bắc Kinh, Bác nghỉ ở Điếu Ngư Đài1.
Lần đó Đại sứ giao nhiệm vụ mang bản tin sớm từ trong nước gửi sang cho Bác. Biết
Người rất nóng lòng đón nhận tin từ nhà nên mới 4 giờ 30, Vũ Thuần đã có mặt. Sợ
làm mất giấc ngủ của Người, Vũ Thuần ngồi xuống chiếc ghế đặt ngay cửa ra vào
nhà khách. Đang sức trai 30 nên thiu thiu lúc nào không hay. Sáng dậy tập thể dục,
thấy chú phiên dịch trẻ đang ngon giấc, Bác không nỡ đánh thức. Đi tập về, Bác
lay người Vũ Thuần. Anh vội choàng dậy xin lỗi nhưng Bác cười: “Không việc gì,
cháu đang tuổi ăn tuổi ngủ mà. Dậy rửa mặt rồi đưa tin cho Bác!”. Sau đó, Bác mời
Vũ Thuần vào cùng ăn sáng. Đến gặp Bác mà lại ngủ quên đã là sai, nay lại được
gọi vào ăn cùng, Vũ Thuần tỏ ra e ngại. Thấy vậy, Bác bảo: “Cháu cứ tự nhiên ngồi
ăn!”, rồi Người quay sang mấy cán bộ ngồi bên “Các chú ăn chậm lại để chờ cháu
này cùng ăn!”.
Những
lần được gặp Bác là những kỉ niệm đẹp nhất trong đời ông!
Vũng Tàu, tháng
3-2004
(Ông Vũ Thuần đã mất 2010. Bài viết thay cho nén tâm nhang kính viếng hương hồn ông!).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét