Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Kẻ cắp gặp bà già (KQ)

Trưa qua nhà nhận xi măng. Những 200 bao cộng 10 bao khuyến mãi. Vợ "phụ trách quỹ" nên xung phong kiểm đếm. Giữa trưa đội nón, bịt khẩu trang, đứng xem cánh vận chuyển xếp. Các chú xếp từng dây (từ chuyên môn của 1 cột) 12 bao, xếp hết 1 dãy sát tường rồi đến dãy ngoài.
Khi gần hết xe, nước lạnh trong bình đã hết, bọn nó giục: "Cô cho xin thêm nước!". Vợ quay vào nhà lấy nước. Khổ nỗi gara được dùng làm kho nhưng vợ cảnh giác cho bịt bằng tấm ni-lông trong, vừa chắn được bụi lại vừa biết được ai ra vào kho, làm gì. Thoáng thấy bóng nhảy vọt lên đống xi, nhìn kĩ thì thấy 1 chú đang sắp đặt lại phần xi đã xếp. Cũng lúc đó thằng em Tú, chủ thầu, đứng từ trên cao phone xuống: "Chị ơi, xi vẫn còn trên xe".


Chả nói gì, ra đưa bình nước cho bọn chúng thì nghe chú tài nói: "Cô ơi, đủ 210 bao rồi, cô đếm đi!"
- Đủ thật chưa? - Vợ hỏi.
- Dạ, rồi.
- Các cháu đếm lộn. Còn thiếu 1 dây 12 bao?
- Sao thế ạ? Đây nhé, cô trèo lên trên mà xem. Đủ 17 dây, mỗi dây 12 bao; vậy là 204. Còn dư 4 bao đây, vừa đủ 210.
- Thôi, khỏi nói nhiều. Bây giờ các cháu xả hết xuống, đếm lại. Nếu đủ 210 bao, cô trả thêm 200 tiền công bốc xếp. Nếu thiếu, các cháu chở hết số xi này về.
Nghe vợ gọi: "Ba ơi, xuống ngay!". Chạy xuống: "Có gì vậy?". "Ba cứ đứng đấy! - rồi quay sang thằng tài - Thế nào? Xả xuống, đếm lại chứ?". Vợ tiếp: "Cô quá hiểu các cháu xếp thế nào, dây nào cô cũng đếm. Còn 12 bao trên xe bốc xuống đi, nhưng vẫn thiếu 1 bao đấy".
Cả bọn trước thì hùng hổ, khoác lác; nay tắt đài: "Thôi, cô thanh toán tiền 199 bao, trừ tiền 1 bao thiếu. Số khuyến mãi vẫn là 10 bao". "Xong về đi. Tiền công bốc xếp 200 thì thôi nhé. Còn lần sau có thuê chở nữa hay không thì còn tính".
*
Tối về, Mý đòi mẹ giải thích "cụ tỉ" vụ này. Nếu đúng và đủ phải là 17 dây - trong 8, ngoài 9; mỗi dầy 12 bao. Mẹ dùng giấy vẽ lại: Chúng quái, mỗi dây vẫn xếp đủ 12 bao, nhưng để chừa khoảng cách với dây sau. (Thực chất chỉ có 7 dây trong). Khi xếp hết dãy sát tường thì xếp tiếp dãy ngoài nhưng dây nào sát dây ấy, che đi khe hở giữa các dây dãy trong. Lúc mẹ đi vào nhà, 1 thằng trèo lên xếp lại các bao phía trên, nếu nhìn thì thấy đã đủ 17 dây, nhưng trong lòng thì thiếu hẳn 1 dây.
- Vậy chúng ăn cắp kinh quá, mẹ nhỉ!
- Ừ, dọc đường đã bán 1 bao. Nay định làm trò mèo, xơi 12 bao còn lại.
- Đúng là "kẻ cắp gặp bà già"! - Mý cười sung sướng khi hiểu đúng câu thành ngữ này.

8 nhận xét:

Nặc danh nói...

Mẹ Mý đúng là có nghề kinh doanh. Không thể tin ai được trừ người thân. Nhoằng cái là ăn cắp ngay khi thấy mình hiền lành, thật thà. Ôi, cái đất nước này rặt ăn cắp!
Vậy là hôm nay mất tiền bốc xếp. Huuuuuu!

QV nói...

Kính nể Vân Anh. Nếu là mình, chắc là mất toi số xi đó rồi. Mình dễ tin người lắm, cứ tưởng ai cũng tốt bụng, thật thà như lính Trỗi cả. Thực ra đấy là một dạng đần.
Cám ơn KQ và VA về bài học hôm nay.

Nặc danh nói...

Anh em ta được giáo dục tốt từ nhà đến trường nên ai cũng thấy tốt như mình. XH chán nhẩy, không biết bao giờ mới được sống thực như mình nghĩ?

Thắng k5 nói...

AE ta dù được giáo dục tốt thật, nhưng cũng có nhiều kẻ tiểu nhân đấy.K5 vô khối ra.
Chúc mừng KQ nuôi được "bà già" trong nhà, khỏi lo phòng thủ với XH.

TranKienQuoc nói...

Trường ta cũng là XH thu nhỏ, kệ nó, T ạ. Cứ cố sống cho tốt là được.

TranKienQuoc nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
TranKienQuoc nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Nặc danh nói...

chẳng qua các cháu nó cũng đói quá thôi các chú ạ. Cs cũng muốn làm người tốt lắm nhưng vì cơm không đủ ăn,áo không đủ mặc, phải tha hương đi kiếm sống khắp nơi mà cứ dáo mồ hôi là hết tiền nên các cháu nó cũng phải nghĩ ra cách để ăn bớt, ăn xén kiếm thêm bao thuốc chén nước thậm chí thêm mấy bìa đậu về cho các con. âu cũng là chia sẻ lợi nhuận cả thôi, người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra. Sao cũng là con người mà mà có người giàu kẻ nghèo, phải chăng người nông dân ít cớ cơ hội đc thăng tiến hơn, ít có người nâng đỡ. Một nắng hai sương mà vẫn không đủ ăn nói gì đến chuyện học hành giỏi dang để thoát nghèo. Vẫn biết trong XH có nhiều người vượt trội, có trí vượt qua số phận để vinh hiển, trở thành ông nọ,bà kia nhưng thử hỏi trong triệu triệu người dân nước Việt được mấy người như thế. Câu chuyện xảy ra ở nhà chú đã phản ánh một thực tại minh chứng cho xh hiện tại, tuy nhiên nếu hôm đó cô VA không phát hiện ra mánh khóe ấy thì bữa ăn của nhà các cháu của những lao động kia cũng có thêm mấy bìa đậu cải thiện, nhưng đã bị phát hiện thì người ta coi đó là hôm nay gặp đen vì trình độ, tư duy, lối sống, suy nghĩ người ta chỉ đc đến vậy nếu người ta là những người nhìn xa trông rộng thì đã không phải làm cái nghề bốc vác đó rồi. Thiết nghĩ lên án họ nhưng chúng ta cũng phải nhìn lại XH hiện tại, hỏi đã có bao nhiêu người giàu, địa vị đi làm từ thiện giúp đỡ kẻ nghèo, có bao nhiêu quan chức dám trích một phần kinh phí cho con mình đi du học ở nước ngoài để giúp đỡ người nông dân cho con đc cắp sách tới trường, hỏi họ có mưu cầu hạnh phúc không? có chứ ai chẳng có mưu cầu HP nhưng trong khi con người nông dân thì học trường làng, cố lắm học lên đc đại học trong khi con ông này bà kia thì học bên Tây, Tàu về, CV thì đc sắp xếp trước hỏi người nông dân, và những đứa con của họ phải làm sao? vấn nạn XH.