Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Chuyện ít biết về gia đình cụ Trần Độ... (tiếp)


Đằng sau cái bóng của ông

Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng đầu 2012,
khi nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Tướng Trần Độ với bề dày thành tích như thế, nhưng sau ông là ai?
Khi viết bài này, tôi vô tình đọc được bài của nhà văn Thanh Hương viết về bà Nguyễn Thị Phúc Hằng, vợ ông.
Bà tên thật là Hoàng Thị Huynh, sinh 1921, quê làng Liễu Khê, Thuận Thành, Bắc Ninh, tham gia hoạt động từ năm 1937. (Tuổi bà kém mẹ tôi 1 tuổi nên chúng tôi cũng gọi là “cô”).
Quãng hơn hai chục năm nay, lưng bà còng xuống, vậy mà sáng nào cũng thấy bà dậy thật sớm, cầm chổi quét sạch lá lẩu ngoài vỉa hè trước cổng nhà; sau đó mới xách làn ra chợ. Bà con lối xóm quý bà cán bộ mà sống bình dị, gần dân.






Theo cách mạng

… Nhà nghèo, cha làm tá điền, mẹ bán hàng xáo nên cô bé Hằng sớm quen công việc đồng áng và phụ mẹ bán hàng. Xóm Chùa quê bà kín đáo nên cán bộ cách mạng hay về. Thấy cô bé linh lợi, các anh giác ngộ; rồi cô vận động thêm chị em khác tham gia. Nhờ nhà báo Thành Diện và ông Mai Vy mà cô bé 16 tuổi ấy thoát  li, đi làm giao thông cho Xứ ủy Bắc kỳ; lúc thì chuyển thư từ của ông Hoàng Văn Thụ xuống Bình Lục, Hà Nam giao cho Xứ ủy viên Trần Tử Bình, phụ trách Liên C (Hà Nam-Nam Định-Thái Bình-Ninh Bình) sau khi ra tù Côn Đảo đang bị quản thúc tại đây; khi thì đi gặp ông Trần Quốc Hoàn… 

Tháng 3/1940, bà được giao nhiệm vụ cùng một đồng chí mở quán cơm vỉa hè cho thợ thuyền ngay ga Văn Điển, làm cơ sở đi lại cho các ông Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt. Tháng 10 năm ấy, cơ sở bị lộ, theo ông Hoàn, bà kịp trốn rồi về làm liên lạc cho báo Giải phóng từ Hà Đông xuống Bình Lục. Cuối năm 1940, bà được phân công về số 2 Hàng Nón (Hà Nội) nơi có xưởng in bí mật của Đảng, cùng làm việc với các ông Lưu Quyên, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Xuân Thành. Bà lo cơm nước và mua sắm vật tư.

Đầu năm 1941, vừa cùng ông Thành đi rải truyền đơn về, chẳng may ông Thành bị bắt. Không chịu được đòn tra, ông Thành khai ra địa chỉ 2 Hàng Nón. Địch vây ráp, bà bị bắt. Bị đưa về Sở Mật thám thì thấy cả ông Quyên, ông Chính. Thừa lúc sơ hở, ông Quyên khẽ dặn: chỉ nhận là nấu cơm, còn ngày ở Văn Điển thì khai đi ở.

Địch dùng đủ trò tra tấn dã man cho đàn ông với bà: lấy kim đâm, dí điện vào chỗ kín, treo ngược lên xà nhà… nhưng bà chỉ khai đúng vậy. Bậc đàn anh Tô Quang Đẩu, Trần Quốc Hoàn thương quá, dặn: cố mà chịu đựng, phải kiên trì. Tại Tòa án binh dù không có chứng cứ, chúng ép tòa phải kết án bà: 5 năm khổ sai, 5 năm biệt xứ; còn ông Quyên 20 năm, ông Chính, ông Thành 15 năm.

Tại nhà pha Hỏa Lò, bà gặp các nữ tù chính trị: Hoàng Thị Ái, Hoàng Ngân, Nguyễn Thị Quang Thái (vợ ông Võ Nguyên Giáp), Tạ Thị Câu, Trương Thị Mỹ, Nguyễn Thị Ban (sau này là  vợ ông Nguyễn Trọng Vĩnh)... Mặc cho giam hãm, tù đày, chị em chính trị phạm tự tổ chức lớp học văn hóa, tiếng Pháp và học chính trị. Giáo viên là các bà Quang Thái, Hoàng Ngân, Trương Thị Mỹ… Bà Hằng rất tích cực học tập. Bé người nhưng được các chị lớn yêu quý vì chịu khó và luôn giúp đỡ người lớn tuổi, người ốm yếu.

Ông Độ, ông Văn ngày ở Việt Bắc 1948.
Người tù thân thiết và trang bị nhiều kiến thức cho bà Hằng là bà Quang Thái. (Sau này tôi được xem một bức ảnh trên Việt Bắc, cụ Giáp ôm vai rất thân mật với ông Trần Độ. Có thể cụ hiểu được mối thân tình của bà Hằng với bà Quang Thái ngày ở tù chăng?). Thời gian ấy, bà Quang Thái bị tra tấn rồi bị suy tim và thương hàn, người yếu lắm; anh chị em tù chính trị kiến nghị để bà được đưa vào bệnh viện Bạch Mai nhưng giám thị nhà tù không cho. Toàn bộ tù nhân đã đấu tranh tuyệt thực. Cuối cùng chúng phải nhượng bộ, nhưng vì quá yếu mà bà Thái mất sau đó ít ngày.

Sau ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, lợi dụng sự lỏng lẻo của nhà tù, bà Hằng đã trà trộn vào cánh thăm thân, trốn ra ngoài. Trở về quê, bà bắt mối ngay để tiếp tục hoạt động. Ông Mai Vy đón bà lên ATK làm công tác đội, ít lâu sau ông Xuân Thủy điều về làm ở báo Cứu quốc ở Tây Mỗ, Từ Liêm; rồi về Chiến khu 2.



Gặp và cùng làm việc với ông Trần Độ

Ông Độ lúc bấy giờ là thư kí cho ông Trường Chinh. Sau khi xem giấy tờ của bà Hằng, thấy bà được 2 ông Hoàng Quốc Việt và Trần Huy Liệu bảo lãnh “đã học sơ về công tác dân vận, công tác quần chúng”, lại từng bị giam ở Hỏa Lò (nơi ông cũng bị giam trước khi đưa lên nhà tù Sơn La) nên ông Độ tin tưởng. (Sau này khi trò chuyện, chúng tôi tò mò hỏi ông: “Phút ban đầu chú gặp cô có bị “sét đánh” như chúng cháu ngày nay?”. Ông mỉm cười: “Thấy bà ấy nhỏ nhắn, gầy gầy nhưng chất phác, hiền lành, lại có đôi mắt sáng thông minh, chú có thiện cảm. Khi “kiểm tra” trình độ thì thấy bà ấy rất bản lĩnh, trả lời trôi chảy. Chú bảo, như thế tạm được nhưng phải vừa làm vừa học. Rồi vừa làm việc chú vừa chỉ bảo cô. Mà bà ấy thông minh kì lạ, nói gì nhớ nấy và làm theo răm rắp”).

Lần “đặt vấn đề” của ông bà cũng khác chúng ta ngày nay(!). Khi 2 người bên nhau, ông hỏi: “Hằng quê ở đâu?”. “Dạ, Bắc Ninh”. “Nghe nói Hằng cũng bị giam ở nhà pha Hỏa Lò?Hằng có biết chị Câu không?”. “Biết chứ, tôi còn chăm sóc chị những ngày cuối cùng hồi 1944”.“Bà chị của tôi đấy, tôi quý chị lắm.Chị từng là Tỉnh ủy viên Thái Bình và là người dẫn tôi đi hoạt động… - ngần ngừ một lúc - Thế Hằng đã có ai chưa?”. “Chưa, nhưng lúc này chưa nghĩ đến”. Ông động viên: “Chưa nghĩ thì cứ nghĩ đi!”.

… Lần sau, ông đạp xe sang Cổ Loa, Đông Anh, tìm gặp bà. Thăm hỏi dăm câu, ông  liền hỏi: “Hằng ơi, tôi yêu Hằng. Hằng có đồng ý không?”.Cũng đã có cảm tình với ông nhưng vì còn bận công tác nên chưa muốn lấy chồng. Hơn nữa, bà lo lắng, ông kém bà 2 tuổi, trẻ hơn lại tài hoa, ăn nói khéo léo, có cương vị, nay lại đóng quân ở ngay thủ đô, lúc nào cũng gặp gỡ nhiều cô trẻ đẹp, xinh xắn; còn bà chỉ là gái quê nghèo. Bà đã trả lời: “Tôi chưa trả lời được, để công tác đã”. Ông không giận mà vẫn vui vẻ khuyên: “Hằng có thể lấy chồng mà vẫn công tác được mà. Thôi, chẳng ép Hằng trả lời bây giờ, nhưng đừng để tôi phải đợi lâu trả lời của Hằng nhé!”.

Sau đó ông Độ báo cáo 2 ông Trường Chinh và Lê Đức Thọ. Ông Thọ đã gặp bà động viên nên bà xuôi và chủ động gặp ông. Tổng khởi nghĩa đã được 3 tháng, sau một buổi họp cán bộ Chiến khu 2 ở Chèm, ông Thọ đứng ra tuyên bố: “Hai đồng chí Trần Độ  và Phúc Hằng cùng công tác trong một ban, sau thời gian tìm hiểu đã hiểu nhau và đặt vấn đề yêu nhau. Nhân dịp này tôi xin tuyên bố làm hôn lễ cho 2 đồng chí”. Cả hội nghị vỗ tay.

Anh em cán bộ từng bị địch bắt, từng qua các nhà lao cùng bà, đều khâm phục trước sự gan dạ, dũng cảm của bà trước các đòn tra rấn dã man của kẻ thù. Cũng như ông Xuân Thủy ai cũng lo, cô em bị những ngón đòn dã man như thế, sợ khó có khả năng làm mẹ. Nhưng ông Độ không quan tâm đến điều ấy mà ông yêu bà vì bà thông minh, gan dạ, giàu nữ tính, luôn quan tâm, chăm sóc mọi người. Ông yêu đôi mắt sáng tinh anh của bà và tin, bà sẽ là người bạn đời chung thủy.



Cùng tham gia lãnh đạo khởi nghĩa

Hai ông bà tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Đông Anh cùng ông Lê Đình Thiệp. Đúng dịp ấy vỡ đê ở Đông Anh, dân tình nhớn nhác chạy lụt. Bà Hằng phụ trách huy động bà con suốt từ gốc gạo Ba Đê về tới cầu Đuống, con đường chạy về Hà Nội. Giữa đám đông, bà Hằng cấm súng lục trên tay, dẫn đầu lên huyện đường. Công sở vắng tanh, chỉ còn tay thừa phái giữ con dấu. Ông ta trao trả ấn tín cho lãnh đạo khởi nghĩa.

Nhưng tại nhà máy xe lửa Đông Anh thì đông lính Nhật. Ông Độ cùng bà và mấy anh tự vệ định vào thương lượng, buộc họ phải giao súng. Chúng không nghe, bắn ra làm ông Môn, bí thư chi bộ Xuân Trạch, hy sinh. Trong ga còn 300 công nhân. Bà Hằng cầm súng, hô hào anh em ủng hộ. Lực lượng cách mạng tấn công, chúng bắn trả. Anh em nghe bà Hằng đem rơm và dầu hun khói tụi lính cố thủ.Trận này chết 7 thằng Nhật nhưng ta cũng tổn thất 7. Ta làm chủ chính quyền Đông Anh.Ông Độ đứng ra tuyên bố thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời rồi bàn giao lại cho ông Thiệp làm chủ tịch, bà Hằng là phó chủ tịch.

Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 cũng là dấu ấn đẹp đẽ trong suốt mấy chục năm sống bên nhau của ông bà.



Một mình vừa công tác vừa chăm lo gia đình

Ông bà được tổ chức đứng ra làm hôn lễ. Có lẽ nhờ ăn ở có phúc, có đức mà Trời, Phật phù hộ, di chứng còn lại của những trận đòn tra tấn dã man trong ngục tù không hủy diệt sự sinh nở trong con người bà. Đứa con đầu lòng của ông bà là con trai Trần Toàn Thắng, sinh năm 1947.

Đầu 1950, ông được điều về làm Chính ủy trung đoàn Sông Lô, rồi lên làm Chính ủy Đại đoàn 312. Sau chiến thắng Điện Biên năm 1954, ông bà có thêm cậu con trai lấy tên là Trần Vinh Quang; rồi 1957 có Trần Điền, 1959 “chốt” bằng Trần Hải. Hỏi, ý nghĩa tên Thắng, Quang thì biết; còn Điền Hải là thế nào? Ông cười: “Quê chú chả ở làng Thư Điền, huyện Tiền Hải, Thái Bình. Nên Điền là tên làng, Hải là tên huyện… Đặt thế để nhắc nhở con cháu không được quên quê hương, bản quán”.

Cả cuộc đời ông ba lô trên vai, đi suốt, gần như lần nào bà sinh con, ông toàn vắng nhà. Hai con đầu sinh ra bà phải tự đỡ đẻ cho mình. Ở Định Hóa, Tuyên Quang sinh Toàn Thắng hôm trước thì hôm sau trùm khăn ra hầm trú ẩn trước nhà lấy nước đọng giặt quần áo, tã lót.

Những năm sau này, bà gắn liền với ngành hàng lương thực, thực phẩm phục vụ nhân dân. Hết cửa hàng trưởng Cửa hàng lương thực Thanh Cù (1954), đến chủ nhiệm Công ty Bách hóa Phú Thọ rồi về phụ trách các cửa hàng lương thực ở Gia Lâm, Cửa Bắc, Hàng Chiếu ở Hà Nội. Sau này bà làm bí thư Đảng ủy, thư kí Công đoàn ngành của Sở Thương nghiệp Hà Nội.Trong tay có hàng ngàn nhân viên với nhiều cửa hàng lương thực, thực phẩm, nhiều nhà ăn tập thể trong thời bao cấp; ai cũng nghĩ cuộc sống vật chất sẽ rất đầy đủ, sẽ có người trọng vọng nịnh nọt, kẻ đón người đưa. Nhưng bà lại sống hết sức giản dị, thanh bạch,

chí công vô tư.

Bà kể, ngày làm Chủ nhiệm Công ty ăn uống Hà Nội, thấy đời sống cán bộ, công nhân viên nghèo quá, đêm đêm bà cùng anh chị em mượn xe ba gác đi chở gạo, chở bia thuê cho các cửa hàng, kiếm thêm tiền cải thiện.

Khi các con đến tuổi đi học thì ông lại vào chiến trường. Đằng đẵng gần chục năm từ 1965. Ở nhà bà lo toan tất, từ bữa cơm, tấm áo, sách vở… Quần áo anh lớn mặc không được thì để cho em, cái nào rách hay sứt chỉ thì tự tay bà may vá. Bà dạy các con phải sống giản dị, tiết kiệm.



Những bức thư quý

Ông Độ có đam mê chụp ảnh. Có kỉ niệm vui, ông kể: “Kỉ luật đầu tiên trong quân ngũ của chú do cha cháu kí (khi đó ông ấy là Trưởng phòng Thanh tra -  Cán bộ) vì chú vi phạm kỉ luật chiến trường. Thấy giặc thua trận, để lại nhiều phim ảnh, chú đã lấy về chụp, in, tráng. Làm vậy là sai vì phải nộp vào kho và kê khai với quân lực trước khi dùng”.

Ông mê viết lách nên hay lưu trữ những bài viết và cả thư từ. Ngày ông mất, các con mới lục ra cái thùng đạn đại liên mang ra từ chiến trường; trong đó lưu giữ hàng trăm bức thư. Đây là bức thư bà Hằng gửi ông vào 1952, đã 60 năm!

Anh Độ thân mến,

May quá Hằng mong tin tức của anh nhiều lắm, đang nóng ruột nhiều thì lại được em Đạt về.

Hằng mừng rỡ và đỡ nóng ruột.Hằng ở kho Na Khao, chỉ có một mình thôi. Nhớ anh quá.Nhiều đêm lạnh lắm, không ngủ được, nhớ chồng nhớ con lắm.

Hằng bận lắm không đi chơi đâu được, chỉ liên miên về thóc gạo cả ngày thôi, không có thì giờ nào dỗi cả.

Dạo này Hằng vẫn khỏe, nhưng dạo này rét nhiều thì lại ho nhiều.Ăn uống thì cũng kém, không ăn được, không hiểu trong người còn thiếu những gì… Đến gần Tết Hằng đón con ra ở với Hằng. Tuy là ở kho thì sợ tầu bay lắm, nhưng thấy tiếng tầu bay thì chạy trước. Nhất định đến Tết là Hằng đón con ra.

Anh có khỏe không?Lâu chả gặp anh, chả biết khi gặp nhau có nhớ mặt hay không?

Anh nhớ gửi quà chiến dịch cho Hằng nhé, nhất là có súng lục tốt thì gửi cho Hằng xin 2 khẩu và kèm theo nhiều đạn, giấy để được dùng súng. Hằng mong anh và chờ tin chiến thắng của anh, mong quà chiến dịch đồng hồ, bút máy, súng lục tốt. Bận quá không viết được nhiều và em Đạt cũng chỉ chờ đợi ít thôi.

Thân mến – Hằng. 14/1/1952.



Chiếc khăn rằn Nam bộ

Cùng chị Tạ Thị Kiều 1968, Hà Nội.
Năm 1968, từ mặt trận B2, ông Độ gửi ra cho bà chiếc khăn rằn. Là của quý hiếm, bà chỉ dám mang ra ngắm rồi lại cất đi. Dịp đó có đoàn anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ từ miền Nam ra Bắc. Chị Tạ Thị Kiều là một thành viên, từng được trò chuyện với thủ trưởng Trần Độ ngày trong chiến trường, nay ra Hà Nội muốn đến thăm bà.

Vì có khách quý Nam bộ lại từng ở R với chồng mà bà đã quấn khăn rằn ra tiếp khách. Chị Kiều xin phép bà được chụp chung tấm ảnh. Bức ảnh này được gửi vào Nam bộ cho ông Chín Vinh (bí danh của ông Độ). Đôi mắt bà đau đáu hướng về Nam nói lên hết tình cảm của người ở hậu phương lo lắng, thương nhớ tới người ngoài mặt trận. Nhìn bức ảnh này ai cũng bảo bà “y chang” dân Nam bộ.


Kết!

Nay bà đã ngoài 90. Rảnh rang là bà đọc báo rồi lại lọ mọ khâu những cái yếm, cái áo trẻ sơ sinh. “Chả là có cô thợ may quen, cứ có mảnh vài thừa thẹo lại gom lại cho bà. Bà cắt ra, khâu lại thành yếm, thành áo…”, bà rỉ rả tâm sự. “Thế ai dùng sản phẩm này của bà?”, tôi hỏi đùa. “Có chứ, người nghèo còn nhiều. Mà nhiều người cứ xin về cho con cháu mặc để lấy phước của bà. May thế mà cũng chả kịp cho những người cần”. Nghe bà kể mà trào nước mắt.

Tôi tâm đắc với bài viết về bà có câu: “Gan dạ bất khuất trước kẻ thù, kiên trì mẫu mực trong công tác, dịu hiền tận tụy với chồng con, đó là những điều làm nên giá trị và hạnh phúc hôm nay của chị Nguyễn Thị Phú Hằng, người vợ hiền của anh Trần Độ, khi bước vào tuổi 90 hiếm hoi và quý giá”.

Ảnh : Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng năm 2011.


4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cái bóng của ông Độ cũng ghê thật!
AT

Nặc danh nói...

Thế hệ các cụ giỏi giang, oanh liệt, một lòng vì dân, vì nước mà vô cùng lãng mạn.
Quan lại bây giờ chỉ biết vơ đầy túi thôi.

Nặc danh nói...

Chả hiểu sau này con cháu nhìn nhận bọn quan tham này là thế nào?

Nặc danh nói...

Chac chac!! Mot thoi chet vj li tuong dep dc nhooi so tot..con bay jo chung no chet vj lj tuong tien va quyen luc..chung no biet ca day nhung van bau vju..song gap vj tienquyen..