Tôi lại ra Hà Nội để bàn công việc
tiếp theo là tổ chức bốc mộ. Tôi đã kể lại chuyện đi lên núi cho các em và các
cháu nghe. Ai cũng rất phấn khởi, nhưng chúng tôi không khỏi băn khoăn khi áp
vong thì vong lại cứ nói không nhớ và không thấy. Như vậy có thể là vong của người
khác nhập vào chứ không phải là vong của Ba tôi. Tôi cũng đã trình bày điều nầy
cho cô ngoại cảm. Cô thấy chúng tôi nói như vậy là có lý. Cô yêu cầu gia đình
nên áp vong lần nữa xem sao và cũng khuyên chúng tôi tiếp tục tìm một vài nhà
ngoại cảm khác xem có trùng chỗ của cô chỉ không? Khi đã đào được hài cốt nên
thử ADN cho chính xác. Chúng tôi sợ cô tự ái nhưng cô không tự ái, cô muốn được
kiểm chứng cho chắc chắn và khuyên chúng tôi nên tìm những nhân chứng sống để
hỏi thêm cùng các hồ sơ khác của Ba tôi xem thử khả năng Ba tôi có thể ra công
tác ở Đà Nẵng hay không?
Trong lúc tôi ở Hà Nội thì Ấn và cháu
Thế Anh của tôi cầm hình Ba tôi chụp trước khi đi B hỏi nhiều người đã từng
tham gia chiến đấu ở Hòa Vang. Họ đã gặp ông T.T.B nguyên trưởng ban quân báo
huyện đội Hòa Vang đã nghỉ hưu. Khi cháu tôi đưa tấm hình Ba tôi ra hỏi ông
T.T.B đã nói đúng tên ông già tôi và ông cho biết khoảng giữa tháng 4/1968 ông
từ khu 2 ra khu 1 Hòa Vang ( cánh bắc Hòa Vang ) trinh sát nắm tình hình để
chuẩn bị cho kế hoạch B2 ( từ cuối tháng 4 đến tháng 9/1968 ). Ông còn nói cuối
tháng 4 đầu tháng 5 năm 1968 có làm việc nhiều lần với Ba tôi. Ông nói Ba tôi
là người Huế và làm công tác quân báo ( hình như là trưởng ban QBTS của Thừa
Thiên Huế ) lúc bấy giờ đơn vị ông Hối đóng quân khu vực Tây nam núi Bạch Mã (
phía Hòa Vang ) Do đó có nhiều quan hệ trao đổi tình hình trinh sát địa hình,
quy luật hoạt động của các tàu tuần tiểu, bo bo tuần tiểu của địch. Trên sông
Cu Đê – Thủy Tú ( Từ Trường Định đến cầu Thủy Tú khu vực cánh bắc Hòa Vang. Ông
còn kể : Tối hôm Đ/c Hối bị địch phục kích hy sinh thì khoảng 16 giờ đến 16 giờ
30 chúng tôi cùng nói chuyện với nhau , sau đó cả 2 cùng ăn cơm ( 2 đơn vị cùng
ăn với nhau ). Đến tối 2 đơn vị tách ra và đi 2 hướng khác nhau. Nửa đêm ông ta
nghe có tiếng súng nổ. Hôm sau, hỏi tình hình thì họ nói người ngồi nói chuyện
và ăn cơm với ông T.T.B tối qua đã bị địch phục kích bắn chết rồi. Khoảng 2,3
hôm sau dân mới lấp chôn được vì địch còn phục kích và sợ chúng gài bẫy. Đ/c
Hối hy sinh ở cây đa Trường Định và chôn cạnh cây đa trên 10 mét hướng đông.
Ông còn khẳng định đ/c Hối hy sinh khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 1968.
Như vậy thì quá khớp với các hồ sơ tôi nắm trong tay ( lá thư gởi 24/4/1968 ).
Sau nầy khi tôi đến nhà nói chuyện trực tiếp với ông thì ông nói với tôi rằng:
Chú Hối ( bởi vì lúc nầy ông biết tuổi
tôi và ông gần bằng nhau ) có nói chiến trường thời chống Pháp của chú là ở
Phan Rang, Khánh Hòa và trước khi đi bộ đội thì ổng là công nhân hỏa xa ( nhưng
chính xác lúc đó Ba tôi là thợ điện ). Lúc đó tôi không nghi ngờ gì nữa vì
những thông tin cá nhân của Ba tôi ông
ta nắm rất chính xác. Để xác minh cho chính xác xem Ba tôi có ở trong ban quân
báo trinh sát TT Huế hay không? Tôi, em
tôi (Nam Vinh ) và con cô tôi ( Trần Tăng ) đi tìm những chú cựu chiến binh đã
hoạt động tình báo ở TT Huế để hỏi về tin tức của Ba tôi thì họ hoàn toàn không
biết. Tôi cũng vào tỉnh đội, huyện đội Phú Lộc đề nghị cho xem danh sách các
liệt sỹ có ai tên là : Nguyễn Bá Hối hoặc Hoàng Cường không nhưng cũng không có
một trong hai tên đó. Ngoài ra, Ấn và đứa cháu tôi đã gặp những người như
nguyên bí thư khu vực Trường Định hoặc đ/c nguyên cán bộ bám trụ tại Thủy
Tú….khi nhìn ảnh thì nói thấy quen, thậm chí có người nói đã vài lần làm việc
với Ba tôi. Như vậy anh em tôi lại nghĩ có lẽ vì một lý do gì đó mà Ba tôi đã
thay đổi địa bàn công tác và đã hy sinh ở tại khu vực Thủy Tú hoặc có thể bị
thương ở khu vực nầy rồi đi về phía núi Sơn Gà và hy sinh tại đó.
Do công việc của Ấn là Cục phó cục kỹ
thuật QK5 nên quen nhiều người trong bộ chỉ huy quân sự các tỉnh miền Trung. Ấn
đã gởi thư cho ban chính sách của tỉnh đội Bình Định, Phú Yên hỏi về tin tức
của Ba tôi và một ông cậu của tôi. Đầu tháng 7/2008 gia đình chúng tôi nhận
được công văn trả lời số: 55/PCT-CS ngày 30/6/2008 của phòng chính trị tỉnh đội
Bình Định trả lời Ba tôi đã về công tác tại tỉnh đội Bình Định cuối năm 1967 là
trưởng ban quân báo trinh sát thuộc ban tham mưu tỉnh Bình Định và hy sinh
trong chuyến công tác bị địch phục kích ( chưa xác định rõ thời gian và địa
điểm cụ thể ). Như vậy, qua công văn nầy lại chỉ cho chúng tôi biết là khả năng
Ba tôi hy sinh tại Bình Định là có cơ sở.
Ngày 23/6/2008 Tôi lại vào một địa
điểm tìm mộ liệt sỹ ở Hà Nội, nhà ngoại cảm nầy rất hiểu rõ mặt trận Đà Nẵng
năm 1968. Ông cho biết Ba tôi cao to mặt vuông chữ điền ( khác hoàn toàn với
nhận dạng của Ba ) hy sinh ngày 18/02/1968 ( trong khi lá thư cuối cùng Ba tôi
gởi ra Bắc ngày 24/4/1968) và hiện nay mộ của Ba tôi là mộ “ Liệt sĩ chưa biết
tên “ ở tại nghĩa trang xã Hòa Phú Huyện Hòa Vang thành Phố Đà Nẵng. Trước khi
ra về tôi nói: Có lẽ anh nhìn nhầm liệt sỹ nào với Ba tôi rồi.
Ngày 14/7/2008 là ngày mà nhà ngoại
cảm B hẹn chúng tôi đến để chỉ cho đi tìm mộ. Cô nói Ba tôi hy sinh năm 1967 (
vì trong bằng Tổ Quốc ghi công ghi ngày hy sinh 25/12/1967) và hy sinh tại xã
Đại Lộc giáp Quế Sơn ( Quảng Nam).
Tôi không tin vào những thông tin trên vì trong tay tôi có lá thư gởi ngày
24/4/1968 của Ba.
Ngày 24/7/2008 tôi lại vào Đà Nẵng
chuẩn bị cho công việc lên núi . Trong thời gian chờ đợi để đến ngày lành tháng
tốt. Tôi đi gặp thêm 3,4 người nữa mà nhiều người đã hết sức ca ngợi những
người nầy. Nhưng tất cả không ai nói trùng một chỗ nơi Ba tôi hy sinh.
Ngày 27/7/2008 một “ Nhà ngoại cảm” ở TP Đà
Nẵng đã đưa tôi, em trai tôi ( Nam Vinh ), cháu tôi ( Thế Anh ), Ấn và Phụng K2
cùng đi vào nghĩa trang Hòa Hiệp Nam. Do là ngày TBLS mà nghĩa trang nầy được
trang trí rất đẹp và đông người đến viếng. Chúng tôi theo “nhà ngoại cảm” dẫn
tới một ngôi mộ của liệt sỹ chưa biết tên. Ông đứng lên ngôi mộ rồi nhảy xuống
đất và nói tôi và em tôi lần lượt đứng lên ngôi mộ. Ông hỏi tôi có thấy cảm
giác gì không? Tôi trả lời không thấy gì cả. Ông nói nếu anh không tin thì khấn
xin liệt sỹ trong ngôi mộ cho mượn một nắm đất, rồi anh hỏi ông Q số điện thoại
là 0913….ông ta sẽ chỉ cho ông thầy ở QN có thể nói được tên người trong mộ
nầy. Tôi cũng lấy điện thoại ra ghi lại số của ông Q và cảm ơn “ nhà ngoại cảm
“. Tôi nghĩ nếu gọi điện cho ông Q thì ông ta sẽ cho tôi địa chỉ của ông thầy ở
QN, sau đó sẽ gọi điện cho “nhà ngoại cảm” hỏi tên Ba tôi ngay rồi lại thông
báo cho ông thầy. May sao cháu tôi lại biết được địa chỉ của ông nầy. Chúng tôi
làm thủ tục mượn đất sau đó tôi, cháu tôi và em trai cùng đi vào QN. Chúng tôi
đã ngồi chờ ông thầy từ 10giờ đến 12 giờ, thầy mới đi Đà Nẵng về. Chúng tôi nhờ
thầy xem đất nầy ở mộ của liệt sỹ tên là gì? Ông thầy làm thủ tục xong nói tên
là Lê Văn C . Chúng tôi cám ơn thầy và ra về. Trên đường ra về tôi nói nếu thầy
có khả năng như vậy thì còn mộ nào là mộ “ liệt sỹ chưa biết tên” nữa . Qua đó
chúng tôi thấy rõ họ có đường dây làm ăn
với nhau, nếu ta không tỉnh táo thì sẽ mắc bẫy ngay. Xin nói rõ cho độc giả
biết “ nhà ngoại cảm” nầy đã từng tìm được nhiều mộ liệt sỹ và đã được báo chí
ca ngợi.
2 nhận xét:
Chuyện tâm linh nhưng anh Khánh và gia đình rất cẩn thận, xem xét kĩ lưỡng, không tin mù quáng.
Đúng là nhu cầu tìm người thân là tha thiết nhưng ta không được mù quáng, cả tin mà phải tỉnh táo thu nhận và xử lí tất cả các thông tin. Bác Khánh thật bản lĩnh trong vụ này.
Đăng nhận xét