Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

SỰ RA ĐỜI VÀ VỮNG BƯỚC ĐI LÊN CỦA ĐIỆN ẢNH QUÂN ĐỘI (KQ)


Ngày nay, mỗi khi được xem lại những thước phim thời sự - tài liệu về những năm tháng hào hùng của 2 cuộc kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta không khỏi xúc động và thầm cảm ơn những nhà làm phim trong và ngoài quân đội. Và không phải ai trong chúng ta đều biết được ngành Điện ảnh Quân đội đã ra đời trong hoàn cảnh nào!
Năm 1958, chuẩn bị kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Quân đội, các mảng báo chí, triển lãm, các chương trình ca muá nhạc của các đoàn văn công… đều đã lên kế hoạch dàn dựng, riêng phim thì chưa có. (Thời điểm này Quân đội chưa có ngành Điện ảnh). Đ/c Nguyễn Chí Thanh, bấy giờ là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đã quyết định: trong dịp này phải ra cho được một bộ phim tài liệu truyền thống của quân đội. Để triển khai, đ/c Lê Quang Đạo đã giao nhiệm vụ này cho 2 đ/c Ngô Luân và Trần Việt. Các đ/c đã sang Bộ Văn hoá, gặp gỡ các nhà làm phim giầu kinh nghiệm như Phạm Văn Khoa, Bùi Đình Hạc,  Hoàng Thái. Cuối cùng Hoàng Thái đồng ý làm đạo diễn cho phim. Phim được quay bởi 2 nghệ sĩ Ngọc Quỳnh, Thanh Trước; âm nhạc - Nguyễn Đức Toàn; cố vấn quân sự - An Văn Giai. Chủ nhiệm phim Trần Việt đã kể lại thật hài hước: ”Kịch bản: bộ đội lo! Am nhạc: bộ đội lo! Chủ nhiệm: bộ đội lo! Máy móc, phương tiện làm phim: thuê mượn! … Và phim phải được trình chiếu vào 22-12-1959!” Đúng là “quân lệnh như sơn”!


Vượt qua những khó khăn ban đầu, được sự giúp đỡ của Xưởng phim Thời sự – Tài liệu Trung ương, tới tháng 11-1959, bản dựng đầu tiên được thông qua. Vì có cảnh Bác Hồ đọc lời kêu gọi “toàn quốc kháng chiến”, mà năm 1946 ta không thu được. Đoàn đã đề nghị với đ/c Nguyễn Chí Thanh báo cáo Bác xin ghi âm lại lời kêu gọi. Ba ngày sau, Bác  đồng ý và đoàn làm phim đã tổ chức ghi âm được giọng nói của Bác ngay tại Phủ Chủ tịch. Đây quả là một tư liệu lịch sử vô giá! Và bộ phim “Dưới cờ quyết thắng” đã ra đời đúng  dự kiến, kịp phục vụ bộ đội và nhân dân vào dịp kỷ niệm 22-12-1959.
Với kết quả này, tin tưởng vào khả năng của anh em, đại tướng Nguyễn Chí Thanh đồng ý cho tiến hành thành lập Đoàn Điện ảnh Quân đội. Tháng 8-1960, hơn ba chục anh em từ các đơn vị trong toàn quân được gọi về Đoàn. Đạo diễn điện ảnh - Nghệ sĩ ưu tú Dương Minh Đẩu, ngày ấy đeo lon thiếu tá, mới 32 tuổi, nguyên đoàn trưởng 20 năm đầu, tâm sự: ”Đa số anh em về với Đoàn đều là cán bộ chính trị, tuyên huấn, hay văn công, nhưng hầu hết chưa hề có khái niệm về điện ảnh. Khoảng chục anh đã từng làm công tác chiếu bóng (!) ở đơn vị và duy nhất Trương Thành Hỷ đã học qua về quay phim với thầy Khương Mễ từ hồi 9 năm ở chiến khu Đồng Tháp Mười. Nhà văn có Hoàng Văn Bổn, Phù Thăng, nhà thơ có Lưu Trùng Dương. Và việc đầu tiên phải làm là “đi học”. Khi Bộ Văn hoá mở lớp học về điện ảnh do chuyên gia Liên Xô giảng thì cử người đi học. Thời kì đầu, liên tục trong 6 tháng, anh em đã mời các thầy Khương Mễ, Trịnh Thanh,… hay một số đàn anh đi trước trong nghề về dậy cách quay phim, chụp ảnh. Đặc biệt, từng người đã quyết tâm tự học, tự tìm kiếm sách vở để đọc. Sang năm 1961, ba bộ phim đầu tiên về lực lượng vũ trang - “Trên hải phận Tổ quốc”, “Khi tôi huấn luyện tiểu đội” và phóng sự “Mộc Châu vui đón bạn” (về Liên hoan Thanh niên toàn quân tại Mộc Châu) - được giao cho Xưởng phim Thời sự – Tài liệu thực hiện. Thế là anh em ở vị trí nào xin sang “điếu đóm”, bám thầy ở vị trí đó: đạo diễn học đạo diễn, kịch bản học kịch bản, quay phim học quay phim…Với kiểu “thợ cả cõng thợ con”, vừa làm - vừa học, bằng trí tuệ và đôi bàn tay, anh em cán bộ, sĩ quan trẻ ngày ấy đã xây dựng nên ngành Điện ảnh Quân đội… Đặc biệt, qua 2 lần làm việc với Xưởng phim Bát Nhất (Quân giải phóng Trung Quốc, 1962) và Chính phủ Liên Xô (trong 3 năm, 1974-77) về việc quy hoạch xây dựng Xưởng phim Quân đội đã là những khoá học lớn cho các cán bộ quản lý về vấn đề tổ chức, xây dựng và sản xuất phim tài liệu”.
Xin kể ra đây một vài phim trong hàng trăm bộ phim, mà Xưởng phim Quân đội đã sản xuất phục vụ người xem cả nước.
Sau khi thành lập được 2 năm, năm 1962, bộ phim kịch muá “Ngọn lửa Nghệ - Tĩnh”  đã được đề xướng sản xuất. Với sự giúp đỡ chí tình của Xưởng phim Bát Nhất, từ mùa hè 1963, tổ cố vấn của Bạn đã cùng ta mở đợt sáng tác âm nhạc, đi khảo sát thực tế, dàn dựng phần nhạc múa, chuẩn bị kịch bản điện ảnh và tổ chức đoàn làm phim. Từ tháng 5 đến tháng 11-1964, tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Đoàn Ca múa nhạc Quân đội (gồm 140 diễn viên) cùng Đoàn làm phim (20 người) đã tiến hành cùng Bạn quay xong bộ phim mầu hoành tráng đầu tiên “Ngọn lửa Nghệ - Tĩnh” với thời lượng 70 phút. Nó đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Điện ảnh Quân đội.
Đoàn làm phim Ngọn lửa Nghệ Tĩnh đi thăm Vạn lý Trường thành cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Năm 1965, Xưởng phim Quân đội cho ra đời bộ phim “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và năm 1970, phim đã đoạt giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim lần thứ nhất. Rồi trong những ngày kháng chiến chống Mỹ, những thước phim thời sự tài liệu quay được ở miền Nam theo giao liên vượt bom đạn ra Bắc, sau đó được Xưởng phim Quân đội sản xuất tại nơi sơ tán chỉ cách Hà Nội 30km để trở thành những bộ phim mang danh Xưởng phim Giải phóng như: “Chiến thắng Dương Liễu – Đèo Nhông”, “Vài hình ảnh Xuân 1968”, “Chiến thắng Côcava”, “Trận địa mặt đường”, “Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào”, “Anh pháo binh giải phóng”…vv, với các đạo diễn quen thuộc như Bùi Phương, Phạm Tiến Đại, Nguyễn Kha, Trần Quốc Chung, Nguyễn Trung Kiên…
Giám đốc Dương Minh Đẩu phát biểu nhân kỉ niệm 10 năm Xưởng phim QĐ. HN 1970.
(Hàng ngồi, trái sang: nhà quay phim Quốc Vy, đạo diễn Nguyễn Văn Thông,
đạo diễn khoa học Đinh Lang, biên kịch Hoàng Văn Bổn).

Đầu 1979, trong những ngày quân đội ta sang giúp bạn giải phóng đất nước Chùa Tháp khỏi họa diệt chủng, Xưởng phim Quân đội đã cho ra đời bộ phim “Campuchia 3+4” (Dương Minh Đẩu, Chí Tân) vạch trần tội ác diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt. Tại Liên hoan phim quốc tế Lai-xích 1979, phim đã được trao giải thưởng cao nhất – Bồ câu Vàng.
Từ “buổi đầu tay trắng” với “hơn 30 chiến sĩ”, sau hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, ngày nay Xưởng phim Quân đội đã có một quy trình sản xuất phim hiện đại; với một đội ngũ nghệ sĩ - chiến sĩ làm phim vững về chính trị, giỏi về chuyên môn luôn có mặt trên khắp các chiến trường Đông Dương, góp phần cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước những thước phim tư liệu quý giá. Nhiều nhà điện ảnh quân đội đã được phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân. Tính đến cuối thập niên 90, Điện ảnh Quân đội đã giành được 3 giải Bồ câu Vàng, 1 giải Bồ câu Bạc tại Liên hoan phim quốc tế ở Lai-xích và 24 giải Bông sen Vàng, 37 giải Bông sen Bạc tại các kì Liên hoan phim Việt Nam, 2 giải thưởng mang tên nhà đạo diễn điện ảnh nổi tiếng thế giới Joris Iven.
Điện ảnh Quân đội đã góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt của Quân đội NDVN anh hùng!

1 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Ông già Đoàn Phú Hòa và Phan Hoài Thuận, Phan Hoài Lưu cũng từng làm việc ở đây. Nay Đoàn Phú Hùng (em Hóa) là GĐ Xưởng phim QĐ.