Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Chặn đường kêu oan (Huỳnh Văn Úc)



Dưới thời vua Tống Nhân Tông (trị vì từ năm 1022 đến năm 1063) Trần Thế Mỹ là một thư sinh nghèo khó ở Hồ Nam, có vợ là Tần Hương Liên và có hai đứa con. Tần Hương Liên đầu tắt mặt tối làm lụng nuôi Trần Thế Mỹ ăn học. Đến kỳ thi Trần Thế Mỹ lên kinh đô ứng thí và đỗ trạng nguyên. Tân khoa trạng nguyên Thế Mỹ được thái hậu kén làm phò mã. Sau khi trở thành phò mã Trần Thế Mỹ muốn quên đi quá khứ, ruồng bỏ vợ con. Tần Hương Liên dẫn hai đứa con vượt ngàn dặm đường lên kinh đô tìm chồng. Trần Thế Mỹ chẳng những không nhận vợ con mà còn sai người đuổi theo tính kế giết hại. Tần Hương Liên uất ức nên giữa đường chặn kiệu của Bao Công đệ đơn kêu oan. Vụ việc của Tần Hương Liên được Bao Công thăng đường xét xử để cuối cùng công lý được sáng tỏ.



Ngày 7/9/2012 ở huyện Di Lương tỉnh Vân Nam xảy ra trận động đất gây thiệt hại cả về người và tài sản. Hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, hàng chục vạn ngôi nhà khác bị hư hại. Sáng sớm 8/9/2012 Thủ tướng Ôn Gia Bảo có mặt tại hiện trường thăm hỏi những người bị thương và đích thân chỉ huy các hoạt động cứu hộ. Chưa thật yên tâm với công việc khắc phục hậu quả động đất nên trung tuần tháng 11/2012 Thủ tướng Ôn Gia Bảo lại về thăm huyện Di Lương. Ngày 22/11/2012 tờ Thượng Hải Nhật báo (Shanghai Daily) đưa tin trong chuyến thăm này cô Lương Vĩnh Lan 29 tuổi cùng ba nông dân khác đã quỳ xuống đường chặn đường đoàn xe  30 chiếc chở ông Ôn Gia Bảo để đệ đơn đòi công lý cho một vụ cưỡng chiếm đất đai. Chuyện xảy ra với cô Lương Vĩnh Lan có nội dung na ná giống như nhiều vụ cưỡng chế đất tại Trung Quốc ( và tại Việt Nam). Chính quyền lấy đất nông nghiệp từ tay nông dân để trao lại cho dự án xây cất nhà máy và đền bù với giá 28 nghìn tệ một mẫu ( 1 tệ = 3.300 VND), thấp hơn giá đất ở làng bên (50 nghìn tệ một mẫu). Sau khi quỳ xuống đất dược 5 phút, không rõ tiếng kêu oan của cô Lương Vĩnh Lan đã thấu đến tai Thủ tướng Ôn Gia Bảo hay chưa thì công an đã ập đến còng tay cô và ba người khác vì tội “phá rối trật tự công cộng”. Họ bị giam giữ bảy ngày, bị phạt 1000 tệ và được thả ra vào ngày 20/11/2012.

Hành động của cô Lương Vĩnh Lan có gì đó giống với Tần Hương Liên. Chỉ có điều khác nhau, khác nhau rất căn bản. Đó là người ngồi trên chiếc xe bị chặn đường kêu oan là Ôn Gia Bảo chứ không phải là Bao Công.

Không có nhận xét nào: