Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

NƯỚC MẤT NHÀ TAN (Huỳnh Văn Úc)


Người Uyghur hay còn gọi là người Duy Ngô Nhĩ là tộc người sống ở Khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Người Duy Ngô Nhĩ còn có mặt tại Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan. Người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo, nói tiếng Turk. Trên thế giới có khoảng 200 triệu người nói tiếng Turk trong số đó có người Thổ Nhỉ Kỳ. Tân Cương là đơn vị hành chính cấp tỉnh lớn nhất Trung Quốc với diện tích 1,6 triệu kilômét vuông, là nơi có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn nhất Trung Quốc. Theo số liệu năm 2000 dân số Tân Cương vào khoảng 18 triệu người, trong đó đông nhất là người Duy Ngô Nhĩ hơn tám triệu người và người Hán hơn bảy triệu người. 

Trong chiều dài của lịch sử người Duy Ngô Nhĩ từ Mông Cổ đến Tân Cương sinh sống từ năm 842. Vào thế kỷ 17 một nhánh của người Mông Cổ là người Chuẩn Cát Nhĩ đã lập ra trên vùng đất rộng lớn trải dài từ cực tây của Vạn Lý Trường Thành đến phía đông Kazakhstan và từ phía bắc Kyrgyzstan đến phía nam Siberi một đế quốc mang tên Hãn quốc Chuẩn Cát Nhĩ. Lãnh thổ của Hãn quốc Chuẩn Cát Nhĩ bao gồm cả Tân Cương ngày nay. Năm 1755 Hãn quốc Chuẩn Cát Nhĩ bị nhà Thanh đánh bại. Từ năm 1759 đến năm 1864 người Duy Ngô Nhĩ đã 42 lần vùng lên khởi nghĩa chống lại ách cai trị của nhà Thanh. Năm 1864 người Duy Ngô Nhĩ đã đánh đuổi bộ máy cai trị của nhà Thanh ra khỏi Đông Turkestan và thành lập vương quốc của mình. Năm 1884 tướng nhà Thanh là Tả Tông Đường hoàn thành cuộc chinh phục vương quốc này, Đông Turkestan bị đổi tên thành Tân Cương và trở thành một tỉnh của Trung Quốc. Năm 1912 nhà Thanh sụp đổ, Trung Hoa Dân Quốc thay thế và cai trị Tân Cương. Đầu thập niên 1930 người Duy Ngô Nhĩ trên khắp Tân Cương vùng lên khởi nghĩa và đến ngày 12/11/1933 tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Đông Turkestan trên lãnh thổ Tân Cương. Quân đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa đã dập tắt cuộc khởi nghĩa trong biển máu vào năm 1934, các lãnh tụ người Duy Ngô Nhĩ bị hành quyết. Vào những năm cuối cuộc chiến tranh thế giới thứ hai với sự giúp đỡ của Liên Xô, người Duy Ngô Nhĩ lại thành lập nền Đệ nhị Cộng hòa Turkestan trên lãnh thổ Tân Cương từ năm 1944. Nước cộng hòa này lại bị diệt vong vào năm 1949 sau khi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiến vào Tân Cương năm 1949.

Nước mất thì nhà tan. Khi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc chiếm Tân Cương năm 1949 người Hán chỉ chiếm 7% dân số. Tỷ lệ đó ngày nay là 75%. Người Hán đưa quân đội đến đồn trú ở Tân Cương, kèm theo đó là gia đình quân nhân. Người Hán lập nông trường và đưa dân đến canh tác. Người Hán nắm giữ mọi hoạt động kinh tế, thương mại, tài chính. Người Duy Ngô Nhĩ bỗng dưng trở thành dân tộc thiểu số trên chính mảnh đất quê hương của mình. Văn hóa, tín ngưỡng, ngôn ngữ của người Duy Ngô Nhĩ không được người Hán tôn trọng. Tuy trong lịch sử, nhà nước của người Duy Ngô Nhĩ chỉ tồn tại trong những thời gian ngắn ngủi nhưng khát vọng độc lập thì vẫn sôi sục không bao giờ ngừng. Ngày 5/7/2009 hơn ba nghìn người Duy Ngô Nhĩ ở thủ phủ Urumqui-một thành phố có 2,3 triệu dân-đã vùng lên phản kháng. Xe bọc thép của cảnh sát chạy rầm rập trên đường phố, đạn hơi cay và vòi rồng xả thẳng vào đám đông. 184 người chết, trong đó có 137 là người Hán và 47 người Duy Ngô Nhĩ. Tháng 7/2011 bạo loạn lại bùng phát làm chết 32 người. Tháng 2/2012 lại xảy ra bạo loạn ở thành phố Kashgar vùng tây bắc Tân Cương làm chết 12 người. Hãng Reuters ngày 29/6/2013 đưa tin đồn cảnh sát tại thành phố Hotan thuộc Khu tự trị Tân Cương đã bị hơn 100 người đi xe máy mang vũ khí lạnh tấn công, 35 người chết. Những chiếc xe tải chở đầy lính Trung Quốc lại chạy rầm rập trên các đường phố của thủ phủ Urumqui trong các chiến dịch tuần tra. Nhiều xe bọc thép màu trắng chở cảnh sát chống bạo động đang tiến gấp vào Tân Cương. Phần lớn các cửa hàng ở trung tâm Urumqui đã đóng cửa, trên đường phố người ta chỉ thấy các binh lính đi tuần tra.

Nước mất thì nhà tan. Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương nuôi hy vọng gì khi liên tục tiến hành những cuộc bạo loạn? Chỉ có lịch sử và thời gian mới có thể trả lời được câu hỏi này.



Một chiếc xe tải chở đầy lính Trung Quốc đang tuần tra tại Urumqi, thủ phủ Khu tự trị Tân Cương, vào ngày 29/6. Ảnh: Reuters











2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tai TQ co hai cung dat cua hai Dan toc Tang,Duy NGO Nhi co Nguyen vong doc lap,co Quoc Gia cua Minh.Van de nay rat phuc tap,bao loan no ra o Tay Tang, Tan Cuong Noi Len dieu do. Nha nuoc Trung Quoc dang dung vu luc de Dan ap cac cuoc bao loan, chinh sach do kong the khuat phuc Duroc tinh t.han Dan toc dang song throng moi nguoi dan cua hai cung dat nay.Toi nghi TQ can co mot chinh sach mem deo hon.KC

tranbachai nói...

Vâng, nước mất thì nhà tan. Thế giới không phải không biết số phận bi thảm của người Tibetan và người Uyghur. Nhưng đồng tiền bây giờ nó mua được hết, các nước lớn sẽ không bao giờ hy sinh quyền lợi làm ăn của họ với TQ để bênh vực những người yếu thế. Bởi vậy VN phải tự biết mà giữ mình thôi.