Tại sao lại như thế? Ông Philippe Cornu đã đưa ra một lời giải
đáp cho câu hỏi này.
Philippe Cornu là đương kim Chủ tịch Đại Học Phật Giáo Âu
châu, Giảng sư tại Viện Quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh Đông phương (Inalco) của
Pháp. Ông cũng là một học giả uyên bác về Phật giáo, dịch nhiều kinh sách từ
các tiếng Tây tạng, Trung hoa..., đồng thời ông cũng trước tác, viết báo và giảng
dạy về Phật giáo. Một trong những công trình đáng kể của ông là quyển Tự điển
bách khoa Phật giáo.
Sau đây là báo phỏng vấn Philippe Cornu do nữ ký giả
Cathérine Golliau thực hiện, đăng trên tạp chí Le Point của nước Pháp.
- Chúng ta phải định nghĩa Phật giáo như thế nào?
- Đó là con đường tâm linh nhắm mục đích tự giải thoát khỏi
vô minh và lầm lẫn, nguồn gốc đưa đến khổ đau, và giúp đạt được Giác ngộ, tức một
thể dạng lột trần được mọi ảo giác, và từ thể dạng đó sự thực tối thượng sẽ hiển
hiện. Người ta thường xem Phật giáo là một tôn giáo, trong chiều hướng Phật
giáo chủ trương một con đường đạo đức, một luận thuyết triết học, đề nghị những
nghi lễ và cách thức tu tập tinh thần trong mục đích giải phóng con người : vì
thế cần phải đặt lòng tin nơi Đức Phật để bước vào con đường ấy. Tuy nhiên Đức
Phật không phải là một vị thần, và Đạo Phật, còn gọi là Bouddha-darma (Đạo Pháp
của Đức Phật) không phải là một tôn giáo thờ trời, theo ý nghĩa một vị thần
sáng tạo.
- Có phải đấy là một phản ứng chống lại Đạo Bà-la-môn hay
không?
- Đức Phật xuất hiện vào một thời điểm mà các bản kinh Vệ-đà
của Đạo Bà-la-môn bị chỉ trích là chỉ biết chú trọng đến nghi lễ, một số người
không chấp nhận khía cạnh ấy của Đạo Bà-la-môn đứng ra soạn thảo các kinh điển
mới gọi là Upanisad, các kinh này quan tâm nhiều hơn đến sự giải thoát cá nhân.
Con đường của Đức Phật nằm trong bối cảnh diễn tiến đó của kinh điển Upanisad,
tuy nhiên tính cách đặc thù trong luận lý và kinh nghiệm của Đức Phật khác hẳn
các hình thức cải tiến của Đạo Bà-la-môn qua các kinh điển Upanisad như vừa kể.
- Đâu là những khác biệt chính yếu cho thấy những điểm trái
ngược giữa hai trào lưu đó?
- Trọng tâm trong những lời giáo huấn của Đức Phật là tính
cách vô thường của tất cả mọi sự vật, sự kiện không hề có một “cái ngã” trường
tồn, và những gì mà thông thường người ta gọi là sự tương liên hay là sự tương
tạo dựa vào nhiều điều kiện, nguyên tắc ấy cho thấy mọi hiện tượng chỉ có thể
hiện hữu bằng cách liên đới với nhau, những hiện tựng này làm điều kiện giúp
cho những hiện tượng khác hiện hữu.
Tham vọng muốn kiểm soát mọi vật thể và lòng ước mong chận đứng,
bằng bất cứ giá nào, những chuyển động của vô thường, sẽ làm phát sinh những hiểu
biết sai lầm về thế giới này và do đó chỉ đem đến khổ đau mà thôi.
3 nhận xét:
Xem để hiểu thêm về sự tồn tại của Phật giáo ở VN.
Khong ly giai duoc cau hoi o dau bai
Hãy đợi đấy!
Đăng nhận xét