Là con trai thứ hai của nhà tỷ phú huyền thoại Warren Buffett, nhưng nói tới Peter Andrew Buffett người ta nhớ tới ngay một nhạc sĩ kiêm nhà soạn nhạc nổi tiếng. Dấu ấn duy nhất nhà tỷ phú này khắc lên con đường trở thành người nổi tiếng của con mình chỉ là sự tin tưởng…
Năm 19 tuổi, Peter nhận được số tiền thừa kế… 90,000 Mỹ kim. Gần 100,000 đô, “not bad” nếu như bạn xuất thân trong một gia đình bình thường. Nhưng nếu có cha là tỷ phú có khối tài sản hàng chục tỷ đô thì bạn nghĩ sao?
Và đây là tài sản thừa kế duy nhất của anh em nhà Buffett nhận được từ người cha nổi tiếng của họ.
Số tiền $90.000 mà ông Warren cho họ là tiền bán một trang trại của gia đình, họ cũng chẳng được nhận tiền mặt. Tiền được đổi thành cổ phiếu của công ty Berkshire Hathaway mà tỷ phú Warren làm chủ tịch và Peter được cha trao cho kèm với lời dặn dò: “Hãy thận trọng với món quà này. Vì con sẽ không bao giờ nhận được thêm gì nữa”.
Và con của nhà Buffett quả là con nhà tông. Trong cuốn hồi ký mới của mình Life Is What You Make It, Peter giải thích rằng ông may mắn vì cha mình đã không để lại tài sản cho con cái một cách dễ dàng. Để trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng với giải thưởng Emmy, điều Peter cần là những hỗ trợ tinh thần chứ không phải tiền bạc.
Sau đó Peter đã bán cổ phiếu lại cho cha mình để lấy tiền mặt chi xài trong thời gian học tại Đại học Stanford và bắt đầu sự nghiệp sáng tác nhạc.
Để thành danh trong lĩnh vực nghệ thuật không phải chuyện một sớm một chiều và đòi hỏi sự đầu tư tiền bạc khá lớn. Vậy mà ngoài số tiền thừa kế, tỷ phú Warren đã nói thì như đinh đóng cột, nhất quyết không cho con thêm bất cứ thứ gì nữa, kể cả cổ phiếu trong công ty của ông.
Một lần khi 20 tuổi, Peter hỏi vay cha tiền nhưng bị từ chối. Điều này khiến anh thấy tổn thương và cha con họ không liên lạc với nhau một thời gian dài. Chỉ tới khi gặt hái được thành công, Peter mới hiểu rằng quyết định của cha lúc ấy là hoàn toàn đúng đắn. “Nếu tôi có một đống tiền từ cha tôi thì có lẽ cuộc sống của tôi đã không có ý nghĩa như ngày hôm nay. Tôi tin rằng những gì cha tôi làm xuất phát từ tình yêu thương. Ông đã từng nói với tôi rằng: Cha tin con vì con là con trai của cha. Con sẽ vẫn thành công mà không cần sự giúp đỡ của bất kỳ ai ”.
Cách dạy con của ông tỷ phú càng đáng nể hơn nếu biết $90.000 là tài sản thừa kế duy nhất mà Peter Buffett cũng như anh chị em của ông nhận được, nhưng bù lại, họ được cha trao cho khoảng 1 tỷ đô để làm từ thiện. Peter và vợ ông đã dành nhiều năm để nghĩ cách làm từ thiện sao cho hiệu quả nhất.
Cuối cùng, họ đã thành lập Novo Foundation – một tổ chức phi lợi nhuận dành cho phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới. Hai người con còn lại của tỷ phú Warren cũng có những đóng góp đáng kể trong hoạt động từ thiện. Howard Buffett thành lập tổ chức giúp đỡ những nông dân nghèo khó tại các quốc gia kém phát triển với mục tiêu tăng cường sản xuất lương thực ngăn ngừa nạn đói. Susie Buffett thì thành lập quỹ hỗ trợ hoạt động giáo dục cho trẻ em và thúc đẩy việc tuyên truyền phòng chống mang thai ở trẻ vị thành niên.
Warren Buffett là cổ đông lớn nhất, kiêm Chủ tịch Tập đoàn Berkshire Hathaway và đứng trong top 3 những người giàu nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn. Những gì các con ông đạt được cho thấy, điều ông dạy họ không phải là tiền bạc và cách kiếm tiền mà đơn giản chỉ là cách sống. Peter tin rằng mình đã được cha “đầu tư” đúng mực với cách giáo dục tốt nhất mà nhiều người ước ao. Ông hóm hỉnh: “Điều mà tôi ngưỡng mộ nhất ở cha tôi là sự tin cậy. Sự tin cậy là điều quan trọng nhất ”.
Warren rất ít khi nói chuyện với các con về chuyện làm ăn. Ông quan tâm tới những triết lý của cuộc sống, chẳng hạn như: “Các con không cần phải thử sức trên tất cả các lĩnh vực. Khi con đã sẵn sàng để đầu tư (ví dụ như nhà đầu tư cổ phiếu), con chỉ cần tưởng tượng nó giống một quả bóng tròn đang di chuyển từ từ”.
Đối với Warren, việc tìm cho các con một công việc ở Wall Street hay công ty Berkshire Hathaway của ông để duy trì đế chế của gia đình Buffett hoàn toàn đơn giản. Vậy mà ông lại chứng tỏ mình là một người cha tuyệt vời khi để các con trưởng thành theo cách riêng.
Peter Buffett nói rằng món quà lớn nhất có thể tặng cho cha là đi theo bước chân của ông, bằng cách tin tưởng vào chính mình. Năm 1977, khi Peter còn nhỏ, Berkshire Hathaway của Warren Buffett đã mua lại tờ The Buffalo Evening News bất chấp thực trạng ngành báo in đang điêu đứng, lượng phát hành và quảng cáo đã giảm nghiêm trọng. Giờ thì tờ báo này đã là The Buffalo News bề thế.
Đối với Warren Buffett thì những thứ cũ, lỗi thời cũng không làm ông lay chuyển lối sống. Peter vẫn đến thăm cha tại Omaha, Nebraska. Cha ông vẫn sống trong ngôi nhà mà Peter từng lớn lên, bất chấp sự giàu có vô biên của ông.
Cũng chính nhờ bài học lớn của người cha về niềm tin mà Peter đã có những quyết định sáng suốt cho cuộc sống của mình. Sau khi soạn nhạc cho Dances with Wolves(Khiêu vũ với bầy sói), phim đoạt giải Oscar, ông nhận được khá nhiều lời mời từ các hãng phim của Hollywood. Họ sẵn lòng mời gia đình ông chuyển từ Milwaukee đến Los Angeles nếu ông muốn trở thành một nhà soạn nhạc phim lừng danh.
Peter từ chối, vì “Tôi đã nghĩ về cha mình. Tại sao cha tôi không chuyển đến New York, để gần Wall Street hơn? Khi xem lại cách thức cha tôi làm việc trong những năm qua, tôi nhận ra rằng không nên chọn một công việc nào đó chỉ bởi vì việc đó nhìn hấp dẫn hơn ”.
Giờ đây, các con của tỷ phú Warren Buffett hiểu rằng “nếu tin cha sẽ ra tay cứu giúp mỗi khi mình gặp rắc rối về tài chính thì bất cứ thành công nào đạt được không còn giá trị nữa”. Và đến bây giờ, mọi người đều biết rằng, những gì con cái nhà Warren có được chẳng hề liên quan đến sự giàu có của cha họ.
Phạm Hoàng (Theo Yes Magazine, DNSG)
1 nhận xét:
Thế mới là giáo dục.
Đăng nhận xét