Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Tùy bút: Nhìn lại nước Mỹ... (5)

          … Rồi New York City
          Rời thủ đô Washington DC, để lại phía sau những cảm nhận thực tế mới mẻ nhưng đầy ấn tượng, chúng tôi lên đường đến New York, thành phố của thương mại, một trong những biểu tượng sống động nhất của nền kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
Dọc high-way có những cây cầu thép dài cả chục cây số bắc ngang...
          Trên đường đi, chúng tôi không chạy vào thành phố Ban-ti-mo mà chỉ lướt qua phía ngoài trên trục đường quốc lộ. Vì tuyến giao thông lớn này được xây dựng trên vùng sình lầy gần biển nên đường được xây dựng trên cao đặt lên các trục đỡ lớn dải đều và kéo dài vài chục ki-lô-mét. Các đường này như những chiếc cầu khổng lồ trên không, dài hun hút rồi lại phân chia ra các nhánh rẽ dần về các thành phố nhỏ. Công trình giao thông của nước Mỹ quả là vĩ đại, người ta gọi là huyết mạch cũng rất đúng, từng vùng từng thành phố có phát triển nhanh và thu hút hay không, rất tùy thuộc vào sự thuận lợi của huyết mạch này.


          Chui qua đường hầm dưới sông để vào New York City, chúng tôi đi vào thành phố của thương mại, tài chính, nghệ thuật… hàng đầu nước Mỹ. Có lẽ khi dựng lên thành phố này ở buổi sơ khai năm 1624, cũng như các trung tâm phát triển khác, người ta không hề nghĩ rằng New York City lại phát triển thịnh vượng đến như vậy. Với dân số khoảng 8,4 triệu tren mặt diện tích 783,8 km2 thành phố New York là một trung tâm có mật độ cao nhất nước Mỹ, tương đương 10.700 người/1 km2, người ta đã xây dựng rất nhiều các tòa nhà “chọc trời” để đi vào không gian, khi mặt bằng bị giới hạn. Sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của thành phố này do vị trí đắc địa là một hải cảng nằm ở bờ đông của Đại Tây Dương con đường thông thương với các nước Tây Âu phát triển. Trở lại quá khứ, thành phố New York đã là thủ đô của nước Mỹ trong 5 năm từ 1785 đến 1790, rồi trở thành biểu tượng của tự do vào cuối thế kỷ 19 của thiên niên kỷ trước.
Chui vào hầm nối qua sông vào NY.


NY và những cao ốc chọc trời.
          Thành phố New York được phân chia thành 5 quận là Bronx, Brooklyn, Manhattan, Queen và đảo Staten. Chúng tôi ở khách sạn ngay trung tâm của khu Manhattan, cùng trục phố với nhà hát Broadway nổi tiếng trong giới nghệ thuật sân khấu, và Quảng trường Thời Đại (Time Square) mà cứ mỗi năm vào đêm giao thừa đều có bắn pháo hoa với biển người đông đúc. Một anh bạn người Việt tên là Hải đang làm việc tại New York nói: “Ở quận Manhattan này giá đất là 10.000USD/1 foot vuông” (tương đương 2.2 tỷ VND/1 m2)! Giá trị này nói lên sức sinh sôi ra của cải vật chất ở mỗi tấc đất của thành phố New York với vị trí quyết định về thương mại, tài chính, truyền thông, nghệ thuật, mốt thời trang, nghiên cứu, kỹ nghệ, giáo dục và giải trí so với phần còn lại của nước Mỹ và của thế giới.
          Chỉ mất khoảng 30 phút lái xe từ trung tâm chúng tôi có thể đến Staten, nơi đây êm đềm thoáng đãng, tôi có cảm giác giống như ở khu Phú Mỹ Hưng của thành phố Hồ Chí Minh nhưng ở một đẳng cấp cao hơn, có đồi núi và rừng thưa bao quanh.
Ngọn hải đăng trên đảo Staten.


Những villa với nhiều kiểu kiến trúc khác nhau, có những cái của "bố già".
Tôi tận mắt nhìn thây các tòa biệt thự yên tĩnh, kín đáo của các Bố già Ma-phi-a được nói đến trong truyện Bố già hay trong phim Bố già (God Father) được giải Osca về thời kỳ 1928-1932 một giai đoạn “vàng” của buôn lậu, sòng bạc ở Mỹ. Đó là những ngôi biệt thự nằm sâu bên trong những khoảng vườn rộng, có hàng rào cây xén tỉa gọn gàng, hầu hết là đường rải sỏi dẫn dài từ cổng vào, tường rào rất cao có chăng dây thép gai, cổng sắt vững chãi lạnh lùng, từ trong nhìn ra ngoài chắc là rất rõ, còn từ ngoài nhìn vào thì bị khuất lấp nhiều. Con đường đi qua các ngôi biệt thự này không có tuyến xe buýt, chỉ có xe con chạy. Tại đây khi các cuộc chiến thanh trừng và xác lập quyền lực trong xã hội ngầm Ma-fi-a ở New York và các thành phố khác, các Bố già ở Brooklyn đã di chuyển sang Staten ở và điều hành mọi hoạt động cho an toàn, tránh bớt các vụ bắn tỉa hay gây tai nạn trên đường!

Đại công trường tái xây dựng Tháp đôi và 5 tháp khác.
          Nơi Tòa Tháp Đôi, một thời là biểu tượng về sự hùng hậu của kinh tế Mỹ và người ta sẽ còn nhắc mãi hàng năm vào ngày 11 tháng 9 sự kiện khủng bố kinh hoàng, giờ đây được đặt tên là Ground Zero (mặt đất số 0) để chỉ sự san phẳng công trình kiến trúc nổi tiếng! Thông thường, cái gì đã trở thành biểu tượng, đã là niềm tự hào, đã bị phá đi một cách đầy thách thức người ta sẽ tạo dựng lại nguyên bản hay vĩ đại hơn để khẳng định ý chí mãnh liệt của cả cộng đồng để bảo vệ cho tinh thần tự tôn. Nhưng ở đây, người Mỹ không làm như vậy. Họ nói Tòa Tháp Đôi đã là công trình kiến trúc đặc biệt của người Mỹ từ năm 1973 và đã được ghi lại bằng hình ảnh và ký ức, thì trên mảnh đất này nước Mỹ sẽ tạo ra một quần thể kiến trúc mới cũng vĩ đại và đặc biệt, đó mới là năng lực sáng tạo của một dân tộc, sẽ có 7 toà nhà “chọc trời” được xây dựng với từng sắc thái riêng, tòa nhà cao nhất sẽ đạt con số 1776 feet (tương đương 582,5m), đó là con số của năm nước Mỹ giành được độc lập. Rất ý nghĩa, đúng là khả năng tư duy sáng tạo của con người là vô hạn.
         
Mây bay dưới cao ốc cao nhất Manhattan.


Tượng Nữ thần Tự do biểu tượng của nước Mỹ.

Tác giả cùng phu nhân trước Nữ thần Tự do.
 Mua vé lên phà, gia đình của 3 anh em ruột chúng tôi đến một nơi mà không thể không đến khi đã đặt chân đến thành phố New York, đó là tượng Nữ Thần Tự Do (The Statue of Liberty). Dọc theo dòng sông Hudson, nhìn sang 2 bên bờ mới thấy toàn cảnh sự hùng vĩ và sức mạnh kinh tế của quốc gia này. Các cao ốc chọc trời là không thể đếm được, với những kiến trúc hiện đại của kính màu phản chiếu ánh mặt trời đa hình sắc trên một nền trời khi thì xanh trong, lúc lại nhiều mây vần vũ, các dải mây chỉ cắt ngang khoảng 3/5 các tòa nhà, 2/5 còn lại vẫn tĩnh lặng vươn lên trên các tầng mây. Nhớ đến Hà Nội, cũng chỉ có vài tòa nhà như Daewoo, Kangnam... Còn ở đây là vô vàn, có nghĩa là đồng tiền họ giành cho địa ốc, bất động sản là vô tận, vì thế người giàu của nước Nhật, Trung Quốc cũng sang đây để mua tài sản này. Tượng Nữ Thần Tự Do ngày càng hiện rõ khi chiếc phà chở chúng tôi rút ngắn dần khoảng cách. Tượng được dựng lên vào năm 1886 là món quà của người Pháp tặng nước Mỹ cám ơn sự ủng hộ đã giành cho nước Pháp trong cuộc cách mạng Tư sản, đó là lời của người dẫn đoàn cho biết. Tượng có chiều cao 46,5m (tương đương với tòa nhà cao 15 tầng), có thang máy hay 354 bậc thang bộ để đi lên đến vương miện bên trong. Trên nền sông xanh trong nổi lên một hòn đảo nhỏ có các tường thành bao bọc xung quanh bệ của khu tượng đài, tiếp đến là các bậc cao vuông vắn đỡ cho một tháp vuông cao thiết kế theo hình lăng tẩm đứng, trên đó người ta mới đặt tượng Nữ Thần Tự do. Tượng có màu xanh cẩm thạch sáng, tay phải giơ cao ngọn đuốc vàng nhũ, đó chính là biểu tượng của Tự Do mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã coi là cao quý nhất – Tự do! Đứng hết lên trên nóc cao của chuyến phà, trong làn mưa nhẹ xen vào những đợt gió thổi dọc theo con sông rộng lớn, tất cả mọi người có mặt đều hướng về tượng Nữ Thần Tự Do, các máy camera điện thoại, Ipad nhấp nháy liên tục. Rõ ràng những chiếc ảnh, những đoạn clip tự tay chúng ta chụp quay sẽ có nhiều cảm xúc thực hơn vì nó xác nhận cho chủ nhân của chúng đã đặt chân đến nơi nổi tiếng này.
          Với mật độ dân số cao, lại là nơi thu hút một lượng du khách và thương nhân lớn, các đường phố trong khu trung tâm cũng rơi vào cảnh ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm! Muốn đến địa điểm nào đó đúng thời gian tránh được cảnh chờ đợi ách tắc hay trì trệ của giao thông đông đúc, không gì bằng lựa chọn đi hệ thống tàu điện ngầm (Subway). Ở New York City cũng vậy. Sự ưu việt của phương tiện giao thông này được phát huy tối đa ở các thành phố phát triển, đang phát triển để phục vụ nhịp sống và hơi thở gấp gáp của cuộc sống hiện đại. Không biết đến khi nào 2 thành phố hàng đầu của Việt Nam mới có được hệ thống này?
         

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Viết hấp dẫn.

Nặc danh nói...

Hy vọng anh đã đi California thăm Beverly Hills để so sánh với Staten Island, và Los Angeles so với New York city.

Nặc danh nói...

Nói lại cho cùng, cuộc sống là làm sao nâng cao mức sống của con người. Nên tất cả các nước phương Tây chỉ luôn nói tới vấn đề số 1 là kinh tế của đất nước.
Thị trường chứng khoán New York là lớn nhất thế giới, 50% người dân Mỹ mua bán cổ phiếu.
China từ trước đến nay có hùng hổ dọa nạt như thế nào nhưng không bao giờ dám động HK, Ma Cao, Đài Loan (không dám nói chuyện gì xẩy ra trong tương lai), mà còn dùng đó để làm nơi buôn bán với thế giới.
Những người chinese bây giờ có tiền toàn chạy sang "bọn tư bản giẫy chết" để mua tài sản và tìm cách mở business để sống ở đó.