Có cái gì trên áo ông đỏ thế?
Tấm huân chương thời trẻ đấy cháu à!
Thưởng những chiến công đánh giặc năm xưa
Họ gắn cái này lên trên ngực áo
Cháu thấy đấy nó lung linh huyền ảo
Say đắm lòng người lính chiến chân quê
Kể cả khi với công việc bộn bề
Tìm kế sinh nhai chạy đôn chạy đáo
Kiếm lấy miếng ăn lúc cơm lúc cháo
Nhưng vẫn tự hào chiến cuộc đã qua.
Tấm huân chương thì mãi mãi chói lòa
Dù người lính sang tuổi già lẫn cẫn
Dăm chục niên trôi, quãng đời đâu ngắn
Nay bỗng sững sờ …hỏi đã vì ai
Lập chiến công giành lấy cái chi đây
Nếu không phải vì tương lai con cháu?
Xưa tạm gác nghèo ông đi chiến đấu
Nay về với nghèo ngực lấp lánh huân chương.
5 nhận xét:
Bài thơ cho một cảm giác xót xa ...
Xót xa đúng là tâm trạng của lính chiến, không xót sao được vì phần nhiều trong số họ nay sống trong nghèo khó ở nông thôn, bệnh tật, da cam truyền cho đời con cháu. Chỉ ngày truyền thống 22/12 những người lính gặp nhau mới thấy họ cười vì hạnh phúc còn được ở trên cõi đời, lại thương các đồng đội năm trên dãy Trường Sơn, trên biên giới phía Bắc. Nếu có được nấm mộ cũng vẫn cứ "vô danh".
Cái đau hơn là họ hy sinh cả xương máu, thân mình, tính mạng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, mong rằng đất nước sẽ tốt đẹp hơn nhưng dường như chính quyền này chỉ phục vụ nhóm lợi ích chứ không phục vụ cho người nghèo, trong đó có gia đình, con cái đồng đội đã chết và cả bản thân họ.
Đau!
Trong cuốn truyện QUYỀN SƯ ,trang 82 tôi có viết vài dòng , chứa đựng sự chia sẻ với tác giả bài thơ và comments nêu trên : " sau ngày đất nước thống nhất 30.4.1975 ,một nửa ước nguyện ,với biết bao hy sinh mất mát đã được đền bù ,nửa còn lại tưởng chừng chẳng bao lâu cũng sẽ đạt được ,đó là cuộc sống hạnh phúc , no ấm , đất nước phồn vinh ," .
Nhưng hóa ra ,với rất nhiều người ,họ đã không được đền bù mà còn đang phải TRẢ GIÁ TIẾP ở cái tuổi gần kề miệng lỗ khi sức đã kiệt , lực đã suy ! đúng là nỗi buồn hóa đá !
THANH TRẦN
Sau chiến thắng 30/4 trong dân gian có mấy câu:
"Từ trong gian khổ chui ra,
Vươn vai một cái, rồi ta chui vào."
và:
"Thời chiến xuất quân, thời bình xuất tướng,
Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng."
Đăng nhận xét