Tôi lại gửi các bạn tiếp câu chuyên về thanh niên nông thôn thế hệ con cháu của thế hệ "ba thằng bạn cùng làng", đó là thân phận ba đứa cháu tôi. Chuyện thật 100% không dấm ớt thêm thắt tẹo nào. Chỉ ghi chép lại thôi. Tôi thề với bạn đọc.
DIỄN
Quán café Diễn hẹn gặp tôi nằm dưới chân đồi Palace, Ngồi chờ Diễn, tôi lơ đãng ngắm làn sương mỏng trên mặt Hồ Xuân Hương và hàng Anh Đào đang mùa thay lá.
- Cháu chào chú!
Mất một lúc tôi mới nhận ra người trước mặt mình:
- Ngoài đường không hẹn trước thì chú cháu chả tài nào nhận được ra nhau
- Chú thay đổi nhiều quá, tóc muối tiêu hết cả rồi... - Diễn ngập ngừng.
- Ừ! … Gần ba chục năm rồi còn gì.
Hai chú cháu ngồi im lặng. Sự lặng im như tiếng chuông gõ vào quá khứ đã xa…
Diễn là con người anh ruột chị dâu tôi. Quãng đầu những năm 1980 Diễn cùng hai đứa cháu họ ngoài quê khăn gói vào Sài gòn nhờ ông già tôi xin việc.
- Sài gòn thiếu gì việc vào nhờ ông xin cho. Ở quê ít học, lười làm, ham chơi như lũ chúng mày có mà đi nhặt cứt. Bố mẹ chúng cháu nói thế rồi bảo vào Sài Gòn cậy nhờ ông.
Lếch thếch bước chân vào Sài Gòn, sau bữa cơm chiều chuyện trò thăm hỏi họ hàng làng xóm là tới màn ông già tôi chửi ba đứa cháu:
- Mẹ tiên sư chúng mày kéo cả lũ vào một lúc chả báo cáo, báo cầy ai quần áo thì nhất bộ, túi không một xu, đến cái xi lip rách cũng không có vào bỏ bom bắt ép ông chả khác nào ngày xưa chiến tranh cấp trên ép ông thúc lính ra trận trong khi quân lính thì thiếu, ốm đau bệnh tật…
- Cho đi bộ đội tuốt chờ có đợt tao sẽ gửi đi rèn. Đứa nào chịu được thì ở đứa nào thối chí thì về.
Ba đứa cháu tá túc nhà tôi. Ba thanh niên tuổi ăn tuổi ngủ chỉ vài ngày vèo chục ký gạo. Cũng may thỉnh thoảng ông già đi công tác miền tây xe biển đỏ nhà binh nên bà già nhờ chú lái xe kết hợp mua được tí gạo về ăn thêm chứ trông chờ vào tem phiếu thì nhe răng.
Ngày ấy cả nước đói, gia đình tôi phải nghĩ ra bao nhiêu cách để tìm cái bỏ thêm vào mồm cải thiện cuộc sống. Đầu tiên là làm chuồng để nuôi heo. Sẵn mấy đứa cháu ông già tôi khoán. Ba thanh niên phân công nhau một rửa gạch, một đãi cát, một xây. Chả biết có phải để rèn luỵện hay không mà ông già bắt: Gạch phải dùng bàn chải kỳ cọ rửa cho thật bóng từng viên. Cát cho vào rổ đãi từng mẻ như đãi “gạo mậu dịch” rồi mới được trộn xi măng… Chuồng xây xong tường 20 chắc như thành nhà Hồ.
Tiếp công trình chuồng heo là tới công trình làm “ cầu tõm” để nuôi cá. Sẵn vườn rộng lại có cả ao ba thanh niên quen việc nhà nông vèo một cái ao được vét, bờ đắp phẳng phiu “cầu tõm” như thủy tạ xinh xắn dựng giữa ao. Sau khi công trình hoàn thành ông già tuyên bố:
- Trừ đàn bà con gái từ nay cấm tiệt không đứa nào được ỉa trong nhà, đái thì ra ngoài vườn, iả thì ra “cầu tõm” đỡ tốn nước, một công đôi việc đầu vào đầu ra không mất đi đâu lại có cá ăn nếu khéo còn có cả cá bán.
Cá nuôi, rặt một giống cá tra háu ăn chóng lớn. Nhà tôi gần sông SG mỗi kỳ đầu tháng con nước lớn, nhất là vào cuối năm nước dâng gần sát mặt “cầu”. Cánh đàn ông mỗi lần ngồi “cầu” trong những dịp như thế phải biết mẹo. “bom” vừa rời khỏi đít là đồng bộ phải nhổm người lên ngay, một để tránh nước bắn lên đít hai là tránh trường hợp cá tưởng nhầm “ bộ tư lệnh” là “ bom” lao lên đớp. Nghe đồn dưới miền tây đã có trường hợp đi “cầu” bị cá Tra đớp mất dái nên tôi cẩn thận dặn mấy đứa cháu. Nghe chú dặn mỗi lần đi cầu một tay cầm giấy một tay Diễn cẩn thận thò xuống dưới che.
Thủy tạ trống huơ trống hoác tấm ván phía trước chỉ che tới rốn mặt mũi lồ lộ giữa bàn dân thiên hạ, mót mấy thì mót Diễn phải dịn chờ đêm đến, sau này mới dần dần quen đi. Ngày ấy khổ thật, đến giấy chùi đít cũng hiếm toàn phải sử dụng các loại phế liệu, được giấy báo đã là sang lắm. Có hôm bí quá phải dùng cả giấy xi măng, chùi đến toạc cả đít. Một buổi trưa thằng cu Tuấn con bà chị dâu tôi từ “cầu cá” về buồi dái lồng lộng quần đùi vắt cổ vừa đi vừa khóc vống lên y hệt con dâu nghe tin mẹ chồng chết.
- Hu…hu…hu… chỉ có anh Diễn, chỉ có anh Diễn xé giấy khen của em chùi đít hu …hu…hu…” vừa đi hai tay cu Tuấn vừa chắp những mảnh giấy khen bị xé vứt ở thùng rác ngoài “cầu cá”.
- Cháu bị oan! Diễn phân bua. Cuối cùng thủ phạm là thằng cu Hải chứ không phải cháu.
Sau thủy tạ lại tới công trình làm chuồng nuôi chim cút. Chuồng đóng xong là đi bắt chim giống về nuôi. Nào cám, nào nước, nào phun thuốc phòng bệnh. Nghe người ta mách bà già bắt thằng em xuống tận Nhật Tảo mua thuốc kích thích về trộn cho cút ăn. Cút đẻ trứng to trông thấy có con ngày đẻ hai bận trứng to thật nhưng không tròn vẹo vọ lồi lõm như ung thư. Có con lăn ra chết, ông già bắt mổ khám nghiệm “ tử thi ”, thì ra cút chết là do trứng to quá đẻ không được. Sợ nhất là làm vệ sinh chuồng, Diễn rụt đầu: “Mỗi lần dọn chuồng là mỗi lần cháu nôn thốc nôn tháo, mùi phân cút tanh như cứt thằng kiết lị…”
Vào SG được mấy tháng thì tết. Ông hẹn sau tết có đợt tuyển quân sẽ cho 3 đứa đi,
nghe tin chúng cháu vui lắm. Nghĩ cảnh nằm nhà mấy tháng giời dù ở nhà bao nhiêu việc nhưng vẫn mang tiếng ông bà nuôi cơm.
Lần đầu tiên trong đời cháu biết uống rượu và biết say từ cái đêm giao thừa năm ấy. Ngót nghét gần ba chục năm thế mà bây giờ chỉ nhìn thấy vỏ quả trứng vịt lộn màu xam xám là cháu đã hết cả hồn vía, thách vàng cũng không bao giờ dám đụng đến.
Đón tết xa nhà, nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ quê. Gần giao thừa chú Hùng, lái xe cho ông, sồng sộc lao vào phòng chúng cháu, trên tay là hai chai “rivalet”( Thứ rượu đểu gia công mùi hắc như thuốc ghẻ) và một bịch nilon hầm bà lằng các món nhậu chủ đạo là hột vịt lộn, thứ mồi mà ba đứa cháu đứa nào cũng thích.
Chú Hùng ra lệnh :
- Thằng Hải ra vườn trèo cây hái mấy trái dừa xiêm. Thằng Diễn lấy bát đĩa, thằng Dũng tìm cho tao cái chậu thau và con dao.
Sau khi chốt chặt cửa phòng bầy đồ ăn ra đĩa đặt dưới nền nhà. Chú Hùng mở rượu đổ vào chậu kèm theo nước của hai trái dừa. Cầm bát nhúng vào chậu tay chú vừa ngoáy thứ hỗn hợp màu nhờ nhờ, vừa nói : Đây là món rượu đặc biệt cho những thằng đàn ông chân chính “ rivale pha nước dừa” tao chiêu đãi nhân dịp năm mới đồng thời cũng là quà chia tay với 3 thằng ngoài tết thuyên chuyển“công tác” khác cho nên đêm nay chúng mày phải uống thật say để nhớ về cái tết đầu tiên giữa SG.
Sáng mồng 1 bốn chú cháu như bốn dải khoai nằm vắt lên nhau trong phòng. Bốn thằng bốn đống ói lù lù trước mặt.
Sáng không thấy các anh đâu thằng cu Tuấn con bà chi tôi thắc mắc gõ cửa phòng. Chỉ có Hùng lết dậy được ra mở cửa, sau đó lại vật xuống sàn. Cu Tuấn đẩy cửa lao vào trượt chân ngã sưng vù cả đầu còn người thì be bét, mất toi bộ quần áo diện tết. Nó la toáng lên:
- Chú Hùng và các anh uống rượu say nhả ra cả hột vịt lộn mẹ ơi!…
Sau mấy tháng tân binh nhờ thân nhân tốt 3 đứa cháu đều có công việc ổn định trong đơn vị của ông.
Thằng cu Hải ông ghét vì tính láu cá “ mồm miệng đỡ chân tay” và là chuyên gia chiết rượu bổ của ông uống vụng. Bình rượu ngâm ông giao quản lý lúc nào cũng đầy ngặt nỗi càng ngày ông uống càng thấy “nhạt” ngược lại thằng cháu cứ béo hồng…Thuốc lá tiếp khách của ông chưa hết tháng đã không còn một điếu…
Một lần ông gọi cháu vào làm chứng, Diễn kể.
- Kìa! mày nhìn hai ngón tay nó kìa.
- Đưa tay đây tao xem! mẹ tiên sư anh! - Vừa chỉ vào hai ngón tay “thối” của thằng Hải ông vừa chửi. - Rõ rành rành ra đây mà nó còn cãi, hai ngón tay vàng như chó thui rơm thế này thì thử hỏi tiêu chuẩn thuốc tiếp khách của ông bao nhiêu cho xuể...
Ghét thì ghét nhưng ông quý nó vì nó là thằng chịu học nhất trong 3 đứa, hết lớp 10 chính quy loại khá có bằng thật hẳn hoi, vì thế sau khi mãn khóa tân binh Hải được ông đề nghị đơn vị cho đi đào tạo ngành y để phục vụ dài lâu trong quân đội.
Thằng Dũng học vấn thấp, chỉ qua hết lớp 5. Mẹ mất sớm bố lấy vợ khác nên vất vả thiệt thòi từ bé. Lý lịch “bần cố nông” thật nhưng ít chữ quá đơn vị không biết phân công làm gì. May mắn có tay sỹ quan phụ trách trường bắn của đơn vị xin người bổ sung cho vị trí quản lý bếp ăn. Biết Dũng là cháu của thủ trưởng, sau khi kiểm tra trình độ thấy Dũng vẫn còn nhớ được bốn phép tính, nhân 2 số chưa lẫn… chỉ tội chữ xấu và ngọng…
- Chà …chà … cái khoản này thì gay đây!!!…Tay sỹ quan gõ gõ ngón tay vào thái dương sau một hồi đắn đo cuối cùng cũng tặc lưỡi.
- Thôi được!được… cứ về chỗ chú, tao nhận, yếu thì rèn, cái gì rèn rồi cũng làm được tuốt, miễn là có ý chí. Rồi khẳng định với cơ quan quân lực bảo lãnh “bốc” Dũng đi.
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- Anh Chu Thành: "Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc lần đầu đến thăm nhà"
- Đọc bài của Thủy về Hưng Yên, nhớ chuyện xửa chuyện xưa (KQ)
- Nghề lạ 5: "Nghề" nhổ tóc bạc (ST)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- Tiệc mừng Ts Bs Văn Công Phước nhận nhiệm vụ mới
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- Gặp lại nhau
- Hưng Yên quê tôi (Thủy k42)
- Y học thường thức: Địa chỉ chữa Gout tốt (Phong- con cô Thục)
Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét