Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Chúng ta là ai?

Trân trọng gửi tới anh chị em bài viết của anh Lê Quốc Khánh (Khánh Mỏ) K5, có lẽ là người vào cuộc "kinh tế thị trường" sớm nhất và trả giá sớm nhất, là triệu phú (những năm 70) rồi tỷ phú (những năm 90), đại gia về BĐS, được thông báo "mất tích mấy năm".
Lâu lắm mới gặp lại Khánh, dù chỉ trên bài viết. Chúc mừng Khánh trở về. Bài viết đúng là giọng của Khánh Mỏ. Cho đến cuối bài, mình chưa rõ Khánh định nói gì?
Đại đa số anh, chị, em chúng ta đều góp phần dù nhỏ bé của mình vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhưng cũng nhiều người tiếp cận sớm về kinh tế, thậm chí đã trở thành TƯỚNG, SOÁI như anh BÙI VINH K3, anh LƯU K4, anh HƯNG K5... Tất nhiên không phải 1200 học viên đều giàu có hay trở thành tướng lĩnh, nhưng ai cũng thành đạt theo nghĩa rộng với gia đình, vợ, con.... và luôn gắn bó với nhau.

(Trần Quốc Việt K5)

Chúng ta là ai? (LÊ QUỐC KHÁNH) 

Chỉ còn một năm nữa là đến ngày kỉ niệm 50 năm thành lập trường Nguyễn Văn Trỗi, mái trường thân yêu đã che chở cho hơn 1200 học sinh và các thầy-cô của chúng ta trong những năm tháng chiến tranh hào hùng, đầy biến động của đất nước.


Giờ đây, trong mỗi chúng ta, ai cũng nhớ về mái trường êm ấm ấy đã sinh thành trong bom đạn. Ai cũng mong đến một ngày sắp tới sẽ được gặp lại nhau trong bồi hồi xúc động từ những kỉ niệm ngọt ngào thời niên thiếu. Riêng tôi, còn cảm thấy phần ưu tư trĩu nặng. Mới ngày nào, chúng ta là những chú “chíp hôi”, tấp tểnh mặc bộ đồng phục túm buộc thùng thình, cõng ba lô đến trường. Bữa bữa xếp hàng đi ăn, len vào mâm cơm 6 suất, thật ngộ nghĩnh!
Ấy vậy mà giờ, chúng ta đã là các cụ ông-cụ bà, kẻ mất người còn! Chúng ta là lớp học trò cùng trang lứa, có nhiều điểm giống nhau về hoàn cảnh, môi trường sinh hoạt hiếm thấy ở các trường phổ thông khác trên đất nước ta. Giữa chúng ta đều có những điểm tương đồng chi phối qua hệ và tình cảm từ mái trường ấy thửa nào:
- Chúng ta đều là con cháu của những cán bộ cách mạng trung cao cấp trong quân đội và chính quyền ở cả hai miền Nam-Bắc và hai nước bạn láng giềng trên bán đảo Đông Dương.
- Ngay từ tuổi hoa niên ấy, chúng ta đã được tập trung nội trú, sinh hoạt theo chế độ của Bộ Quốc phòng.
- Chúng ta được được học tập và chăm sóc từ các thầy-cô do quân đội đào tạo và tuyển dụng, có chuyên môn cao, có trách nhiệm cao và có tình thương yêu vô hạn đối với các học trò.
- Dưới mái trường ấy, chúng ta được chăm lo về mọi mặt và bảo vệ vẹn toàn. Khi chiến cuộc trở nên cam go, không lực Hoa Kỳ leo thang oanh tạc Miền Bắc, trường được sơ tán ra nước ngoài để đảm bảo an toàn và có thêm điều kiện tốt để học tập.
- Đồng thời, chúng ta được giáo dục đầy đủ và sâu sắc về lý tưởng cộng sản, về trách nhiệm với Quân đội và Nhà nước xã hội chủ nghĩa; rèn luyện hàng ngày để trở thành những Đoàn viên, Đảng viên vừa hồng, vừa chuyên, sẵn sàng tiếp bước ông-cha, trở thành những cốt cán của Quân đội và Nhà nước.
Nhưng THỜI GIAN, THỜI GIAN... Hai từ bình thường ấy lại vô tình và nghiệt ngã. Những con chim đại bàng tung cánh rời mái trường yên vui ấy đã cao bay đến mọi miền của đất nước. Và xa hơn nữa, đến cả các nước anh-em, bạn bè như vừa mới hôm qua... nhưng ngoái đầu lại, đã thấy nửa vòng thế kỷ!
Sự khắc nghiệt của THỜI GIAN, như có nhà thơ đã viết: ”Dao THỜI GIAN cắt gọt tâm hồn!”, sự gian truân của đời sống… những cánh chim ấy ngày nào, nay đều lên ông-lên bà, đang mong mỏi đến ngày giáp mặt nhau.
Không hiểu vì sao, tôi lại hay nghĩ về lớp bạn bè, thầy-cô ở trường với những trăn trở không nguôi. Không phải Đúng hay Sai mà là những điều còn lại sau khi giã từ mái trường ấy cho đến hôm nay. Chúng ta luôn biết ơn và tự hào về phụ huynh của chúng ta. Cũng không bao giờ nghi ngờ về quyết tâm của trang lứa chúng mình đi theo con đường đã chọn để tiếp bước ông-cha.
Thực tế xã hội đã và đang diễn biến với nhiều thay đổi đến chóng mặt - mà đến hôm nay, không ít trong chúng ta vẫn chưa hết bàng hoàng. Mỗi khi đất nước chuyển mình, không thể không tác động đền từng bước đi của mỗi người. Điều đó mách bảo chúng ta: Hãy nhấc gọng kính ra để nhìn thấu vào cuộc sống sinh động đang diễn ra muôn hình muôn sắc ở cả bốn phương - tám hướng…
Sau khi ra trường, nhiều anh em đã vào phục vụ quân ngũ, tham gia cuộc chiến chống Mỹ, giáp mặt kẻ thù ở hai vùng biên giới; truy quét bọn phản loạn ở Tây Nguyên… Khi đất nước vừa mới tạm có hòa bình, thế cuộc lại không còn phe xã hội chủ nghĩa nữa. Ai cũng phải vật lộn với việc mưu sinh để “Tự cứu lấy mình”. Rồi “Cơ chế thị trường” “Định hướng xã hội chủ nghĩa”, chống “Diễn biến hòa bình”…
Mỗi biến động của xã hội lại có thêm một bằng chứng mới đề nhận thức. Mỗi nhận thức mới lại phải đi đôi với một động thái để thích ứng trong bươn chải mới. Trong xã hội thị trường, người ta lấy danh lợi làm đơn vị đo lường, cho thấy nhận thức sai lầm buộc phải trả giá cao (có nhà thơ đã viết: ”Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn”).
Ở quốc gia nào cũng vậy và nước ta không ngoại lệ, sau quá trình “Giữ nước” là quá trình “Dựng nước”. Riêng ở ta, Dựng nước trong cơ chế thị trường-định hướng xã hội chủ nghĩa. Ở mỗi quá trình đều có mục tiêu khác nhau, đòi hỏi những nhu cầu khác nhau, nhận thức khác nhau, năng lực khác nhau và biện pháp thực thi cũng khác nhau…
Dưới mái trường ưu ái ấy trong thời chiến, thế hệ chúng ta đã được giáo dục khá toàn diện và có chất lượng cao ở quá trình “Giữ nước”, giành độc lập- thống nhất. Song ở quá trình liền sau đó, hầu như chương trình đào tạo chưa sẵn sàng quan tâm đến là bao. Khi anh em chúng ta bước vào quá trình “Dựng nước” bị hẫng hụt, không khỏi không ngỡ ngàng, lúng túng. Chúng ta có trong nhận thức những cái CẦN mà chưa có cái ĐỦ.
Trường Nguyễn Văn Trỗi ra đời với mục đích đã được chạm đến ở trên, là một cố gắng lớn và là một nhiệt tâm của Bộ Quốc phòng. Mỗi anh em chúng ta được ngồi trên ghế nhà trường là một ân huệ đối với Nhà nước trong thời chiến; cũng là sự kì vọng của các bậc phụ huynh học sinh để họ có thể toàn tâm trong những trọng trách được giao.
Nay, chúng ta đã lên ông lên bà, ngoảnh lại nửa vòng thế kỷ, quá nửa đời người, nghĩ chỉ để mà coi- mà chia sẻ với bạn bè; Sai-Đúng vẫn còn là điều chưa hết băn khoăn, tự vấn. Khi tập trung nội trú, xa gia đình, cách biệt với làng quê, với phố phường, với cả đồng bào của mình nữa ngay từ tuổi hoa niên như trang giấy trắng, chỉ biết có thầy và bạn đồng môn. Đấy có phải là một môi trường bất bình thường không?
Ăn theo suất, mặc đồng phục bằng áo lính, ngủ giường cá nhân theo từng dãy số, quân sự hóa học đường từ thuở thiếu niên, sinh hoạt với bạn bè cùng giới. Mô hình sinh hoạt ấy có bất bình thường không?
Khi ra trường, hầu hết đều nhập ngũ, một số học về kĩ thuật cũng là để phục vụ quốc phòng. Tôi cứ hình dung: chúng ta từ hậu phương, dàn hàng ngang, cầm súng đi đầu tiến ra mặt trận. Khi những nhiệm vụ ở chiến trường đã giải quyết xong, chúng ta gác súng và “đằng sau quay” để trở về xây dựng quê hương, đô thị, bỗng tự nhiên trở thành lớp người đi ở hàng cuối. Và, tôi tự vấn lại:
Tại sao nhà trường của chúng ta lại không có chương trình đào tạo đa dạng, đa ngành nghề như nhu cầu vốn có ở một xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đi từ cứu nước đến dựng nước? Những người mò tìm để đến được với nhận thức mới và thích ứng với điều kiện mới hiện nay, đều phải đau đáu vượt qua vô vàn khó khăn, khúc mắc, phải “trả giá đau” gấp đôi ba lần so với bình thường.
Song, trộm nghĩ: Đến nay, mọi sự đều đã an bài; với bạn bè thì “Giang ai phận nấy”. Tất cả đều đã và đang lùi vào dĩ vãng. Cái còn lại chỉ là những mảnh vụn nhợt nhạt của thời gian chặng cuối đời, cũng không mấy bận tâm. Trong cuộc sống, chắc hẳn ai cũng lầm lũi vun vén cho 3 cái: ”Danh - Lợi - Tình”. Nhưng xem ra “Danh”, “Lợi” dễ gặp hoạn nạn và có ngày “cáo phó”. Chỉ riêng “Tình” mới tồn tại bền lâu. Danh, Lợi càng lớn, oán thù càng nhiều, tai họa càng cao. Nhưng Tình càng trải rộng, oán thù càng mờ, niềm vui càng lớn lao.
Từ khi bước qua ngưỡng cửa của lứa tuổi 60, liền kề với các đàn anh “thất thập…”, tôi thường nhắc nhở trong lòng mấy câu thơ của ai đó:
“Cái gì rồi cũng rụng rơi.
Quả trong Vườn Cấm, hoa nơi Địa Đàng.
Chỉ còn sống với thời gian,
Tình yêu từ thửa hồng hoang dại khờ”.
Nhớ… nhớ không nguôi Mái trường thuở ấy, bạn bè suồng sã, thầy-cô kính yêu!

Lê Quốc Khánh K5

7 nhận xét:

NH nói...

Không phải Trỗi K mấy, mà đơn giản chỉ là CCB chống Mỹ, đọc bài của Quốc Khánh tôi hiểu tâm tư người viết. Được giới thiệu trước là người từng trải và thành đạt trong kinh tế thì lại càng hiểu hơn. Tất cả mọi "tầng lớp" của xã hội này đều có câu hỏi "Ta là ai?" chứ không riêng gì bác Khánh. Mỗi người hãy tự lý giải điều này theo nhận thức của mình. Và tôi cũng thống nhất "cái tình" là đáng trân trọng có lẽ chính vì cái lý đó mà các "Bác Trỗi" vẫn gắn bó như hiện nay lại kéo cả tôi và nhiều người khác "không Trỗi" vào nữa chứ!

TranKienQuoc nói...

Tiền bạc, quyền lực rồi cũng qua đi ; chỉ có cái tình là sống mãi!

Đàm Thị Ngọc Thơ nói...

Tôi không là lính trỗi nhưng tôi cảm nhận được những chân thành trong những câu theo tôi nghĩ là "XÁM HỐI" của Khánh.Tôi xúc động khi dọc từng dòng viết của em.Cuộc đời là vậy đó.Về cuối ta thường xuyên suy nghĩ về những đúng ,sai,những mất còn và biết chắc không thể làm lại được.Chỉ còn lại trong ta những tiếc nuối mơ hồ!

Nặc danh nói...

Phong cách viết của KM xem từ đầu đến cuối, có bạn nói là k rõ KM muốn nói gì, theo mình thì đây là cách viết ngẫu hứng, theo cảm xúc, dựa vào trực cảm hơn là vào tri thức. Ca từ của Trịnh Công Sơn, một số bài viết của N
guyễn Tuân... là theo phong cách này.hay.

Nặc danh nói...

DANH - LỢI - TÌNH xem ra DANH là phù phiếm, LỢI là phủ phàng chỉ còn lại TÌNH là mãi mãi

Tuli nói...


- Vậy Bạn muốn là ai ?
Không chỉ các K Trỗi hỏi câu này, mà những người thương binh, người đã chết cũng muốn hỏi như vậy. Trên hết là cả nhân loại, từ các nhà hiền triết đến người nhặt rác luôn đau đáu trong tâm khảm :
- Ta là ai ?
- Ta từ đâu tới ?
- Ta sẽ đi về đâu ?

LuuLinh nói...

Bạn bè rồi cũng rụng dần
Danh là phù phiếm, Lợi hoa phủ phàng
Chỉ còn tình với thời gian
Bạn bè muôn thủa, tình yêu trọn tình
Nhớ về mái ấm trường xưa
Một thiên ký ức, một thời đã qua
Năm mươi năm, chặng đường dài
Thời gian nghiệt ngã, gian truân cuộc đời
Bạn bè gặp lại bạn bè
Tình yêu biển rộng, sóng trào nỗi mong