Bốn tên lính Trỗi ở sân nhà Luyện, sáng 3/9/2014. |
Vừa tới nơi thấy 1 tay trung niên khắc khổ, gày gò nhưng mặt rất hiền lành, đang chăm lo vườn tược. Lợi hỏi thăm thì được biết anh ta tên là Đoàn Văn Luyện. Lúc bấy giờ mới nhận lại được những nét của dũng sĩ diệt Mỹ Đoàn Văn Luyện năm xưa, khi còn là học sinh k6 trường Nguyễn Văn Trỗi ở Quế Lâm.
Anh em nhận ra nhau từ đấy.
13 tuổi diệt 14 lính Mỹ
Luyện sinh 1952. Nhà ở không xa Căn cứ quân sự Chu Lai. Những năm ấy lính Mỹ đóng đầy căn cứ. Cát và cái nắng chói chang của Chu Lai buộc họ phải cởi trần trùng trục suốt ngày, da ai nấy đỏ như con tôm luộc. Lính trẻ có, lính già có, xa nhà nên nhớ vợ con, cha mẹ; khi thấy trẻ con VN cũng xúc động, gần gũi. Vì thế Luyện thường mò vào chơi trong căn cứ và thân quen với các chú lính Mỹ. Mỗi lần vào chơi, khát thì được cho uống nước, đôi khi cho ăn cả kẹo sô-cô-la, bánh mì...
Năm 1963, mẹ Luyện bị bắt giam vì hoạt động cách mạng và bị đánh chết trong tù. Ba ở nhà thì mù lòa. Cậu bé 11 tuổi bắt đầu hiểu thế nào đất nước bị xâm lược. Nhưng ngày ngày vẫn đưa trâu vào chăn trong căn cứ, vẫn qua lại với lính Mỹ. Họ còn bày cho cách "chơi" súng. Có 1 buổi trưa, cả đồn đi vắng hết, chỉ còn 1 tay lính. Nắng và mệt, ăn xong hắn lăn ra ngủ. Chính lần đó, Luyện đã dùng khẩu carbin mà được chính họ dạy sử dụng, bắn chết tay lính rồi trốn ra ngoài. Đây là tên lính Mỹ thứ nhất.
Sau lần đó Luyện vẫn chưa bị lộ, vẫn ra vào căn cứ. Lính Mỹ còn bày cho cách sử dụng lựu đạn (nào mỏ vịt, nào quả na...), cách đặt mìn Claymore... Lần thứ 2, Luyện diệt được 10 lính Mỹ.
Chuyện là, khi biết số lính thân quen đi càn, Luyện vào đồn và gài mấy trái lựu đạn ngay cổng. Nhưng tính, nếu bọn đi càn về dính đạn, nghe tiếng nổ thì bọn ở nhà sẽ chạy ra ứng cứu, vậy phải gài ngay đường chúng chạy ra. Quả như dự đoán, chục tên sau đó chết và bị thương.
Tới trước khi được đón ra Bắc năm 1965, Luyện đã diệt được 14 tên lính Mỹ và từng được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.
Ra miền Bắc
Sau hội nghị mừng công ở miền Trung, anh được ra Bắc cùng bác Võ Chí Công. Hạnh phúc lớn hơn khi vừa tới HN đã được đến thăm Bác Hồ. Bác chỉ thị TCCT phải lo cho Luyện được học tập và Trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi là nơi đón Luyện về. Đoàn Văn Luyện học tập cùng với các bạn khóa 6.
Sau khi trường Trỗi giải tán, anh được bác Song Hào (Chủ nhiệm TCCT) đó về làm con nuôi. Luyện thận thiết với chị Chính, chị Chung, Văn Chiến, Văn Thắng. Sau đó còn được đi học văn hóa ở Quân chính QK Tả Ngạn rồi học Sỹ quan Thông tin cùng Phùng Thế Đà, Văn Thắng...
Sau 1975, anh về Tỉnh đội Nghĩa Bình và đóng ở gần sân bay Phù Cát.
Cuộc sống đời thường
Đến 1982 phục viên với quân hàm trung úy vì ba thì mù lòa, vợ con thì quá nheo nhóc. Anh tâm sự: "Những năm tháng trong QĐ đã rèn luyện cho bản thân tính kiên nhẫn, không sợ gian khổ nên tôi đã cố gắng phấn đấu vượt qua. Không phàn nàn, kêu ca vì dân còn khổ hơn mình nhiều. Cũng những năm tháng trong QĐ đã rèn cho mình tay súng, lại từng theo Sư Đà đi bắn chim ở Hà Bắc nên sau này tôi săn được thú, đánh được cá, lo được cuộc sống cho gia đình".
Về địa phương, anh sống giản dị, không hề công thần, cho dù công trạng đầy mình, từng được đào tạo ở miền Bắc XHCN, từng là gia đình có công với nước, có mẹ và anh là LS.
Ở Quảng Ngãi có mô hình tự quản trong khai thác điện tới cấp xã. Anh tham gia vào HTX này, hàng tháng đi thu tiền điện trong dân.
Con cái được vợ chồng anh cho ăn học thành người. Cháu làm trưởng CA thị trấn, cháu làm trong ban quản lí chợ thị trấn. Riêng 1 anh cu, học đại học xong nhưng quyết làm giàu bằng trồng ớt kinh doanh. Chúng tôi khen cháu dũng cảm và chúc cháu thành đạt trong sự nghiệp.
Mẹ Luyện được truy tặng Bà mẹ VNAH năm 2014
Mẹ hy sinh 1963, đến 1968 thì anh trai hy sinh. Và đến 2014, mẹ mới được truy tặng danh hiệu này vì mẹ là LS và con trai là LS. Hỏi đùa: "Danh hiệu có kèm theo tiền mặt?". Anh hiền lành trả lời: "Có chứ, nhưng tôi dùng tiền đó để giỗ ông, giỗ bà".
2 nhận xét:
Bao giờ cũng thế, ANH HÙNG ĐÍCH THỰC THÌ VÔ CÙNG BÌNH DỊ. Cám ơn tác gỉa bài báo cho tôi biết được "Hậu" Đoàn Văn Luyện, nguwofi Anh hùng cùng thời với chúng ta.
ĐVL học với khóa 6 nhưng đầu tiên là ở với khóa 2 cho đến khi khóa 2 tốt nghiệp về nước. Ở cùng tiểu đội với bọn mình (Chung - chị Văn Thắng cũng ở tiểu đội này).
Đăng nhận xét