Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

Xóa mù Tin học (Duy Đảo)

Lần mò trên các trang quảng cáo của báo Tuổi trẻ, Thanh niên cuối cùng cũng tìm được trung tâm đào tạo tin học buổi tối ưng ý, hội đủ các tiêu chuẩn: Gần nhà, học phí thấp, thời gian ngắn, bằng cấp quốc gia . Đó là Trung tâm tin học của Viện Tin học ứng dụng, do tiến sỹ Nguyễn Quý Sơn làm Viện trưởng (hình như tay này ngày xưa học khóa 6 – ĐHKTQS với chúng tôi ?) . Ngập ngừng trước cửa Trung tâm, mặt ngếch lên đọc cái băng rôn: "Lớp đào tạo tin học cấp tốc. Thời gian cực ngắn: 30 ngày, học phí "dẻ" bất ngờ 150.000đ trọn khóa, nếu thi trượt ưu tiên học lại, không phải “mua” tài liệu mới. Chứng chỉ A có giá trị toàn quốc. Nội dung: tin học căn bản,Word, Excel, “khuyến mãi” phần hướng dẫn sử dụng Internet".



Kịch! Đầu đâm bố nó vào cái cửa kính trong suốt do mải đọc và trời lại nhập nhoạng. Vừa đau vừa ngượng khi thấy phía trong là hai cô nhân viên đẹp như mộng, mặc áo dài xanh, tay che miệng cố kìm tiếng cười, lao ra: "Chú có sao không?". Bàn tay mềm mại của một cô đặt lên chỗ trán đau của tôi trong thoang thoảng của mùi dầu thơm Bvlgari của Ý, còn cô kia vội cúi người nhặt cái mục kỉnh rơi dưới đất. Không sao! Tôi cố tươi tỉnh: "Cảm ơn các em! Chậc, xin lỗi! À... cảm ơn các cháu!". Người tỉnh hẳn. Một cô lên tiếng: "Chú tuổi tác thế này, tối rồi còn lọ mọ đi đâu cho khổ. Đi đón cháu hả? Cô, cậu học lớp nào để chúng cháu chỉ cho?". Thấy tôi ấp a ấp úng, lọng ngọng cô kia nhìn tôi từ đầu đến chân, vẻ dò xét rồi quay sang nói khẽ với bạn mình nhưng tôi vẫn đủ nghe: "Chắc là đi đón bồ đây? Hôm qua, em thấy mấy bác có xe hơi hẳn hoi đỗ bên kia đường, tưởng đón con ai dè là chở bồ tan học đi ăn tối". Cửa phòng mở rộng đưa luồng khí mát lạnh của điều hòa xộc ra làm tôi tỉnh hẳn. Bước hẳn vào bên trong, tôi hỏi: "Bao giờ khai giảng cái lớp quảng cáo ở ngoài kia?". "Ơ, hóa ra là chú đến đăng ký học? Cháu xin lỗi! Dạ còn hai ngày nữa. Chú học để bổ túc hồ sơ lên lương, hay xin việc ạ?". Tôi nói đại, cố nổ cho oai : “Vợ mở cái doanh nghiệp, nhân viên đông quá nên “bả” bắt bỏ nhà nước về quản lý khâu nhân sự và động viên đi học. Chứ... dính đến cái anh tin học này ngại lắm”. "Chú yên tâm khối ông, khối bà già hơn chú mà vẫn chịu khó học, mà học những mấy khóa liên tục...". Nghe tôi hỏi "Nhuận à?" làm hai cô cứ ớ ra không hiểu. "Nghĩa là thi không đậu phải học lại?" tôi giải thích câu hỏi. "Không, không! Là học thêm cho chắc, cho vững kiến thức thôi. Chú yên tâm, với lại các bác ấy cũng muốn “câu giờ” kéo dài thêm thời gian đi học, có lý do để được bên nhau cho con cái nó khỏi rình mò để ý" - hai cô động viên. Sau khi nộp học phí, mua tài liệu cô nhân viên đưa cho tôi tờ giấy trong đó ghi lịch học, thời gian, lớp, giáo viên... Thấy quy củ lắm, tôi yên tâm.
Lớp tôi ở trên lầu, cầu thang hẹp chổng ngược lên như dạng cầu thang trong các căn nhà ở khu phố cổ Hà Nội. Mấy bà mặc váy dài còn đỡ, mấy em váy ngắn, thì tôi cứ phải chờ cho các em lên hẳn trên lầu rồi mình mới dám lò mò lên theo. Phải tế nhị (!) sợ mang tiếng. Trong lớp, ngồi trước tôi là một em tóc vàng “thuốc hoa” thơm phức. Phía bên trái ngay cạnh chỉ cách một lối đi là một em tuổi cỡ ba chục, nhan sắc hơi kém. Ngồi sau là một mẹ sồn sồn mặc quần sóoc, (sau này mới biết mẹ mặc sóoc chuyên nghiệp!), giọng nhão như băng cát-sét dùng lâu . Buổi học đầu tiên suôn sẻ, chủ yếu là làm quen với môn học và làm quen nhau. Lớp mười lăm người, tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh, mục đích học cũng khác.
Tôi chỉ ví dụ ba người ngồi quanh tôi như đã giới thiệu cho các bác ở trên. Em bàn trước học cao đẳng, quê dưới tỉnh, hội nhập thành phố nhanh, tóc vàng, người lúc nào cũng thơm (chắc con cái nhà khá?), kiêu phết. Thấy tôi chăm chú nhìn lên bảng lại nghĩ tôi để ý, biết là bậc cha chú nhưng em vẫn sửa dáng liên tục, lúc thì hất tóc, lúc thì đưa tay xoa xoa hai bên má khoe chiếc nhẫn hột xoàn óng ánh làm tôi lóa mắt, mất tập trung, em này học để củng cố thêm kiến thức . Em ngồi cạnh do một lần quên giáo trình tôi cứ phải nhoài sang phía em chủ yếu là xem nhờ giáo trình, em lại tưởng tôi để ý (thế mới bỏ mẹ!). Tiếp những ngày sau em thay đồ, đổi mốt xoành xoạch. Em này học để bổ túc hồ sơ xin việc. Bực nhất là mẹ có tuổi ngồi bàn sau, chuyên gia đi tập dưỡng sinh rồi tạt vào học luôn, hôm nào cũng trễ lại chẳng giấy bút, sách vở gì, suốt buổi cứ chọc lưng tôi hỏi bài. Bực mình. Mẹ này nhà giàu, con lớn, chồng suốt ngày công tác. Buồn, học thêm chủ yếu để lấy kiến thức “chát” với bồ. Cứ mè nheo xin "nick" của tôi. Có lúc lãng mạn, mơ màng tôi cứ mong giá như em ngồi bàn trước xin "nick" của mình thì có phải quý hóa bao nhiêu!
Khóa học trôi nhanh, rồi kỳ thi cũng tới. Dù tuổi tác ngành nghề, dù giai tầng hoàn cảnh, dù mục đích khác nhau nhưng nhìn xã hội có nhiều người đi học, có nhiều người đến trường là mừng, là biết xã hội ấy lành mạnh, dù kết quả thi: người đi, kẻ ở nhưng không hề chi vì chẳng ít thì nhiều trong những cái đầu đi học kia dứt khoát cũng được nạp thêm một lượng kiến thức nhất định hay một điều bổ ích. Kiến thức cơ bản tin học của tôi được xóa mù bắt đầu bằng một lớp học ít người, dưng vui và nhiều chuyện như thế.

1 nhận xét:

Nhat Trung nói...

Mấy hôn nay bận ko vô Liếp. Đọc thấy DĐ viết dí dỏm...Duyệt !
Năm1998 bị chuyển lên CVP nên có lớp Tin tại chức ko mất tiền. Lớp có GĐ các sở, Phó CT tỉnh, GĐ các DN...Học xong ít dùng, mà chỉ 2 năm (2000) chuyển "chuyên sờ gái trẻ"( CSGT) nên quên luôn. Bây giờ lại phải nâng cấp từ xa. Mới Chat với HT K4, NVQ K8 để thu size hình lại để tải lên Fb... Thế mới biết IT vẫn cần thiết cho tuổi già. Nhiều BT ko muốn học vì xấu hổ, ngại nữa...