Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

SỰ KIÊN NHẪN CỦA ĐÀN ÔNG (Đào Duy)


Ăn cơm chiều xong, ngồi uống nước, vợ vừa nói vừa đưa cho tôi tờ Phụ Nữ. “Anh đọc đi, bài trên trang ba ấy”. Tôi có tật đọc tạp chí, sách báo thường bắt đầu từ mục lục hay trang cuối đọc ngược trở lại. Chẳng kịp điểm báo tôi lật ngay trang ba.
Tờ báo mới tinh số trong ngày nhưng sao tôi thấy lỗ chỗ ở trang tôi đọc như có ai vẩy nước vào, thỉnh thoảng lại có những chỗ thủng bằng đầu ngón tay mất cả chữ, bực mình càu nhàu. Vợ tôi nói; “Tụi đàn bà con gái trong cơ quan em chúng nó đọc xúc động quá không kìm được nước mắt nên mới ra thế”. Câu nói của vợ kích thích sự tò mò cố hữu của tôi. Thế là tôi đọc một mạch hết bài báo. Thật cảm động, bài báo viết về một người đàn ông ngoài năm mươi; vợ mất khi đứa con trai thứ hai vừa sinh, đứa con gái đầu mới sáu tuổi.


vậy một mình nuôi con cả chục năm trời trước cám dỗ và cạm bẫy của tình ái. Nhưng bất hạnh vẫn không buông tha người đàn ông này. Đứa con gái lớn đang học năm cuối phổ thông bị bệnh, cháu mất đột ngột. Thế là bỗng chốc một nửa gia đình tan nát. Người đàn ông chẳng còn thiết sống, nhưng nghĩ tới đứa con trai đang học lớp sáu mà gắng gượng lướt qua số phận.
Đúng là trời không lấy đi của ai tất cả. Đứa con trai của anh khoẻ mạnh và đặc biệt cháu học rất giỏi. Hiện cháu đang du học Mỹ theo học bổng của chính phủ Hoa Kỳ.
Đọc bài báo tôi thấy có những sự kiện và tình tiết quen quen, giông giống đời tư của một ai đó trong đám bạn bè quen biết của tôi. Điều đó đã buộc tôi phải đọc lại. Xâu chuỗi các sự kiện thì đúng không sai, người trong bài báo chính là ông bạn mà tôi biết.
Anh quê Hải Phòng, học Tổng hợp, chiến tranh anh nhập ngũ vào đánh nhau ở chiến trường Miền Đông. Sau giải phóng anh về tiếp quản SG và làm việc ở một tờ báo. Anh lấy vợ, bố mẹ vợ là cán bộ R về, được phân một ngôi biệt thự ở trung tâm thành phố. Ba vợ anh mất sau giải phóng vài năm.
Nhà rộng anh em vợ chỉ có bốn người má vợ cho vợ chồng anh hai phòng lớn dưới tầng trệt.
Thời gian trôi mau, khi con trai anh đã trưởng thành có lần mẹ vợ nhìn anh lủi thủi một mình hí hoáy nấu cơm cho con thấy thương quá, bà hỏi:
   - Con không tính lập gia đình nữa à? 
Đôi mắt anh nhìn xa xăm đượm buồn:
   - Chắc thôi má à, con vẫn chưa quên được hình ảnh vợ con, hơn nữa con cũng già rồi và cũng không muốn Hùng (con trai anh ), cháu nó bị san sẻ tình cảm.
Bà má vợ run run đôi bàn tay héo gầy kéo vạt áo chấm chấm nơi khóe mắt.
Thế rồi nhà mẹ vợ anh được mua hóa giá, dù đã được giảm do ông bà đều diện chính sách nhưng tiền mua vẫn vượt quá khả năng tài chính của gia đình. Má vợ quyết định bán để lấy tiền mua hóa giá, số còn lại sẽ chia cho các con. Là người có học nên hôm họp gia đình bàn về chuyện nhà cửa anh tế nhị lánh đi, nói là đi công tác. 
Bà mẹ vợ anh nói với ba người con ruột:
  - Má tính sau khi bán nhà trừ chi phí hóa giá số tiền còn lại má sẽ chia đều cho bốn đứa, má sẽ về ở với anh Hai.
Ý những người con thì lại khác, họ không muốn anh được phần như họ. Nhưng cuối cùng tất cả đều vâng theo lời mẹ, ổn thỏa, êm thấm. Với số tiền quá lớn trong tay anh mua một căn nhà mặt tiền, nơi phố chợ đông đúc. Số tiền còn lại anh hùn hạp với vài người bạn mở công ty tư vấn môi giới, mua bán bất động sản, nghe nói làm ăn cũng khá.
Sau khi bán nhà mẹ vợ anh sống thêm được hơn năm nữa thì cụ qua đời.
Bây giờ là thời gian “hợp lí” nhất để anh nghĩ tới chuyện riêng của mình sau hàng chục năm giời đằng đẵng “nín nhịn”. Tôi biết trong khoảng thời gian ấy biết bao nhiêu đàn bà con gái vây bủa quanh anh, giống như muỗi Cà Mau nơi đất mũi bủa vây khi thấy hơi người lạ.
Gái trẻ có, Việt kiều có, mấy bà sồn sồn có… Nhưng anh chỉ yêu, yêu thôi, đâu dám nói lời cầu hôn với ai. Anh không muốn mẹ vợ biết. Anh sợ hỏng việc. Anh hoãn binh, anh nói với họ “Hãy gắng chờ”.
Đàn bà con gái họ không ngại chờ đợi, nhưng họ muốn sự chờ đợi của họ có ý nghĩa hẳn hoi và họ muốn biết vì sao họ phải chờ, phải đợi. Thật “Khó nói lên nhời”.
Mấy cô gái trẻ họ lo sợ, tuổi xuân có thì. Mấy mẹ sồn sồn thì họ lại có cái lo khác, khi mà lửa hồi xuân bùng lên trong lòng sắp tới hồi vãn. Mấy ả Việt kiều ế chồng về nước có ý định kiếm tí đức "lang quân" thì lại có lỗi lo - visa sắp hết… 
Tựu chung  họ không có “năng khiếu”, lòng kiên nhẫn và không có điều kiện để chờ đợi. Chỉ có anh, mình anh, sự “kiên nhẫn” của đàn ông đã cho anh nghị lực để vượt qua số phận và giúp anh có được cơ ngơi ngày hôm nay.
                       

                                                                               T/p HCM mùa khô 2006

3 nhận xét:

Viên Thạch nói...

Huhuhu. Đàn ông cứ nông nổi giếng khơi thế thì phụ nữ chết sớm là phải thôi ạ!

TranKienQuoc nói...

Thế cô cháu đã chết ai như thế chưa? Hay mỗi đ/c chồng hiện lay?

Viên Thạch nói...

Hihihi. Số cháu chắc không gặp được người đàn ông lý tưởng như vậy đâu chú KQ ạ.