Sáng 30/4/1975, chiếc
xe tải nặng Zil-130 của Đoàn cán bộ KHKT Trường Đại học KTQS do đại úy
Lê Khôi - trưởng đoàn và đại úy Ngô Hai – phó đoàn, ì ạch lên đèo Hải Vân. Điều
khiển xe là thượng sĩ Thắng, người có nhiều năm phục vụ đưa đón cán bộ, học
viên nhà trường đi tuyến Vĩnh Yên – Hà Nội.
Đoàn cán bộ Đại học KTQS tiếp quản đài viễn thông Tropo Site Sơn Trà, 5/1975. |
Trên xe còn có các giáo viên của Khoa Vô tuyến điện tử: Nguyễn Minh Kính
(Antenna), Nguyễn Việt Hùng, Kiều Khắc Lâu (Truyền sóng), Trần Hữu Vỵ (Thu), Liên (Radar), Vũ Văn Vượng, Hà Trọng Tuyên (Hữu tuyến)
cùng 4 kĩ sư vừa tốt nghiệp k5 (Phạm Văn Kỉnh trung úy, Đỗ Khôi, Lê Chí Hòa, Trần
Kiến Quốc). Đoàn nhận nhiệm vụ phối thuộc với Viện KTQS và Bộ tư lệnh TTLL khai
thác và làm chủ Hệ thống Thông tin viễn thông quốc tế ICS của Mỹ, ngụy trang bị từ Đà Nẵng vào tới SG.
Trước đó, từ sáng sớm 24/4, đoàn xuất phát từ Binh trạm Thường
Tín, sau khi đã được cấp cơ số xăng đủ vào đến Binh trạm Vinh. Ai cũng hồ hởi, mong
được sớm vượt qua Vĩ tuyến 17 Vĩnh Linh. Qua Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… những
địa danh của tuyến đầu của miền Bắc XHCN lần lượt hiện ra. Đây là lần đầu tiên
mà tôi và Lê Chí Hòa, 2 thằng học viên trẻ vừa tốt nghiệp, được cùng xuyên Việt.
Trái qua: Đỗ Khôi, Chí Hòa, Hoàng Sơn k3, Kiến Quốc trước hệ thống antenna thu phát. |
Qua Đông Hà, rồi qua Thành cổ Quảng Trị, chợt nhớ tới những
gì thằng Lê Bình, thằng Chính Đen, cuối năm 1972, sấp ngửa từ mặt trận về tới Vĩnh
Yên, trong đêm thứ bảy đầu tiên, đã nằm dài trên bãi cỏ sân bóng đá Bảo Sơn, kể
cho chúng tôi nghe: “81 ngày đêm ở đây
ác liệt lắm. Ác liệt từng ngày. Mỗi ngày 1c qua sông Thạch Hãn thì về chẳng còn
đến 1b, mỗi ngày hy sinh đến 100 thằng…
Tao, Cường Mèo lớp mình cùng f325 và cùng f95, chiếm giữ
Thành cổ. Bọn lính VNCH có iểm trợ đã tấn công liên tục. Không may, thằng Cường
Mèo bị thương vào đầu. (Mẹ, trúng đạn hay trượt là số rồi!). Băng cho nó kín mặt
rồi tao đưa nó vào Dinh Tỉnh trưởng. Nó bị nặng quá, mất máu nhiều. Nó đi.
Khi có lệnh rút, liệt sĩ và thương binh nặng phải để lại. Chả
có hương nhang, tao chạy qua vái nó rồi nấc lên: “Tao không đưa mày ra được.
Tha lỗi cho tao. Mày ở lại, tao đi…”. Mẹ, cái thằng bạn cùng lớp suốt từ hè
1965 ở An Mỹ, rồi sang Quế Lâm, về tiếp Hưng Hóa, lại cùng học Thủy Lợi với tao
trước khi đăng lính. Cái quán nước chè ở Lăng Hoàng Cao Khải, đồi diện cổng trường, từng
được mấy thằng Trỗi k5 (tao, Nguyễn Lâm, Cường Mèo) ngồi mòn đít quần… Ở Thành cổ, lắm lúc đùa, sau này
hòa bình, mày về lấy em gái tao... Giờ thì chả còn nó. Thằng Lâm Tắc-ly cũng hy sinh cùng Doanh Mán”.
(Khi viết những dòng này thì đến tháng 10 năm nay, Lê Bình mất
cũng đã tròn 3 năm. Nhớ nó quá!).
Chiều đó đến Huế, dừng xe ngay cầu Bạch Hổ, giặt giũ, nấu nướng.
Sướng nhất là được thả mình bơi lội trên dòng sông Hương trong xanh, sau mấy
ngày đường toàn tắm gội qua loa. Chiều, ăn cơm rồi phân công nhau gác. Đêm, xe
cộ phóng qua cứ ào ào, tốc cả bạt.
Mấy hôm nay, dọc đường, chiếc đài bán dẫn Orionton của đoàn
bật suốt ngày, theo dõi tình hình chiến sự. Giải phóng Phan Rang, Phan Thiết,
Ngã 3 Xuân Lộc, tiến đánh Căn cứ Nước Trong, Biên Hòa… các cánh quân của QĐ2,
QĐ4 hợp đồng binh chủng đang tiến về Sài Gòn.
Sáng 29/4, lại tiếp tục lên đường. Ngày đó, xe cộ không đi
nhanh như bây giờ. Đi từng đoạn phải dừng ở các binh trạm để lấy xăng dầu,
lương thực, thực phẩm. Qua Quân trường Quang Trung ở Phú Bài, thấy nơi rèn lính
của quân đội VNCH lớn, ghê thật. Vùng đất miền trung vẫn khô ran, ít bóng cây.
Chỉ khi qua phá Tam Giang, qua Lăng Cô mới thấy những bóng dừa xanh và bãi biển
tuyệt đẹp.
Sau nhiều cua tay áo, cua chữ A, quãng 10g sáng thì đến đỉnh
đèo Hải Vân. Lên đến đây phải vòng vèo cỡ 20km. Anh Lê Khôi và chúng tôi chạy
ra cuối bãi xe, nhìn sang Đà Nẵng. Dưới nắng chói chang, TP này chả khác gì trại
lính khổng lồđược lợp toàn mái tole. Ở giữa là đường băng sân bay quân sự. Dưới
chân là vịnh Đà Nẵng. Phong cảnh thật đẹp. Xa xa bên kia vịnh là bán đảo Sơn
Trà, sau này mới hay, đó là nơi chúng tôi sẽ đóng quân vài tháng để khai thác
kĩ thuật Đài thông tin Viễn thông đối lưu TROPO SITE Sơn Trà.
Ngay trên đỉnh đèo có cổng thành cổ, chắc được xây từ lâu lắm.
Tham khảo thêm về Hải Vân (Ải Vân) ở đây!
Xe đổ đèo, không vất vả như khi lên nhưng tài Thắng luôn thận
trọng. Cũng gần 20km. Gần đến chân đèo thấy những bồn xăng to đùng, sơn trắng, bám vào chân núi. Đó là Kho xăng Liên Chiểu (nhớ lại, từng xem những bộ phim đặc công ta tấn công vào đây).
Từ Liên Chiểu, qua cầu Nam Ô vào TP. Đoạn này vẫn cát là cát, rồi nghĩa trang liền liền. Dọc đường thấy những bàn thờ dựng giữa trời.
Từ Liên Chiểu, qua cầu Nam Ô vào TP. Đoạn này vẫn cát là cát, rồi nghĩa trang liền liền. Dọc đường thấy những bàn thờ dựng giữa trời.
Qua trạm gác đầu Ngã 3 Huế, anh Lê Khôi cho dừng xe, hỏi đường
vào sân bay Đà Nẵng. Sở chỉ huy tiền phương của BTTM đóng trong sân bay. Đà Nẵng
là TP lớn, khác hẳn Huế. Xe pháo nhộn nhịp, nhà cửa san sát. Cửa hàng cửa hiệu
đầy phố. Cảm giác rạo rực. TP giải phóng từ 29/3, cách đây tròn 1 tháng nên dân
chúng đi lại tự do. Nhà nào cũng treo cờ quạt mừng thống nhất nước nhà.
Xe dừng trước cổng quân sự, làm thủ tục vào trong sân
bay. Lúc này quãng 11g trưa. Chiếc đài
bán dẫn trên tay anh Kỉnh phát ra giọng phát thanh viên miền Nam: “Đây là Tiếng
nói của Ủy ban Quân quản Sài Gòn. Chúng tôi xin trân trọng báo tin, TP Sài Gòn
đã về tay nhân dân… Kính mời các nhân viên nhà đèn, đài phát thanh… về vị trí
làm việc…”. Đại loại thế.
Thế là anh em trên xe nhảy cẫng lên reo hò, ôm lấy
anh Kỉnh và thầy Ngô Hai chia vui. Hai người xúc động thực sự vì anh Kỉnh còn má sống ở
Bến Tre và thầy Ngô Hai còn gia đình ở Sài Gòn. Nước mắt lưng tròng.
Khắp nơi nghe thấy tiếng hô vang: “Sài Gòn giải phóng rồi! Hết
chiến tranh rồi”. Lính tráng tung mũ cối lên reo mừng. Có cả những tràng súng
liện thanh AK bắn lên trời không dứt. Dân Đà Nẵng phóng xe về trung tâm TP,
trên tay ai cũng có cờ đỏ sao vàng hay cờ giải phóng.
Tưng bừng, rạo rực. Đó là 11g30 trưa 30/4/1975!!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét