Điều mà không một ai có thể ngờ kể cả Hoa Kỳ, Nga vả Tây Đức, có một tay bí mật khác nhảy vào đấu giá. Đó là Do-thái. Tôi là người Do thái, một điều không bình thường trong giới lãnh đạo tình báo cao cấp của khối Xô Viết. Chính xác hơn, tôi có nửa phần Do thái vì mẹ tôi là Gentile (người không theo đạo Do Thái). Nhưng cũng đủ thành người Do thái để bị phân loại và bị bách hại theo luật pháp phân biệt chủng tộc Nuremberg được ban bố năm 1936 , nếu gia đình của tôi bị Đức Quốc Xã bắt kịp khi chúng tôi trốn chay sang Pháp rồi sau đó sang Nga. Chủ thuyết tôi theo đuổi một khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt có thể biến tôi thành kẻ kình địch của Israel. Nhưng tôi luôn quan tâm theo dõi tình hình Do thái, và gia đình tôi đã cho phép tôi thừa hưởng truyền thống Do thái, chưa kể đến đức tin Do thái.
Mối liên lạc của tôi với Tel Aviv (thủ đô Do thái) đến rất trễ nếu không muốn nói là bất ngờ, do sự xuất hiện của tôi nhân một buổi họp ngày 4 tháng11 năm 1989 tôi kêu gọi cải cách trong chế độ Đông Đức. Tại đây tôi gặp một phụ nữ tên Irene Runge, người điều khiển trung tâm Văn Hóa Do thái, thành lập tại Đông Bá Linh vào những thập niên 1980 sau hàng chục năm truyền thống Do thái bị đàn áp tại Đông Âu, do sự cấu kết giữa Cộng Hòa Dân Chủ Đức với khối Ả-rập. Tôi trả lời cuộc phỏng vấn của Irene để đăng trên một nhật báo Do thái, và tôi tham dự một cuộc họp của hội bà ta với tư cách là khách, sau đó tôi không màng đến nữa.
Vào mùa hè năm1990, thình lình bà ấy gọi tôi để báo tin ông Rabbi Tsvi Weinman, một vị lãnh đạo cao cấp của Chính Thống Giao tại Jerusalem, muốn làm quen với tôi. Đúng hôm đó rơi vào ngày thứ sáu, có nghĩa là Ngày Sabbath Do thái sẽ khởi sự lúc mặt trời lặn và vị này không thể nào gặp gỡ tôi tối nay được. Tôi điện thoại cho ông và chúng tôi vui vẻ đùa cợt với nhau và đồng ý gặp nhau lần tới khi ông ghé Bá Linh. Không bao lâu sau ông xuất hiện trở lại nói rằng lý do chính ông đến đây là để thăm trung tâm Văn Hóa Do-thái. Tôi mời ông đến căn phòng của tôi. Ông đến rất đúng giờ hẹn. Ông trạc 50 tuổi, đội nón vành tròn đen và không có một dấu hiệu nào khác chứng tỏ ông là Do thái chính thống giáo. Ông ân cần hỏi thăm tình trạng của tôi, ở vị trí của một người có bản sắc Do thái và kinh nghiệm bách hại, trước tình thế sắp đương đầu với tòa án chính trị của nước Đức. Ông khôn khéo tránh đề cập đến công việc trước đây của tôi, nhưng hỏi tôi có muốn thăm viếng Israel không. Tôi liền suy nghĩ mục đích của ông Weinman không lẽ chỉ vì vấn đề văn hóa. Liền sau đó tôi nhận được thư của một nhật báo Do-thái tờ Yediot Abranoth mời tôi sang thăm viếng Israel.
Tìm hiểu về Weinmann tôi được biết có lời đồn ông làm việc cho Mossad (tình báo Do thái) hồi còn thanh niên. Ông đích thân phản bác chuyện này và nói ông đã phục vụ trong quân đội nhưng không hề làm việc cho ngành tình báo. Chúng tôi thường xuyên điện thoại cho nhau và trông chờ chuyến đi của tôi, và tôi hình dung bộ mặt thiểu não của Bonn, Moscow và Washington khi họ thấy những hàng tựa lớn đăng tin sự xuất hiện thình lình của tôi tại Israel. Tôi đoán chừng Mossad cũng muốn dò xét những hiểu biết của tôi về những nhóm Palestine và hoạt động của họ, một điều mà tôi biết rất ít, nhưng tôi quyết định bước qua cầu khi tôi đặt chân xuống Đất Thánh. Dù gì đi nữa, cuộc viếng thăm này cho tôi một cơ hội mới để thoát ra khỏi nước Đức. Tôi không thể nào để cho miếng mồi này vuột khỏi tay tôi.
Hai tuần trước ngày thống nhất nước Đức, tôi nhận cú điện thoại bất ngờ của Weinmann. Ông có vẻ thất thần và hơi ngượng ngùng. Cuộc viếng thăm bị bãi bỏ. Tờ báo không còn chú ý đến tôi, ông nói, vì sự xuất hiện của một quyển sách chỉ trích Mossad và phương pháp làm việc của cơ quan này đã gây phẫn nộ trong quần chúng. Bây giờ không đúng thời điểm để mời tôi sang. Tôi hiểu ngay là Do thái lạnh cẳng vào giờ phút chót, chắc chắn họ e sợ tất cả những dịch vụ tôi cung cấp cho họ không bù lại những tai hại mà tôi có thể gây nên cho mối giao hảo của họ với Tây Đức vì sự hiện diện của tôi tại Israel. Cánh cửa hy vọng vừa hé mở đã bị đóng xầm lại. Nhưng Tel Aviv không cắt đứt hoàn toan mối dây liên lạc với tôi. Sau cuộc điện đàm với Weinmann, tôi nhận được một cú điện thọai khác từ tòa báo, hứa cấp cho tôi chiếu khán và vé máy bay vào một ngày khác. Tôi dàn xếp để họ cất giữ cho tôi tại Vienna. Nhưng khi tôi kiểm soát lại một vài tuần sau, tôi không nhận được gì cả. Nếu quả vé đó nằm tại đây thì nay nó không còn đó nữa.
Đến đây áp lực rất mãnh liệt, và tôi biết chính quyền Đức nông nón nhìn thấy tôi đứng trước vành móng ngựa. Tôi trốn nơi nào đây? Và giá phải trả là bao nhiêu? Tôi không còn lựa chọn nào đáng trông đợi nữa, và tôi không còn đủ thời giờ nữa.
"...Chúng tôi cũng được huấn luyện kỹ lưỡng về kỹ thuật tuyên truyền. Trong một lớp huấn luyện, một người được chỉ định để trình bày những lý luận của kẻ thù Quốc Xã đạt đến mức thuyết phục tối đa, trong khi đó những người khác phản bác lại với những luận cứ chống phát-xít…"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét