Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

NƯỚC ÉP CÀ RỐT: VUA CỦA CÁC LOẠI NƯỚC ÉP (ST: Đạt)

mav048

Được coi là loại nước ép “vua” với những tác dụng tốt cho sức khỏe, nhưng Nước ép cà rốt không phải lúc nào cũng an toàn.
Trong cuốn “Rau tươi và nước ép hoa quả”, tiến sĩ N.W. Walker đã viết rằng nước ép hoa quả giúp phấn chấn đồng thời rất bổ ích cho cơ thể, nhất là với những ai đang ở trong chế độ giảm cân. Và trong các loại rau quả này, cà rốt được xếp đứng ở hàng đầu.
Trong cà rốt chứa lượng sinh tố A vào loại cao nhất trong các loại thực phẩm. Đây là loại vitamin A dễ dàng cho cơ thể hấp thu. Bên cạnh đó, các sinh tố B, C, D, E, G, K cũng có nhiều trong cà rốt.


Tác dụng của nước ép
Phân tử của nước ép cà rốt giống như phân tử trong máu người, điều đó đã nói lên phần nào tác dụng của nước ép cà rốt cho cơ thể. Nói một cách cụ thể, nước ép cà rốt giúp bảo vệ và cải thiện cấu trúc xương răng. Loại thực phẩm này còn giúp cải thiện nguồn sữa của sản phụ. Cà rốt cũng làm liền lại các chỗ lở loét trong cơ thể – việc này giúp giảm khả năng ung thư đáng kể.
Ngoài ra, các chứng nhiễm trùng cổ họng, mắt cũng sẽ bị đẩy lùi bởi nước ép cà rốt. Đồng thời, nó giúp cân bằng hóa học trong cơ thể.
Nước ép cà rốt còn nên được coi như một loại nước dưỡng da, giúp giữ ẩm cho da và ngăn chặn quá trình lão hóa.
Nhưng đừng lạm dụng
Tuy vậy, cũng như bao loại thực phẩm bổ dưỡng khác, chúng ta cần sử dụng nước ép cà rốt đúng lúc, và không lạm dụng.
Việc uống nước ép cà rốt thường xuyên có thể tạo nên áp lực cho tuyến tụy. Trong cà rốt chứa nhiều beta carotene, đó là lý do để người nghiện loại củ này có làn da chuyển sang màu đỏ.
Nếu bị các bệnh liên quan tới tụy và đường ruột, nên hạn chế sử dụng loại thực phẩm này. Ngoài ra bệnh nhân tiểu đường cũng cần giảm thiểu liều lượng nước ép cà rốt đưa vào cơ thể: 1 cốc mỗi tuần.

10 loại rau củ phổ biến có tác dụng ngừa ung thư

mav035
Ung thư là chứng bệnh ai cũng muốn tránh càng xa càng tốt, và thực ra có những thực phẩm quen thuộc có thể hỗ trợ chúng ta trong việc này.
Hành tây, tỏi cô đơn, khoai lang, ớt, trà, rau đắng… được chứng minh giúp phòng chống ung thư.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ (Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y Dược TP HCM) khuyến cáo, một trong những yếu tố dẫn đến bệnh ung thư là do ăn uống. Theo Tổ chức Y tế thế giới, 30% người mắc bệnh ung thư được cho rằng có liên quan đến thói quen ăn uống không lành mạnh.
Nhiều bằng chứng cho thấy việc hấp thụ thường xuyên thực phẩm chứa nhiều mỡ, sữa nguyên bơ, thịt hun khói hay ướp muối có thể dẫn đến ung thư, đặc biệt ung thư đại tràng và trực tràng. Ngược lại, các loại rau xanh, củ, quả tươi chứa nhiều hoạt chất chống ôxy hóa, vitamin, chất xơ góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh.
Theo các chuyên gia, ăn uống hợp lý có thể làm giảm 35% ca tử vong do ung thư. “Một chế độ ăn uống lành mạnh không phải nạp ít hay nhiều một loại thức ăn mà cơ bản là duy trì chế độ ăn uống hợp lý có đầy đủ các loại thực phẩm cơ bản như gạo, thịt, rau và trái cây”, bác sĩ Tấn Vũ lưu ý. Ông gợi ý một số loại trái cây, rau củ phổ biến ở Việt Nam được chứng minh tốt cho sức khỏe, có khả năng phòng ngừa bệnh tật, đặc biệt là ung thư, các gia đình nên bổ sung thêm vào khẩu phần ăn như:
1. Hành tây

Hành tây được chứng minh có tác dụng phòng ngừa ung thư dạ dày. Ảnh: Health.
Hành tây chứa vescalin (C27H20O8) là hoạt chất tự nhiên chống ung thư. Nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên ăn loại củ này, tỷ lệ bị ung thư dạ dày thấp hơn 25% so với nhóm ăn ít hoặc hoàn toàn không ăn. Riêng những trường hợp đã bị ung thư dạ dày mà áp dụng chế độ ăn bổ sung thêm hành tây thì tỷ lệ tử vong thấp hơn 30% so với nhóm còn lại.
2. Tỏi cô đơn

Tỏi cô đơn trước và sau khi lên men thành tỏi đen. Ảnh: Leo’s black garlic.
Các nhà khoa học thuộc Viện Ung thư Quốc gia Mỹ chứng minh tỏi có thể làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và các ung thư khác như đại tràng, dạ dày, vú. Những người ăn mỗi ngày một tép tỏi, nguy cơ ung thư sẽ giảm một nửa so với người không ăn.
Bác sĩ Tấn Vũ cho biết, ở miền Trung Việt Nam có loại tỏi hiếm là tỏi cô đơn (còn gọi là tỏi một nhánh) ở Lý Sơn, Phan Rang, được Đông y xếp loại là thảo dược quý vì chứa nhiều hoạt chất giúp phòng và chữa bệnh. Loại củ này có mùi hăng nồng không phải ai cũng ăn được. Các nhà khoa học đã nghiên cứu cách khử mùi mà vẫn giữ lại những dược chất tốt bằng phương pháp lên men tự nhiên trong 60 ngày để tạo ra tỏi đen có vị ngọt và dẻo giống trái cây sấy khô.
Quá trình lên men không làm mất các hoạt chất có lợi mà còn tăng sinh các chất này với hàm lượng cao gấp từ 10 lần so với tỏi tươi. Ăn từ một đến hai củ tỏi đen hàng ngày rất tốt cho người bị huyết áp cao, mỡ máu, suy giảm chức năng gan, mất ngủ kinh niên.
3. Măng tây

Măng tây có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng và bổ dưỡng. Ảnh:phunukieuviet.
Loại măng này có hàm lượng vitamin, rutin cao, có tác dụng nhất định với các bệnh ung thư da, ung thư bàng quang… Măng tây có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng, bổ dưỡng mà có lợi cho sức khỏe.
4. Ớt
Chất capsaicin trong ớt giúp tăng cường sức khỏe tim mạch bằng cách cải thiện khả năng hòa tan máu đông, chống viêm nhiễm. Chất này còn làm chậm sự phát triển, thậm chí giết chết tế bào ung thư mà không gây tổn hại đến các tế bào xung quanh.
5. Trà
Trà chứa phenylpolyphenol có tác dụng chống ung thư. Uống nước trà có thể phòng chống một số bệnh như ung thư gan, dạ dày. Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ uống trà xanh hàng ngày giảm 60% khả năng bị ung thư buồng trứng. Hầu hết các loại trà đều tốt, song trà xanh có tác dụng chống ung thư mạnh nhất.
6. Rau đắng
Các chất chống oxy hóa trong rau đắng giúp loại bỏ các gốc tự do là sản phẩm phụ nguy hiểm của quá trình trao đổi chất làm cho tế bào chết hoặc đột biến thành ung thư. Bổ sung rau này vào chế độ ăn hàng tuần giúp duy trì chất lượng cuộc sống và tăng cường quá trình trao đổi chất. Chất chống oxy hóa cũng giúp ngăn ngừa một số loại ung thư. Nghiên cứu đang tiếp tục chứng minh các thành phần trong rau đắng có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm sự lây lan của bệnh này.
Lưu ý: Việc bổ sung liên tục bất kỳ loại thảo dược nào trong thời gian dài đều không được khuyến khích và rau đắng cũng không ngoại lệ. Chỉ nên bổ sung khi cần giảm bớt triệu chứng hoặc bệnh, không nên ăn thường xuyên trong hơn 12 tuần. Riêng bệnh nhân hen suyễn, nhiễm trùng đường tiết niệu, giảm nhịp tim hoặc tăng đường huyết không nên dùng rau này.
7. Cà rốt
Cà rốt chứa caroten, protid, lipid, glucid, nước, cenluloz, các muối khoáng và vitamin C, D, E, B1, B2. Nước ép của cà rốt bôi ngoài da chữa một số bệnh như mụn nhọt, nấm, chàm, bỏng, vết thương lỏ loét, bổ trợ điều trị ung thư vú, ung thư biểu mô. Cà rốt và các loại rau màu xanh, vàng cũng có tác dụng phòng ngừa ung thư. Theo nghiên cứu, củ cà rốt sống chứa một lượng lớn các chất có khả năng chống lại bệnh ung thư đại tràng, trực tràng, vú.
8. Nấm
Các nhà khoa học Mỹ và Nhật đã phát hiện rất nhiều loại nấm như nấm hương, nấm đông, nấm rơm, mộc nhĩ đen, mộc nhĩ trắng, nấm búp có chứa hoạt chất chống ung thư. Chẳng hạn như chất pholysaccharide trong nấm đông cô, pholysaccharide trong mộc nhĩ trắng và mộc nhĩ đen cũng là chất chống ung thư khá hiệu quả.
9. Khoai lang
Loại củ này chứa chất chống ôxy hóa beta carotene, vitamin, chất khoáng và xơ giúp phòng bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư. Ăn khoai lang mỗi ngày giúp giảm 22% nguy cơ nhồi máu cơ tim ở nữ giới, giảm từ 40 đến 70% nguy cơ đột quỵ.
10. Cà chua
Cà chua có lycopene và beta caroten (vitamin A tự nhiên) có tác dụng chống ôxy hóa tế bào, nhờ đó giúp phòng chống ung thư vú, dạ dày và ung thư đường tiêu hóa. Để ngừa các bệnh ung thư, đặc biệt là tuyến tiền liệt, nên ăn nguyên trái cà chua chưa chế biến.
Thi Ngoan (VNexpress.net

Không có nhận xét nào: